Chương 2: PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ HUY CẬN THỂ HIỆN QUA VŨ TRỤ THƠ LỬA THIÊNG 2.1. Cảm hứng sáng tạo và giọng điệu thơ của Huy Cận
2.2. Sự thể hiện vũ trụ thơ qua Lửa thiêng
Trong phần diễn giải và ghi nhận riêng những vấn đề trong Thi học và Ngữ học của Roman Jakobson, ở phần phụ lục viết thêm ở cuối sách, Trần Duy Châu đã nêu một khía cạnh khá lý thú rằng “các yếu tố khác nhau của thực tại là có thể đổi lộn được cho nhau. Người ta có thể so sánh bầu trời với bất cứ cái gì đó, bằng cách này hay cách khác có gần gũi nhau một cách tiềm
ẩn. Chính bằng những thủ pháp ấy, nhà thơ nói lên được mối liên hệ sâu kín mang tính phổ quát của thế giới hiện thực- cơ sở để nhà thơ tạo dựng, theo cách này hay cách khác, “vũ trụ thơ ca” của riêng mình…” [114, 375]
Trong quyển Thơ - Thi pháp và chân dung, nhà nghiên cứu văn học Đặng Tiến đã vận dụng lý luận văn học phương Tây hiện đại trong cách phân tích, phê bình văn học Việt Nam. Từ cảm thụ, thẩm định, thưởng thức thế giới thơ ca của các nhà thơ Việt Nam, Đặng Tiến gọi là vũ trụ thơ của Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Xuân Diệu, Quang Dũng, Văn Cao, Bùi Giáng… Đỗ Lai Thúy cho rằng khái niệm “vũ trụ thơ”, thi giới mà bây giờ người ta thường gọi là thế giới nghệ thuật…
Trước Đặng Tiến, Nguyễn Văn Trung đã nêu khái niệm “vũ trụ thơ” khi ông dựa vào bài “Sáng tạo thẩm mỹ” của Paul Valéry. Nhà văn kiêm lý luận văn học người Pháp này phân tích: “thơ khác với văn xuôi”; và, “nhà thơ phải tạo ra một vũ trụ thơ, nghĩa là một trạng thái tâm tình, tình cảm trong đó ngôn ngữ có thể đóng một vai trò khác hẳn vai trò bày tỏ ý nghĩa của một cái gì đang có hay đã có, sẽ có. Và trong khi ngôn ngữ thực dụng bị tiêu diệt thu hút đi một khi đã đạt tới mục đích (hiểu ý) thì ngôn ngữ thơ phải hướng tới việc bảo tồn hình thức.” [152, tập 2, tr. 22] Một nhà nghiên cứu văn học khác ở hải ngoại, Nguyễn Vy Khanh đã nêu khái niệm “vũ trụ thơ” trong chuyên luận “Thơ hôm nay”. (Chuyên luận này khái quát chặng đường thơ ca đã qua và mô tả những xu hướng thơ ca mới đang thử nghiệm.) Ông còn cho rằng
“vũ trụ thơ” là “vũ trụ con chữ” với mỹ học của nó [173]. (Hiện tại, giới nghiên cứu trẻ cũng tỏ ra quan tâm đến thuật ngữ này. Chẳng hạn, Trần Thiện Khanh khi nghiên cứu thơ Hàn Mặc Tử đã sử dụng cụm từ: Vũ trụ thơ của Hàn Mặc Tử: Kỳ dị và lạ thường…)
Riêng người viết cho rằng “vũ trụ thơ” bao quát quan niệm nghệ thuật, tâm lý sáng tạo của nghệ sĩ về thế giới, về cuộc đời, về số phận con người được thể hiện qua văn bản nghệ thuật, qua nghệ thuật ngôn từ.
Nhà thơ có thể tưởng tượng, hoặc phá vỡ sự tưởng tượng cũ để tạo nên hình tượng, thi ảnh mới; hoặc thể hiện điểm nhìn nghệ thuật bằng thế giới ngôn từ. Vũ trụ thơ mang “hồn cốt” của tác giả, tác phẩm và chính cảm hứng sáng tác, giọng điệu, thi ảnh sẽ là những yếu tố quan trọng biểu hiện phong cách thơ.
