Giáo dục - Đào tạo

Một phần của tài liệu nguyenvanhiep ths 6469 (Trang 124 - 129)

VÀ NHỮNG THÀNH QUẢ BƯỚC ĐẦU (2001 - 2003)

4.3. NHỮNG CHUYỂN BIẾN VỀ XÃ HỘI TỪ 2001 ĐẾN 2003

4.3.3. Giáo dục - Đào tạo

Tỉnh Bình Dương hiện có 93 trường Mầm non, 2 nhà trẻ, 57 nhóm trẻ gia đình, 117 trường tiểu học, 44 trường trung học cơ sở (THCS) và 28 trường trung học phổ thông (THPT). So với năm 2001, tăng 11 trường Mầm non, 04 trường tiểu học và 01 trường trung học phổ thông [20, tr.1].

Chất lượng giáo dục ở các cấp học trong những năm qua ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng nhất là ở khu vực thị xã, thị trấn, thị tứ. Các hoạt động phong trào đều được tổ chức thực hiện nghiêm túc đúng qui định của Bộ: phong trào tổ chức thi học sinh giỏi tiến hành đều đặn. Riêng năm học 2003 - 2004, có 164 học sinh đạt học sinh giỏi vòng tỉnh bậc THPT, 274 học sinh đạt học sinh giỏi THCS. Thi học sinh giỏi cấp quốc gia đạt 13 giải [20, tr.9].

Công tác giáo dục đạo đức, hạnh kiểm học sinh được các trường tổ chức dạy chính khoá ở bộ môn giáo dục công dân, thông qua triển khai các hoạt động chủ điểm ngoài giờ đối với hoặc THCS và THPT. Thực hiện tốt các hoạt động ngoại khoá về giáo dục pháp luật, trật tự an toàn giao thông, phòng chống AIDS, ma túy, giáo dục môi trường, giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản,... đã góp phần hạn chế tiêu cực của xã hội xâm nhập vào nhà trường: hiện tượng nghiện ma túy, cờ bạc, đánh nhau, vô lễ thầy cô... xảy ra không đáng kể trong trường học; kết quả hạnh kiểm bậc THCS xếp loại khá tốt từ 90 - 95%, bậc THPT loại khá tốt từ 85 - 90%, loại trung bình, yếu là không đáng kể.

Đến nay, về cơ sở vật chất trường lớp của ngành giáo dục và đào tạo đã được đáp ứng cơ bản đảm bảo phục vụ quy mô phát triển giáo dục. Trên địa bàn toàn tỉnh, số phòng học, trường lớp xây kiên cố ngày thêm nhiều, nhiều trường THPT, THCS, tiểu học đã được xây dựng lầu hóa. Toàn bộ 100% trường lớp của tỉnh (kể cả các vùng nông thôn) đều là nhà cấp 4 trở lên. Từ năm học 1997 - 1998 toàn tỉnh đã xóa dược phòng học tranh tre, phòng tạm lớp mượn và xóa hết lớp học ca 3. Tỷ lệ lớp trên phòng học đến cuối năm 2003 như sau:

- Mầm non: 1lớp/phòng.

- Tiểu học: 1,4 lớp/phòng.

- THCS và THPT: 1,62 lớp/phòng [20, tr. 3].

Công tác xây dựng cơ bản trường học của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương thời gian qua đã được lãnh đạo tỉnh, các địa phương và nhân dân trong tỉnh rất quan tâm, ngân sách của tỉnh đầu tư cho xây dựng mới cơ sở vật chất trường học, tu sửa phòng học ngày càng cao. Việc phấn đấu xây dựng trường lớp lầu hóa có nhiều chuyển biến tốt. Đặc biệt từ năm 2002, tỉnh đã có chủ trương và bố trí vốn xây dựng nhà công vụ phục vụ cho giáo viên phải ở lại nơi công tác, trong năm 2002 được bố trí 3.000 triệu đồng để xây dựng 97 căn nhà công vụ giáo viên đủ tiện nghi phục vụ, năm 2003 được bố trí 3000 triệu để xây dựng 86 căn khác.

