1. Phân biệt công tác xã hội với công tác từ thiện
Xét về mặt hình thức, công tác xã hội và công tác từ thiện là hai hoạt động có điểm giống nhau, đó là cùng xuất phát từ lòng nhân đạo, nhân văn, bác ái, từ lòng thương người và cùng giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, công tác xã hội và công tác từ thiện lại có những điểm khác nhau căn bản, xuất phát từ mục đích, cách tiếp cận và phương pháp làm việc khác nhau.
Về động cơ:
Công tác từ thiện xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau như: xuất phát từ cá nhân, từ nhu cầu tâm lý muốn tự khẳng định mình, muốn bù đắp, muốn tạo uy tín, cũng có thể là mang màu sắc tôn giáo hoặc chính trị, cũng có thể là để che giấu một điều gì đó,…
Động cơ của công tác xã hội xuất phát từ nhu cầu của xã hội, xuất phát từ quan điểm giá trị của ngành CTXH, cho rằng CTXH là một nghề phi lợi nhuận, con người và quyền của con người luôn được đặt lên hàng đầu, cho dù họ là ai, họ có vị trí, địa vị, kinh tế, tôn giáo,…ra sao thì chính họ và lợi ích của họ cũng được quan tâm như nhau. Nhân quyền và công bằng xã hội là những nguyên tắc căn bản của nghề CTXH.
Về mục đích:
Các hoạt động của công tác từ thiện chỉ mang tính nhất thời, trước mắt nhằm giúp đối tượng thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện tại như: phân phối, viện trợ,…
Vậy nên, công tác từ thiện chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của đối tượng.
Mục đích của công tác xã hội là nhằm giúp đối tượng có vấn nạn phát huy tiềm năng của chính mình để tự vươn lên. Ở đây, vấn nạn của thân chủ được giải quyết một cách triệt để, yếu tố tự lực của thân chủ được đề cao.
Về phương pháp:
Công tác từ thiện chỉ là những hoạt động phân bổ mang tính chu kỳ với phương pháp chính là phân phối, ban phát.
CTXH là một ngành khoa học ứng dụng nên nhân viên CTXH – những người tham gia trực tiếp vào việ giúp đỡ đối tượng là những người được trang bị kiến thức, kỹ năng, có nền tảng lý thuyết vững vàng,…để trợ giúp cho các đối tượng với các phương pháp can thiệp khoa học và hiệu quả.
Về mối quan hệ:
Với quan điểm nghề nghiệp của ngành là những quan điểm vì con người, vì mục đích cho sự an sinh của con người và những biện pháp để đi đến mục đích đó mà trong quan hệ với đối tượng, mối quan hệ của người nhân viên CTXH với đối tượng là mối quan hệ bình đẳng, thân thiết và tôn trọng.
Mối quan hệ trong các hoạt động từ thiện là mối quan hệ nhất thời, từ trên xuống, thậm chí có khi mang tính ban ơn. Ở đây người giúp đỡ chủ động quyết định, áp đặt có khi làm thay cho đối tượng còn đối tượng thụ động ngồi chờ.
Về kết quả:
Xuất phát từ động cơ, mục đích, phương pháp và mối quan hệ khác nhau mà kết quả của hai hoạt động này khác hẳn nhau. Trong khi ở hoạt động CTXH, do xuất phát từ nhu cầu của đối tượng, thấu hiểu được những nguồn lực của chính họ và những rủi ro hay nguy cơ có thể xảy ra mà nhân viên xã hội có thể giúp đỡ một cách tốt nhất, vì thế vấn đề cốt lõi của đối tượng được giải quyết. Đối tượng từ đó có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình sau khi được trợ giúp. Trong khi đó, ở hoạt động từ thiện, việc giúp đỡ này chỉ mang tính chất xoa dịu nhất thời, nhu cầu chính của đối tượng chưa được giải quyết triệt để, thậm chí còn tạo cho đối tượng tính thụ động, ỷ lại vào các nhà hoạt động từ thiện khi gặp khó khăn.
2. Phân biệt Công tác xã hội với Cứu trợ xã hội và Bảo đảm xã hội [2]
Công tác xã hội là một ngành khoa học, một nghề chuyên nghiệp, chuyên môn vận dụng các kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để hỗ trợ cho cá nhân, nhóm, cộng đồng có những thay đổi, phát triển các chức năng xã hội, đồng thời giúp thân chủ tăng cường khả năng tự lực, tự giải quyết vấn đề, từ đó hoà nhập với cộng đồng xã hội.
Cứu trợ xã hội (*) là sự giúp đỡ của Nhà nước, xã hội, cộng đồng thông qua các chính sách, chế độ, biện pháp và hình thức khác nhau cho các thành viên trong xã hội khi họ gặp những khó khăn, bất hạnh, rủi ro trong cuộc sống hoặc do những nguyên nhân khác nhau dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thu nhập, tài sản, nhằm tạo điều kiện để họ có thể vượt qua khó khăn, đảm bảo cho cuộc sống, sinh hoạt, giúp họ hoà nhập cộng đồng, xã hội.
Cứu trợ xã hội bao gồm: Cứu tế xã hội và trợ giúp xã hội.
Cứu tế xã hội: là cứu giúp cho các thành viên của xã hội khi họ gặp những rủi ro, bất hạnh mà cuộc sống bị đe doạ nghiêm trọng. Nếu không có sự cứu tế thì những đối tượng gặp khó khăn và gia đình của họ có thể bị nguy hại đến cuộc sống, có thể dẫn đến cái chết. Ở đây tính chất của hoạt động cứu tế là mang tính tức thời, cấp cứu, đôi khi mang tính chất thường xuyên, lâu dài, đặc biệt là đối với các trường hợp như:
người già cô đơn, không nơi nương tựa, người nghèo, người khuyết tật, những người không có khả năng lao động,…
Trợ giúp xã hội: là sự hỗ trợ thên bằng tiền, hiện vật hoặc các điều kiện vật chất, tinh thần khác của cộng đồng và xã hội cho các đối tượng khi gặp phải những khó khăn hoặc sa sút nào đó. Họ vẫn có thể cố gắng để tự lo liệu cho cuộc sống nhưng nếu không có sự trợ giúp xã hội thì cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn và dễ rơi vào tình cảnh bần cùng. Ở đây tính chất của trợ giúp xã hội khác với cứu tế xã hội ở chỗ đối tượng có cơ hội khắc phục hoặc giảm bớt hậu quả, rủi ro, tự vươn lên đảm bảo cuộ sống của mình. Trợ giúp xã hội cũng vừa mang tính tức thời, vừa mang tính lâu dài nhưng chủ yếu là mang tính lâu dài. Trợ giúp xã hội có phạm vi hoạt động rộng hơn cứu tế xã hội.
Bảo đảm xã hội là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống các chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Đây là một chính sách xã hội vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo những điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết để duy trì, ổn định và nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội mà trước hết là người lao động.
Bảo đảm xã hội tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực chủ yếu là: ưu đãi xã hội, bảo hiểm xã hội và cứu trợ xã hội. Trong đó:
Ưu đãi xã hội: là một chính sách có tính đặc thù của Nhà nước dành cho các đối tượng là những người có công với đất nước.
Bảo hiểm xã hội: Là một hệ thống chính sách, chế độ nhằm đảm bảo khoản thu nhập thay thế cho người lao động trong các trường hợp bị giảm hoặc mất khả năng lao động, mất việc làm dẫn tới tình trạng bị giảm hoặc bị mất nguồn thu nhập từ lao động và việc làm sau khi người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trong một thời gian nhất định.
Cứu trợ xã hội (đã trình bày ở phần( *))