Trong vũ trụ thơ Gởi hương cho gió, Thơ thơ của Xuân Diệu, người ta thường bắt gặp “thế giới của tình yêu say đắm”, “khát vọng hạnh phúc”,
“hương sắc trẻ trung của cuộc đời”, “là những khu vườn tình ái tươi đẹp”…
Với Hàn Mặc Tử, vũ trụ thơ “đầy ánh sáng ảo huyễn”, “kỳ dị, lạ thường”,
“mật đắng, máu cuồng và hồn điên”, là “trăng, nước, khí trời”… Qua Điêu tàn, Chế Lan Viên cũng tạo ra một “cõi yêu ma từ bóng dáng đổ nát của những tháp Chàm ngày đêm in bóng trên nền trời Bình Định” v.v…
Còn, ở Lửa thiêng, vũ trụ thơ của Huy Cận là “nỗi sầu vũ trụ”, “nỗi sầu vạn kỷ”, là “nhớ không gian”, là “Đẹp xưa”, là “yêu giữa đời mà hồn ở trong mơ”, là “triết lý cuộc đời qua cảm hứng đất, nước, lửa”… Vũ trụ thơ của Huy Cận bình dị, hồn hậu, đa dạng, bao gồm nhiều góc không gian vừa lạ vừa quen của quê hương, đường làng, rơm rạ, sông, núi, đất, trời, trường học, phố thị và cả con đường gập ghềnh dẫn tới nghĩa trang quạnh quẽ…Qua đó, phong cách thơ ông cũng được hé lộ, được hình thành và đôi khi cũng…
“biến hóa” theo cảm xúc giọng điệu, điểm nhìn, nghệ thuật ngôn từ trong thơ.
Tất nhiên, ở thơ Huy Cận, giọng điệu chủ âm trong Lửa thiêng thường ảo não, thâm trầm, nhưng đôi lúc những cảm xúc yêu đương, yêu đời của tuổi trẻ cũng không sao che giấu được bên cạnh vẫn có một giọng điệu âu yếm, tươi vui dạt dào.
Nghiên cứu tập thơ Lửa thiêng, người viết chọn ra bảy đề mục tiêu biểu, nổi bật, có thể coi là “dấu ấn” thể hiện vũ trụ thơ Huy Cận. Đó là những cảm hứng về tuổi trẻ thật trong trẻo, về tình yêu; cảm hứng về cái Đẹp (Đẹp là buồn); về Nước- mênh mang những nỗi buồn; về Lửa – sự hoài niệm về sứ mệnh chưa tròn của một nhà thơ; về Đất – sự suy tưởng đậm chất triết lý về lẽ sống, chết; về Không gian vũ trụ, thấm đượm nỗi cô đơn như một cách “thanh lọc” tâm hồn nhà thơ, thoát khỏi “ô nhiễm của thời đại”; và, cuối cùng là sự thể hiện khát vọng lý tưởng của nhà thơ đối với Cuộc Đời. Qua những cảm hứng này, còn là đề tài, thi ảnh, ẩn dụ được bộc lộ khá uyển chuyển qua hai giọng điệu có khi thật tươi vui, yêu đời, có khi thật sầu não hoặc có khi giọng điệu sầu não vẫn đượm một chút trào lộng, tự châm biếm; thế nhưng, chủ yếu giọng điệu sẩu não, sâu lắng vẫn là nét lặp đi, lặp lại nhiều tần số, xuyên suốt tập Lửa thiêng.
Dựa trên cơ sở tâm lý, tình cảm, hoạt động của con người luôn bắt đầu từ tuổi trẻ, mộng mơ, tình yêu rồi mới đến những trải nghiệm khác trong cuộc sống, người viết tạm sắp xếp và mô tả các nguồn cảm hứng sáng tạo của nhà thơ như sau.
