Chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Một phần của tài liệu nguyenvanhiep ths 6469 (Trang 129 - 137)

VÀ NHỮNG THÀNH QUẢ BƯỚC ĐẦU (2001 - 2003)

4.3. NHỮNG CHUYỂN BIẾN VỀ XÃ HỘI TỪ 2001 ĐẾN 2003

4.3.4. Chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo, phát triển mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước cũng như của tư nhân, đầu tư trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh và nâng cao năng lực chuyên môn, y đức trong đội ngũ cán bộ, công chức ngành y tế; tăng cường công tác vệ sinh an toàn

thực phẩm, công tác y tế dự phòng, phòng chống các bệnh xã hội. Nhiều năm liên tục đã không để xảy ra dịch, những bệnh nguy hiểm như sốt rét, thổ tả, thương hàn, sốt xuất huyết đã được khống chế. Thực hiện 3 giảm trong bệnh sốt rét, số người mắc bệnh sốt rét giảm, đến năm 2003 toàn tỉnh chỉ có một trường hợp bị sốt rét ác tính và không có tử vong về sốt rét. Đầu năm 2003, sốt xuất huyết tăng cao nhưng nhờ áp dụng nhiều biện pháp tích cực nên trong năm 2003 số bệnh nhân sốt xuất huyết giảm 13,7% so với 2002 và có 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Thực hiện kịp thời và đúng quy định về chế độ bảo hiểm y tế, chế độ khám chữa bệnh cho nhân dân; đầu tư xây dựng bệnh viện phục vụ người nghèo và là một trong số ít tỉnh cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo (theo tiêu chí nghèo của tỉnh), các đối tượng xã hội và thực hiện chế độ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ngành Y tế đã triển khai tốt công tác tiêm phòng nên đã khống chế và đẩy lùi được các bệnh nguy hiểm của trẻ em như lao, sởi, uốn ván, ho gà, bại liệt, uốn ván sơ sinh… Công tác bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em cũng có nhiều tiến bộ, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 24,1% giảm 2% so với năm 2002. Chỉ tiêu giảm sinh đạt 0,78%. Đến nay tỉnh đã đạt mục tiêu mức sinh thay thế; số giường phục vụ điều trị nội trú trong các cơ sở y tế tăng 26,4% so với năm 2000 (1.516/1.199 giường) [9, tr.76].

Tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện tỉnh, huyện, và Trạm y tế xã. Bình quân mỗi người dân trong năm được khám bệnh 4,2 lần.

Ngành Y tế đã tổ chức nhiều đoàn đi các xã vùng sâu, vùng xa, để khám chữa bệnh từ thiện cho nhân dân.

Thực hiện công tác xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế do Bộ Y tế phát động, đã thúc đẩy phong trào thi đua, phấn đấu của các địa phương nâng cao chất lượng hoạt động của y tế xã, phường góp phần thực hiện Chỉ thị 06 của

Ban Bí thư về củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở. Đến cuối năm 2003, có 33 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế chiếm tỷ lệ 41,8%. Số Trạm Y tế có bác sĩ chiếm 84,8% (năm 2000 là 40,5%).

Từ năm 2002, tỉnh đã tổ chức mua thẻ bảo hiểm y tế cho 100% số người nghèo, đã hỗ trợ một phần viện phí cho các đối tượng gặp khó khăn khi mắc bệnh hiểm nghèo. Công tác khám chữa bệnh về bảo hiểm y tế tại các xã, phường, thị trấn đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người còn nhiều khó khăn được chăm sóc sức khoẻ.

Bình Dương đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến để xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn. Thực hiện xã hội hoá về y tế dưới nhiều hình thức: Bệnh viện tư nhân, Bệnh viện bán công, Phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà thuốc…

Nhằm giảm bớt sự căng thẳng của các tuyến chữa bệnh công lập và sự đầu tư của nhà nước, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn, đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xã hội hoá, khuyến khích đa dạng hoá các loại hình khám chữa bệnh, cụ thể:

- Loại hình khám chữa bệnh nhà nước (công lập): toàn tỉnh có 8 bệnh viện (2 tuyến tỉnh, 6 bệnh viện huyện), 1 Trung tâm phục hồi trẻ em dị tật, 1 nhà hộ sinh, 3 phòng khám đa khoa khu vực, 79 Trạm y tế xã, phường, 2 Trung tâm Y tế Cao su Trung ương đóng trên địa bàn, gồm 2 Bệnh viện và 18 Trạm Y tế Nông trường, có 451 thôn, ấp có cán bộ y tế (tỉ lệ 100%).

- Loại hình khám chữa bệnh tư nhân: Có 975 cơ sở hành nghề y tế tư nhân. Trong đó: Tây y 553 cơ sở (56,7%), Y học cổ truyền 123 (12,61%), hành nghề dược 299 cơ sở (30,66%); 01 Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bình Dương với 60 giường bệnh; 01 Phòng khám Đa khoa tư nhân Việt Nguyễn.

