IV. QUAN ĐIỂM GIÁ TRỊ, NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG VÀ QUY ĐIỀU ĐẠO ĐỨC CỦA CÔNG TÁC XÃ HỘI
2. Các nguyên tắc hoạt động của công tác xã hội
2.2. Các nguyên tắc hướng dẫn hành động của nhân viên CTXH
Nhân viên CTXH chấp nhận thân chủ với mọi phẩm chất tốt và xấu, những điểm mạnh và điểm yếu mà không xem xét đến hành vi của họ. Chấp nhận ở đây đòi
hỏi NVXH tiếp nhận một thân chủ mà không tính toán, không có điều kiện hạn chế nào và không đưa ra bất cứ sự tuyên án nào về hành vi của anh ta.
Làm nền tảng cho nguyên tắc chấp nhận là giả định triết học cho rằng mỗi cá nhân có giá trị bẩm sinh, không kể đến địa vị xã hội hoặc hành vi của họ. Thân chủ được quyền lưu ý và thừa nhận là một con người cho dù anh ta có phạm tội chăng nữa. Tuy nhiên chấp nhận không có nghĩa là tha thứ cho hành vi mà xã hội không thể chấp nhận, điều đó có nghĩa là nhân viên CTXH quan tâm và thiện chí hướng về con người ẩn sau hành vi của họ.
Nhân viên CTXH không phê phán, từ chối, tỏ vẻ bất bình với thân chủ; đổ lỗi bằng cách tranh luận về nguyên nhân - kết quả hoặc đưa ra lời phê phán cho rằng
“người ấy đáng bị trừng phạt do hành vi của ông ta”. Thuật ngữ “kết án một cá nhân” và thái độ xem thường thân chủ là không được chấp nhận trong công tác xã hội. Tuy nhiên nó không có nghĩa là nhân viên xã hội biện hộ chạy tội cho phạm nhân. Bên cạnh việc chấp nhận thân chủ, nhân viên CTXH còn chấp nhận cả những tính cách độc đáo hay cá biệt của thân chủ, nghĩa là xem thân chủ như một con người độc đáo, có hoàn cảnh sống, nhu cầu, cảm xúc, ước mong, ưu và khuyết điểm riêng biệt. Điều này không phải dễ vì nhiều thân chủ của CTXH là những người có hành vi xấu như bạo hành trong gia đình, hoặc vi phạm pháp luật... Để thực sự chấp nhận thân chủ, nhân viên CTXH cần cảnh giác về những thành kiến/định kiến sẵn có của bản thân hoặc của xã hội, tôn giáo mà mình chịu sự ảnh hưởng.
Quan điểm này cho rằng: mỗi thân chủ là một cá nhân riêng biệt, có hình dáng, cá tính, cảm xúc, ý thích, cách cư xử riêng, không người nào hoàn toàn giống người nào, vì vậy họ cần được nhìn nhận một cách riêng biệt. Nhân viên CTXH không nên phân loại và dán nhãn cho từng nhóm người và đối xử cùng một cách với từng nhóm.
Để thừa nhận được tính cách độc đáo của thân chủ, nhân viên CTXH phải có khả năng đi sâu vào thế giới của thân chủ, tìm hiểu những hoàn cảnh sống trong quá khứ, những kinh nghiệm, cảm xúc, thành công, thất bại, ước vọng, niềm đau, nỗi sợ hãi của họ. Khi đã trải qua thời gian để tạo mối quan hệ và hiểu thấu cuộc đời thân chủ, nhân viên CTXH sẽ thấy được tính cách phong phú và
độc đáo của thân chủ đó, và sẽ cùng với thân chủ tìm ra được giải pháp phù hợp với hoàn cảnh riêng của họ.
Tuy nhiên không phải sự chấp nhận nào cũng là dễ dàng. Những người mới vào nghề thì không phải trường hợp nào cũng có thể vượt được qua những rào cản để chia sẻ, quan tâm đến thân chủ. Trải qua thời gian, cùng với nhiều kinh nghiệm và những thân chủ mình gặp trong cuộc sống đã làm cho NVXH chấp nhận thân chủ dễ dàng hơn. Chấp nhận đối với những loại thân chủ nhất định dễ dàng hơn bởi vì họ làm cho chúng ta thông cảm với những vấn đề và nỗi khó khăn của họ mà họ không chịu trách nhiệm. Trái lại có những thân chủ là người phạm pháp tự đem đến cho mình và cho người khác sự phiền muộn, khổ sở. Do vậy với một NVXH khi chấp nhận một thân chủ như vậy thì chứng tỏ sự chấp nhận một cách có cân nhắc và có ý thức.
2.2.2. Tôn trọng quyền tự quyết của thân chủ
Sự công nhận quyền thân chủ tự quyết là một nguyên tắc trong công tác xã hội. Nguyên tắc này cho rằng thân chủ có quyền quyết định về những vấn đề thuộc về cuộc đời của họ và người khác không được áp đặt quyết định đối với vấn đề của họ. Trong công tác xã hội, nhân viên xã hội không nên tự ý ra quyết định, lựa chọn hay vạch kế hoạch dùm cho thân chủ, tuy nhiên thân chủ có thể được hướng dẫn và giúp đỡ để đưa ra quyết định riêng.
Trong khuôn khổ luật pháp cho phép và với điều kiện không nguy hại đến người khác, thân chủ có quyền chọn lựa những giải pháp khả thi khác nhau tùy theo hoàn cảnh, hoặc lối sống để giải quyết vấn nạn của mình. Nhiệm vụ của nhân viên CTXH là giúp thân chủ thấy được những giải pháp khác nhau, thăm dò hậu quả có thể xảy ra của mỗi giải pháp, để thân chủ có thể tự mình chọn lựa.
Sự tự quyết, cũng như sự tự do, có những giới hạn riêng của họ. Đó không phải là một quyền tuyệt đối. Quyết định mà thân chủ đưa ra phải nằm trong phạm vi quy định của xã hội là hậu quả của quyết định ấy không gây tổn hại đến những người khác và không gây hại cho chính bản thân thân chủ.
Hơn thế nữa, hành vi tự quyết định phải ở trong những chuẩn mực hành vi mà xã hội có thể chấp nhận được. Ngoài ra, mỗi quyết định có tính tự quyết có ý là
người ra quyết định, thân chủ, tự lãnh trách nhiệm thực hiện quyết định và gánh lấy hậu quả.
Giới hạn của quyền tự quyết là khi thân chủ không có khả năng trí tuệ để tự quyết định. Ví dụ: khách hàng là trẻ em hoặc người mắc bệnh tâm thần. Trong trường hợp này nhân viên CTXH có thể phải làm việc với người bảo hộ hoặc thân nhân của thân chủ với kim chỉ nam là lợi ích cao nhất của thân chủ (best interest of the client)
Trường hợp giới hạn khác là thân chủ có khả năng trí tuệ nhưng bị áp lực của văn hóa, tôn giáo, gia đình… làm hạn chế. Ví dụ không được ly dị, không được làm
“nhục nhã gia phong” “xấu hổ ông bà”. Trong những trường hợp này mặc dù không thể quyết định thay cho thân chủ, nhân viên CTXH có thể giúp thân chủ phân tích tỉ mỉ các giải pháp, ngay cả cung cấp lời khuyên để thân chủ tự quyết định. Thông thường nhân viên CTXH tránh cung cấp lời khuyên mà chỉ giúp thân chủ thăm dò và phân tích các giải pháp để họ tự chọn lựa. Trong văn hóa Á châu, nhiều thân chủ, đặc biệt là thân chủ phụ nữ, có thể có thái độ thụ động và trông chờ lời khuyên của nhân viên CTXH. Trong những trường hợp này nhân viên CTXH có thể giữ vai trò chủ động hơn, nhưng nguyên tắc chủ đạo vẫn là tạo năng lực để thân chủ có thể tự quyết định lựa chọn lấy giải pháp tốt nhất cho hoàn cảnh của họ.
2.2.3. Sự tham gia của thân chủ trong việc giải quyết vấn đề
Kết hợp chặt chẽ với nguyên tắc tự quyết là sự tham gia của thân chủ trong việc giải quyết vấn đề mà họ đang đương đầu đối phó. Trong một phương cách nào đó, sự tự quyết là một hình thức của sự tham gia vì nó đòi hỏi sự ra quyết định của thân chủ. Tiến trình giúp đỡ và được giúp đỡ không dừng lại ở thời điểm thân chủ ra quyết định mà nó tiến xa hơn nữa nhờ những kế hoạch được theo đuổi và những hành động được thực hiện. Theo nguyên tắc tham gia, thân chủ trở thành "diễn viên chính" trong việc theo đuổi kế hoạch và thực hiện hành động, trong khi ấy nhân viên xã hội chỉ là người tạo thuận lợi.
* Một số kỹ năng lôi cuốn sự tham gia của thân chủ:
1. Tạo nên một môi trường ân cần, tiếp thu và tôn trọng.
2. Nối liền mối liên hệ giữa dịch vụ cung ứng và tình trạng cá biệt của thân chủ, trình bày rõ ràng vai trò và chức năng của công tác xã hội.
3. Nhạy bén trả lời các thắc mắc của thân chủ về tổ chức cung ứng dịch vụ và bản chất của sự giúp đỡ này.
4. Thông cảm hưởng ứng những dấu hiệu và biểu hiện ngầm của sự đau khổ, bằng cách chấp nhận những cảm xúc, tôn trọng, ủng hộ lâu bền và tạo hy vọng. Biểu lộ sự quan tâm, lo lắng và chấp nhận con người đó (cho dù là hành vi của thân chủ có thể không được chấp nhận).
5. Nhận ra những hành vi không bằng lời bất đồng với lời giao tiếp và những nội dung mà họ ngụ ý, và xác nhận rõ ràng lại khi cần thiết.
6. Chế ngự những sự chống đối, mâu thuẫn ban đầu, khi mà dịch vụ bắt buộc, và chú ý những vấn đề tạo động cơ thúc đẩy.
7. Kiểm tra giá trị của những kỳ vọng và sự nhận thức của đối tượng mà chúng ta tạm đạt được trong giai đoạn chuẩn bị - đặc biệt là những điều có liên quan đến tuổi tác, giới tính, chủng tộc, sắc tộc, và giai cấp xã hội, cũng như những giả định dựa theo lý thuyết.
8. Khuyến khích tương tác giữa cá nhân với các thành viên trong gia đình, đảm bảo rằng mỗi người đều có cơ hội để tham gia.
9. Thảo luận những kinh nghiệm đã có trước đây với nhân viên xã hội hay những chuyên viên giúp đỡ khác cùng nhau xác định rõ bản chất của quá trình can thiệp, chia sẻ những kỳ vọng...
2.2.4. Đảm bảo sự bí mật riêng tư cho đối tượng
Bí mật thông tin liên quan đến đời tư và vấn đề của thân chủ là một nguyên tắc quan trọng đối với quá trình tác nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đối với CTXH, nguyên tắc này được thể hiện và quán triệt sâu sắc, đặc biệt trong CTXH cá nhân, CTXH nhóm và phương pháp tham vấn.
Các thân chủ luôn mong được giữ kín các thông tin sau khi họ đã cung cấp cho nhân viên công tác xã hội.
Họ vốn mặc cảm bởi thân phận, bởi hoàn cảnh và không phải với bất cứ ai họ cũng dễ dàng dãi bày, tâm sự. Việc giữ kín những điều bí mật không chỉ là đòi hỏi chính đáng từ phía thân chủ mà còn là yêu cầu về mặt nguyên tắc đối với bất cứ một nhân viên
xã hội nào. Có như vậy, niềm tin giữa thân chủ và nhân viên công tác xã hội mới được củng cố, mối quan hệ giữa họ mới trở nên gần gũi và hiểu biết nhau hơn.
Trong mối quan hệ giữa nhân viên CTXH và thân chủ, tin cậy là yếu tố rất quan trọng. Nếu không được thân chủ tin cậy, nhân viên CTXH khó có thể làm việc hiệu quả. Tin cậy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: khả năng, hình dáng, tuổi tác, bằng cấp của nhân viên CTXH, nhưng quan trọng hơn hết là nguyên tắc bảo mật.
Nghĩa là thân chủ phải được bảo đảm những điều mình tiết lộ được giữ bí mật. Việc thực thi nguyên tắc bảo mật đòi hỏi những biện pháp an toàn liên quan đến lưu trữ hồ sơ (trong tủ có khóa để chỉ những người có trách nhiệm mới đọc được hồ sơ), trao đổi thông tin giữa những người có trách nhiệm trong cùng cơ quan, và những quy định liên quan đến vấn đề tiết lộ thông tin.
Thông thường, thông tin có thể được tiết lộ nếu có sự chấp thuận sau khi được giải thích bằng chữ viết của thân chủ (hoặc có trát toà).
Nguyên tắc bí mật cần được đảm bảo vì lợi ích tốt nhất của thân chủ. Điều quan trọng là NVCTXH phải nhìn thân chủ như chính họ, trong một môi trường mà họ cảm thấy thoải mái. NVCTXH không thể cung cấp những thông tin bí mật của thân chủ cho những người không cần biết và nếu nhận thấy vấn đề của thân chủ cần có sự chia sẻ với một người cần thiết thì NVCTXH phải bàn trước với thân chủ.
2.2.5. Nhân viên xã hội luôn ý thức về mình
Nghĩa là nhân viên công tác xã hội phải luôn chứng tỏ năng lực, sự hiểu biết, tính chuyên nghiệp của nghề mình đang theo đuổi. Nhân viên công tác xã hội cần biết rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong từng lúc, từng nơi, từng trường hợp. Nhân viên công tác xã hội phải luôn giữ gìn nhân cách và phẩm chất đạo đức của một nhân viên công tác xã hội. Bởi mỗi việc họ làm, mỗi lời họ nói thường tác động trực tiếp đến nhận thức, hành vi, quan niệm... của thân chủ. Tự ý thức được chính mình là đạo đức của nghề, là nguyên tắc của nghề. Như một tất yếu, muốn giúp đỡ và cảm hoá người khác trước hết ta phải hoàn thiện chính bản thân mình.
Trong quá trình can thiệp, giúp đỡ thân chủ, nhân viên công tác xã hội phải luôn ý thức về mình, luôn phải trả lời các câu hỏi: Mình là ai? Mình đang ở đâu?
Mình đang làm gì?..., nhân viên công tác phải luôn soi rọi lại mình xem mình đã làm những gì và quá trình đó có tác động tiêu cực nào đến tiến trình giải quyết vấn đề của
thân chủ hay không? Nhân viên công tác xã hội không được đánh mất mình, không đi lệch vai trò của mình và vận dụng sai chức năng của ngành CTXH nói chung.
2.2.6. Xây dựng mối quan hệ nghề nghiệp giữa nhân viên xã hội và thân chủ Nhân viên công tác xã hội và thân chủ phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp. Đó là quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, đồng cảm và chia sẻ. Sự mặc cảm và định kiến với thân phận người được giúp đỡ sẽ làm cho mối quan hệ trở nên xấu đi, tạo nên khoảng cách giữa người giúp và người được giúp.
Mối quan hệ trong công tác xã hội cá nhân được xây dựng dựa trên nền tảng triết lý về con người; đó là sự khẳng định vị trí trung tâm của con người, khẳng định giá trị vốn có của con người và trách nhiệm của mỗi người với đồng loại. Nhân viên công tác xã hội phải biết coi trọng lợi ích của thân chủ, không coi việc giúp đỡ của mình như là sự ban ơn, một quan hệ xin - cho hoặc tạo sự ỷ lại, trông chờ từ phía thân chủ.
2.2.7. Cảnh giác đối với những thành kiến của bản thân
Mỗi người đều có một quá khứ, một kinh nghiệm sống, một hoàn cảnh, một cuộc đời riêng biệt. Những riêng biệt này ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và ứng xử của con người. Vì vậy, để hoàn thành tốt công việc của mình, nhân viên CTXH phải luôn tự cảnh giác, không để những ý thương, ghét, những định kiến của mình ảnh hưởng đến nhận xét và đối xử với thân chủ. Muốn đạt được trình độ này, nhân viên CTXH phải tự hiểu mình, phải không ngừng học hỏi, và chấp nhận những cảm xúc, thái độ, tư cách, ứng xử đa dạng của con người, nhờ vậy mới có thể luôn luôn phục vụ được lợi ích cao nhất của thân chủ.
Tóm lại, giá trị là những nguyên tắc chỉ đạo, hướng dẫn cách ứng xử đúng đắn của con người. Cá nhân, gia đình, nhóm, đoàn thể, cộng đồng, đều có những giá trị riêng, giống hoặc khác nhau, những giá trị của cá nhân và tập thể này thường phù hợp với những giá trị bao quát của nền văn hóa, hay của quốc gia, xã hội. Giá trị của nghề CTXH là những nguyên tắc chỉ đạo hướng dẫn mọi hoạt động của nhân viên CTXH đến những gì tốt đẹp nhất cho lợi ích của thân chủ. Tại những nước có nền CTXH phát triển như Mỹ, những giá trị này được ghi rõ trong Quy định về đạo đức của Hội những nhân viên CTXH.