1.2. Cơ sở thực tiễn nghiên cứu một số hình thức tổ chức lãnh thổ kinh
1.2.1. Khái quát về một số hình thức tổ chức lãnh thổ kinh tế ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, thành phố, có diện tích và qui mô dân số lớn, tiếp giáp với các vùng kinh tế: Tây Nguyên, Duyên Hải Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Các hình thức TCLTKT điển hình của vùng gồm: một số hình thức TCLTKT theo ngành và theo lãnh thổ dưới đây.
1.2.1.1 Một số hình thức tổ chức lãnh thổ kinh tế theo ngành -Trang trại:
Trang trại có nguồn gốc từ kinh tế hộ được phát triển dần trong quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế tiểu nông tự cấp, tự túc sang nền kinh tế hàng hoá. Trang trại là hình thức tổ chức lãnh thổ sản xuất cao hơn hộ gia đình, là sự phát triển tất yếu của nền nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá. Hoạt động của trang trại chịu sự chi phối của nền kinh tế thị trường và tuân theo qui luật cung cầu, chấp nhận cạnh tranh.
Năm 2009 toàn vùng có 21.087 trang trại, chiếm 15,57% số trang trại của cả nước. Các tỉnh, thành phố thuộc vùng đều có trang trại nông nghiệp và có đầy đủ các loại hình trang trại. Trong số các loại hình trang trại tồn tại ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, loại hình trang trại trồng cây lâu năm chiếm hơn một nửa số lượng trang trại (51,3%) so với tất cả các loại hình trang trại của vùng.
- Vùng chuyên canh cây công nghiệp
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn quả. Trong đó phải kể tới các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, điều và tiêu. Những địa phương trồng nhiều gồm: Bình Phước, Bình Dương và Đồng Nai, đã hình thành nên các vùng chuyên canh có quy mô tương đối lớn. Trong số những vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm ở VKTTĐPN, có những vùng trở thành vùng nguyên liệu chế biến tại chỗ như: vùng trồng cao su của tổng công ty cao su Đồng Nai.
- Khu công nghiệp
Khu công nghiệp là một trong những hình thức TCLTCN có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng.
Năm 2009 cả nước có 146 khu công nghiệp đang hoạt động thì riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 86 khu chiếm 58,9% tổng số KCN của cả nước và có mặt ở 6 trong 8 địa phương của vùng [6].
- Trung tâm công nghiệp
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng tập trung phát triển công nghiệp nhất của nước ta. Năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp của vùng đạt 518.117 tỷ đồng (giá so sánh) chiếm 64,99% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Trong đó
trung tâm công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh chiếm 40,44% GTSXCN của vùng và 26,26% GTSXCN của cả nước, trung tâm công nghiệp Biên Hòa chiếm 11,77%
giá trị sản xuất công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là hai trung tâm công nghiệp có mức độ tập trung khu công nghiệp lớn nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển công nghiệp của vùng nói riêng và cả nước nói chung [6], [8].
- Tuyến du lịch nội vùng
Tuyến du lịch TPHCM – Biên Hòa – TP. Vũng Tàu [88]: đây là tuyến du lịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tam giác tăng trưởng du lịch TP. HCM - Đồng Nai – TP. Vũng Tàu. Nơi đây tập trung nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn và có những điều kiện về CSHT, CSVCKT vào loại tốt nhất của cả nước.
Các điểm du lịch chính trên tuyến này: khu DL Suối Tiên, sân golf (Thủ Đức), cảnh quan sông Đồng Nai, Cù Lao Phố, Tân Vạn, làng bưởi Tân Triều, làng gốm, sơn mài ở Biên Hoà và biển TP. Vũng Tàu, khu DLST Cần Giờ,…
Tuyến du lịch TPHCM – Đồng Nai (30km) - Bình Dương (30km) –Bình Phước (114km)[88]: Tuyến du lịch này gắn với tuyến đường đi từ TPHCM - TP Biên Hòa – TP. Thủ Dầu Một – TX. Đồng Xoài.
1.2.1.2 Một số hình thức TCLTKT theo lãnh thổ - Chùm đô thị
Chùm đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm đô thị hạt nhân là TP.
Hồ Chí Minh, các đô thị vệ tinh là TP. Biên Hòa, TP. Vũng Tàu, TP. Thủ Dầu Một, TX. Tân An. Chùm đô thị TP. Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở các trục giao thông huyết mạch như quốc lộ 1A, quốc lộ 51, quốc lộ 13 và quốc lộ 22 cùng với vai trò của hệ thống cảng biển, cảng sông và hệ thống nhà ga xe lửa.
