Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới
Quá trình xây dựng nông thôn mới thông thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
- Điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội của địa phương
Trong cơ cấu kinh tế nông thôn ở nước ta hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các điều kiện tự nhiên. Điều kiện tự nhiên vừa cung cấp các yếu tố vật chất trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất nhưng cũng vừa tạo ra môi trường cho các hoạt động đó. Mỗi yếu tố tự nhiên đều có đặc điểm riêng có và mức độ tác động khác nhau đến sự phát triển của kinh tế nông thôn nông thôn nói chung và quá trình xây dựng nông thôn mới nói riêng. Trong khi đó sản xuất nông nghiệp phụ thuộc chặt chẽ vào điều kiện tự nhiên. Điều kiện tự nhiên thuận lợi sẽ tác động tích cực đến phát triển sản xuất nông nghiệp và ngược lại. Do đó, mọi sự biến đổi trong tự nhiên ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của cư dân nông thôn. Việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm
các tài nguyên thiên nhiên trong nông nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và tạo điều kiện xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả, bền vững (Nguyễn Văn Hùng, 2015).
Điều kiện kinh tế - xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trinh thực hiện xây dựng nông thôn mới. Điều kiện kinh tế - xã hội là yếu tố không thể thiếu trong việc phát triển kinh tế nông thôn và có vai trò thúc đẩy, nâng cao khả năng cạnh tranh và lợi thế so sánh của các địa phương. Phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, hạ tầng kỹ thuật và thông tin liên lạc làm giảm chi phí trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; phát triển hệ thống cấp thoát nước, điện làm nâng cao được chất lượng cuộc sống tại nông thôn (Nguyễn Văn Hùng, 2015).
- Đặc điểm đời sống, trình độ văn hóa và thu nhập
Thực trạng học vấn, dân trí và chuyên môn kỹ thuật đang còn thấp kém đã gây rất nhiều khó khăn trong việc đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ vào quá trình lao động sản xuất ở khu vực nông nghiệp - nông thôn. Thực trạng này cũng đã và đang là những nguyên nhân quan trọng làm cho nhiều vấn đề trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân chậm được giải quyết.
Thu nhập bình quân của người dân nông thôn hiện nay trên dưới 500.000 đồng/tháng, trong khi đó việc chi cho ăn, mặc chiếm tới 80 - 90%. Hiện trạng về khoảng cách giàu, nghèo có xu hướng tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) vẫn còn ở mức 18% (ở nhiều vùng sâu, vùng xa tới 40%) (Nguyễn Mậu Thái, 2015).
- Cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Kinh nghiệm của nhiều nước thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực tiễn Việt Nam cho thấy, chính sách đúng về nông nghiệp, nông thôn có tầm quan trọng lớn, luôn giữ vị trí chủ đạo, là nhân tố đảm bảo sự thắng lợi trong các giai đoạn phát triển. Các
chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mối quan hệ giữa nông nghiệp - công nghiệp, đô thị - nông thôn... trong quá trình phát triển có thể thấy sự thay đổi về tư duy lãnh đạo qua các thời kỳ. Những điều chỉnh chính sách gắn với sự thay đổi về lý thuyết phát triển và thực tiễn cuộc sống. Những chính sách đúng đắn, cũng có chủ trương chưa hoàn toàn đúng đắn, chưa theo kịp thực tiễn. Tác động của chính sách cùng với nhiều yếu tố khác đã đưa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trải qua nhiều bước phát triển khác nhau.
Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thiếu lương thực trở thành một nước có nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu đứng vị trí hàng đầu thế giới, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay... Như vậy, chính sách phát triển nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng, bởi mỗi thành tựu đạt được trong nông nghiệp đều tác động đến sản xuất, đời sống của cư dân nông thôn và do đó có tác động sâu sắc đến việc xây dựng nông thôn mới (Nguyễn Văn Hùng, 2015).
- Năng lực, trình độ và kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của đội ngũ cán bộ địa phương
Các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân dù có đúng đắn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế thì vấn đề quan trọng là hiện thực hóa và điều đó phụ thuộc rất lớn vào năng lực, trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ thực hiện. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở địa phương là những người xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện những nội dung cụ thể trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và đóng vai trò quan trọng trong việc thành công của quá trình thực hiện. Nếu cán bộ vừa là những người có tri thức, am hiểu điều kiện thực tiễn, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào tình hình thực tế thì khả năng triển khai các chương trình đạt hiệu quả cao và ngược lại. Do đó, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM hoàn thành sớm hay muộn, có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo địa phương trong việc huy động các nguồn lực, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực và tổ chức thực hiện chương trình (Nguyễn Văn Hùng, 2015).
- Nguồn vốn đầu tư vào nông thôn
Trong những năm qua nguồn vốn xây dựng nông thôn mới chủ yếu là nguồn vốn do ngân sách nhà nước đầu tư. Trong khi số lượng doanh nghiệp đầu tư cũng như nguồn vốn trong khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng chậm, các hình thức tổ chức sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn chậm đổi mới và hoạt động hiệu quả chưa cao, nên quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động cơ cấu kinh tế diễn ra chậm. Việc thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn còn yếu kém, phát triển chậm, công tác quản lý, khai thác, sử dụng hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng chưa được chú trọng, nhất là ở các tỉnh miền núi, dịch vụ logistic chậm phát triển là một trở ngại lớn đối với công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.