Quan điểm, phương hướng trong quá trình xây dựng nông thôn mới

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới tại huyện na ri, tỉnh bắc kạn (Trang 98 - 102)

Chương 4. ĐỊNH HƯỚNG VÀ ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NA RÌ, TỈNH BẮC KẠN NĂM ĐẾN 2020

4.1. Quan điểm, phương hướng trong quá trình xây dựng nông thôn mới

4.1.1.1. Xây dựng nông thôn mới phải phù hợp với chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước

Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình trọng tâm, xuyên suốt của Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là chương trình khung, tổng thể phát triển nông thôn với 11 nội dung lớn, tổng hợp của 16 chương trình mục tiêu quốc gia và 14 chương trình hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai ở địa bàn nông thôn trên phạm vi cả nước.

Xây dựng nông thôn mới thực chất là chương trình do nhân dân lựa chọn, đóng góp công sức thực hiện và trực tiếp hưởng lợi. Chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế - chính trị - xã hội vì nó mang lại lợi ích thiết thân cho cư dân nông thôn (chiếm khoảng 70% dân số cả nước), thông qua đó, chương trình sẽ điều hòa lợi ích, thành quả công cuộc đổi mới cho người dân khu vực nông thôn.

Ngay trong những năm đầu triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã nhanh chóng trở thành phong trào của cả nước.

Nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới được xác định rõ trong nghị quyết đại hội Đảng các cấp từ tỉnh đến huyện và xã. Ban Bí thư Trung ương khóa X đã trực tiếp chỉ đạo Chương trình thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới cấp xã tại 11 xã điểm ở 11 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền. Bộ máy quản lý và điều hành Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được hình thành từ Trung ương xuống địa phương. Các bộ, ngành đã ban hành 25 loại

văn bản hướng dẫn địa phương về tổ chức bộ máy quản lý, điều hành, quy hoạch nông thôn mới. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”. Ngày 08-06-2010, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát động thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thực hiện đường lối của Đảng, trong những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới đã diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trên cả nước, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, phát huy được sức mạnh của cả xã hội.

Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Trung ương đã kế thừa kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại 11 xã điểm của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng xã nông thôn mới. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Ban Chỉ đạo đã thống nhất các xã lựa chọn những tiêu chí mà đa số người dân thấy cần thì tập trung làm trước, khuyến khích triển khai những công việc từng thôn, xóm, từng hộ dân có thể tự làm được đã tập trung cao cho nhiệm vụ phát triển sản xuất, dồn điền, đổi thửa, tập trung ruộng đất gắn với quy hoạch đồng ruộng, cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, huy động tổng lực các nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới, ngoài nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, rất chú trọng huy động các nguồn vốn khác, như từ ngân hàng, doanh nghiệp và xã hội, đặc biệt là huy động nội lực trong nhân dân, như góp công lao động, hiến đất, vật liệu, tiền, đóng góp tinh thần và động viên người thân thành đạt tham gia. Bên cạnh đó, đã quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao kỹ năng tay nghề, giải quyết việc làm cho nông dân theo cả hai hướng phi nông nghiệp và nông nghiệp; quan tâm tới chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng tình làng nghĩa xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường và an ninh nông thôn. Đồng thời, chú trọng phát động và tổ chức rộng khắp phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”..

Muốn phát triển được thành tựu này lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Na Rì nói riêng cần phải cụ thể hóa hơn nữa về các chế độ, chính sách cho tương vùng, chỉ đạo sát sao tới từng địa phương cụ thể, cân đối ngân sách cụ thể cho xây dựng nông thôn mới của từng địa phương sao cho hiệu quả đạt được kết quả cao không gây lãng phí cho nguồn kinh phí của nhà nước.

4.1.1.2. Xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo phát triển nông thôn bền vững Xây nông thôn mới nói chung và huyện Na Rì nói riêng phải đồng bộ, nhằm nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tùy theo điều kiện của từng địa phương mà phát triển nông thôn cả về công nghiệp, nông lâm nghiệp, du lịch và dịch vụ; phát triển cả khu dân cư với quy hoạch đô thị nông thôn, phát triển cả các loại hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp; phát triển các thành phần kinh tế: Kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài…

Đặc điểm huyện Na Rì là huyện miền núi có đồi núi dốc, cần có quy hoạch xây dựng nông thôn, chế độ canh tác… phát triển hợp lý. Xây dựng phát triển nông thôn mới ở huyện Na Rì không chỉ nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí mà còn phải đảm bảo lợi ích lâu dài, xây dựng phát triển hiện tại không làm ảnh hưởng xấu đến các cơ hội phát triển trong tương lai, mà tạo điều kiện cho tương lai ngày càng phát triển và phát triển một cách bền vững.

4.1.1.3. Xây dựng nông thôn mới trên quan điểm kế thừa những thành tựu đã đạt được

Mặc dù xuất phát điểm còn thấp, nhưng huyện Na Rì cũng có một số thành tựu đã đạt được, hầu hết các xã có các tiêu chí về điện nông thôn, bảo hiểm y tế nông thôn, các công trình thủy lợi, vấn đề môi trường an ninh nông thôn, Đảng và Chính quyền vững mạnh… là những tiêu chí khó nhưng nhiều xã đã đạt được. Vì vậy xây dựng nông thôn mới ở huyện Na Rì cần kế thừa và hoàn thiện những thành tựu đã đạt được, tránh lãng phí, tập trung nguồn lực cho những tiêu chí khác nhằm nhanh chóng xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn.

Trên địa bàn huyện Na Rì có nhiều dân tộc cùng sinh sống, có nhiều bản sắc văn hóa, chế độ canh tác, sản xuất nông nghiệp rất đa dạng phong phú từ lâu đời vì vậy khi xây dựng nông thôn mới, phải đặc biệt quan tâm đến tính hiện đại, đáp ứng yêu cầu của văn minh nông thôn, nhưng vẫn phải giữ gìn được những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.

4.1.1.4. Xây dựng nông thôn mới trên quan điểm phát huy mọi nguồn lực để xây dựng với tốc độ nhanh

Xây dựng nông thôn mới là một công việc rất khó khăn, đối với địa phương có điều kiện khó khăn, cơ sở hạ tầng nghèo, trình độ dân trí thấp thì càng khó khăn hơn, đòi hỏi có nguồn lực rất lớn mới phát triển nhanh được.

Vì vậy xây dựng nông thôn mới nói chung và huyện Na Rì nói riêng cần phải huy động mọi nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội và phát huy tính tích cực cần cù, sáng tạo của nhân dân để rút ngắn thời gian, xây dựng với tốc độ nhanh và mang lại hiệu quả tối ưu trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới.

4.1.2. Phương hướng xây dựng nông thôn mới đến giai đoạn năm 2020 của huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn

Với quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát huy những tiềm năng, thế mạnh của huyện về nguồn lực con người, về tài nguyên khoáng sản; gắn thực hiện quy hoạch tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Na Rì giai đoạn 2011 - 2015 có định hướng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, lãnh đạo địa phương đã xác định những phương hướng trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2020:

- Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tất cả các cấp, các ngành và của tất cả cả người dân; có ý nghĩa và vai trò hết sức to lớn trong việc phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong đó các cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, quản lý và điều hành;

các tổ chức và đơn vị đoàn thể có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện.

- Xây dựng nông thôn mới cần thực hiện theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh và của Nhà nước. Bên cạnh việc thực hiện xây dựng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn cần đảm bảo cho sự phát triển bền vững, an ninh, quốc phòng của địa phương; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

- Xây dựng nông thôn mới cần phát huy tinh thần dân chủ, phát huy tích cực sự đóng góp của nhân dân với các chương trình, chính sách, sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước; huy động mọi sự đóng góp công sức và sự đầu tư của các cá nhân, doanh nghiệp, tập thể.

- Xây dựng nông thôn mới cần đảm bảo thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn huyện, có sự đầu tư trọng điểm cho những địa phương theo kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới trong từng giai đoạn, thời kỳ cụ thể.

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới tại huyện na ri, tỉnh bắc kạn (Trang 98 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)