TRƯỚC KHI TÁI LẬP TỈNH
2.2.2. Tình hình văn hóa - xã hội
Tình hình văn hoá - xã hội của tỉnh giai đoạn từ 1986 - 1991 có những nét chuyển biến mới so với các năm trước, tuy nhiên, nhìn chung vẫn chưa theo kịp những khởi sắc của kinh tế.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản đã nỗ lực tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng một phần nhu cầu đa dạng của quần chúng nhân dân [47, tr.22]. Số lượng các buổi biểu diển văn nghệ, chiếu phim, phát hành sách báo hàng năm đều có tăng. Hoạt động văn nghệ quần chúng nhờ có đoàn thể tham gia nên nhiều nơi phong trào được giữ vững, đạt được một số thành tích trong khu vực.
Hội Văn học - Nghệ thuật đã tổ chức các trại sáng tác, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hội viên, nâng chất các tác phẩm, duy trì được tập san văn nghệ. Trong lĩnh
vực báo chí đã tích cực tạo bước đổi mới để nâng cao chất lượng thông tin nhiều chiều, sát cuộc sống hơn, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng của quần chúng, phát huy dân chủ, chống tiêu cực, tham nhũng khá hơn trước. Nhà xuất bản Sông Bé, ngoài những ấn phẩm văn học, đã cố gắng xuất bản những tập sách giới thiệu về địa phương và con người Sông Bé như tập địa chí, dân ca, tập ảnh về Sông Bé...
Ngoài ra tỉnh đã hoàn thành một số bộ phim giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa, thành quả lao động của nhân dân Sông Bé.
Giáo dục phổ thông: ngoài việc thực hiện cải cách sách giáo khoa ở lớp 11, đã tiến hành tách trường cấp II khỏi cấp I và đa dạng hóa các hình thức trường lớp (bán công, dân lập, bán trú...). Mặc dù ngân sách cho giáo dục có hạn, ngành đã có nhiều cố gắng huy động sự đóng góp của các ngành và nhân dân để sửa chữa và xây dựng thêm trường lớp, nhất là để hạn chế lớp học ca 3 [47, tr.24]. Chất lượng dạy và học nói chung có mặt được nâng lên, số học sinh giỏi hàng năm đều tăng; những hoạt động "bảo trợ tài năng trẻ" bước đầu được nhân dân hưởng ứng có hiệu quả thiết thực; đã có một số việc làm nhằm giảm bớt một phần khó khăn cho đời sống giáo viên. Các trường chuyên nghiệp dạy nghề đạt được chỉ tiêu về số lượng đào tạo hàng năm. Công tác xoá mù chữ đạt 80% chỉ tiêu đề ra.
Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội những năm (1986 - 1990), khoa học và công nghệ bước đầu có chú trọng hướng vào nghiên cứu ứng dụng, góp phần phát triển sản xuất, thực hiện ba chương trình kinh tế của tỉnh. Cơ chế quản lý khoa học và công nghệ bước đầu được đổi mới nhằm gắn khoa học với sản xuất và cuộc sống mở rộng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của tập thể và cơ quan khoa học, do đó cũng đáp ứng được một phần những yêu cầu bức xúc của công cuộc đổi mới, góp phần làm chuyển biến nền kinh tế về mặt năng suất,
chất lượng, hiệu quả, thúc đẩy phát triển các ngành có hàm lượng khoa học và công nghệ phát triển cao.
Đời sống và việc làm: nhờ thực hiện các chính sách đổi mới về kinh tế nên một bộ phận nhân dân có thu nhập khá, đời sống nhiều hộ được cải thiện. Ở nông thôn, đã có những hộ có mức sống khá, số hộ có nhà ngói, có xe máy, có tivi, cát-sét tăng lên [47, tr.27]. Ở những cơ sở sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thu nhập của công nhân khá, đời sống ổn định. Các đối tượng chính sách được chăm sóc tốt hơn, đã căn bản hoàn thành việc xác nhận giải quyết chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến. Các hoạt động từ thiện có đạt được một số kết quả thiết thực.
Đồng bào dân tộc thiểu số đã bước đầu đi vào định canh định cư với mô hình tách hộ lập vườn, ngoài sản xuất lương thực, bà con còn trồng cây nông sản xuất khẩu. Đây là một chuyển biến có ý nghĩa so với tập quán làm ăn lâu đời của bà con trong những năm qua. Đời sống của đồng bào nhiều nơi đã tương đối ổn định, nhiều gia đình đã sắm được những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.
Sự nghiệp y tế bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân có những tiến bộ; đã xây dựng được mạng lưới y tế cơ sở có y sĩ phụ trách, sắp xếp lại bộ máy y tế cấp huyện [47, tr.29]. Hội chữ thập đỏ từ tỉnh đến cơ sở xã phường hoạt động thiết thực, góp phần cùng ngành y tế chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Hệ thống dịch vụ y tế được mở rộng, trang thiết bị ở một số bệnh viện được cải tiến. Chất lượng khám chữa bệnh có khá hơn, giảm được bệnh sốt rét, kịp thời phát hiện và dập tắt các dịch bệnh không để lây lan. Với số lượng y bác sĩ tăng lên, cứ 10.000 dân có 12 y, bác sĩ phục vụ [47, tr.29].
Phong trào thể dục thể thao được đưa vào nhà trường khá hơn trước. Một số bộ môn thể thao có phát triển và đạt được thành tích khá như bóng đá, bóng
chuyền, võ dân tộc. Nhưng nhìn chung, phong trào rèn luyện thân thể trong nhân dân chưa rộng khắp, nhất là ở các vùng nông thôn.
