3.1. Định hướng phát triển một số hình thức tổ chức lãnh thổ kinh tế tỉnh Đồng Nai đến năm 2020
3.1.1. Cơ sở xây dựng định hướng
3.1.1.1. Thực trạng kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Năm 2010 vùng KTTĐPN chiếm 20,35% dân số, 8% diện tích, 64,99%
GTSXCN và 22,29% GTSXNN so với cả nước. Vùng tạo ra 65% kim ngạch xuất khẩu cả nước và đóng góp gần 56% ngân sách quốc gia [8]. Đây là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất và là vùng kinh tế động lực với vị trí hàng đầu về công nghiệp, thương mại, tài chính của cả nước.
GDP tính theo đầu người của vùng cao hơn 2 lần mức bình quân cả nước.
VKTTĐPN còn là vùng có hạ tầng cơ sở tốt nhất, có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước.
Đây là những lợi thế phát triển quan trọng bậc nhất của vùng này so với cả nước. Với tầm vóc và vị thế như vậy, cộng với sự năng động phát triển cao, VKTTĐPN đang đóng vai trò là động lực phát triển mạnh nhất của nền kinh tế nước ta.
Nhờ kết cấu hạ tầng giao thông tương đối phát triển, các địa phương trong vùng đã liên kết phát triển trong xu thế tạo thành vùng động lực của Nam Bộ và của cả nước.
3.1.1.2. Quy hoạch xây dựng vùng T.P. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050
Quyết định Số 589/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu quy hoạch xây dựng vùng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 như sau [75]:
- Phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của vùng theo mô hình tập trung đa cực, với TP. Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân và hướng tới là một đô thị phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế;
- Phát triển cấu trúc không gian toàn vùng, phát huy vai trò vị thế và tiềm năng của vùng TP. Hồ Chí Minh là cửa ngõ giao thương quốc tế, là trung tâm kinh tế hàng đầu của quốc gia và khu vực, kết nối các tỉnh, thành trong vùng với nhau, kết nối vùng TP. Hồ Chí Minh với các vùng trong cả nước và quốc tế;
- Xây dựng và phát triển các trung tâm thương mại - tài chính, dịch vụ cao cấp tầm khu vực và quốc tế ở vùng trung tâm bán kính 30 km, các trung tâm dịch vụ cấp quốc gia và cấp vùng với bán kính phục vụ hợp lý;
- Xây dựng hệ thống đô thị trên toàn vùng, liên kết, hỗ trợ giữa các vùng đô thị, đặc biệt là vùng đô thị trung tâm có bán kính 30 km. Hình thành các vùng đô thị đối trọng với các cực phát triển là các đô thị hạt nhân, kết nối với vùng đô thị trung tâm theo các trục hành lang kinh tế đô thị;
- Phát triển các vùng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp tập trung chuyên môn hóa. Hình thành các trục hành lang kinh tế công nghiệp và dịch vụ, tạo động lực cho các tỉnh trong vùng phát triển nhanh và bền vững;
- Hình thành hệ thống hạ tầng xã hội đa dạng và linh hoạt;
- Phát triển các vùng du lịch, các trung tâm du lịch tầm quốc tế gắn với văn hóa, đô thị và cảnh quan tự nhiên;
- Phát triển cân bằng giữa đô thị - nông thôn. Hình thành khung cảnh quan môi trường sinh thái;
- Định hướng phát triển hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường mang tính liên kết vùng, bảo đảm khai thác các lợi thế của từng khu vực cho sự phát triển nhanh và bền vững các không gian kinh tế và xã hội;
- Hình thành các dự án chiến lược có tầm ảnh hưởng, có sức lan tỏa và thúc đẩy phát triển vùng;
- Xây dựng cơ chế quản lý và kiểm soát phát triển không gian xây dựng toàn vùng có hiệu quả.
3.1.1.3. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 Mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 đã được xác định:
Mục tiêu chung
Đến năm 2020, Đồng Nai cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu đạt 80 đến 85% các tiêu chí cơ bản sau đây:
+ GDP/người(PPP) : 5000USD
+ Cơ cấu kinh tế: KV1<10%; KV2>KV3; ngành CN chế biến chế tạo chiếm 50 – 60%;
+ Lao động nông nghiệp chiếm 10 – 20%;
+ Tỷ lệ dân thành thị chiếm 60 – 75%
Mục tiêu cụ thể
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đảm bảo KV1 có tổng GDP không quá 5%; KV2 chiếm 50%; dịch vụ chiếm ít nhất 45% so với tổng GDP của nền kinh tế.
Đối với công nghiệp: đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành chế tạo tư liệu sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ, giảm tỷ trọng của các ngành thâm dụng nhiều lao động và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đối với nông nghiệp: đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, GTSX chăn nuôi chiếm trên 40% và dịch vụ chiếm 11% so với GTSXNN.
Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực như: rau an toàn, quả đặc sản và đạt chất lượng ViêtGAP, cây công nghiệp lâu năm (cao su, cà phê, hồ tiêu, điều), chăn nuôi (bò thịt, lợn thịt và gà công nghiệp nuôi an toàn sinh học).
Đối với dịch vụ: Tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ có tính chất động lực như:
giáo dục, khoa học công nghệ, tài chính tín dụng; các dịch vụ đảm bảo an sinh xã hội như y tế, bảo hiểm, dịch vụ nhà ở cho công nhân KCN phải được quan tâm đúng mức; phát triển hợp lí lĩnh vực dịch vụ như kinh doanh bất động sản, kinh doanh tài sản; ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2020.