Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.2. Kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương của Việt Nam
Huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã trở thành huyện thứ tư trên cả nước và là huyện đầu tiên của khu vực phía Bắc đạt chuẩn nông thôn mới. Là
huyện đầu tiên của khu vực phía Bắc nên huyện Đông Triều có rất nhiều kinh nghiệm quý báu giúp cho huyện Na Rì có cơ hội học tập quá trình xây dựng nông thôn mới trong những giai đoạn sau.
Huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là huyện thứ 15 trong cả nước và là huyện đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc được công nhận là huyện nông thôn mới. Đây là địa phương có đặc điểm về địa hình, đặc điểm kinh tế có những nét tương đồng với huyện Na Rì nên huyện có thể rút ra nhiều bài học và học tập những kinh nghiệm từ huyện Lâm Thao giúp cho quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới nhanh chóng hoàn thành và đạt hiệu quả cao.
1.2.2.1. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
Nông nghiệp đóng góp không lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện Đông Triều, nhưng có vai trò hết sức quan trọng đến sự ổn định và phát triển, vì trên 70% dân số của huyện sống ở khu vực nông thôn. Cho nên trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, Đông Triều hết sức chú trọng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và xác định xây dựng nông thôn mới là bước tiến quan trọng để mở ra định hướng phát triển toàn diện đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương. Vì vậy, ngay từ năm 2011, Đông Triều đã đăng ký về đích xây dựng nông thôn mới vào năm 2014 (trước tỉnh 01 năm, trước cả nước 06 năm).
Với phương châm chỉ đạo bám sát thực tiễn, kế hoạch, quy hoạch; quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, phát triển công nghiệp trong nông thôn; xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân. Huyện Đông Triều đã triển khai thực hiện kiên trì, bền bỉ, quyết liệt và có cách làm sáng tạo để đi đến thành công, khắc phục tư tưởng còn trông chờ, ỷ lại vào nhà nước của người dân, ưu tiên các xã làm tốt, các xã đăng ký về đích sớm, vận động các doanh nghiệp ủng hộ kinh phí, tạm ứng vật tư thanh toán trả chậm để hỗ trợ vật tư cùng với sự đóng góp của nhân dân xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, kênh mương...
Đến hết năm 2014 đã có 15/19 xã đạt xã Nông thôn mới đạt 78,9%.
Trong đó 11 xã được Thủ tướng Chỉnh phủ tặng bằng khen và tặng thưởng công trình phúc lợi 1 tỷ đồng cho xã Hưng Đạo; 2 xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới, cùng với 2 xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.
Diện mạo nông thôn được thay đổi nhanh chóng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên, thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn tăng từ 14,5 triệu đồng/năm 2010 lên 27,9 triệu đồng/năm 2014 (thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2014 là 39,5 triệu đồng).
Nhiều năm nay không có hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,63% năm 2010 xuống còn 0,74% năm 2014; là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp trong tỉnh và cả nước, hộ khá và giàu tăng lên.
Đông Triều giờ đây đã hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp.
Trong 3 năm đã đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất đạt trên 80%, gắn với quy hoạch 115 vùng sản xuất lúa tập trung; phát triển vùng trồng lúa nếp cái hoa vàng gần 500ha, vùng trồng na 920ha; vùng trồng thông nhựa gần 3.000ha; phát triển các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, kết hợp trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Khoanh nuôi 1.500 ha thủy sản. Nhiều sản phẩm hàng hóa đã được đăng ký chất lượng sản xuất an toàn và xây dựng thương hiệu sản phẩm trong chương trình "mỗi xã, phường 1 sản phẩm" như: Gạo nếp cái hoa vàng, na dai Đông Triều, nhựa thông Quảng Ninh, sữa bò Đông Triều, trứng gà, rau an toàn... Đặc biệt Đông Triều đã quy hoạch và đầu tư hạ tầng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây với diện tích 100ha. Nhiều hình thức tổ chức sản xuất và
dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn được hình thành và phát triển: Du lịch làng quê tại Yên Đức phục vụ khách du lịch trong nước và khách Châu Âu;...
Bên cạnh đó lao động nông thôn được quan tâm đào tạo nghề, tạo nhiều việc làm mới trong sản xuất công nghiệp than, nhiệt điện và sản xuất vật liệu xây dựng đất sét nung để chuyển dịch cơ cấu lao động. Trong 4 năm đã có 10.654 người được đào tạo, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 65%.
