Chương 3: PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ HUY CẬN THỂ HIỆN QUA NGÔN NGỮ THƠ LỬA THIÊNG 3.1. Phong cách thơ Huy Cận qua nghệ thuật ngôn từ Lửa thiêng
3.2. Phong cách thơ Huy Cận qua nhạc tính trong Lửa thiêng
3.2.2. Nhạc tính trong thể loại thơ lục bát
Lục bát là thể thơ dân tộc đã nhuần nhuyễn hóa trong ca dao và đạt đến đỉnh cao qua Truyện Kiều. Câu thơ lục bát được xem là sớm nhất, xuất hiện trong bài “Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào” của Lê Đức Mao (1462- 1529), đầu thế kỷ XVI. [50]
Huy Cận rất thành công với các thể thơ 7 chữ, 8 chữ và đặc biệt khi sáng tác những bài thơ lục bát. Ngay từ buổi đầu tiên bắt đầu đến với làng thơ, gặp gỡ nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Huy Cận đã được Nhất Linh hết lời khen tặng và đọc thuộc bài Chiều xưa của ông.
Trong thơ lục bát, vần lưng (thanh bằng) là ưu điểm, luôn tạo sự êm ái và nhạc điệu du dương cho câu thơ lục bát. Huy Cận xuất hiện trên thi đàn với những câu thơ lục bát thật quen thuộc của thể điệu thơ dân tộc nhưng nó rất mới lạ, tinh diệu khi thể hiện nội tâm con người và ngoại cảnh :
Đêm mưa làm nhớ không gian Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.
...
(Buồn đêm mưa)
Tuy nhiên, thể điệu lục bát với âm điệu ca dao đậm chất thơ dân tộc cũng len lỏi một chút âm hưởng văn chương phương Tây khi chuyển sang nhạc trong thơ Huy Cận. Ví dụ, trường hợp bài Ngậm ngùi. Bản thân bài thơ đã có sẵn nhạc tính bài ca dao nhịp 2/2/2/ thật giản dị với vần lưng thanh bằng như nhịp điệu đong đưa, với tiếng ru à ơ. Khi Phạm Duy phổ nhạc bài thơ, ngôn từ không “bị hy sinh” thay đổi theo một cung bậc nào. Nhưng, mặt khác, ca khúc Ngậm ngùi giờ đây đã mang âm hưởng nhạc Tây phương. Âm hưởng càng rõ nét với chủ âm cung Do, mang giai điệu du dương, êm ái, đều đặn:
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu Sợi buồn con nhện giăng mau!
Em ơi! hãy ngủ… anh hầu quạt đây!
…
Trong sáng tác thơ lục bát, sự đều đặn theo thanh bằng của vần lưng cũng thường gây trở ngại cho việc tìm vần của các nhà thơ. Nhưng vượt lên được nó, âm điệu trầm bổng của thơ sẽ có sức quyến rũ người nghe. Thử đọc lại câu thơ Hồ Dzếnh với âm điệu cổ điển, mênh mang từ những địa danh trong văn chương cổ điển Trung Quốc nhưng lại là tâm cảm mới của các nhà thơ ở thế kỷ XX:
Tô Châu lớp lớp phù kiều
Trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam Rạc rời vó ngựa quá quan
Cờ treo ý cũ, mây giàn mộng xưa (Hồ Dzếnh)
Ngoài vần lưng tạo âm, nhịp điệu, nhạc điệu của câu thơ lục bát còn được hình thành nhờ đâu? Chính phương thức song hành, lặp đi, lặp lại, thường thấy trong ca dao, giờ càng phát huy hơn qua thơ lục bát của các nhà thơ mới. Vấn đề
không mới nhưng nó là cốt lõi: Vần thơ mang trong nó có ý nghĩa tổng quát để có thể nói được rằng vấn đề cơ bản của thơ ca là sự song hành (parallélisme).
Tính song hành có sẵn này dễ tìm thấy trong câu thơ lục bát Việt Nam:
Đã đành máu chảy về tim
Nhưng không ngăn nổi cánh chim giang hồ Người đi xây dựng cơ đồ
Người về chôn chặt nấm mồ thanh xuân (Nguyễn Bính)
Trong thơ ca cổ điển Việt Nam thường tìm thấy dạng song hành qua kiểu tiểu đối. Chẳng hạn, Nguyễn Du thường sử dụng kiểu tiểu đối trong thơ Kiều:
-Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc >< nửa soi dặm trường.
-Người quốc sắc >< kẻ thiên tài - Khi chén rượu >< khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở >< khi chờ trăng lên
Bài Thu rừng của Huy Cận cũng được tìm thấy các cặp thơ song hành theo kiểu đối nhau tương tự:
Sắc trời trôi nhạt dưới khe
Chim đi lá rụng >< cành nghe lạnh lùng Sầu thu lên vút song song
Với cây hiu quạnh >< với lòng quạnh hiu Non xanh ngây cả buồn chiều><
Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia (Thu rừng)
Hoặc, một kiểu song hành khác khi mô tả tâm lý khá tinh tế:
Tình đi mau, >< sầu ở lại lâu dài
(Bi ca)
Người một thuở (mà) >< chàng sầu vạn kỷ (Mai sau)
Thực ra, về nguyên lý song hành trong thơ ca, ở phương Tây đã được các công trình nghiên cứu của Hopkins, của Robert Lowth tổng kết từ đầu thế kỷ XIX [114, 372-373]. Một điều đáng rút ra ở đây: về nguyên lý song hành liên quan đến nghiên cứu thơ ca khi Hopkins chứng minh tính song hành có liên quan đến cấu trúc câu thơ- thể hiện trong nhịp điệu (láy lại một chuỗi âm nào đó), trong vần luật (láy lại một chuỗi tiết tấu nào đó, trong láy phụ âm (điệp âm)… Hoặc, theo Robert Lowth, có ba kiểu song hành có thể vận dụng vào câu thơ: song hành đồng nghĩa, phản đề và tổng hợp. Như vậy, không riêng gì cấu trúc những câu thơ phương Tây hay thơ Đường của Trung Quốc, vấn đề nguyên lý song hành khi vận dụng và triển khai sâu vào thơ ca Việt Nam, vốn nằm trong quan niệm mỹ học cổ điển phương Đông, chắc chắn sẽ tìm thấy nhiều điểm tương đồng (tính hài hòa, cân đối, đối xứng…).
Tóm lại, chính nhờ sự sáng tạo của các nhà thơ đi tìm ngôn từ, vần điệu, nhịp điệu, phương thức song hành… (nói riêng ở đây là trường hợp thơ lục bát của Huy Cận), theo nhận xét của Nguyễn Phan Cảnh: “thơ lục bát đã đi từ giai đoạn văn học này đến giai đoạn văn học khác, từ dòng văn học này vào dòng văn học khác: mặc dầu đã sâu rộng đến như thế trong ca dao, nhưng rồi vẫn đánh bạt mọi thể loại hàn lâm để rực rỡ trong Truyện Kiều, và Thơ mới ra đời lại được mời chào trân trọng.” [7, 90 ]