Những vùng đất học của Huy Cận

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật thơ huy cận qua lửa thiêng (Trang 42 - 48)

1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành phong cách thơ Huy Cận

1.2.3. Những vùng đất học của Huy Cận

Trang đời tươi sáng của Huy Cận bắt đầu từ việc được người cậu ruột là ông giáo Bùi Văn nhận nuôi dạy từ bậc tiểu học ở huyện Quảng Điền và sau

đó vào đất Huế. Những năm tháng này, kiến thức từ tủ sách của ông giáo Bùi Văn đã giúp tâm hồn cậu học sinh Huy Cận gặp được nhiều thế giới văn chương Đông Tây kim cổ thật thú vị. Huy Cận đọc sách tiếng Việt từ những truyện thơ Nôm: Thạch Sanh, Phan Trần, Tống Trân Cúc Hoa, Hoàng Trừu, Nữ tú tài, Trê Cóc, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm… đến vè Thất thủ kinh đô, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Sách tiếng Pháp cũng được Huy Cận say mê tìm đến với truyện cổ tích của Perrault, Andersen, Nghìn lẻ một đêm, tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo, Ba người ngự lâm pháo thủ của A. Dumas… Ở giai đoạn sau này, trong hồi ký của Huy Cận, còn cho biết trong lần vào Mỹ Tho, thăm Xuân Diệu lúc đang làm Tham tá nhà đoan, ông đã may mắn gặp tủ sách riêng của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (Xuân Diệu lúc ấy đang trọ tại nhà bà Nguyễn An Ninh ở Mỹ Tho). Tâm thế háo hức của một trí thức trẻ ham hiểu biết, khao khát tri thức, Huy Cận bỏ thời gian say mê, nghiền ngẫm đọc những bộ sách quý giá bằng tiếng Pháp về thơ, về triết học của Tagore, Heine, Omar- Khayam, Goethe, Schiller…

Nhiều người mô tả đất Huế thơ mộng, là nơi ươm mầm cho nhiều hạt giống văn chương qua nhiều thế hệ, trong đó có thế hệ Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh, Tế Hanh…

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh kể một số mẩu chuyện trong những năm tháng học trường Quốc học Huế cùng Huy Cận và Nguyễn Xuân Tám (không phải là nhà thơ Nguyễn Xuân Tâm)… với tình bạn thân thiết thật đẹp. [17]

Thuở ấy Nguyễn Xuân Sanh và Huy Cận những cậu học sinh vừa mới lớn, đầy hoài bão, đầy ước mơ. Gặp gỡ nhau, những người bạn trẻ yêu văn chương đã trao đổi bàn luận nhiều điều băn khoăn của tuổi trẻ và họ nhanh chóng thấu hiểu tấm lòng của nhau, bắt gặp những điều cùng tâm đắc từ những câu chuyện văn chương, nghệ thuật. Nhưng trong lòng, họ vẫn luôn

khắc khoải, liệu rồi sẽ tìm một hướng đi của nghệ thuật như thế nào để nhận ra được giá trị nhân bản của cuộc đời? Cuối cùng, họ cho ra mắt “tạp chí văn chương” Bước Đầu (của học sinh trường cao đẳng tiểu học Quốc học Huế những năm 1934-1936) do Huy Cận và Nguyễn Xuân Sanh chịu trách nhiệm thực hiện. Thực ra, tạp chí chỉ là dạng chép tay nhưng cũng có thơ, truyện ngắn, xã luận và cả bình luận văn học, ra chiều thứ năm mỗi tuần. Nguyễn Xuân Sanh cho rằng đó cũng là cách tỏ bày thiết thực những ước mơ, chí hướng của tuổi trẻ được bộc lộ ra bằng chữ viết. Họ chờ đợi, hy vọng những bông hoa tươi thắm sẽ nở ở tương lai không xa. Đó cũng là cơ sở bước đầu để sau này Nguyễn Xuân Sanh cộng tác với báo Tiếng Địch và bắt đầu được độc giả biết đến tên qua bài Gió thu; còn Huy Cận tham gia viết bài cổ vũ Thơ mới trên báo Tràng An và tạp chí Sông Hương với bút danh Hán Quỳ.