2.3.1. Tủ mới đóng và lòng trai thơm ngát – Cảm hứng Tuổi trẻ với nhiều mộng mơ
Xuân Diệu nhắc đến tuổi trẻ và luôn ý thức trân trọng tuổi trẻ qua nhiều bài thơ. Ngay cả trong tập văn xuôi Trường ca, ông cũng bộc lộ những suy nghĩ và tình cảm đầy chắt chiu, quyến luyến: “Giang sơn tuổi nhỏ, tôi muốn buông ra mà không buông hẳn, luống băn khoăn không biết những vưu vật của Tạo hóa, bạn sau ta có biết giữ gìn chăng? Ta đi rồi ai đến đây? Ai đến có phụ phàng những ngày biếc?… Này gã trai tơ, sách chật năm ngăn, mộng ứ rương hòm, tôi xin giao lại cái giang sơn thơ mộng cho người… Ở trong tuổi đẹp, chúng ta đều là bầu bạn: giang sơn tuổi nhỏ, này anh giao lại cho em…”
[20, tập 2, tr. 159]. Tế Hanh nhắc về “tuổi Hoa niên” với nhà báo Trần Trung Sáng (Đà Nẵng): “Theo tôi, đời người có ba cái quý nhất: tuổi trẻ, tình yêu, thơ ca. Với Huế, và chỉ ở Huế tôi có được cả ba cái đó, sau này tôi không tìm được nơi đâu. Đây là thời gian tôi làm được những bài thơ đầu tiên như Quê hương, Con đường quê, Những ngày nghỉ học…” [177]
Lửa thiêng trước hết là một tập thơ của tuổi trẻ. Hoài Thanh đã nhận xét rất tinh tế! Dưới những câu thơ, bài thơ có vẻ già, nhà phê bình nhận ra đó là
“thơ của tuổi hai mươi”. Trong vũ trụ thơ Lửa thiêng của Huy Cận còn có một mảng thơ gần như bao trùm được hết những cảm xúc một thời hoa niên đẹp đẽ, trong trẻo với tuổi trẻ lãng mạn, đầy mộng mơ và cũng đầy đau khổ. Âm hưởng tuổi học trò trong sáng qua những trang sách của Anatole France, lung linh trong khu vườn Luxembourg, có những chiếc lá thu, rất gần gũi với những chàng học sinh trường Quốc học Huế ngày ấy. Cái “vũ trụ thơ” ấy có lúc tưởng không còn là vũ trụ riêng của Huy Cận, nó đã trở thành một thứ
“kinh cầu tự” qua bao nhiêu thế hệ học sinh bước vào tuổi mới lớn.
-Giờ nao nức của một thời trẻ dại!
Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương!
Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường, Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc
…
Đêm tựu trường mùi cửa sổ mới sơn, Tủ mới đánh, và lòng trai thơm ngát
(Tựu trường)
Tuổi học trò thật đẹp, đầy mộng mơ trong thơ Huy Cận! Thế nhưng, có lúc nó đã chuyển biến theo tâm tình của tuổi trẻ, khi chàng học sinh bắt đầu chớm yêu, biết “rộn ái tình”:
Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn,
Tuổi hai mươi đến, có ai ngờ!
Một hôm trận gió tình yêu lại:
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ.
(Học sinh)
Trong thơ Lưu Trọng Lư, cõi mộng là nơi trú ẩn đẹp đẽ nhất của tình yêu. Với Xuân Diệu, nhà thơ vẫn thích bộc lộ tình cảm thật mạnh mẽ, sôi nổi,
“rất đời” như những lời thơ tình rạo rực của Alfred de Musset. Xuân Diệu chỉ mong muốn bộc bạch tất cả, nói tất cả nỗi lòng của một kẻ đang yêu, mời yêu.
Yêu là một cách làm đẹp, làm giàu tình cảm cho mình:
Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ Phải nói yêu, trăm bận đến nghìn lần.
(Phải nói) Mau với chứ, vội vàng lên với chứ, Em, em ơi, tình non đã già rồi;
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi, Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi.
(Giục giã)
Còn Huy Cận, một “chàng thơ” hay “tủi nắng, sầu mưa” nhưng trong tình yêu lại hết sức lãng mạn thiết tha. Cảm xúc trong ngôn từ tình yêu đôi khi rất trừu tượng qua hồn - “nhân vật trữ tình” :
Em nói anh nghe tiếng lẫn lời;
Hồn em, anh thở ở trong hơi (Áo trắng)
Hồn hay người? Đời thực hay cõi mơ? Thế giới mộng và thực dường như hòa quyện lạ lùng:
Yêu giữa đời mà hồn ở trong mơ
Tình rộng quá, đời không biên giới nữa
…
Hồn nhớ thương em dệt áo dâng anh.