Hệ thống hạ tầng nông thôn được thay đổi nhanh chóng. Trong 4 năm, đã cứng hóa được 250,46 km đường giao thông xã, thôn và trục chính nội đồng; 30 hồ đập với dung tích 43 triệu m3 đều được duy tu nâng cấp cùng hệ thống kênh mương thủy lợi được cứng hóa 260,5km/400,25km (đạt 65,1%) đảm bảo nước tưới cho sản suất và sinh hoạt; đã xây dựng mới và cải tạo 200 trạm biến áp,...
Thời gian qua, Huyện Hội Phụ nữ đã vận động hội viên thành lập 3 hợp tác xã vệ sinh môi trường và 166 tổ thu gom rác thải ở khu vực dân cư, thu gom trên 70% rác thải trong khu dân cư; Đoàn Thanh niên huyện hỗ trợ xây dựng bể chứa rác thải ngoài cánh đồng, gần 1.000 hầm Bioga để xử lý chất thải chăn nuôi làm chất đốt trong khu dân cư. Các khu vực nghĩa trang được quy hoạch sắp xếp lại hợp lý. Nhờ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tiếp tục được phát triển rộng khắp; mặt trận tổ quốc vận động thành lập 925 Tổ liên gia đoàn kết và Tổ an ninh tự quản trong các thôn, khu dân cư với 28.462 hộ dân liền kề tham gia;…nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không hình thành các "điểm nóng" và các vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến an ninh địa phương.
Từ thành công của phong trào xây dựng nông thôn mới, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, với 3.001 lượt cán bộ từ huyện đến cơ sở được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn xây dựng nông thôn mới; 21.686 lượt người dân được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Lòng dân đồng thuận, tin tưởng, tự giác
hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, bởi nông thôn mới là để phục vụ trực tiếp cho nhân dân hưởng thụ... (Phạm Quỳnh, 2015).
1.2.2.2. Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ Sau 5 năm triển khai, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Lâm Thao đã có 10/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hai xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Nông nghiệp, nông thôn có những chuyển biến tích cực; giá trị sản xuất bình quân đạt 110 triệu đồng/ha, tăng 46,1 triệu đồng so với năm 2010. Hai xã còn lại cũng đã đạt được từ 16 tới 17 tiêu chí và dự kiến cũng hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2016.
Bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được cải thiện rõ nét, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên; giá trị tăng thêm bình quân đạt 34 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,8%.
Đi liền với đó, huyện Lâm Thao đã tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh của mỗi hộ gia đình, có tính toán tới liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Hầu hết các xã thuộc huyện đều có các sản phẩm đặc trưng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trung bình 4,5%/năm với giá trị bình quân là 120 triệu đồng/ha, ở khu vực có liên kết sản xuất thì cho giá trị cao với 250 triệu đồng/ha, tăng 45 triệu đồng/ha so với năm 2010.
Nhờ sản xuất phát triển mà đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân của người dân là 33 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều mức thu nhập bình quân của người dân nông thôn của cả nước. Tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,8%, trên 77% dân số của huyện có bảo hiểm y tế và 95% người dân được sử dụng nước sạch.
Huyện Lâm Thao là huyện thứ 15 trong cả nước và là huyện đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc được công nhận là huyện nông thôn mới. Nông nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 110 triệu đồng/ha/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn
2,8%; 100% khu dân cư có nhà văn hóa; 100% các xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế; 92,4% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện; môi trường sinh thái khu vực nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp…
Thời gian tới, Lâm Thao tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành hạ tầng phục vụ sản xuất; năm 2016 có thêm hai xã đạt nông thôn mới và tiếp tục nâng cao các tiêu chí về nông thôn mới trong toàn huyện.
Nhiều xã của huyện Lâm Thao đã có sự khởi sắc rõ rệt, mà điều nhận thấy trước tiên là hệ thống hạ tầng cơ sở được nâng cấp. Với tổng mức đầu tư đạt hơn 584 tỷ đồng, 4 năm qua Lâm Thao đã bê tông hóa được trên 473 km đường giao thông nông thôn; thêm 60 km kênh mương được cứng hóa đưa tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa của toàn huyện lên 57,65%; đảm bảo các điều kiện thực hiện chuẩn hóa 49/53 trường học các cấp; xây dựng 100% khu dân cư có nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa thể thao và học tập cộng đồng; cải tạo, nâng cấp và xây mới 5 chợ nông thôn... Cùng với các công trình phúc lợi và dân sinh được cải thiện, công trình nhà ở dân cư ở các địa phương - một trong những tiêu chí chủ chốt của Bộ tiêu chuẩn NTM, cũng không ngừng được nâng cấp...(Minh Phương, 2016).