TRƯỚC KHI TÁI LẬP TỈNH
2.2.1. Tình hình kinh tế
Trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới trong giai đoạn từ 1986 - 1990, tỉnh đã từng bước xoá bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, hình thành cơ chế quản lý mới, huy động được mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh, nhờ đó đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tạo được tiền đề cho bước phát triển trong những năm sau.
Sản xuất nông nghiệp: tỉnh đã sớm chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát huy thế mạnh cây, con ở từng vùng, phát triển sản xuất hàng hóa với nhiều thành
phần kinh tế, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn, nhờ đó đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, tạo ra nguồn hàng tương đối lớn có giá trị xuất khẩu. Thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ chính trị về đổi mới quản lý trong nông nghiệp, tỉnh kịp thời sửa sai trong cải tạo nông nghiệp, đề ra một số chủ trương, chính sách phù hợp, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, bước đầu giải phóng năng lực sản xuất trong nông thôn, nông dân mạnh dạn đầu tư thâm canh tăng năng suất, tăng diện tích.
Trong 5 năm (1986 - 1990), cơ cấu cây trồng có sự biến đổi lớn, đã định hình được vùng cây cao su tập trung do Trung ương quản lý 105.000 ha, 1/3 diện tích trồng mới đã được khai thác; diện tích trồng cao su của tỉnh và của hộ nông dân đạt trên 10.000 ha [47, tr.13]. Các loại cây trồng như thuốc lá, điều, tiêu.
mía có phát triển, nhất là cây điều phát triển mạnh, có trên 34.000 ha, năm 1991 đạt sản lượng trên 9.000 tấn. Diện tích lúa nước ổn định và đi vào thâm canh tăng vụ.
Trong tình hình chuyển sang cơ chế thị trường, giá cả liên tục biến động, tiền vốn, vật tư không đáp ứng đủ và kịp thời, từng loại cây trồng có vụ tăng, có vụ giảm, nhưng kết quả sản lượng nông nghiệp hàng năm đều tăng. So với thời kỳ 1981 - 1985, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 18,29% (trong đó trồng trọt tăng 14,98%, chăn nuôi tăng 38,29%, riêng sản lượng mủ cao su tăng 15,39% [47, tr. 13].
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: từ năm 1986 - 1988 sản xuất công nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp dựa vào nguồn vốn, vật tư bao cấp là chính. Khi chuyển sang cơ chế mới, nhiều xí nghiệp quốc doanh không chuyển hướng kịp nên làm ăn thua lỗ, không có khả năng củng cố, phải chuyển hình thức sở hữu, hoặc chờ đợi giải thể. Từ cuối năm 1988, khi có Nghị quyết 16/BCT của Bộ Chính trị, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công
nghiệp được khôi phục dần, nhiều xí nghiệp quốc doanh được xây dựng và mở rộng, trang thiết bị được cải tiến, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Tính đến năm 1990, toàn tỉnh tăng thêm 1.217 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp [47, tr.15]. Một số cơ sở sản xuất quốc doanh tỉnh làm ăn có hiệu quả kinh tế, thu hút thêm nhiều lao động như quốc doanh sơn mài, đũa tre xuất khẩu, may mặc, chế biến hạt điều, chế biến lâm sản... Nhiều xí nghiệp do Trung ương quản lý sau những khó khăn ban đầu đã dần thích ứng với có chế mới, phát huy nguồn vốn, kỹ thuật, năng lực quản lý, phát triển được sản xuất, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh và đóng góp cho ngân sách địa phương. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp hàng năm tăng bình quân 8,58%, trong đó công nghiệp địa phương tăng 5,26%, cá thể tăng 13,6% [47, tr.16].
Giao thông vận tải: dù kinh phí có hạn nhưng tỉnh đã cố gắng duy tu sửa chữa cầu đường, nâng cấp một số đoạn và tuyến đường quan trọng, bảo đảm việc đi lại và lưu thông hàng hóa. Các huyện, thị đã huy động theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, dùng cho việc sửa chữa và làm mới cầu đường. Các công ty cao su Trung ương cũng đã dành hàng tỉ đồng đầu tư vào việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp nhiều đoạn đường trên địa bàn quản lý. Về vận tải, đáp ứng được vận chuyển hàng hóa phục vụ cho kinh tế, quốc phòng bảo đảm yêu cầu đi lại ngày càng thuận lợi cho nhân dân.
Bưu điện: có cố gắng tạo nguồn vốn để nâng cấp và phát triển cơ sở vật chất, hiện đại một bước phương tiện kỹ thuật, mở rộng mạng lưới thông tin liên lạc nội tỉnh, trong nước, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc quốc tế; đã trang bị tổng đài tự động cho một số huyện, trang bị máy vô tuyến liên lạc tới các xã giúp cho việc nắm tình hình chỉ đạo công tác từ huyện xuống cơ sở nhanh chóng, chính xác hơn.
Về điện: đã cải tạo nâng cấp mạng lưới điện ở các huyện, thị xã, tạo điều kiện phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến gần với vùng nguyên liệu. Điện cho sản xuất chiếm 67,4%, điện phục vụ ánh sáng chiếm 32,6% song so với yêu cầu sản xuất thì lượng điện còn thiếu lại chưa ổn định [47, tr.18].
Xây dựng cơ bản: tỉnh đã chú trọng điều chỉnh cơ cấu đầu tư, ưu tiên giành vốn đầu tư để xây dựng cơ sở phục vụ sản xuất, tập trung cho những công trình trọng điểm, các công trình văn hóa, y tế, giáo dục, cấp thoát nước, hệ thống đường giao thông...
Phân phối lưu thông: tỉnh đã xoá bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ", áp dụng cơ chế giá thị trường và có nhiều thành phần tham gia, nhờ đó thị trường thông suốt cả trong và ngoài tỉnh, hàng hóa, nông sản được tiêu thụ thuận lợi, hàng tiêu dùng dồi dào, góp phần tích cực điều hoà lương thực, thực phẩm, thu hẹp sự chênh lệch về giá cả giữa các vùng trong tỉnh.
Hoạt động kinh tế đối ngoại: tỉnh đã đạt được một số kết quả trong việc gọi vốn đầu tư nước ngoài, đã có 7 đơn vị được cấp giấy phép theo Luật đầu tư với số vốn pháp định là 9 triệu 49 ngàn USD (trong đó vốn của tỉnh là 3 triệu 44 ngàn USD) có 3 đơn vị đã đi vào hoạt động [47, tr.18]. Đã có các hình thức chuyển giao công nghệ, mua trả chậm, gia công, liên doanh bao tiêu sản phẩm, xây dựng được các xí nghiệp may mặc, đũa tre xuất khẩu, chế biến gỗ làm ăn có hiệu quả.
Xuất nhập khẩu: trước tình hình thị trường bị đảo lộn, tỉ giá ngoại hối biến động liên tục, chính sách, cơ chế có mặt chưa phù hợp nhưng nhiều công ty, xí nghiệp khắc phục được khó khăn, hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp có hiệu quả, góp phần đáng kể thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển với tốc độ hàng năm tăng bình quân 18,36%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 5 năm (1986-1990) đạt 29,14 triệu đôla, nhập khẩu đạt 23,518 triệu USD [47, tr.20].
Tài chính: trong 5 năm (1986 - 1990), đã cơ bản đảm bảo được cân đối các khoản thu chi, ngân sách cuối năm có kết dư để chủ động gối đầu cho năm sau. Cơ cấu nguồn thu ngân sách đã có sự thay đổi lớn, trong 3 năm đầu (1986 - 1988) thu từ kinh tế quốc doanh chiến tỷ lệ 50 - 60%, hai năm sau (1989 - 1990) còn 33 đến 42%; thu từ kinh tế cá thể, tập thể từ 20-25%, tăng lên 50 - 57% [47, tr. 21]. Tuy vậy, tổng thu ngân sách còn thấp nhiều so với khả năng thực tế của nguồn thu đang có; tình trạng thất thu thuế vẫn chưa được giải quyết căn bản.
Hoạt động ngân hàng: từ cuối năm 1988 chuyển sang hạch toán kinh doanh, ngân hàng có chú ý hướng tín dụng vào khu vực sản xuất, phục vụ 3 chương trình kinh tế. Các ngân hàng chuyên doanh có đáp ứng tốt hơn nhu cầu kinh doanh sản xuất.
Sang giai đoạn 5 năm (1991 - 1996), kinh tế trong tỉnh phát triển đều và liên tục với tốc độ tăng trưởng nhanh. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) hàng năm tăng bình quân 15% (kế hoạch là 7,8%). Đến cuối năm 1996, bình quân thu nhập đầu người đạt 3.312.000 đồng, hơn gấp 7 lần so với năm 1990. Từ năm 1990 đến năm 1996 số thu ngân sách hàng năm tăng nhanh. Tổng thu ngân sách của tỉnh năm 1995 đạt 677 tỷ đồng, bằng 12 lần năm 1990 [48, tr.10]. Tổng thu ngân sách của tỉnh năm 1996 đạt 840 tỉ 126 triệu đồng, tăng 33% so năm 1995 và hơn 14 lần so năm 1990.
Hầu hết các chỉ tiêu về phát triển kinh tế của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V đều thực hiện đạt và vượt. Kinh tế đi dần vào thế ổn định, từng mặt phát triển đạt được những thành tựu và tiến bộ quan trọng.
Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và tận dụng, phát huy các tiềm năng thế mạnh của ngành, vùng.
Năm 1990, tỷ trọng công nghiệp chỉ chiếm 10,35% (nông lâm nghiệp:
63,84%; dịch vụ 25,81%). Đến năm 1996, tỷ trọng công nghiệp đã tăng lên
chiếm 31% (nông lâm nghiệp 41%; dịch vụ 28%) [48, tr.10]. Trong từng ngành sản xuất kinh doanh có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tận dụng và phát huy các thế mạnh, tiềm năng của ngành, vùng sản xuất:
Nông nghiệp: bình quân hàng năm tăng trưởng 9,22%. Cả trồng trọt và chăn nuôi đều có sự chuyển dịch về cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho công nghiệp chế biến và sản xuất hàng hóa xuất khẩu; bước đầu áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, phát huy hiệu quả công tác khuyến nông.
Lâm nghiệp: cơ bản đã chuyển từ khai thác sang trồng và bảo dưỡng rừng, tận thu lâm sản các vùng ngập lòng hồ thủy điện, xây dựng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, gắn với định canh định cư, giao đất giao rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: giá trị tổng sản lượng thời kỳ 1991 - 1996 bình quân hàng năm tăng 37,87% [48, tr.11]. Tính đến năm 1996, toàn tỉnh có 955 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, 19.112 hộ kinh doanh theo Nghị định 66, với tổng vốn đầu tư là 130 tỷ đồng;
111 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn gần 913,3 triệu USD [57, tr.7]. Vùng công nghiệp phía Nam tỉnh (bao gồm các huyện Thuận An, thị xã, Nam Tân Uyên, Bến Cát) đã hình thành một số khu công nghiệp bằng vốn trong nước và vốn liên doanh nước ngoài, công nghệ kỹ thuật cao, sản phẩm chủ yếu dành cho xuất khẩu. Từng bước đưa dần công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lên các vùng nguyên liệu ở phía Bắc tỉnh, chủ yếu là công nghiệp chế biến nông lâm sản.
Các ngành nghề truyền thống tiếp tục phát triển, sản phẩm đa dạng, nhiều mặt hàng có giá trị cao, có thị trường xuất khẩu.
Năm 1993, trong lúc chưa có chủ trương và các quy định của Chính phủ về đầu tư khu công nghiệp, do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã mạnh dạn giao cho Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần I (là khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam). Đến năm 1996, tỉnh đã quy hoạch 15 khu công nghiệp với diện tích hơn 6.000 ha.
Thương mại - xuất nhập khẩu: tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội tăng bình quân mỗi năm 60% (gấp 5 lần của thời kỳ 1986 - 1990) [48, tr.12]. Thị trường trong tỉnh nhìn chung tương đối ổn định, cơ bản đáp ứng được các nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Xuất nhập khẩu có sự chuyển hướng quan trọng, đã khắc phục có kết quả tình hình biến động của thị trường các nước xã hội chủ nghĩa. Tỉnh đã có quan hệ buôn bán với nhiều nước trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng theo từng năm. Đến năm 1996, kim ngạch xuất khẩu đạt 254,3 triệu USD, tăng 34,3%
so năm 1995. Kim ngạch nhập khẩu năm 1996 đạt 207,1 triệu USD, bình quân mỗi năm tăng 80% [57, tr.10]. Giảm nhập hàng tiêu dùng, tăng nhập hàng thiết bị kỹ thuật phục vụ sản xuất.
Xây dựng cơ sở hạ tầng: tỉnh đã đưa điện lưới quốc gia về đến tất cả các huyện, thị, hoàn thành chỉ tiêu kéo điện về 97/141 số xã phường, thị trấn; đồng thời đã từng bước cải tạo, nâng cấp hệ thống truyền tải, thiết lập trạm hạ thế và các đường điện phục vụ các khu công nghiệp mới hình thành. Đã xây dựng và nâng cấp hàng trăm cây số đường bộ các cầu quan trọng trên các trục lộ huyết mạch, nối liền tỉnh lị với các huyện phía bắc và các vùng xã biên giới.
Hệ thống thông tin liên lạc đã mở rộng về các vùng nông thôn, vùng biên giới và nâng cấp chất lượng phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của các thành phần kinh tế. Từ 1.790 máy điện thoại năm 1992, đến năm 1996 tăng lên 19.369 máy, mạng lưới điện thoại mở rộng đến 105/141 xã phường thị trấn bình
quân 100 người dân có 1,62 máy điện thoại, 85/141 xã có thư báo đến trong ngày [57, tr.12]. Đã đưa vào sử dụng các loại hình dịch vụ mới như Fax, Telex, Cardphon...
Khoa học công nghệ môi trường có chuyển biến tích cực. Nhiều công trình khoa học ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật được các thành phần kinh tế tiếp nhận sử dụng. Công tác bảo vệ môi trường được các cấp, các ngành quan tâm hơn.
Tài chính tín dụng: thu ngân sách đạt khá. Các nguồn thu mới được khai thác, hạn chế dần tình trạng thất thu, tồn động công nợ. Chi ngân sách đã đáp ứng được các nhu cầu cơ bản và bức xúc cho phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, đồng thời dành phần đáng kể cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Công tác tín dụng góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Doanh số cho vay năm 1995 gấp 4 lần năm 1990 [48, tr.15]. Doanh số cho vay năm 1996 gấp 5 lần năm 1990
Một trong những thành công quan trọng của tỉnh trong phát triển kinh tế giai đoạn 1991 - 1996 là các thành phần kinh tế phát triển năng động. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và phát triển, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình.
Kinh tế quốc doanh được sắp xếp lại theo hướng có năng lực hoạt động thực sự và tinh gọn, đã giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Kinh tế ngoài quốc doanh phát triển mạnh, năng động với nhiều loại hình kinh tế, huy động vốn và tay nghề trong dân, góp phần giải quyết các nhu cầu hàng hóa cho tiêu dùng và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách. Hộ gia đình nông dân trở thành đơn vị kinh tế tự chủ có vai trò tích cực ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm ở nông thôn.
Cơ chế quản lý kinh tế đã được đổi mới và hoàn thiện hơn. Đã chuyển từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước. Trong đó, có sự phân định rõ giữa quản lý Nhà nước về kinh tế và quản lý sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ máy quản lý sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp chủ động điều hành sản xuất. Đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp ngày càng thích ứng và năng động với thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Hệ thống quản lý Nhà nước về kinh tế được sắp xếp lại, quy định rõ chức năng nhiệm vụ với sự phối hợp đồng bộ hơn, sử dụng các công cụ về pháp luật, tài chính, thuế, ngân hàng. Vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước đã phát huy, đã can thiệp kịp thời, có hiệu quả trên một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng. Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế ngày càng trưởng thành, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế được chú trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu phát triển đạt được trong những năm 1990 - 1996, tức trước mốc thời gian tái lập tỉnh Bình Dương 1/1/1997, kinh tế trong tỉnh vẫn có những khó khăn và yếu kém. Đó là:
- Kinh tế phát triển nhưng chỉ là sự khởi đầu, đất đai là thế mạnh quan trọng của tỉnh, nhưng quỹ đất chưa được quản lý chặt chẽ. Lao động tại chỗ chủ yếu là lao động phổ thông, nông nghiệp, thiếu lao động kỹ thuật. Cơ sở hạ tầng, nhất là về điện, giao thông... vẫn còn nhiều khó khăn. Nông nghiệp năng suất thấp, sản lượng không ổn định, giá tiêu thụ nông sản thường biến động không có lợi cho người sản xuất. Tình trạng phá rừng vẫn còn, có nơi xảy ra nghiêm trọng.
Công nghiệp mới phát triển bước đầu, công nghệ kỹ thuật chưa cao.
- Thực chất cơ cấu kinh tế của tỉnh vẫn còn là nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ; công nghiệp phát triển tương đối nhanh nhưng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế còn thấp.