TRƯỚC KHI TÁI LẬP TỈNH
2.1. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 10 NĂM SAU GIẢI PHÓNG (1976 -
2.1.1. Tình hình kinh tế
Tỉnh Sông Bé trong những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước đã ra sức tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước đi vào ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ đặt ra đối với tỉnh lúc bấy giờ là phải tập trung xây dựng tỉnh Sông Bé thành một tỉnh phát triển mạnh về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thực hiện tốt lĩnh vực phân phối lưu thông. Các nhiệm vụ cơ bản là:
- Tập trung phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh lâm nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhằm giải quyết vững chắc nhu cầu lương thực trong tỉnh, đóng góp một phần cho nhà nước.
- Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các ngành kinh tế trong tỉnh, tận dụng và phát huy năng lực sẵn có của cơ sở; đồng thời xây dựng thêm cơ sở mới về nông nghiệp, thuỷ lợi, công nghiệp, vật liệu xây dựng, cơ khí và chế biến lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; khôi phục và mở rộng giao thông vận tải; tăng nhanh năng lực xây dựng cơ bản, chú ý xây dựng các công trình phục vụ phúc lợi công cộng.
- Sử dụng tốt lực lượng lao động, tổ chức phân bổ dân cư hợp lý giữa các vùng và các ngành kinh tế trong tỉnh; giải quyết tốt việc làm và đời sống cho nhân dân đến lao động và sinh sống tại các vùng kinh tế mới.
- Khẩn trương tiến hành và hoàn thành cơ bản việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế tư doanh và tiểu nông cá thể ở địa phương;
đi đôi với cải tạo là xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất mới, xây dựng kinh tế quốc doanh, hợp tác xã.
- Phấn đấu tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu ở địa phương. Tập trung đẩy mạnh sản xuất đi đôi với tiết kiệm tiêu dùng; khai thác các mặt hàng có khả năng xuất khẩu, chú trọng các nguồn hàng là sản phẩm nông lâm nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh.
- Ra sức phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế, đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật; từng bước khắc phục những hậu quả của chiến tranh.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (1976 - 1980), tỉnh Sông Bé có những thuận lợi nhất định: đất rộng, phì nhiêu, tài nguyên đa dạng, có nhiều nguồn lợi thiên nhiên như đất cao lanh, đất làm gạch ngói, gỗ, mây tre, các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, tiêu, có những nghề thủ công mỹ nghệ mang tính chất truyền thống như sơn mài, thảm len, gốm sứ, đồ mộc; tỉnh đã bước đầu xây dựng được quy hoạch tổng thể, dần dần có cơ sở phân vùng quy hoạch cụ thể cho huyện, tạo điều kiện phát huy thế mạnh của tỉnh đối với nền kinh tế chung của cả nước; lực lượng kinh tế quốc doanh bắt đầu hình thành trên tất cả các lĩnh vực kinh tế và đang có triển vọng phát triển.
Trong năm 1979, sản xuất nông nghiệp đã đạt 118.542 ha gieo trồng, tăng 23.245 ha so với năm 1976. Tổng sản lượng lương thực quy lúa đạt 215.800 tấn, trong đó có 100.900 tấn màu quy lúa [44, tr.4]. Công nghiệp, tiểu và thủ công
nghiệp từng bước được phục hồi, có nơi phát triển như ở Thị xã và Thuận An.
Xuất khẩu tăng gấp 2 lần năm 1976. Công tác lưu thông phân phối nhằm thúc đẩy sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân từng bước có được cải tiến.
Cải tạo quan hệ sản xuất: tỉnh đã cơ bản xóa bỏ giai cấp tư sản kinh doanh thương nghiệp, vật tư, y tế, nhà đất và hoàn thành cơ bản cải tạo nông nghiệp dưới hai hình thức tập đoàn sản xuất và hợp tác xã.
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch trong 5 năm (1981 - 1985), Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Sông Bé lần thứ IV đã khẳng định một số thành công của tỉnh về phát triển kinh tế.
Sản xuất nông nghiệp: có nhiều tiến bộ, dần dần phát triển toàn diện, các thế mạnh của tỉnh bắt đầu được củng cố và phát huy hiệu quả. Tăng năng suất lúa ruộng bình quân từ 2,09 tấn năm 1981 lên 2,9 tấn năm 1985; trong đó, có 8.500 héc - ta đạt 3,2 tấn, 13 hợp tác xã và 20 tập đoàn sản xuất lên 8 tấn năm.
Đưa tổng sản lượng từ 131.081 tấn lên 187.400 tấn [46, tr.5]. Mặc dù không đạt chỉ tiêu của đại hội lần thứ III (218.000 tấn) nhưng tỉnh đã tự trang trải về lương thực.
Cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày đều có phát triển khá. Chăn nuôi gia súc gia cầm đều có tiến bộ trên cả 3 khu vực: quốc doanh, tập thể và gia đình. Về thủy lợi, đã hoàn thành một số công trình trạm bơm. Phong trào nhân dân làm thủy lợi nội đồng và tự giải quyết nguồn nước bằng nhiều cách đã nâng diện tích chủ động nước lên hàng chục lần so với mức đầu tư của Nhà nước.
Từ năm 1983, tỉnh đã khảo sát lại đất rừng, xác lập quy hoạch và chỉ đạo có kế hoạch hơn trước. Tổ chức lại sản xuất kinh doanh, bước đầu làm ăn có hiệu quả, giảm nạn phá rừng. Xây dựng thêm 7 lâm trường, nâng tổng số lên 13 lâm trường, đã giao cho các huyện quản lý 8 lâm trường. Các lâm trường đi vào hoạt động theo hướng bảo vệ xây dựng vốn rừng và kinh doanh nghề rừng.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: sản lượng bình quân hàng năm tăng trên dưới 1%, trong đó tiểu công nghiệp chiếm 70% tổng giá trị sản lượng, chủ yếu là hàng vật liệu xây dựng, sành sứ, sơn mài, đồ gỗ [46, tr.7]. Một số xí nghiệp đã sắp xếp lại tổ chức sản xuất, bước đầu phát huy quyền làm chủ sản xuất của cơ sở, phát triển được sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả.
Nhiều huyện phát triển thêm những cơ sở chế biến thực phẩm, nông cụ, ván ép, gạch ngói, đồ nhựa chế biến cao su.
Công nghiệp cơ khí chế tạo và sửa chữa được củng cố và trang bị thêm máy móc thiết bị. Đã chế tạo được máy cưa, máy bào liên hợp, máy chế tạo thức ăn gia súc, máy ép đường, bồn chứa xăng dầu và liên kết lắp ráp máy bơm nước.
Ngành giao thông vận tải đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển của địa phương và phục vụ các đợt đột xuất của trên giao. Tuy nhiên, hệ thống giao thông ở nông thôn, nhất là vùng hẻo lánh, vùng dân tộc cũng còn nhiều khó khăn.
Về điện, tỉnh đã cố gắng đầu tư xây dựng mới và sửa chữa một số công trình từng bước phục vụ sản xuất và đời sống khá hơn trước. Đáng chú ý là đã kéo điện về cho các huyện thuộc vùng kháng chiến. Cung cấp thêm điện cho 23 cơ sở sản xuất mới.
Bưu điện đã lắp đặt đường điện thoại tự động trên khu vực thị xã, xây dựng thêm đường điện thoại từ Thị xã đến huyện Tân Uyên, Bến Cát [46, tr.7].
Phân phối lưu thông: lực lượng thương nghiệp quốc doanh và tập thể của tỉnh đã phát triển hầu khắp các xã, phường, mở rộng ra đến nhiều ấp, ở các vùng đồng bào dân tộc, vùng hẻo lánh.
Trong hoàn cảnh tiền vốn thiếu, giá cả luôn biến động, tỉnh đã phấn đấu tổ chức thu mua các sản phẩm chủ yếu của địa phương. Đã đạt và vượt kế hoạch năm 1985 về lương thực. Một số nơi các hợp tác xã sản xuất, hợp tác xã mua bán và tín dụng bước đầu có chủ động liên kết hoạt động cho thấy khả năng đầu tư
cho sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi thu mua nguồn hàng, làm chủ phân phối lưu thông tại địa bàn xã. Năm 1985 quỹ hàng hóa luân chuyển trong xã hội tăng lên 8 lần so với năm 1981[46, tr.10].. Nghĩa vụ đối với Trung ương tỉnh đã thực hiện tốt hơn.
Công tác xuất nhập khẩu từng năm đều có tiến bộ, kim ngạch xuất khẩu năm 1985 đạt 5 triệu 7 rúp đô la tăng gần 17 lần so với năm 1981.
Tài chính trong 5 năm (1981 - 1985) đã cố gắng bảo đảm cân đối ngân sách, có bội thu song phần quan trọng là từ nguồn chênh lệch giá. Các nguồn thu chính như thuế nông nghiệp và thu quốc doanh có tăng lên và đi vào nền nếp hơn. Bắt đầu có quan tâm đầu tư cho sản xuất. Đã phân cấp ngân sách cho huyện, thị và bước đầu xây dựng ngân sách cho xã, phường, thị trấn, mở ra điều kiện thuận lợi cho huyện, xã chủ động dần về tài chính.
Ngân hàng có cố gắng cân đối thu chi tiền mặt, có chú ý đến các đợt thu mua, tăng cường sản xuất và giải quyết tiền lương khá kịp thời cho cán bộ công nhân viên chức tại địa phương, phát triển Hợp tác xã tín dụng, một số nơi bắt đầu hoạt động có hiệu quả.