- Loại hình Bệnh viện bán công, dân lập, phối hợp công tư trong bệnh viện công (4 cơ sở): Bệnh viện bán công phụ sản 40 giường (đang nâng cấp lên 100 giường), Bệnh viện dùng quỹ phúc lợi mua máy, thu hồi kinh phí bồi dưỡng nhân viên bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), nhân viên góp máy X quang cùng bệnh viện khai thác (Trung tâm Y tế Dĩ An), Khoa khám chữa bệnh cho Người nghèo 100 giường do Chủ tịch Hiệp hội đầu tư tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng với kinh phí gần 8 tỷ đồng.

Về giường bệnh: năm 2001 là 1.291 giường, năm 2002 là 1.601 giường, năm 2003 là 1.511 giường (giảm giường bệnh kế hoạch của Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn 550 giường năm 2003, bệnh viện phụ sản bán công từ 50 giường năm 2002 còn 30 giường năm 2003 và Bệnh viện Y học cổ truyền từ 100 giường năm 2002 còn 80 giường năm 2003). Tỷ lệ giường bệnh/10.000dân: năm 2001 là 17,37 (dân số: 742.674); năm 2002 là 20,49 (dân số 781.219) và năm 2003 là 17,65 (dân số 855.959) [9, tr. 76].

Công suất sử dụng giường bệnh: Tuyến tỉnh: năm 2001 là 107,66%, năm 2002 là 111,6%, ước thực hiện năm 2003: 110%; Tuyến huyện: Năm 2001 là 86,16%, năm 2002 là 74,1%, ước thực hiện năm 2003: 85%.

Bình quân số lần khám bệnh/người/năm: năm 2001 là 4,27 lần; năm 2002 là 4,49 lần, ước thực hiện năm 2003 là trên 5 lần.

Về nhân lực: tổng số cán bộ Y tế: Năm 2001 là 1884 người, năm 2002 là 1.896 người và năm 2003 là 2003 người. Tỷ lệ cán bộ y tế/10.000 dân: năm 2001 là 25,36 (dân số: 742.674); năm 2002 là 24,26 (dân số: 781.219) và năm 2003 là 23,4 (dân số: 855.959).

Ngân sách dành cho Y tế tăng dần hàng năm: Năm 2001: địa phương cấp:

43.515 triệu đồng, Trung ương hỗ trợ: 2.060 triệu đồng; năm 2002: địa phương cấp: 62.721 triệu đồng, Trung ương hỗ trợ: 2.010 triệu đồng; năm 2003: địa phương cấp: 65.073 triệu đồng; Trung ương hỗ trợ: 2.260 triệu đồng.

Về đào tạo: năm 2001: đào tạo bác sĩ: 10, dược sĩ đại học: 01, chuyên khoa cấp 1: 14 người; năm 2002: đào tạo bác sĩ: 16, dược sĩ đại học: 02, chuyên khoa cấp 1: 15; năm 2003: đào tạo bác sĩ: 03, dược sĩ đại học: 02, chuyên khoa 1: 15, chuyên khoa 2: 02.

Hiện nay toàn ngành có 08 thạc sĩ; 64 bác sĩ chuyên khoa cấp 1; 03 bác sĩ chuyên khoa cấp 2; 01 thạc sĩ ngành Dược; 09 dược sĩ chuyên khoa cấp 1.

Với những thành tích trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân của ngành Y tế trong các năm qua, đặc biệt là năm 2003, ngành Y tế tỉnh Bình Dương vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Công tác Dân số - gia đình và trẻ em cũng đã đạt được những thành quả đáng phấn khởi:

Mức giảm sinh bình quân giai đoạn 2000 - 2003 là 0,8%o/năm, vượt chỉ tiêu HĐND, UBND tỉnh giao 0,2%o, vượt mức giảm sinh giai đoạn 1997 - 2000 0,09%o/năm; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên bình quân giảm 1,5%/năm, giảm so với giai đoạn 1997 - 2000 0,58%/năm; tổng tỷ suất sinh (số con bình quân của 1 cặp vợ chồng) giảm bình quân 0,17 con/năm, vượt so với giai đoạn 1997 - 2000 0,04 con/năm; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng bình quân 1,84%/năm, vượt so với giai đoạn 1997 - 2000 0,46%/năm; tỷ suất tăng dân số tự nhiên giảm bình quân 0,09%/năm, vượt so với giai đoạn 1997 - 2000 0,03%/năm; tỷ lệ phát triển dân số bình quân 4,98%, tăng so với giai đoạn 1997 - 2000 1,73%/năm [54, tr.5].

