Một số hình thức cơ bản của tổ chức lãnh thổ kinh tế

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số hình thức tổ chức lãnh thổ kinh tế ở tỉnh đồng nai (Trang 33 - 38)

1.1. Cơ sở lí luận về tổ chức lãnh thổ kinh tế

1.1.4. Một số hình thức cơ bản của tổ chức lãnh thổ kinh tế

a) Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp

TCLTNN được hiểu là một hệ thống liên kết không gian của các ngành, các xí nghiệp nông nghiệp và các lãnh thổ dựa trên cơ sở các qui trình kĩ thuật mới nhất, chuyên môn hóa, tập trung hóa, liên hợp hóa và hợp tác hóa sản xuất, cho phép sử dụng hiệu quả nhất sự khác nhau theo lãnh thổ về điều kiện tự nhiên, kinh tế, lao động và đảm bảo năng suất lao động xã hội cao nhất [40]. TCLTNN có nhiều hình thức từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm:

+ Xí nghiệp nông nghiệp:

Là một hình thức TCLTNN, trong đó có sự thống nhất của lực lượng lao động với công cụ lao động và đối tượng lao động để sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội.

Mỗi cơ sở sản xuất đều có tính độc lập về pháp lí và có thể có mối quan hệ với các cơ sở sản xuất nông nghiệp khác.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, các nông trang, nông trường quốc doanh, các hợp tác xã nông nghiệp được coi là xí nghiệp nông nghiệp. Ở các nước phương Tây, có nhiều hình thức liên quan đến xí nghiệp nông nghiệp. Phổ biến hơn cả là các nông trại và đồn điền. Hình thức nông trại thường thấy ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ với quy mô từ vài hecta đến vài trăm hecta. Trong khi đó hình thức đồn điền tồn tại tương đối phổ biến ở các nước thuộc địa cũ thuộc vùng nhiệt đới và cận nhiệt [40].

+ Thể tổng hợp nông nghiệp:

Theo K.I.Ivanov thể tổng hợp nông nghiệp như là sự phối hợp của xí nghiệp nông nghiệp có mối quan hệ qua lại và liên kết với nhau về mặt lãnh thổ của các xí nghiệp nông nghiệp với các xí nghiệp công nghiệp trên cơ sở các qui trình kĩ thuật mới nhất, sử dụng đầy đủ nhất điều kiện tự nhiên, vị trí địa lí và điều kiện kinh tế, hình thành trong lịch sử để đạt năng suất lao động cao nhất [40].

+ Vùng nông nghiệp

Vùng nông nghiệp được coi là một trong những hình thức TCLTNN. Thực chất đó là những lãnh thổ sản xuất nông nghiệp tương đối đồng nhất về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, được phân chia với mục đích phân bố hợp lí và chuyên môn hóa đúng

hướng các hoạt động sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở sử dụng đầy đủ và hiệu quả các điều kiện sản xuất của cả nước và từng vùng.

b) Một số hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp - Điểm công nghiệp:

Đây là hình thức TCLTCN đơn giản nhất. Điểm công nghiệp là một lãnh thổ trên đó có một điểm dân cư với một hoặc hai xí nghiệp, được phân bố ở những nơi gần nguồn nguyên liệu, nhiên liệu với chức năng khai khác hay sơ chế nguyên liệu, hoặc ở những vùng nguyên liệu nông sản. Như vậy điểm công nghiệp đồng nhất với điểm dân cư có xí nghiệp công nghiệp [63].

- Cụm công nghiệp là khu vực tập trung các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cơ sở dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống; được đầu tư xây dựng chủ yếu nhằm di dời, sắp xếp, thu hút các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cá nhân, hộ gia đình ở địa phương vào đầu tư sản xuất, kinh doanh;

do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.

- Khu công nghiệp: Là một khu vực có ranh giới rõ rệt, không có dân cư sinh sống, với những thế mạnh về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, kinh tế để thu hút đầu tư.

KCN hoạt động với cơ cấu hợp lí giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ có liên quan thuộc nhiều thành phần kinh tế nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho cả khu và từng doanh nghiệp. Các khu công nghiệp có ban quản lí thống nhất thực hiện phân cấp rõ ràng về quản lí và tổ chức sản xuất [63].

- Trung tâm công nghiệp: Là hình thức TCLTCN ở trình độ cao. Trung tâm công nghiệp là một khu vực tập trung công nghiệp gắn liền với các đô thị vừa và lớn.

Mỗi trung tâm công nghiệp có thể gồm một hay một vài khu công nghiệp hoặc một nhóm xí nghiệp công nghiệp của nhiều ngành khác nhau trong đó có các xí nghiệp hạt nhân hay nòng cốt. Hướng chuyên môn hóa của một trung tâm công nghiệp do những xí nghiệp nòng cốt quyết định. Những xí nghiệp này được hình thành dựa trên những lợi thế về tài nguyên khoáng sản, năng lượng, nguyên liệu, nguồn lao động dồi dào, vị trí địa lí thuận lợi... Những xí nghiệp phân bố trong trung tâm công nghiệp có các mối liên hệ chặt chẽ với nhau về mặt kĩ thuật sản xuất, kinh tế và quy trình công nghệ. Đi liền với những xí nghiệp nòng cốt, ở trung tâm công nghiệp thường có một

loạt các xí nghiệp có ý nghĩa bổ trợ nhằm tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nguyên liệu, sửa chữa máy móc, thiết bị, cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng cho nhu cầu của cư dân trong trung tâm [63].

- Vùng công nghiệp:

Mỗi một ngành công nghiệp thường được phân bố trên phạm vi lãnh thổ nhất định, với đầy đủ các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội thuận lợi cho sự phát triển công nghiệp. Đó là vùng phân bố của ngành, thường gọi là vùng ngành. Các vùng ngành thường gặp là vùng khai thác than, vùng khai thác dầu khí, vùng khai thác kim loại màu...

Thực tế, trên một lãnh thổ nhất định có những điều kiện thuận lợi cho việc phân bố các xí nghiệp không chỉ của một ngành mà của một số ngành công nghiệp. Do đó các vùng ngành chồng chéo lên nhau là thành phần của vùng công nghiệp tổng hợp, thường được gọi là vùng công nghiệp.

c) Tổ chức lãnh thổ ngành dịch vụ

Dịch vụ là một lĩnh vực kinh tế rất đa dạng, bao gồm các ngành: giao thông vận tải, thông tin liên lạc, du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại... Mỗi một phân ngành lại có những hình thức tổ chức lãnh thổ riêng. Đối với giao thông vận tải là các đầu mối giao thông; đối với thương mại là hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị; đối với du lịch là cụm tương hỗ phát triển du lịch và vùng du lịch...

+ Đầu mối giao thông vận tải: là nơi hội tụ giao nhau của các loại vận tải khác nhau: đường sắt, ô tô, cảng biển, cảng sông, sân bay. Có đầu mối giao thông vận tải đơn giản và đầu mối giao thông vận tải tổng hợp. Các đầu mối giao thông tổng hợp thường đóng vai trò then chốt trong hoạt động của mạng lưới vận tải cả nước. Các đầu mối giao thông thường là nơi chung chuyển hàng hóa và hành khách, có giá trị giao thông vận tải rất lớn, nơi đó tập trung các cảng biển, cảng sông, ga tàu, bến xe, sân bay...có nhiều kho chứa, bến bãi và các thiết bị bốc dỡ. Là các thành phố công nghiệp lớn, nơi dân cư đông đúc, có điều kiện thuận lợi để phối hợp nhịp nhàng giữa các loại giao thông vận tải có hiệu quả kinh tế.

+ Trung tâm thương mại: là loại hình tổ chức kinh doanh thương mại hiện đại, đa chức năng, bao gồm tổ hợp các loại hình cửa hàng, cơ sở hoạt động dịch vụ; hội trường, phòng họp, văn phòng cho thuê…được bố chí tập trung, liên hoàn trong một

hoặc một số công trình kiến trúc liền kề; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh thương nhân và thoả mãn nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ của khách hàng [5].

+ Siêu thị là loại hình cửa hàng hiện đại; kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên ngành; có cơ cấu chủng loại hàng hoá phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thoả mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa của khách hàng [5].

+ TCLTDL là một hệ thống liên kết không gian của đối tượng du lịch và các cơ sở phục vụ có liên quan dựa trên việc sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên du lịch, kết cấu hạ tầng và các yếu tố khác nhằm đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế, xã hội và môi trường. Tổ chức lãnh thổ du lịch mang tính lịch sử. Cùng với sự phát triển của xã hội, trước hết là sức sản xuất xã hội đã dần dần xuất hiện các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch. Có thể chia thành 3 hình thức TCLTDL chủ yếu: hệ thống lãnh thổ du lịch; cụm tương hỗ phát triển du lịch và vùng du lịch, trong đó vùng du lịch có ý nghĩa hết sức quan trọng [88].