Sang giai đoạn từ năm 1991 - 1996, tình hình văn hoá - xã hội của tỉnh có những chuyển biến mới đáng phấn khởi.
Đời sống các tầng lớp dân cư được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo thiếu ăn giảm, hộ trên trung bình và giàu có tăng. Chi phí tiêu dùng cho các sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân có tăng.
Việc chăm sóc các đối tượng chính sách có chuyển biến tích cực. Qua các đợt vận động, tỉnh đã xây dựng và bàn giao 2.342 nhà tình nghĩa, tặng trên 6.000 sổ tiết kiệm. Toàn tỉnh có 666 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 242 bà mẹ còn sống đã được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời [48, tr.18]. Công tác tu sữa nghĩa trang, quy tập hài cốt liệt sĩ, thăm hỏi tặng quà các đối tượng chính sách trong các dịp lễ tết được các cấp ủy, chính quyền thực hiện thường xuyên.
Hàng năm, tỉnh đã tổ chức ổn định cuộc sống cho gần 20.000 lao động.
Các chương trình xóa đói giảm nghèo được đông đảo nhân dân đồng tình và nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Các đoàn thể tổ chức các phong trào vận động quyên góp tương trợ lẫn nhau, góp phần giải quyết khó khăn cho hơn 20.000 lượt hộ. Các dự án nhỏ vay vốn quốc gia giải quyết việc làm đã góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động.
Văn hóa, giáo dục: mạng lưới trường lớp được mở rộng, 100% số xã có trường tiểu học. Đã xây dựng được các lớp chuyên, lớp chọn. Bộ môn tin học được đưa vào giảng dạy ở một số trường. Chất lượng học tập, hạnh kiểm có tiến bộ, số học sinh giỏi cấp tỉnh, toàn quốc tăng. Chất lượng giáo dục các trường đào tạo con em dân tộc có tiến bộ. Tỉnh cũng đã xây dựng các chính sách hỗ trợ cho giáo viên vùng cao và giáo sinh sư phạm.
Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều mặt tiến bộ.
Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, các xã đã có trạm y tế. Công tác vệ sinh phòng chống dịch được đẩy mạnh. Trong nhiều năm liền, đã duy trì được tỉ lệ tiêm chủng 6 bệnh thường gặp ở trẻ em đạt từ 90 - 95%. Công tác phòng chống sốt rét giảm 13%, sốt rét ác tính giảm 27%, chết do sốt rét giảm 33% [48, tr.22], không còn dịch sốt rét.
Công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em - kế hoạch hóa gia đình đạt kết quả tốt, hầu hết các trạm y tế xã làm được kế hoạch hóa gia đình và hộ sản tại chỗ. Hàng năm tỉ suất sinh giảm 0,06%. Hệ thống tổ chức y học cổ truyền đã gắn với y tế cộng đồng, tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân. Có chú ý thực hiện tốt việc kết hợp quân dân y và lập lại trật tự kỷ cương hành nghề y tế tư nhân. Các chương trình khác như phòng chống bướu cổ, chống lao, phong... đạt được các mục tiêu đề ra.
Sự nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tỉnh đã trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa như chùa Hội Khánh, nhà tù Phú Lợi, căn cứ Bộ Chỉ huy miền; xây dựng Nhà Văn hóa trung tâm, sân vận động... hàng năm trong các dịp lễ tết, đã tổ chức tốt các phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh bổ ích, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Các lễ hội dân tộc truyền thống được khôi phục, văn hóa các dân tộc anh em trên địa bàn được trân trọng, đề cao. Báo chí, thông tin từng bước nâng chất lượng và cố gắng hướng về cơ sở.
*
* *
Nhìn chung, trong 10 năm sau ngày giải phóng (1976 - 1986), tuy tình hình còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã vượt qua những thử thách, ra sức phát
huy thế mạnh của địa phương, từng bước khắc phục những yếu kém của nền kinh tế, sửa chữa những khuyết điểm và tháo gỡ vướng mắc về quản lý kinh tế theo tinh thần đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ chế quản lý, cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng quan hệ sản xuất mới, tăng cường công tác xây dựng Đảng, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân; tiếp tục giữ được an ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định hơn; từng bước tạo ra cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội; tuy còn nhiều khó khăn, song nhờ sản xuất mỗi năm có phát triển, giá trị tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân tăng lên mỗi năm, nên đã từng bước ổn định và cải thiện đời sống vật chất và văn hoá, tinh thần của nhân dân.
Sang giai đoạn 10 năm đầu đổi mới (1986 - 1996), tỉnh Sông Bé đã không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều klhó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Nền kinh tế của tỉnh phát triển đều, liên tục với tốc độ tăng trưởng nhanh và bước đầu có tích luỹ. Tỷ trọng các ngành kinh tế trong GDP có sự chuyển dịch quan trọng theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp. Từ một tỉnh nghèo phải nhận chi viện của Trung ương, Sông Bé trở thành tỉnh có đóng góp ngân sách hàng năm cho Nhà nước. Nhiều cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp thúc đẩy sản xuất phát triển. Nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng, thu hút và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, đặc biệt là ở một số khu công nghiệp tập trung vừa được hình thành và đi vào hoạt động. Nhiều chương trình xã hội được thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân.
An ninh quốc phòng được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ. Có thể nói, những chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước đã thổi một luồng sinh khí mới vào trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh, tạo động lực cho mọi người dân tự phấn đấu
vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Đây là tiền đề quan trọng để tạo đà vươn lên mạnh mẽ của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn phát triển mới sau ngày tái lập tỉnh (1997).
CHƯƠNG 3