Năm 2000 - 2001, tỉnh đã hoàn chỉnh đề án “Quy hoạch phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đến năm 2020” cùng với 5 đề án: đề án

“Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giai đoạn 2001 - 2005”, tổng kinh phí 58.408,5 triệu đồng; đề án “Tăng cường trang thiết bị trường học 2001 - 2005”, tổng kinh phí 67.618 triệu đồng; đề án “Công nghệ thông tin quản lý ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương”, tổng kinh phí 7.200 triệu đồng; đề án “Nâng cấp cơ sở vật chất trường học 2001 - 2005”, tổng kinh phí 391.840 triệu đồng; đề

án “Phổ cập giáo dục trung học cơ sở giai đoạn 2001 - 2005” nhằm thực hiện hoàn thành phổ cập giáo dục THCS toàn tỉnh đến năm 2005.

Tỉnh đã thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho số giáo viên làm công tác khác (ngoài đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quyết định 973) có gốc đào tạo là giáo viên trong đó có cán bộ văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo và cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo. Chế độ được cấp từ nguồn ngân sách của tỉnh. Kết quả đã giải quyết 331 trường hợp, định mức được hưởng là 35% tiền lương chính và phụ cấp nếu có, số lượng được hưởng chế độ này chiếm 3,32%

cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành.

Giải quyết chế độ ưu đãi của tỉnh đối với giáo viên trường chuyên, giáo viên dạy vùng sâu, vùng xa xôi khó khăn, giáo viên được điều động trái với địa phương nơi có hộ khẩu thường trú trên 20 km, giáo viên trường Sư phạm, giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua, nhà giáo ưu tú, và học sinh trường sư phạm, trường chuyên,… Ngoài ra, năm 2003, UBND tỉnh ban hành một số chế độ chính sách mới khác đối với cán bộ công chức ngành Giáo dục và Đào tạo trong tỉnh gồm: định mức hợp đồng giáo viên thỉnh giảng của các trường bán công, các trung tâm giáo dục thường xuyên; chế độ trợ cấp trách nhiệm đối với bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ Hành chính quản trị các trường; chế độ đối với giáo viên mầm non dạy chương trình mẫu giáo 36 buổi; chế độ đối với giáo viên, cán bộ quản lý giỏi cấp huyện,... (tổng chi trợ cấp chế độ chính sách của tỉnh gần 2 tỷ đồng/năm) [20, tr.10].

Tỉnh đã ban hành các chế độ chính sách từ nguồn ngân sách của tỉnh đối với ngành như: phụ cấp công tác xa nhà, phụ cấp cho nhà giáo ưu tú, phụ cấp giáo viên giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, phụ cấp cho giáo viên dạy các lớp không chuyên trong trường chuyên...

Các chế độ chính sách của tỉnh đối với ngành Giáo dục - đào tạo đã tạo được sự phấn khởi, an tâm công tác, gắn bó của đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Nói chung, tỉnh đã thực hiện tốt chương trình cải cách giáo dục, đề án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy và học, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Sau khi hoàn thành mục tiêu xoá mù chữ - phổ cập tiểu học (năm 1997). Tỉnh đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào cuối năm 2003 (sớm hơn 2 năm so với kế hoạch của tỉnh và sớm hơn 7 năm so với chỉ tiêu cả nước). Phát huy kết quả phổ cập giáo dục tiểu học của 79/79 xã, phường, thị trấn, công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đã được đẩy mạnh. Đến cuối năm 2003, có 38/79 xã, phường, thị trấn được công nhận, tăng 29 xã so với năm học trước [20, tr.11].

Ngoài ra, tỉnh đã triển khai thực hiện một số chương trình khác trên lĩnh vực giáo dục sớm hơn Trung ương như: chương trình đầu tư kiên cố hoá, lầu hoá các cơ sở giáo dục (Trung ương chỉ mới đề ra năm 2003), chương trình chuẩn quốc gia trong các trường trung học phổ thông,.. Đến nay, tỷ lệ trường học được đầu tư lầu hoá đạt tỷ lệ 30,7%; đã có 13 trường đạt chuẩn quốc gia về điều kiện giáo dục. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường học theo quy hoạch đạt được nhiều kết quả khả quan.

Kết quả xây dựng cơ bản đến đầu năm 2003 (chỉ tính các trường công lập, bán công) như sau: Mầm non: 09/81 đơn vị; đạt 11% số trường có lầu; Tiểu học:

32/115; đạt 27,8%; THCS: 13/43; đạt 30,23%; THPT: 28/29; đạt 93,1%. Tổng cộng: 81/268 đơn vị trường; đạt 30,22% có lầu trong toàn tỉnh [20,tr.8].