Trong quá trình nghiên cứu du lịch, yêu cầu cấp thiết là phải phân nhóm các đối tượng và hiện tượng du lịch theo không gian. Tuy nhiên, một trong những đặc điểm của hoạt động du lịch là tính phân tán theo không gian. Khác với tổ chức lãnh thổ nông nghiệp và công nghiệp đó là khi tổ chức lãnh thổ hợp lí còn tiết kiệm được không gian để sử dụng cho các mục đích khác.

1.1.4.2. Một số hình thức TCLTKT theo lãnh thổ a) Vùng kinh tế

Vùng kinh tế được xem như một thực thể khách quan, sự tồn tại của nó là do yêu cầu phát triển kinh tế của từng quốc gia. Vùng kinh tế được xem như một phần lãnh thổ của quốc gia, có khu nhân tạo vùng. Về mặt lãnh thổ, nó được liên kết bởi nhiều đơn vị hành chính với các cấp độ khác nhau. Về đặc tính trội, nó có sự đồng nhất tương đối về các yếu tố tự nhiên, kinh tế xã hội và thường mang chức năng nhất định.

b) Vùng kinh tế trọng điểm

Vùng kinh tế trọng điểm là vùng hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện phát triển và đóng vai trò quyết định đối với nền kinh tế đất nước. Lãnh thổ được gọi là vùng kinh tế trọng điểm phải thỏa mãn các yếu tố sau:

+ Hội tụ các điều kiện thuận lợi tập trung tiềm lực kinh tế, có vị trí hấp dẫn các nhà đầu tư;

+ Có tỷ trọng lớn trong tổng giá trị GDP của quốc gia, có khả năng tạo ra tốc độ phát triển nhanh cho cả nước;

+ Có khả năng tích lũy đầu tư để tái sản xuất mở rộng, đồng thời tạo nguồn thu ngân sách lớn cho đất nước. Vùng này không chỉ đảm bảo nguồn tài chính cho mình mà còn có khả năng hỗ trợ cho các vùng khác;

+ Có khả năng thu hút những ngành công nghiệp mới và các ngành dịch vụ then chốt, để các vùng khác học hỏi rút kinh nghiệm;

+ Vùng kinh tế trọng của quốc gia có thể thay đổi ranh giới theo thời gian.

c) Đặc khu kinh tế

Là một lãnh thổ xác định được hưởng ưu đãi đặc biệt để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc khu kinh tế hình thành và tồn tại ở Trung Quốc từ thập kỉ 80 đến nay. Ở Việt Nam, thực hiện Nghị Quyết trung ương 4 khóa VIII “Nghiên cứu xây dựng thí điểm một vài đặc khu kinh tế, mậu dịch tự do ở những địa bàn ven biển có đủ điều kiện’’, các cơ quan chức năng đã tiến hình nghiên cứu mô hình “khu kinh tế mở’’.

d) khu kinh tế

Khu kinh tế là một địa bàn lãnh thổ được vận hành theo khung pháp lí riêng (thường theo thông lệ quốc tế), chính quyền sở tại được phân cấp nhiều quyền hạn. Ở đó được áp dụng những cơ chế, chính sách đặc biệt, thông thoáng hơn so với những khu vực khác của quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, khuyến khích xuất khẩu để tạo động lực mới cho nền kinh tế [93].

e) Đô thị và chùm đô thị

Với vai trò là hạt nhân tạo vùng, các đô thị liên kết với nhau trong một không gian nhất định, làm cho không gian đô thị trở thành những lãnh thổ có kinh tế phát triển. Dựa vào chức năng và vai trò của đô thị: có đô thị tổng hợp và đô thị chuyên ngành [92].

Chùm đô thị được hình thành trên cơ sở một đô thị hạt nhân và nhiều đô thị vệ tinh xung quanh nó, có sự liên kết chặt chẽ với nhau tạo nên một trật tự đô thị có tính hệ thống trong một lãnh thổ xác định.

f) Hành lang kinh tế

Hành lang kinh tế là một hiện tượng kinh tế xã hội, nó hình thành và phát triển dựa vào một tuyến trục giao thông huyết mạch, dọc hai bên tuyến trục đó phát triển các cơ sở kinh tế. Hành lang kinh tế bao gồm các yếu tố sau:

+ Các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các cực phát triển;

+ Các cơ sở kinh tế, nhất là các xí nghiệp công nghiệp, du lịch, thương mại và các dịch vụ khác, chúng được hưởng lợi do có tuyến giao thông vận tải dễ dàng;

+ Các điểm dân cư và những khu vực sản xuất nông nghiệp hỗ trợ khác.

Đây là hình thức TCLTKT có triển vọng, nhưng ranh giới chỉ mang tính ước lệ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số hình thức tổ chức lãnh thổ kinh tế ở tỉnh đồng nai (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(199 trang)