1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành phong cách thơ Huy Cận
1.2.2. Truyền thống văn hóa của một vùng đất
Hà Tĩnh, quê hương Huy Cận cũng là vùng đất nổi tiếng văn chương trong lịch sử văn học với thơ, phú, hát nói của nhiều bậc danh nho như Sử Hy
Nhan, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Phan Huy Chú, Phan Huy Ích, Nguyễn Công Trứ…
Một vùng không gian thơ ca còn lưu giữ trong ký ức tuổi nhỏ, Huy Cận không quên những ấn tượng thi thư từ ông bố, cụ tú Cù Huy Chương. Bố ông thuộc thế hệ nhà Nho còn sót lại của câu chuyện đào tạo kiểu từ chương Hán học và đương nhiên con đường khoa cử là mục đích cao cả của “nòi thư hương”. Đó là hướng lập công danh lý tưởng duy nhất đã ăn sâu vào nền nếp, khuôn phép xã hội phong kiến hàng mấy trăm năm, trước khi người Pháp đến.
“Bố tôi tuy chỉ đậu tam trường nhưng là một nhà Nho khá thâm thúy; đọc nhiều sách nhất là sách sử, và về sau lại nghiên cứu sách thuốc, trước hết để chữa bệnh cho bà con và họ hàng làng xóm. Bố tôi ham đọc thơ Đường của Trung Quốc, và rất ham ngâm ngợi các thơ văn của ta các đời trước, từ thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ cho đến thơ văn Nguyễn Khuyến, Tú Xương sau này. Đặc biệt, bố tôi ham bình luận Truyện Kiều, ca dao và Đại Nam quốc sử diễn ca cho bà con nghe. Bố rất thuộc mười bài Khuê phụ thán của Thượng Tân thị, và những bài thơ yêu nước của cụ Phan Sào Nam và của Á Nam Trần Tuấn Khải…” [10, tập 1, tr.
73- 74]
Mối quan hệ trong gia đình chắc chắn cũng ít nhiều ảnh hưởng đến suy nghĩ của con cái như lẽ thường tình trong cuộc sống. Nhưng, về cuộc đời của cha mẹ trong mắt người con, làm thế nào cũng phải đánh giá cho công bằng?
Dù trong nhà có nhiều mối phiền toái giữa “người lớn” nhưng Huy Cận vẫn cảm nhận được mối quan hệ gắn bó của cha mẹ. Thân mẫu của nhà thơ là bà Bùi Thị Chi, vốn con gái dệt lụa thanh lịch phường vải của làng Tùng Ảnh (Tùng Ảnh còn là nơi có đền thờ Phan Đình Phùng, vị Đình nguyên Tiến sĩ yêu nước chống Pháp). Lấy chồng phải “gánh vác giang sơn nhà chồng”, người phụ nữ phường vải ngày ấy luôn kỳ vọng vào con đường khoa cử của
chồng và sau này là con đường học hành của con trai. Nhưng cuộc đời bà cũng khá cay cực vì những chuyện không đâu trong nhà cứ luôn nổi “sóng ngầm”. Nhiều lúc, bà rất buồn lòng đức ông chồng “dài lưng, tốn vải”, không gặp thời, lại “sính” thói phong lưu, có lúc tưởng đã làm tán gia, bại sản! Thế nhưng, đêm nghe tiếng ông ngâm Kiều, bình thơ Kiều bên hiên nhà, bà vẫn quý trọng tài học và cảm cái tình tứ trong lời bình luận văn chương của ông.
Có điều, thật trớ trêu, những câu thơ Kiều ấy, đôi khi lại trở thành “vốn văn chương riêng” để bà bộc bạch nỗi buồn phiền:
Chém cha cái kiếp má đào Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi…
Chuyện kể về bố mẹ với những ảnh hưởng của Truyện Kiều trong gia đình là vậy. Nhưng mãi đến khi ở nhà người bác họ, tiếp xúc với thơ Kiều lần đầu tiên, thế giới thơ ca mới thực sự lấp lánh và đi vào tâm tưởng của Huy Cận. Chuyện những ngày tháng học lớp năm, ở trọ nhà bác Nhỡn có gì đáng nhớ? Phải chăng, đó là ấn tượng thật lạ lùng đối với Huy Cận, khi lần đầu tiên, cậu học trò nghe ông Văn, quản gia nhà bác Nhỡn ngâm thơ:
Đề huề lưng túi gió trăng Sau lưng theo một vài thằng con con
Tuyết in sắc ngựa câu giòn Cỏ pha màu áo nhuốm non da trời…
Hồi ấy, Huy Cận chẳng hiểu ý nghĩa gì về đoạn thơ qua giọng ngâm sang sảng, hào hứng của ông quản gia trong một đêm trăng hè, thoang thoảng hương hoa mộc… Vậy mà, không hiểu vì sao những câu thơ cứ vang động;
những hình ảnh lồng lộng hiện ra qua câu thơ, quyện lên một cảm giác “rất trong, rất xanh”, làm vương vấn mãi trong lòng cậu trai nhỏ!
Nhớ lại “cái chất văn học” của quê nhà, Huy Cận không hiểu vì sao người dân trong làng xóm Ân Phú ngày ấy thuộc Kiều, ngâm Kiều là lẽ tự
nhiên trong đời sống hàng ngày. Chẳng ai cắt nghĩa nhờ đâu những người thợ cày ra ruộng, người phu trên ngàn chở củi hay ngay cả những người dân thất học nhưng cũng thuộc lòng ít nhất dăm ba đoạn thơ của Nguyễn Du. Đôi khi người ta chẳng phân biệt giữa thơ Kiều và ca dao, họ cứ ngâm, cứ lẩy Kiều, vận dụng thơ ca, hòa tan thơ Kiều vào dòng mạch văn nghệ dân gian qua hát hò, hát dặm, hát ví dặm đối đáp trong những đêm trăng thanh gió mát trên bãi Giang:
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông (Kiều)
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già?
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?
(Ca dao)
Còn những bài vè “thế sự” truyền miệng đầy chất thơ của một anh trai làng nổi tiếng bên làng Thị lân cận, nằm phía hữu ngạn sông Ngàn Su (hay Ngàn Sâu) không phải không gieo ít ấn tượng và khơi gợi những cảm xúc yêu nước trong lòng người dân trong thôn xóm…
Thế nhưng, còn một điều cũng ít ai lý giải một cách tỏ tường vì sao âm điệu, giọng điệu dân ca xứ Nghệ (bao gồm Hà Tĩnh, Nghệ An) thường nghe buồn buồn qua chất giọng trầm ấm, day dứt, đau đáu, khắc khoải, rất đặc biệt và đặc sắc của những người dân vùng đất sông Lam, núi Hồng? Có phải, âm vực với chất giọng địa phương đa phần có chiều hướng xuống thấp, thanh điệu trầm, cũng là một trong những đặc điểm ảnh hưởng, tạo giọng điệu u sầu, thâm trầm trong phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận sau này qua Lửa thiêng?