1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành phong cách thơ Huy Cận
1.2.1. Gia đình và quê hương
Phong cách con người bộc lộ trên nhiều phương diện, trước hết là lời nói và việc làm, tức ngôn ngữ và hành động qua mọi hoàn cảnh của cuộc sống, tạo nên số phận, thân phận của người đó…
Theo nhiều tư liệu sách vở viết lâu nay: Huy Cận sinh ngày 31-5-1919 tại làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (có lúc đổi tên xã Đức Ân, thuộc huyện Đức Thọ; nhưng gần đây, xã Ân Phú được gọi tên trở lại và được xếp vào huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh). Về chi tiết năm sinh của Huy Cận đã có những thông tin mới, khác với giấy tờ do người cậu đã khai lại với mục đích giúp cháu từ Hà Tĩnh vào Huế đi học. Hà Minh Đức có lần đã nghe Huy Cận nhắc đến chi tiết này trong một buổi trò chuyện thân mật; Mai Quốc Liên viết trên tạp chí Hồn Việt bài “Tế Hanh như tôi đã biết” cũng có nhắc đến chi tiết Huy Cận sinh năm 1916 [70]. Ngoài ra, trong một lần tiếp xúc và được trò
chuyện với bà Trần Lệ Thu, phu nhân nhà thơ Huy Cận ở Hà Nội, người viết luận án cũng được bà cho biết “thực tế Huy Cận sinh cuối năm 1916, tính theo dương lịch và theo âm lịch là cuối năm Bính Thìn, đầu năm Đinh Tỵ, 1917”. [18]
Một nguồn tin thứ hai do nhà thơ Hoàng Cát, em nuôi của nhà thơ Xuân Diệu (có thời gian cùng sống ở ngôi nhà số 24 đường Cột Cờ) đã có bài viết và trò chuyện trực tiếp cùng phóng viên báo điện tử Vietnamnet trong ngày về dự lễ tang nhà thơ Huy Cận (ông mất ngày 19-2-2005). Hoàng Cát khẳng định: “Không phải Huy Cận sinh năm 1919 như trước đây người ta vẫn nói.
Chính ra ông sinh năm Bính Thìn, ngày 29 Tết, năm đó là tháng thiếu nên cũng là 30 Tết. Tính theo dương lịch là ngày 22-1-1917.” [166] Thêm nữa, một bài viết khác cũng khá thuyết phục của Trần Khánh Thành (người từng nghiên cứu Thi pháp thơ Huy Cận) với bài Cù Huy Cận- Người suốt đời gắn bó với cách mạng và thơ [180]. Trần Khánh Thành cho biết trong chuyến viếng thăm Huy Cận khoảng cuối năm 2004, chính nhà thơ một lần nữa đã khẳng định lại năm sinh của mình: “Tuổi khai sinh của tôi hiện nay là do ông cậu khai khi vào học ở Huế, còn ngày sinh chính xác là ngày 29 tháng Chạp năm Bính Thìn (dương lịch là ngày 22-1-1917). Tôi có thể sống đến lúc kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long- Hà Nội không?”
Như vậy, chính ra, Huy Cận chỉ kém Xuân Diệu mấy tháng tuổi, chứ không phải kém mấy năm tuổi (Xuân Diệu sinh ngày 2-2-1916 và mất ngày 18-12-1985). Chi tiết này là một tư liệu mới, có thể cắt nghĩa thêm về đời sống và nhận thức thời đại của một con người (việc phát hiện năm sinh chính xác của nhà văn Maxim Gorky ở Liên Xô trước đây cũng là một trường hợp điển hình). Huy Cận suýt soát đồng niên với Xuân Diệu – một trong những yếu tố để các nhà thơ dễ dàng tìm thấy sự cảm thông, gần gũi, trong tình bạn tâm giao sau này chăng?
