Công tác xã hội với trẻ em

Một phần của tài liệu Giáo án Nhập môn công tác xã hội (Trang 109 - 114)

CHƯƠNG IV CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC

1. Công tác xã hội với trẻ em

Công tác xã hội với trẻ em là một phần trong các lĩnh vực chuyên biệt của ngành công tác xã hội với mục tiêu đem lại sự hỗ trợ cho trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn, giúp bảo vệ trẻ em và góp phần vào nền an sinh cho trẻ em.

Công tác xã hội với trẻ em sử dụng các kỹ năng của CTXH chuyên nghiệp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, mang lại cho trẻ em niềm tin vào cuộc sống; để các em có thể phát triển một cách đầy đủ, đúng đắn và khỏe mạnh.

Riêng với lĩnh vực bảo vệ trẻ em, CTXH với việc bảo vệ trẻ em được hiểu như sau: CTXH bảo vệ trẻ em là việc sử dụng những kiến thức, kỹ năng CTXH chuyên nghiệp trong quá trình làm việc với gia đình, trẻ em và cộng đồng nhằm phòng ngừa trẻ em bị xâm hại, hỗ trợ, phòng ngừa và giải quyết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được phục hồi, để các em có điều kiện để phát triển toàn diện.

1.2. Các hoạt động can thiệp của CTXH

Công tác xã hội với trẻ em bao gồm những nội dung như sau :

- Các chức năng của công tác xã hội và các nhu cầu đặc biệt của trẻ em : trị liệu, hỗ trợ, phục hồi, bảo vệ liên quan đến trẻ em có nhu cầu đặc biệt.

- Các lĩnh vực thực thi của công tác xã hội với trẻ em: cộng đồng, trường học, bệnh viện, các cơ sở xã hội.

- Các vai trò của nhân viên xã hội trong công tác xã hội với trