3.3. NHỮNG CHUYỂN BIẾN TRONG LĨNH VỰC XÃ HỘI TỪ NĂM 1997 ĐẾN NĂM 2000
3.3.4. Sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như: phòng chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em - kế hoạch hoá gia đình... tiếp tục được triển khai và thực hiện tốt. Tỷ lệ người mắc bệnh truyền nhiểm dẫn đến tử vong giảm đáng kể; đã cơ bản loại trừ bệnh phong, thanh toán được bệnh bại liệt và uốn ván. Tỷ lệ chết do sốt rét giảm 33%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 22,8%; tỷ suất sinh giảm hàng năm khoảng 0,67%o, tốc độ tăng dân số tự nhiên còn 1,48%. Số người được khám bệnh hằng năm tăng từ 15-20%.
Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục phát triển. 100% số xã trong tỉnh đều có trạm y tế, trong đó có 32/79 xã có bác sĩ (40%, tăng 3 lần so năm 1997). Tỷ lệ bác sĩ đạt 3,79/1 vạn dân. Số cán bộ Y tế trong toàn tỉnh giai đoạn 1997 - 2000 có tăng nhưng không đáng kể, năm 1997 có 1.701 người, năm 2000 có 1.753, tuy vậy có sự thay đổi về chất, số cán bộ đại học trở lên tăng 21% trong khoảng 4 năm qua [35, tr.3].
Để góp phần đào tạo cán bộ y tế có trình độ đến trung cấp, trường trung học Y tế của tỉnh đã đào tạo cho ngành Y tế: năm 1997 có học viên là 403 người đang học hệ dược trung, điều dưỡng trung học, nữ hộ sinh, lương y (tốt nghiệp 148); đào tạo liên tục 35 lớp với 1.134 học viên. Năm 1998 có 335 học viên (tốt nghiệp 92). Năm 1999 có 469 học viên (tốt nghiệp 97). Năm 2000, có 467 học viên (tốt nghiệp 167), tổ chức 120 lớp đào tạo lại cho 3.664 lượt người. Từ 1997 đến 2000 đã gửi đào tạo tại trường đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh 332 người (chuyên tu bác sĩ, sau đại học, chuyên khoa) [35, tr.27].
Đã đầu tư xây dựng mới một số Bệnh viện, Trung tâm Y tế tuyến huyện, tỉnh như: trụ sở Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học Dân tộc, Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em - Kế hoạch hoá gia đình, Trung tâm Y tế huyện Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên và một số trạm y tế xã (1998), Trung tâm Y tế huyện Dĩ An, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Trung tâm Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, Trung tâm kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm (1999). Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư các trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho nhân dân.
Tính đến năm 2000, số cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh là 03, tuyến huyện 11 và tuyến xã 79 với tổng số giường bệnh là 1.199 [35, tr.2]. So với năm 1997 tăng 01 cơ sở y tế và tăng 204 giường bệnh.
Chủ trương xã hội hoá trên lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ nhân dân bước đầu đạt được kết quả, đã thành lập Bệnh viện Phụ sản bán công Bình Dương và Bệnh viện Đa khoa tư nhân, hoạt động y dược tư nhân ngày càng có chiều hướng phát triển. Đến năm 2000, có 963 cơ sở hành nghề y tế tư nhân (tăng 43% cơ sở so năm 1997).
Tuy nhiên, sự quá tải trong khám chữa bệnh và thực trạng nhân dân vùng sâu, vùng xa thiếu điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế là những thách thức lớn
trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, tỉnh cần có những giải pháp tích cực để khắc phục trong những năm tiếp theo.
Công tác Dân số - Gia đình và Trẻ em cũng được sự quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; các chương trình mục tiêu dân số đã đạt được những kết quả khá tốt, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Bình quân mức giảm sinh giai đoạn 1997 - 2000 là 0,71%o/năm, vượt chỉ tiêu HĐND, UBND tỉnh giao 0,11%o (mức giảm sinh cả nước trung bình 0,35 - 0,4%o/năm); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên bình quân giảm 2,08%/năm, trong đó có những xã không có người sinh con thứ 3 trở lên hoặc có với tỷ lệ rất thấp như xã Long Tân (Dầu Tiếng), Hội Nghĩa, Bạch Đằng, Thường Tân, Tân Lập (Tân Uyên), Phú Hòa, Phú Thọ (thị xã Thủ Dầu Một), Phước Sang, Tân Hiệp (Phú Giáo), Lái Thiêu (Thuận An); tổng tỷ suất sinh (số con bình quân của 1 cặp vợ chồng) giảm bình quân 0,13 con/năm; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng bình quân 1,38%/năm; tỷ suất tăng dân số tự nhiên giảm bình quân 0,06%/năm; tỷ lệ phát triển dân số bình quân 3,25% [54, tr.3].