- Hành lang kinh tế quốc lộ 51
Tuyến hành lang kinh tế quốc lộ 51 có vai trò kết nối TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là tuyến hành lang kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trên tuyến này có các KCN của TP. Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch ở tỉnh Đồng Nai và KCN Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Cái Mép và Đông Xuyên ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Dọc
theo quốc lộ 51 còn có các trung tâm thương mại như: Big C, trung tâm thương mại Bà Rịa và các trung tâm thương mại của TP. Vũng Tàu, cùng với hệ thống đô thị như: thị trấn Long Thành, thị xã Bà Rịa và TP. Vũng Tàu. Với vai trò và vị trí của trục quốc lộ 51 cộng thêm sự hỗ trợ của hệ thống giao thông tỉnh lộ và hệ thống cụm cảng Gò Dầu, Phú Mỹ, Cái Mép – Thị Vải, đã tạo nên chức năng công nghiệp – cảng biển, đô thị - du lịch của hành lang kinh tế quốc lộ 51.
- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Xuất phát từ quan điểm của các học giả của Viện chiến lược phát triển cho rằng: một vùng kinh tế - xã hội không thể phát triển kinh tế đồng đều ở tất cả các điểm trên lãnh thổ của nó theo cùng một thời gian, mà nó có xu hướng phát triển nhất ở một hoặc vài khu vực tiêu biểu, trong khi đó ở những khu vực khác lại chậm phát triển hoặc trì trệ. Tất nhiên, các khu vực phát triển nhanh là những lãnh thổ có ý nghĩa trung tâm, có lợi thế so với toàn vùng. Từ nhận thức về tầm quan trọng của các lãnh thổ có vai trò động lực, kết hợp với việc tìm hiểu những kinh nghiệm thành công và thất bại về phát triển có trọng điểm của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, từ những năm 90 của thế kỷ XX Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm. Cho đến nay cả nước đã có 4 vùng kinh tế trọng điểm.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khi mới ra đời gồm: thành phố Hồ Chí Minh và 3 tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, là vùng kinh tế động lực của cả nước; có tốc độ trưởng kinh tế cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước trong suốt 15 năm (1991 - 2005). Từ năm 2004 đến nay, địa giới của vùng được Chính phủ mở rộng thêm 4 tỉnh gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Long An (2004) và Tiền Giang (năm 2005). Như vậy, đến năm 2010 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP. Hồ Chí Minh và 7 tỉnh, có diện tích tự nhiên trên 30.583,1km2 (chiếm trên 9,2% diện tích cả nước); dân số 17.689.700 người (chiếm 20,35% dân số cả nước) [8]; kim ngạch xuất khẩu chiếm 77,91% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng trung bình 21,4%/năm trong giai đoạn (2005 – 2010), đồng thời chiếm 48,58% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước (năm 2009). Vì thế, vị trí và vai trò của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ngày càng khẳng định là vùng kinh tế động lực đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song, vấn đề phát triển vùng kinh tế trong điểm phía Nam đang phải đối mặt với hàng loạt vấn
đề nghiêm trọng mang tính hệ quả của quá trình phát triển thiếu liên kết (bằng mọi giá phải thu hút đầu tư và tăng trưởng), trong đó nổi bật là các vấn đề sau:
- Ô nhiễm môi trường, trong đó báo động và lo ngại nhất là ô nhiễm lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn và Thị Vải.
- Vấn đề liên kết giao thông cũng đặt cho vùng những khó khăn bất cập như:
công việc lập dư án đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng còn chậm. Trong khi mạng lưới giao thông vận tải là yếu tố tối quan trọng để vận hành và chuyển tải rất nhiều hoạt động kinh tế liên quan.
- Hạ tầng kĩ thuật đô thị là vấn đề nổi cộm đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó cấp nước và xử lí nước thải đô thị cần được cân đối cho toàn vùng.
- Vấn đề phát triển năng lượng, trong đó trọng tâm là thiếu hụt điện tiêu thụ sinh hoạt và sản xuất, nhất là những tháng mùa khô, đặt ra cho vùng nhiều thách thức. Với mức độ phát triển và tập trung công nghiệp lớn như hiện nay thì vùng cần phải tiêu thụ một lượng rất lớn điện năng để phục vụ cho các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên nguồn cung cấp khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cả trước mắt lẫn lâu dài.
Những tồn tại của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như trên cho thấy sự mất cân bằng giữa tự nhiên và xã hội, thiếu sự liên kết giữa nội vùng và cả ngoại vùng ở nhiều lĩnh vực.