Về huy động xã hội hoá: Năm học 2000 - 2001: 10.865.808.655 đồng;

Năm học 2001 - 2002: 19.353.979.890 đồng; Năm học 2002 - 2003:

18.701.370.075 đồng.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp các cấp bình quân qua các năm từ 2001 - 2003:

Tiểu học: 99,91%; THCS: 96,55%; THPT: 90,33%; Bổ túc THCS: 91,16%; Bổ túc THPT: 97,2% [20, tr.4].

Có thể nói các kết quả đều giữ vững và tăng so với năm học trước.

Về tỷ lệ lưu ban, bỏ học: các trường đều đã duy trì sỉ số học sinh khá tốt ở hầu hết các bậc học, cấp học; tỷ kệ học sinh lưu ban, bỏ học thấp, có giảm so với năm học trước. Đây là tiền đề thuận lợi cho công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi và phổ cập THCS, THPT ở các năm học sau.

Mạng lưới các trường chuyên nghiệp của Bình Dương phát triển đến nay tương đối hợp lý. Trong 8 đơn vị trường có 2/8 là trường ngoài công lập (tỷ lệ 25%). Về cơ cấu ngành nghề đào tạo trừ trường Trung học Kinh tế, Trung học Y tế, Trung học Văn hóa Nghệ thuật đào tạo có tính chất chuyên ngành, các trường còn lại đều là trường đào tạo đa ngành, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh và đông đảo nhân dân.

Hiện nay với lưu lượng hằng năm bình quân tỉnh Bình Dương có 10.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và 7.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông với mạng lưới trường Trung học chuyên nghiệp nêu trên về cơ bản đáp ứng được nhu cầu phân luồng học sinh sau trung học cơ sở là 20 - 25% và trung học phổ thông 50 - 55% [20, tr.4].

Hoạt động đào tạo của các trường thời gian qua có những thuận lợi: tình hình lao động và việc làm của tỉnh Bình Dương trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực: nhiều sinh viên, học sinh tốt nghiệp đã có nhiều cơ hội làm việc, tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo, điều đó đã kích thích nỗ lực học tập của sinh viên, học sinh và tác động đến việc tuyển sinh đầu vào; số lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng nhanh, công tác tuyển sinh đào tạo trung học chuyên nghiệp có nhiều thuận lợi, thu hút ngày càng nhiều học sinh.

Về công tác đào tạo nghề, mặc dù còn bất cập, nhưng tỉnh cũng đã hết sức quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở đào tạo. Nhờ đó, đã góp phần làm cho chất lượng tay nghề của công nhân từng bước được nâng cao. Nhiều công nhân được đào tạo cơ bản trong các trường, trung tâm dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề hoạt động ổn định, công tác tuyển sinh đã đi vào nề nếp so với trước.

Hai Trung tâm dạy nghề huyện Dĩ An, Tân Uyên và Trường Kỹ nghệ Bình Dương đi vào hoạt động đã góp phần phát triển số lượng và chất lượng đào tạo nghề cho tỉnh. Năm 2003, các đơn vị dạy nghề của Trung ương đóng trên địa bàn và của tỉnh đã đào tạo được 15.745 học viên (trong đó có 14.287 học viên hệ ngắn hạn và 1.458 học viên hệ dài hạn). Trong 3 năm 2001 - 2003 đã đào tạo được 43.370 lao động, trong đó đào tạo dài hạn là 3.922 lao động và ngắn hạn là 39.448 lao động [8, tr.75]. Tỷ lệ học sinh học nghề ra trường có việc làm khoảng 80%, trong đó 90% vào làm tại các khu công nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay khoảng 31% (lao động qua đào tạo nghề khoảng 23%). Đến nay, đã có 25 cơ sở dạy nghề gồm 15 cơ sở công lập, 10 cơ sở tư nhân (trong đó có 4 cơ sở thuộc Trung ương quản lý), tăng 5 cơ sở so với năm 2002.

Trong 3 năm từ 2001 - 2003, ngân sách Trung ương đã đầu tư 4.300 triệu đồng cho việc thực hiện dự án tăng cường năng lực đào tạo nghề, kinh phí này được sử dụng phần lớn vào việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy nghề. Ngoài ra, ngân sách địa phương còn hỗ trợ thêm 10.667 triệu đồng xây dựng Trung tâm dạy nghề huyện Dĩ An, Tân Uyên, Trường Kỹ nghệ Bình Dương [27, tr.5].

Một phần của tài liệu nguyenvanhiep ths 6469 (Trang 124 - 129)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)