(Tình tự)
Tình yêu của con người càng nồng nàn, trọn vẹn thì cũng có nghĩa khi bị từ chối sẽ càng hụt hẫng, thất vọng và chắc chắn nỗi buồn sẽ càng não nề. Ở con người ấy, khi yêu, Huy Cận cũng có một thứ tình yêu đến quên mình, như một “Chú lái khờ” (tên một truyện ngắn của Xuân Diệu) “không biết tính toán”:
Cả linh hồn, tôi đem cho trọn vẹn;
…
Khi thanh xuân, tôi mỏi chạy theo tình, Thủng gai đời, đây tay vói tình yêu
(Trình bày) Để rồi chua chát:
Và tình ái không bao giờ lành được.
…
Ôi! Nỡ nào suốt đời đuổi bắt nhau!
(Cầu khẩn)
Phải chăng tình yêu, hạnh phúc chỉ là mộng ảo, là sự tưởng tượng hão huyền! Nỗi ngại ngần, rồi ngập ngừng trong bài Đi giữa đường thơm cũng tương tự như kiểu tình yêu của Hồ Dzếnh Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề/Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở ? (Ngập ngừng)
Chân bên chân, hồn bên hồn, yên lặng.
Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng, Trí vô tư cho da thở hương tình.
…
Trong cảnh lặng, vẫn đưa mùi gió thoảng…
Trí bâng quơ nghĩ thoáng nhưng buồn nhiều :
“Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu.”
Chân đang bước bỗng e dè đứng lại - Ở giữa đường làng, mùi rơm, hoa dại…
(Đi giữa đường thơm)
Tình yêu giữa hai nhân vật trữ tình trong bài thơ Đi giữa đường thơm sẽ được kết nối tiếp tục hay chấm dứt? Điều ấy trên trang thơ vẫn là ẩn số. Chỉ có điều, một khung cảnh đường quê Việt Nam với mùi rơm, hoa dại, bóng tre, bóng phượng được Huy Cận phác họa, mô tả tuyệt đẹp, êm đềm, rất hiếm tìm thấy trong Thơ Mới.
Tuổi trẻ trong một tập thơ già. Đó là nét đầu tiên của phong cách Huy Cận. Một tuổi trẻ trong trắng, tinh khôi tìm đến nỗi buồn và cả những mơ mộng của tình yêu để giữ gìn sự trong trắng, tinh khôi của mình trong hoàn cảnh xã hội và lịch sử lúc đó. Thơ Huy Cận và Xuân Diệu được thanh niên yêu thích ngay từ đầu (dù họ rất khác nhau) chính vì nét tương đồng trong sự tương phản đó.
2.3.2. Than ôi, trời đẹp nhưng trời buồn – Cảm hứng Cái Đẹp: Đẹp là buồn.
Cái đẹp là sự hài hòa hay nói một cách rõ ràng: hài hòa là quy luật của cái đẹp. Trong mỹ học, khái niệm hài hòa (harmonie), có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “harmonia”, nghĩa là sự liên hệ, cân đối, có mức độ.
Hài hòa là sự thống nhất biện chứng giữa các yếu tố tạo nên sự vật, giữa cái bộ phận với cái toàn thể, giữa cái bên ngoài và cái bên trong. Đó là những mối liên hệ, những kiểu kết hợp mang lại cảm giác về sự thăng bằng, hoàn thiện và toàn vẹn, tạo thành cơ sở tự nhiên của cái đẹp. [148, 263]
Cái đẹp trong thơ ca cổ điển cũng không nằm ngoài quy luật này. Chính vì vậy, đọc bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, người ta cảm
nhận được sự cân đối hài hòa trong âm điệu, nhịp điệu, ngôn từ của một câu thơ, một bài thơ Đường luật.