Công tác dân số, gia đình và trẻ em đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh về chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân và từng bước nâng cao đời sống mọi mặt về vật chất và tinh thần của người dân.
Về hoạt động thể dục - thể thao: đến năm 2000, phong trào thể dục - thể thao của tỉnh đã có những chuyển biến khá tốt. Các hoạt động thể dục - thể thao quần chúng được mở rộng và đi vào chiều sâu trong các đối tượng và địa bàn theo hướng xã hội hoá. Hoạt động thể thao quần chúng của tỉnh có nhiều chuyển biến rõ nét về số và chất lượng. Có gần 20 môn thể thao đã được mọi người tập luyện thường xuyên trong tỉnh. Nếu những năm trước chỉ đạt 7 - 8% dân số thì đến năm 2000, trung bình có 12,46% số người tập luyện thể dục - thể thao
thường xuyên. Số gia đình thể thao có từ 2 người trở lên tập luyện đạt tỷ lệ 8,9%
số hộ trên địa bàn tỉnh [31, tr.2].
Về thực hiện chủ trương xã hội hoá: Ở nhiều địa bàn cơ sở, các đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội, tư nhân… đã đầu tư xây dựng sân bãi, phòng tập, các câu lạc bộ, đã góp phần cùng với nhà nước tạo điều kiện phục vụ đông đảo người có nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao. Toàn tỉnh có hơn 100 câu lạc bộ, điểm tập thể thao thường xuyên hoạt động, gồm nhiều môn nổi bật như bóng bàn, cầu lông, thể dục thẩm mỹ, thể dục dưỡng sinh…số câu lạc bộ thể dục - thể thao tăng lên khoảng 50% so với những năm trước đây.
Hệ thống đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao của tỉnh đã có bước phát triển tốt. Có 210 vận động viên đang được nuôi dưỡng và đào tạo gồm các môn: bóng đá, bóng bàn, điền kinh, cờ vua, Judo, Taekwondo, Karatedo…
Ngoài ra, tỉnh bắt đầu xây dựng tuyến năng khiếu đưa vào tập luyện được đào tạo từ cơ sở theo chương trình mục tiêu lứa tuổi từ U11 - U14 với trên 300 vận động viên. Đặc biệt, năm 2000, thể thao Bình Dương đã có 03 vận động viên tham gia đội tuyển quốc gia ở môn Judo, cờ vua, điền kinh. Lần đầu tiên thể thao Bình Dương đạt huy chương tại Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc (01 Huy chương vàng, 02 Huy chương bạc và 08 Huy chương đồng). Trong năm đã tham dự một số giải thi đấu cấp toàn quốc và khu vực, kết quả đạt 21 Huy chương vàng, 17 Huy chương bạc và 24 Huy chương đồng [31, tr.3].
*
* *
Nhìn chung, trong 4 năm đầu sau ngày tái lập tỉnh (1997 - 2000), tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và toàn diện, tạo được chuyển biến khá mạnh mẽ và tác động tích cực đến sự phát của kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nền kinh tế
tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao. Hầu hết các chỉ tiêu quan trọng Đại hội VI đề ra đều đạt và vượt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư thêm tương đối đồng bộ. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội đều có bước phát triển với những chuyển biến tích cực.
Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được đảm bảo.
Bộ máy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị, xã hội của nhân dân được kiện toàn và củng cố. Chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và khả năng vận động quần chúng của toàn hệ thống chính trị được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế cần được quan tâm khắc phục. Nền kinh tế tuy tăng trưởng nhanh nhưng nhưng chưa vững chắc cả về sản xuất, tiêu thụ và khả năng hội nhập kinh tế khu vực. Hạ tầng đô thị chưa phát triển đồng bộ, công tác quản lý đô thị còn nhiều bất cập. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cần tập trung giải quyết. Việc phát triển các thiết chế văn hoá chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Tình trạng thiếu việc làm vẫn còn nhiều. Lao động có trình độ kỹ thuật thiếu nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực có hạn. Các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm, tai nạn giao thông… có chiều hướng gia tăng, nhưng biện pháp ngăn chặn vẫn chưa có hiệu quả. Yêu cầu đặt ra cho tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2001 - 2010 là phải nhanh chóng khắc phục có hiệu quả những khuyết điểm nêu trên, tập trung giữ vững tốc độ phát triển kinh tế ở mức cao và bền vững.
CHƯƠNG 4