Trong Hồi ký song đôi, phần viết về gia đình, quê hương của mình, Huy Cận đã giúp người đọc hình dung khá rõ về họ Cù Huy. Ông sinh ra trong gia đình một thời tương đối “có tiếng và có miếng” ở làng Ân Phú (Ân Phú nghĩa là giàu có, thịnh vượng; người dân Ân Phú dựa vào chữ nghĩa “dân ân, quốc phú” trong truyện Tam quốc chí để luận tên làng). Vào thời còn trẻ, cụ ông (ông nội nhà thơ Huy Cận) nhờ chăm chỉ cần cù, cày sâu cuốc bẫm, dần dần khấm khá lên, ông tậu được ít ruộng, trở thành một hộ khá giả. Trong làng Ân Phú thời ấy xem ra nhà ông nội cũng thường thường bậc trung (nghĩa trung lưu), không thua kém ai và thừa sức nuôi thầy dạy chữ Hán trong nhà, rèn cặp con cái. Sang đến đời ông Cù Huy Chương, bố nhà thơ, không may cảnh nhà bắt đầu sa sút. Sau cái chết của cụ ông, nhiều biến cố nho nhỏ ập đến, bắt đầu nảy sinh những mối bất đồng, dằn vặt trong mối quan hệ gia đình. Thuở ấy, tâm trí cậu bé Huy Cận luôn nhuốm lên những nỗi buồn từ những câu chuyện xung quanh mình: bố thường vắng nhà; mẹ hờn bà; bà đốt nhà; mẹ giận bố chơi bài bạc suýt gán ruộng vì nợ… Nhưng rồi, nỗi buồn thời thơ ấu cũng chỉ thoáng qua khi cậu bé Huy Cận luôn “bị” bận bịu học vỡ lòng chữ Hán tại gia với bố; rồi lại được thầy Cù Hoàng Thự rèn cặp học chữ quốc ngữ ở trường làng (khoảng năm 1924, 1925).
Nhắc đến quê hương qua hồi ức của Huy Cận, người ta hình dung một vùng quê nằm ở chân núi Mồng Ga (thật ra là Mồng Gà, theo tên chữ là Kê Quan), cách bến Tam Soa (còn có tên Linh Cảm) khoảng 3km về phía tả ngạn sông Ngàn Sâu (tên chữ là Thâm Giang). Khúc sông này là thượng nguồn sông La rất vắng lặng và rất đẹp. Huy Cận tâm sự: “Tôi sinh trong một quê hương đẹp mà nghèo, trong một gia đình nghèo mà buồn… Sông núi đất đai ấy như đã làm ra xương thịt của tôi và tâm hồn tôi nữa” [10, tập 1, tr.30].
Trong hồi ức, ông hình dung chợ Nướt bên kia sông (dạng chợ phiên họp 9 kỳ trong tháng vào những ngày 3, 6, 9 âm lịch), tương đối nhộn nhịp vì thu hút
đông đảo dân buôn bán và nông dân trong vùng. Thế nhưng, đó chỉ là chợ nhỏ, sinh hoạt bán buôn trong địa bàn xã, nhu cầu gia tăng và mở rộng hơn là vào dịp giáp Tết: đi chợ Thượng. Mỗi năm người dân Ân Phú mới có chuyến đò dọc, xuôi từ bãi Giang đến chợ Thượng (chợ huyện Đức Thọ). Chợ Thượng được Huy Cận ví von là nơi gặp gỡ của “thế giới văn minh Âu Tây”
với những mặt hàng hóa công nghiệp từ các thành phố lớn chuyển đến. Mỗi lần có dịp đi những chuyến đò xuôi đã để lại những ấn tượng thú vị, mới lạ đối với Huy Cận. Nhưng có lẽ điều đáng nói là những ấn tượng lạ lùng như nỗi ám ảnh của tuổi thơ đầy mơ mộng của Huy Cận về giòng sông mênh mông, những buổi trưa hè trời xanh ngắt, bãi cát ven sông chạy dài vắng lặng hay những ám ảnh về khúc sông đầy ghềnh thác, đáng sợ và cảnh nước lũ làm eo sèo, hiu hắt một vùng quê nghèo khổ…
Tuổi thơ đi qua nhưng những hình ảnh ấy cứ lấp loáng trong ký ức. Sau này, lớn lên, Huy Cận tự hỏi có phải đó là một trong những nguyên nhân đã
“ươm” nụ thành nỗi buồn rười rượi, sầu não không đâu, nhen nhóm một cách khó giải thích trong lòng cậu trai nhỏ 8 tuổi ở một vùng quê bán sơn cước?
Dựa trên những trang Hồi ký song đôi của Huy Cận, người viết luận án hình dung đến không gian quê hương, hoàn cảnh gia đình và cả tính cách thường u sầu, mơ mộng hay suy nghĩ về nỗi buồn của những người thân yêu trong gia đình ngay từ thời thơ ấu đã bộc lộ phần nào sự hình thành tính cách của Huy Cận sau này. Đó cũng là một trong những cơ sở có ảnh hưởng đến phong cách thơ Huy Cận (tuy nhiên, yếu tố chủ quan này có thể sẽ thay đổi trong hoàn cảnh, môi trường thay đổi).