Nhưng, cái đẹp đã chuyển biến, thay đổi theo quy luật vận động của thị hiếu thẩm mỹ thời đại. Cuộc vận động này thể hiện khá rõ nét qua trào lưu Thơ Mới. Lê Đình Kỵ đã phân tích sự thay đổi quan điểm mỹ học Thơ Mới:
Thơ Mới đưa ra tuyên ngôn về cái đẹp hoàn toàn mới, đối lập với quan điểm thẩm mỹ của thơ ca cổ điển. Tuyên ngôn nghệ thuật mới này bắt đầu từ nhà thơ Thế Lữ với Cây đàn muôn điệu rồi đến Xuân Diệu với bài Cảm xúc; rồi Nguyễn Nhược Pháp, Huy Thông quay về cõi mơ xưa; Hàn Mặc Tử tìm đến thế giới hư ảo của cảm giác đầy tính chất kỳ dị v.v…[62] Cũng trên cơ sở bàn luận lại quan điểm mỹ học Thơ Mới, nhà nghiên cứu Trần Huyền Sâm đã lý giải vấn đề tương đối có hệ thống. Thơ mới đề cao cái đẹp siêu thoát, vượt lên cái bình thường, tẻ nhạt, đề cao cái đẹp kỳ dị, cái đẹp phi chuẩn mực. Phần lớn các nhà thơ Việt Nam đã chịu ảnh hưởng quan điểm thẩm mỹ này từ văn học phương Tây, đặc biệt từ Baudelaire, Valéry, Gautier.
Một số chuẩn mực về cái đẹp theo quan niệm mỹ học của Thơ Mới được thể hiện qua thơ ca: Mộng gắn thơ với cái tĩnh lặng, cái buồn, cái mong manh, hư ảo, huyền diệu, thanh khiết; hoặc đẹp gắn với chuẩn mực ánh sáng, hương thơm, nhạc điệu, âm nhạc; gắn với cái kỳ dị, cái ác, cái kinh khủng, do ảnh hưởng tập thơ “Les fleurs du mal” (Những bông hoa tội lỗi) … [117] Với cảm hứng thơ sầu vũ trụ, sầu nhân thế, hồn mộng lãng mạn, quan niệm mỹ học của Huy Cận vừa thể hiện cái đẹp cổ điển vừa thể hiện cái đẹp mới trong thơ ca ông. Huy Cận chịu ảnh hưởng một số nhà văn, nhà thơ châu Âu thế kỷ XIX như Chateaubriand, Lamartine, Hugo, Musset…hay Baudelaire, Mallarmé, Edgar Poe (Mỹ) cũng từ sự “va chạm” vào nỗi sầu thế kỷ, vào sự êm đềm, mênh mông của không gian vũ trụ, của thiên nhiên, sự tương hợp giữa màu sắc, âm thanh… trong thơ.
Cái đẹp của mỹ học thơ ca cổ điển trong thơ Huy Cận có thể đề cập đầu tiên là sự hài hòa. Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà nhận xét điều đó dễ tìm thấy sự cân đối các từ điệp điệp // song song trong âm điệu chung qua hai câu thơ của Huy Cận [148, 268]:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp Con thuyền xuôi mái nước song song…
Bên cạnh sự hài hòa, tạo cảm giác êm đềm, hai câu thơ mở đầu bài Tràng giang ở trên đã loang dần nỗi buồn dày đặc như sóng gợn liên tục, đều đặn. Edgar Poe, nhà văn Mỹ ở thế kỷ XIX cũng từng quan niệm mỹ học trong văn chương của ông “Đẹp là buồn” (Baudelaire chịu ảnh hưởng E. Poe). Với tâm hồn nhạy cảm, sâu sắc, Huy Cận gặp gỡ, tiếp nhận quan niệm mỹ học này thật nhanh, hòa hợp và sáng tác nhiều bài thơ đậm chất buồn: Buồn, Buồn đêm mưa, Tràng giang, Vạn lý tình, Ngậm ngùi, Chết, Nhạc sầu…Tất nhiên, về mặt thực tế sáng tác, chữ buồn, chữ sầu trong thơ Huy Cận, một phần còn được tiếp nhận từ mỹ học thơ ca cổ điển truyền thống qua nhiều áng văn chương Việt Nam: Chinh phụ ngâm, Kiều, Cung oán ngâm…
Thế nên, phong cảnh, không gian được Huy Cận mô tả đẹp, luôn đượm buồn; hoặc nhẹ nhàng, êm ái, thanh, trong:
Bỗng dưng buồn bã không gian Mây bay lũng thấp giăng màn âm u
…
Non xanh ngây cả buồn chiều.
( Thu rừng) Ta đã để hồn tan trong tiếng thở Kêu gọi người, đưa tiễn nỗi tàn phai.
(Bi ca)
Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử cũng có khá nhiều kiểu mô tả tương tự: