TIẾN TRÌNH CÔNG TÁC XÃ HỘI

Một phần của tài liệu Giáo án Nhập môn công tác xã hội (Trang 101 - 109)

CHƯƠNG III CÁC PHƯƠNG PHÁP, KỸ NĂNG VÀ TIẾN TRÌNH TRONG CTXH

III. TIẾN TRÌNH CÔNG TÁC XÃ HỘI

Tiến trình CTXH được hiểu là các bước tiến hành của người làm công tác xã hội nhằm thực hiện những hoạt động can thiệp giải quyết vấn đề cho thân chủ. Nó bao gồm một chuỗi các hoạt động được sắp xếp theo một trình tự nhất định với những mục tiêu và nội dung cụ thể. Tiến trình CTXH có thể coi là quá trình bao gồm một chuỗi các hoạt động tương tác giữa nhân viên xã hội và thân chủ để cùng nhau giải quyết vấn đề. Trong quá trình này, NVXH dựa trên các quan điểm giá trị, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm,…của mình để khích lệ sự tham gia tích cực của thân chủ vào việc giải quyết vấn đề của chính họ. Với sự hỗ trợ đó, thân chủ huy động hết khẳ năng sức lực của mình để tự giải quyết những khó khăn đang gặp phải.

Mục đích của tiến trình là mang lại hiệu quả trợ giúp, can thiệp vấn đề cho thân chủ. Đây là những bước chuyển tiếp theo thứ tự logic, tuy nhiên trong

quá trình giúp đỡ, có những bước kéo dài suốt quá trình như thu thập dữ kiện, thẩm định và lượng giá.

* Các bước này được kết hợp với nhau thành 3 giai đoạn.

- Giai đoạn 1- nghiên cứu: gồm xác định vấn đề và thu thập dữ kiện.

- Giai đoạn 2 gồm: thẩm định chẩn đoán và lên kế hoạch giải quyết.

- Giai đoạn 3 gồm: thực thi kế hoạch, lượng giá - tiếp tục hay chấm dứt.

* Nhân viên xã hội trong tiến trình giải quyết vấn đề nhằm vào các mục tiêu:

1) Tăng cường khả năng giải quyết vấn đề của thân chủ (giúp thân chủ có cái nhìn khác nhau về vấn đề, thấy được mặt mạnh của mình và các tài nguyên để giải quyết vấn đề.)

2) Huy động được tài nguyên ( pháp lý, y tế, nước sạch…) 3) Tác động đến các tổ chức để hỗ trợ thân chủ.

4) Tăng cường các mối tương tác giữa cá nhân và môi trường của họ.

5) Tác động đến các mối quan hệ tương tác giữa các tổ chức và các định chế.

6) Tác động đến các chính sách xã hội ảnh hưởng đến môi trường sống của họ.

Một số tác giả xem tiến trình CTXH như một tiến trình giải quyết vấn đề (Hellen Harris Perlman) đặc biệt trong CTXH với cá nhân. Tuy nhiên, theo quan điểm của Johnson L. (1995, tr.69) thì tiến trình CTXH khác với tiến trình CTXH.

Ông cho rằng, tiến trình CTXH rộng hơn tiến trình giải quyết vấn đề, bởi nó còn bao hàm cả công việc tập trung vào phát triển và duy trì mối quan hệ với thân chủ từ ngay bước đầu tiên đến bước cuối cùng [2].

Với cách tiếp cận tổng quát này, chúng ta có thể chia tiến trình CTXH thành 6 bước cơ bản như sau:

Bước 1: Nhận diện vấn đề

Đây là bước đòi hỏi nhân viên xã hội phải có cách nhìn toàn diện xem xét trong các mối quan hệ nhiều chiều. Nhận diện vấn đề tức là xác định vấn đề của thân chủ hiện nay là gì. Vấn đề đó thuộc khó khăn về vật chất hay tinh thần. Chúng ta có nhận diện đúng thì mới chẩn đoán đúng và trị liệu đúng tình trạng "bệnh lý" của thân chủ.

Việc nhận diện đúng vấn đề gặp phải của thân chủ, xác định chính xác nguồn gốc làm nảy sinh vấn đề là cơ sở để nhân viên xã hội thực hiện các bước tiếp theo, nó

liên quan đến khả năng đáp ứng nhu cầu cũng như huy động sự tham gia của thân chủ vào quá trình giải quyết vấn đề. Nhận diện vấn đề cần trả lời hai câu hỏi:

- Vấn đề hiện tại của thân chủ là gì?

- Ai là thân chủ chính - thân chủ trọng tâm?

Khi nhận diện vấn đề, điều quan tâm trước tiên của nhân viên CTXH là phải xác định cho được vấn đề thân chủ đang gặp phải. Bởi lẽ, rất có thể ngoài vấn đề hiện có, thân chủ đã từng gặp phải những vấn đề trước đó. Nhân viên xã hội cần phải xem xét rõ tình trạng của thân chủ tại thời điểm hiện tại hoặc thời điểm gần nhất là gì, thân chủ đã từng gặp vấn đề gì trong quá khứ.

Từ đó nhân viên CTXH đi sâu vào khai thác vấn đề hiện đang ngăn cản việc thực hiện chức năng xã hội của thân chủ. Nếu không xác định được điều này, nhân viên xã hội sẽ khó xác định được tình trạng thực của thân chủ, không biết nên bắt đầu từ đâu và nên cùng thân chủ hướng vào giải quyết vấn đề gì.

Một điều cần lưu ý là để nhận diện vấn đề của thân chủ, chúng ta cần hiểu về họ, cần trả lời được các câu hỏi sau:

- Họ là ai?

- Họ đang mong đợi gì ở chúng ta?

- Họ có nghĩa vụ và quyền lợi như thế nào?

- Họ đang gặp vấn đề gì?

- Họ quan tâm đến vấn đề gì và có thể có những thắc mắc gì?

Bước 2: Thu thập thông tin

Thu thập thông tin và xử lý thông tin là một tập hợp các thao tác, kỹ thuật mà nhân viên CTXH nhằm kiểm chứng tính chính xác tình trạng hiện tại của thân chủ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, các yếu tố tác động đến thân chủ...Từ đó đưa ra sự đánh giá toàn diện về thân chủ, làm cơ sở cho các bước tiếp theo trong tiến trình CTXH cá nhân.

Quá trình thu thập thông tin là quá trình đòi hỏi nhiều về kỹ năng và phương pháp của NVXH nhất. Trong quá trình này NVXH phải có sự linh hoạt, sáng tạo trong việc vận dụng các kỹ năng của CTXH và các kỹ năng liên ngành khác. Quá trình thu thập thông tin là một quá trình không hề đơn giản đối với NVXH. Quá trình

này cũng phải mang tính hệ thống, NVXH phải đặt cá nhân thân chủ trong hệ thống sinh thái để nhìn nhận, thông tin thì phải được thu thập từ nhiều phía chứ không đơn thuần từ một phía. Khi đã có các thông tin về thân chủ, về những vấn đề của họ, NVXH phải tiến hành phân tích, xử lý, kiểm chứng và xác minh tính chân thực của các thông tin đó. Trong quá trình này NVXH phải đặc biệt chú ý phát hiện ra những điểm mạnh điểm yếu của thân chủ.

Thông tin có thể được thu thập từ các nguồn sau:

- Những thông tin do chính bản thân thân chủ cung cấp - Tìm hiểu từ gia đình, người thân của thân chủ

- Tìm hiểu từ những người bạn/đồng nghiệp của thân chủ cung cấp - Từ thầy cô, hàng xóm...

- Từ hồ sơ về thân chủ

- Tìm hiểu thông tin qua các kết quả kiểm tra, trắc nghiệm về tâm lý...

Việc thu thập thông tin phải đảm bảo độ tin cậy. Vì những lý do khác nhau, một số thông tin về thân chủ có thể bị sai lệch, do đó nhân viên CTXH cần phải có sự kiểm tra, thẩm định trong suốt quá trình làm việc.

Bước 3: Chẩn đoán / xác định vấn đề

Chẩn đoán (xác định vấn đề) bao gồm các hoạt động nhỏ là: chẩn đoán, phân tích, thẩm định. Chẩn đoán là xác định xem có trục trặc ở chỗ nào, tính chất của vấn đề là gì, trên cơ sở các dữ kiện thu thập được. Phân tích là chỉ ra các nguyên nhân hay nhân tố dẫn đến khó khăn. Thẩm định là xem có thể loại bỏ hay giảm bớt khó khăn trên cơ sở động cơ và năng lực của thân chủ để tham gia giải quyết vấn đề, tạo mối quan hệ và sử dụng sự giúp đỡ. Sự thẩm định này mang tính chất tâm lý xã hội vì đây là trọng tâm của CTXH.

Trên cơ sở những thông tin thu thập được và qua quá trình phân tích, xử lý, NVXH bắt đầu đi đến việc xác định vấn đề của thân chủ, nhận diện đầy đủ về vấn đề của thân chủ. Hay nói cụ thể hơn thì nhiệm vụ của nhân viên xã hội là :

- Đánh giá, kiểm tra lại các thông tin, dữ liệu đã thu thập được để có những thông tin xác thực về đối tượng.

- NVXH cùng thân chủ xác định chính xác các vấn đề của thân chủ dựa trên các thông tin thu thập được.

- Xác định tất cả các vấn đề có liên quan - Tìm hiểu về các vấn đề đó.

- Xếp đặt chúng theo một cấu trúc có mối quan hệ tương tác với nhau.

- Xác định nhu cầu và các yếu tố cản trở việc đáp ứng nhu cầu của đối tượng.

- Xác định các vấn đề cần giải quyết

- Xác định các yếu tố và điều kiện cần thiết để giải quyết vấn đề

- NVXH cùng thân chủ phân tích các điểm mạnh và hạn chế của bản thân thân chủ và các các nguồn lực khác có liên quan.

- Sau đó, nhân viên CTXH sắp xếp các vấn đề ưu tiên cần giải quyết để có kế hoạch giải quyết cho phù hợp.

Bước 4: Lên kế hoạch giải quyết

Hoạt động lập kế hoạch được thực hiện dựa trên kết quả của quá trình xác định/chẩn đoán vấn đề. Mục đích của việc lập kế hoạch là để nhằm xác định nhiệm vụ, phương tiện, đường lối, cách thức để đi được mục tiêu đã đề ra.

Nhiệm vụ chính của bước lập kế hoạch là:

- Xác định nội dung và mục tiêu phải đạt được (làm những gì, đi đến đâu, cần đạt được cái gì, nhằm tạo ra những thay đổi như thế nào,…)

- Xác định hoạt động này cho ai, nhóm nào, cộng đồng nào?

- Xác định phương sách, cách thức để đi đến mục tiêu (Làm như thế nào)\

- Xác định rõ vai trò của người thực hiện

- Xác định thời gian, lịch trình thực hiện (Khi nào?Bao lâu?) - Nguồn lực được huy động từ đâu?

Những yêu cầu khi xây dựng kế hoạch:

+ Kế hoạch phải được xây dựng trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu của đối tượng.

+ Kế hoạch phải được thân chủ bàn bạc và chấp thuận.

+ Luôn luôn xem xét các vấn đề của thân chủ, đánh giá vấn đề đó để bổ sung hoàn thiện cho kế hoạch.

+ Kỹ năng nhân viên xã hội cần có:

Xác định nội dung và mục tiêu hành động Lựa chọn phương án tối ưu

Kỹ năng dự đoán các yếu tố ảnh hưởng.

Bước 5: Thực hiện kế hoạch

Đây là quá trình NVXH cùng thân chủ thực thi các hoạt động cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra. Các hoạt động thực hiện được phân loại như sau:

* Tác động trực tiếp đến đối tượng:

- Cung cấp thông tin

- Tham vấn, trị liệu tâm lý,…

- Giúp đối tượng bộc lộ vấn đề - Hòa giải,…

* Tác động gián tiếp tới đối tượng :

- Phối hợp dịch vụ của các tổ chức với thân chủ

-Xây dựng và phát triển các chương trình liên quan đến nhu cầu của đối tượng - Hoạt động tác động tới môi trường của đối tượng

- Hoạt động biện hộ, vận động chính sách,…

Tiến độ thực hiện kế hoạch đã đặt ra nhanh hay chậm là tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan hoặc khách quan như: khả năng của thân chủ; thể trạng sức khoẻ của thân chủ; trạng thái tâm lý; sự nhìn nhận của thân chủ về vấn đề mà họ đang làm; tài nguyên, cơ hội mà thân chủ đang có,…

Ở bước này yêu cầu nhân viên xã hội

- Phải luôn có sự đánh giá, theo dõi các hoạt động trợ giúp thân chủ. Nếu cần thiết có thể bổ sung các hoạt động vào kế hoạch sao cho phù hợp.

- Luôn có sự trao đổi, thống nhất với thân chủ trong từng hoạt động.

- Nhân viên cần xác định rõ: hoạt động nào là dành cho thân chủ tự quyết và hoạt động nào giành cho mình, hoạt động nào là kết hợp từ 2 phía.

Bước 6: Lượng giá – Kết thúc/tiếp tục

Lượng giá là quá trình sử dụng các phương pháp để đo lường quá trình thay đổi và kết quả của những thay đổi đó hay nói theo cách khác thì đây là sự đo lường, thẩm định đánh giá toàn bộ các hoạt động đã thực hiện trong tiến trình can thiệp, giải quyết vấn đề của đối tượng.

Lượng giá bao gồm:

- Lượng giá từng giai đoạn hoạt động - Lượng giá cả một tiến trình hoạt động.

Tuy nhiên, sự lượng giá cuối cùng phải dựa trên cơ sở sự lượng giá của từng giai đoạn đã triển khai theo những mục tiêu cụ thể.

Lượng giá cần sự tham gia của cả nhân viên xã hội và thân chủ để đảm bảo lượng giá một cách khách quan, trung thực các kết quả đạt được.

Những tiêu chuẩn cụ thể cần lượng giá là:

- Mục đích chung và các mục tiêu cụ thể có đạt được hay không? Đạt ở mức độ nào?

- Hoạt động nào mang lại kết quả như mong muốn? Hoạt động nào chưa đạt được kết quả? Tại sao?

- Kỹ năng, công cụ nào đã được sử dụng trong quá trình giải quyết vấn đề cho thân chủ? Hiệu quả đạt được đến đâu? Ưu điểm và hạn chế của từng công cụ?

- Các nguồn lực tham gia, hỗ trợ thân chủ giải quyết vấn đề? Mức độ tham gia? Hiệu quả tác động?

- Những bài học, kinh nghiệm rút ra trong quá trình can thiệp, giúp đỡ thân chủ.

* Kết thúc hoặc tiếp giúp đỡ:

- Nới lỏng dần mối quan hệ để thân chủ quen dần với thời kỳ mới, thời kỳ tự lực.

- Củng cố, ổn định tâm lý cho thân chủ để chuẩn bị cho thời kỳ mới.

Trong trường hợp qua bước lượng giá thấy cần phải có thêm sự hỗ trợ cho thân chủ thì nhân viên xã hội cần xác định với thân chủ kế hoạch và quỹ thời gian nhất định cho việc tiếp tục này. Trong trường hợp lượng giá thấy tiến trình can thiệp, giúp đỡ không thành công, nhân viên xã hội có thể xem xét lại nguyên nhân, nếu thấy có sự sai lệch thì có thể quay lại tiến trình can thiệp, giúp đỡ từ đầu.

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG III 1. Trình bày các phương pháp cơ bản trong CTXH.

2. Phân tích điểm giống và khác nhau cơ bản giữa phương pháp CTXH với cá nhân, CTXH với nhóm, CTXH với tổ chức và phát triển cộng đồng.

3. Quản trị CTXH là gì ? Trình bày tầm quan trọng của quản trị CTXH.

4. Trình bày các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu CTXH.

5. Tiến trình CTXH là gì ? Phân tích nội dung cơ bản của từng bước trong tiến trình CTXH.

6. Phân tích các kỹ năng cơ bản trong CTXH. Liên hệ với thực tế.

CHƯƠNG IV

Một phần của tài liệu Giáo án Nhập môn công tác xã hội (Trang 101 - 109)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w