Tuy nhiên, về chuyện đọc sách, cũng theo nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh hồi tưởng: vào thời điểm ấy thư viện nhà trường chỉ toàn sách tiếng Pháp, rất hiếm hoi có sách tiếng Việt. Thanh niên phần lớn đọc sách Pháp, tiếp thu văn hóa phương Tây một cách nhanh chóng. Khao khát những kiến thức mới, khao khát đọc sách tiếng Việt, viết văn bằng tiếng Việt, Huy Cận và Nguyễn Xuân Sanh vẫn thường bách bộ từ trường qua cầu Trường Tiền vào thành phố Huế, tìm sách ở cửa hiệu Hương Giang của Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn) và cửa hiệu Văn Hóa của Đào Duy Anh. Đặc biệt, tại hiệu sách Hương Giang, nhà cách mạng Hải Triều đã cung cấp cho các chàng trai trẻ có khi là sách mới, những tập thơ, những bộ tiểu thuyết họ yêu thích; có khi là sách quý hiếm về di sản văn hóa dân tộc, sách mô tả cái hay, cái đẹp của quê hương, đất nước; hoặc một số tư liệu sách báo tiến bộ không được phổ biến công khai. Thân tình hơn, “ông chủ nhà sách” rất thích trò chuyện, bàn luận chuyện văn chương với nhóm thanh niên hiếu học, đầy nhiệt huyết này. Hiệu sách Hương Giang lúc bấy giờ còn là “cầu nối” giao lưu giữa một số nhà văn, nhà

thơ với độc giả Huế. Chính nơi đây, Huy Cận đã gặp Nguyễn Công Hoan từ Hà Nội vào đất Trung Kỳ, giới thiệu tác phẩm của ông…

Đất Huế cũng là mảnh đất văn chương nhen nhóm, phát triển hồn thơ Huy Cận; gặp gỡ văn nhân, trí thức. Huy Cận được học với thầy Phan Tiên, Đoàn Nồng, Nguyễn Đình Dụ, Bửu Cân, Mai Trung Thứ…, đánh bạn với Nguyễn Xuân Sanh, Tế Hanh, tìm “biết mặt” Thế Lữ, biết Đào Duy Anh, bàn luận chuyện văn chương, với Hải Triều, làm quen với Hoài Thanh (lúc ấy đang làm việc ở tạp chí Sông Hương)…Và, kỳ lạ, cảm động nhất là cuộc hội ngộ giữa Huy Cận và Xuân Diệu- tình bạn trong cuộc đời, tình bạn trong nghệ thuật, tri kỷ, tri âm hơn nửa thế kỷ…

1.2.4.“Tình bạn trái đôi” Huy Cận- Xuân Diệu

Không ít bút mực đã viết về tình bạn thật đẹp và bền chặt của Huy Cận và Xuân Diệu kể từ khi hai nhà thơ còn là học sinh và gặp nhau ở trường “tú tài” Khải Định (Quốc học Huế) vào năm 1936. Thật ngẫu nhiên, đáng khâm phục khi hai người học trò giỏi trường Quốc học Huế với năng khiếu văn chương đều đoạt giải nhất về Pháp văn ở Concours Général (giải toàn Đông Dương): Xuân Diệu đoạt năm 1936 và Huy Cận đoạt năm 1938. [18] Ôn lại

“tình bạn nửa thế kỷ” sau ngày Xuân Diệu ra đi (18-12-1985), Huy Cận khái quát trong bài viết “Xuân Diệu và tôi” thật cảm động: “ Chúng tôi cùng chung một hoài bão thiết tha về văn hóa dân tộc, tâm niệm góp phần khiêm tốn của mình bồi đắp cho văn hóa nước nhà. Chúng tôi cùng một hoài vọng và quan niệm về thơ, là đi trên “con đường lớn của thơ: thơ của cuộc đời, thơ của con người” [10, 197]

Sau mùa tựu trường năm 1937, vừa đậu xong tú tài, Xuân Diệu tiếp tục ra Hà Nội học Luật và được nhóm Tự Lực Văn Đoàn mời viết báo Ngày Nay, với tư cách một nhà báo được “ăn lương” hẳn hoi để chuyên sáng tác truyện ngắn, thơ. Thư Thế Lữ viết cho Xuân Diệu: “Anh Xuân Diệu, anh có thể ra

ngay Hà Nội được không? Anh viết báo Ngày Nay giúp chúng tôi nữa: viết báo kiếm ăn được ít, nhưng có lẽ đó là thứ công việc hợp với chúng ta hơn.

Ngoài sự làm thơ ra, anh sẽ viết những lối khác thuộc về văn chương mà anh thích: phê bình, tiểu thuyết, bút ký v.v…” [162]

Sau đó, năm 1939, Huy Cận đậu tú tài toàn phần và ra Hà Nội thi vào trường Cao đẳng Nông Lâm. Đây cũng là thời điểm bắt đầu gắn bó của hai người bạn thân cũng là hai gương mặt Thơ mới, tiếp nối sự nổi tiếng của Thế Lữ trên thi đàn Thơ mới đang đà lấn át thơ cũ. Qua Xuân Diệu, Huy Cận trở thành người bạn văn chương thân tình, từ “văn kỳ thanh” đã “kiến kỳ hình”

đối với nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Dù muốn hay không, nhóm Tự Lực Văn Đoàn qua trang thơ trên báo Ngày Nay đã góp phần khẳng định tài thơ tỏa sáng và vị trí mới của Xuân Diệu, Huy Cận trong những bước đi đầu tiên vào làng văn học Việt Nam hiện đại. Câu chuyện đăng bài Chiều xưa của Huy Cận cùng khung với bài Cảm xúc của Xuân Diệu trên báo Ngày Nay Tết năm Dần 1938, tuy có sự chọn lọc ngẫu nhiên của Thế Lữ với vai trò người biên tập nhưng lại là một minh chứng khách quan cho “hạt mầm thơ” của “trái đôi” đã hé lộ.

Tiếp tục thực hiện chí hướng làm nghệ thuật, Xuân Diệu và Huy Cận vừa học vừa làm, lúc ở Hà Nội cùng sống ở căn gác nhà số 40 phố Hàng Than (lúc ấy vợ chồng Lưu Trọng Lư và con trai nhỏ sống ở tầng dưới. Tình bạn văn chương giữa họ với nhau còn được lưu dấu qua việc Lưu Trọng Lư sáng tác bài Chiếc cáng điều với lời đề tặng Xuân Diệu và Huy Cận, in trong tập thơ Tiếng thu).

Hoài bão của hai người bạn yêu văn chương lúc này cũng không phải nhỏ. Hồi ấy, bằng tiền dành dụm từ học bổng trường Nông Lâm của Huy Cận và lương dạy học trường tư Thăng Long của Xuân Diệu, hai nhà thơ đã tiến hành thực hiện dự án của nhà xuất bản Huy-Xuân. Ấn phẩm đầu tiên của họ

ra đời là tái bản tập Thơ thơ nổi tiếng của Xuân Diệu. Hoạt động xuất bản chưa nhiều nhỏi gì thì tiền đầu tư cho nhà xuất bản Huy-Xuân đã cạn sạch!

Không thể ngồi yên khi “nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/cơm áo không đùa với khách thơ”; đến phiên mình, Xuân Diệu phải tìm “kế mưu sinh”. Từ biệt Hà Nội nơi có Huy Cận và những người bạn nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Xuân Diệu vào miền Nam làm tham tá Sở thương chánh Mỹ Tho. Cùng năm 1940 này, nhà xuất bản Đời Nay cho in tập thơ Lửa thiêng của Huy Cận. Dĩ nhiên, lời tựa là do Xuân Diệu viết từ Mỹ Tho gởi ra Hà Nội. Tập thơ ra đời, tên tuổi của Huy Cận nhanh chóng vang danh trên thi đàn Thơ mới với một giọng điệu thâm trầm, sầu não, rất lạ.

Thỉnh thoảng Huy Cận vào Mỹ Tho thăm bạn. Có một lần, họ đã rủ nhau đến thăm quê hương Vĩnh Kim của nhạc sĩ Trần Văn Khê (cách tỉnh lỵ Mỹ Tho 4- 5km). Các ông được gia đình nhạc sĩ Trần Văn Khê và bạn bè văn nghệ sĩ địa phương đón tiếp, mời dạo thuyền trên sông Sầm Giang trong một đêm trăng sáng.

Lần đầu tiên, hai nhà thơ xứ Bắc được ngắm trăng rằm ở vùng sông nước Nam Kỳ, thưởng thức đờn ca tài tử; sau đó, chủ mời khách cùng nhấm nháp cháo gà xé phay và nồi chè “tào thưng” đã hâm nóng [59, 142- 143]. Năm 1942, khi Huy Cận đậu kỹ sư canh nông và đi làm ở Sở Nghiên cứu Tầm tang, ông đánh điện tín thúc giục Xuân Diệu trở ra Hà Nội tiếp tục sáng tác thơ văn và hoạt động xuất bản.

Những năm này, Huy Cận đã tham gia hoạt động Việt Minh và cuối năm 1942, ông hướng dẫn Xuân Diệu vào con đường hoạt động bí mật. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, hai nhà thơ đã tìm được đúng hướng đi của cách mạng, của dân tộc. Cũng bắt đầu từ đấy, những trang đời và những trang thơ của Huy Cận, Xuân Diệu trong dòng chảy của lịch sử, của cách mạng, xuyên qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tiếp tục được đóng những dấu son mới…

1.3. Những dấu ấn đổi mới của Việt Nam đầu thế kỷ XX

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật thơ huy cận qua lửa thiêng (Trang 42 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)