Có thể nói chính sách Dân số - kế hoạch hoá gia đình do Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đề ra phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, thực sự đem lại lợi ích kinh tế, tinh thần và hạnh phúc cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội, nên đã được đông đảo các ban ngành,

đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện. Các cấp ủy Đảng, Chính quyền đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực và kiện toàn bộ máy làm công tác Dân số - kế hoạch hoá gia đình các cấp, nhất là đôị ngũ cộng tác viên dân số tự nguyện. Nhờ đó, công tác Dân số - kế hoạch hoá gia đình bước đầu đã thể hiện được tính xã hội hóa, với sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân nên đã mang lại những hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao đời sống nhiều mặt của nhân dân.

Về hoạt động Thể dục - Thể thao: đến cuối năm 2003, phong trào thể dục thể thao cho mọi người phát triển đều khắp ở 7 huyện, thị như: đi bộ, thể dục dưỡng sinh, bóng đá, bóng chuyền, võ thuật, cầu lông, bóng bàn… nổi bật là giải việt dã chào năm mới ngày 1/1/2004 và giải việt dã truyền thống “Thanh niên khoẻ” tỉnh Bình Dương lần thứ 7 với nhiều nội dung phong phú như: chạy cự ly, và chạy tập thể với trên 3.000 lượt người, thu hút đông đảo quần chúng, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tham gia.

Theo số liệu thống kê của các huyện, thị, các ngành, đoàn thể kết quả thực hiện các chỉ tiêu sự nghiệp về thể thao quần chúng cụ thể như sau: số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đạt 15,3%; số gia đình thể thao đạt 12,4%; số Câu lạc bộ được thành lập mới 51 Câu lạc bộ; số trường học đảm bảo giáo dục thể chất: thể dục thể thao nội khoá có nề nếp là 195/195 (100%); thể dục thể thao ngoại khoá thường xuyên là 100/195 (51%) [32, tr.5].

Hoạt động Thể dục thể thao thành tích cao của tỉnh có nhiều chuyển biến khởi sắc. Tỉnh đã có kế hoạch đầu tư tập trung đào tạo huấn luyện các tuyến vận động viên với các hình thức đa dạng phong phú. Đã đóng góp cho đội tuyển Quốc gia 5 Vận động viên (2 vận động viên bóng đá tập trung đội tuyển thi đấu vòng loại Woldcup 2006, 3 vận động viên Judo tập trung đội tuyển trẻ Quốc gia

tại Trung tâm huấn luyện I, II). Các đội tuyển của tỉnh tham dự Giải mở rộng, giải trẻ cúp Quốc gia khu vực, giải vô địch Quốc gia kết quả khả quan: Giải cụm đạt: 7 Huy chương vàng, 5 Huy chương đồng; Giải vô địch Cúp Câu lạc bộ mạnh toàn quốc: 2 Huy chương vàng, 4 Huy chương bạc và 5 Huy chương đồng;

Giải trẻ quần chúng: 1 Huy chương bạc và 1 Huy chương đồng; có 222 lượt người vận động viên, huấn luyện viên tham dự giải; có 05 vận động viên đạt đẳng cấp Kiện tướng, 20 vận động viên cấp 1 [32, tr.4].

*

* *

Như vậy, có thể nói, trong ba năm đầu của thiên niên kỷ mới (2001 - 2003), kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được trong các giai đoạn trước đó. Tỉnh đã tập trung soát xét lại các quy hoạch tổng thể của tỉnh, quy hoạch phát triển của các ngành, các huyện, thị xã; trên cơ sở đó, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới. Tỉnh cũng đề ra các giải pháp phù hợp nhằm tăng cường phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đồng thời tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội tương xứng với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Từ đó, đã tạo được nền tảng cơ bản trong phát triển kinh tế; các tiềm năng, lợi thế của tỉnh được phát huy; ngành công nghiệp có bước phát triển đột phá làm động lực phát triển cho các ngành nông nghiệp, dịch vụ và tăng thu ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp tuy giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế nhưng vẫn tăng trưởng khá; cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực chuyển dịch theo hướng tích cực, gắn sản xuất với thị trường trong và ngoài nước. Kết cấu hạ tầng có bước phát triển đáng kể và đồng bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của

tỉnh. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá - thông tin, phát thanh - truyền hình, thể dục - thể thao… có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Nhân dân tỉnh Bình Dương thêm an tâm, phấn khởi, thêm vững tin vào đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước, tin vào sự nhạy bén, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh trong quá trình vận dụng phù hợp những chủ trương, chính sách ấy vào điều kiện thực tế ở địa phương, tiếp tục tạo nên những chuyển biến mới cả về lượng và về chất, để kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương phát triển một cách vững chắc hơn nữa.

Một phần của tài liệu nguyenvanhiep ths 6469 (Trang 129 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)