Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.4. Nội dung xây dựng nông thôn mới
Theo quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4 tháng 6 năm 2010 về phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 do thủ tướng Chính phủ ban hành, xây dựng nông thôn mới có năm nội dung cơ bản. Thứ nhất là nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại. Hai là sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa. Ba là đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Bốn là bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển. Năm là xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ. Những nội dung trên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong quá trình thực hiện cần phải giải quyết đồng bộ và toàn diện nhằm khơi dậy và phát huy tốt vai trò người nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở nước ta ngày càng văn minh, hiện đại.
Trên tinh thần xây dựng nông thôn mới với năm nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí cụ thể như sau:
a. Quy hoạch
* Tiêu chí số 1: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch
- Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
- Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới.
- Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp.
b. Hạ tầng kinh tế - xã hội
* Tiêu chí số 2: Giao thông nông thôn
- 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải.
- 50% số km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải.
- 100% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Trong đó 50%
được cứng hóa.
- 50% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện.
* Tiêu chí số 3: Thủy lợi.
- Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân cư.
- 50% kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa.
* Tiêu chí số 4: Điện
- Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện.
- 90% số hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn.
* Tiêu chí số 5: Cơ sở vật chất trường học.
- 70% số trường học các cấp: Mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia.
* Tiêu chí số 6: Cơ sở vật chất văn hóa.
- Nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VH - TT - DL.
- 100% các thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ VH-TT-DL.
* Tiêu chí số 7: Chợ nông thôn.
- Chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng.
* Tiêu chí số 8: Bưu điện.
- Có điểm phục vụ bưu chính viễn thông.
* Tiêu chí số 9: Nhà ở dân cư.
- Không có nhà tạm, dột nát.
- 75% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.
c. Kinh tế và tổ chức sản xuất
* Tiêu chí số 10: Thu nhập.
- Thu nhập bình quân đầu người/năm của xã gấp 1,2 lần so với mức bình quân chung khu vực nông thôn của tỉnh.
* Tiêu chí số 11: Hộ nghèo.
- Tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%.
* Tiêu chí số 12: Cơ cấu lao động.
- Tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp dưới 45%.
* Tiêu chí số 13: Hình thức tổ chức sản xuất.
- Có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
d. Văn hóa-xã hội-môi trường
* Tiêu chí số 14: Giáo dục.
- Phổ cập giáo dục trung học đạt chuẩn.
- 70% số học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề).
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 20%.
* Tiêu chí số 15: Y tế.
- Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế trên 20%.
- Y tế xã đạt chuẩn Quốc gia.
* Tiêu chí số 16: Văn hóa.
- Xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ VH - TT - DL.
* Tiêu chí số 17: Môi trường.
- Trên 70% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo chuẩn Quốc gia.
- Các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt chuẩn về môi trường.
- Không có các hoạt động suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp.
- Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch.
- Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.
e. Hệ thống chính trị
* Tiêu chí số 18: Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh - Cán bộ xã đạt chuẩn.
- Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định.
- Đảng bộ, chính quyền xã đạt tiêu chuẩn “Trong sạch vững mạnh”
- Các tổ chức đoàn thể chính trị của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên.
* Tiêu chí số 19: An ninh, trật tự xã hội.
- An ninh, trật tự xã hội được giữ vững.
Nguyên tắc và các bước xây dựng nông thôn mới
* Nguyên tắc xây dựng nông thôn mới
Điều 2 Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHDT-BTC, ngày 13 tháng 4 năm 2011 (liên bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính) về hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
giai đoạn 2010 - 2020 đã đề ra 6 nguyên tắc trong xây dựng nông thôn mới như sau:
(1). Các nội dung, hoạt động của Chương trình xây dựng nông thôn mới phải hướng tới mục tiêu thực hiện 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
(2). Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, chính sách, cơ chế hỗ trợ, đào tạo cán bộ và hướng dẫn thực hiện. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện.
(3). Được thực hiện trên cơ sở kế thừa và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn nông thôn.
(4). Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, có quy hoạch và cơ chế đảm bảo thực hiện các quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cấp có thẩm quyền xây dựng.
(5). Công khai, minh bạch về quản lý, sử dụng các nguồn lực; tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã quản lý và tổ chức thực hiện các công trình, dự án của Chương trình xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò làm chủ của người dân và cộng đồng, thực hiện dân chủ cơ sở trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát đánh giá.
(6). Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch, và tổ chức thực hiện. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
* Các bước xây dựng nông thôn mới
Điều 3 Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của BNNPTNT, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính quy định các bước xây dựng nông thôn mới như sau:
Bước 1: Thành lập hệ thống quản lý, thực hiện.
Bước 2: Tổ chức thông tin tuyên truyền về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bước 3: Khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.
Bước 4: Xây dựng quy hoạch nông thôn mới của xã .
Bước 5: Lập, phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới của xã.
Bước 6: Tổ chức thực hiện đề án.
Bước 7: Giám sát đánh giá và báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình.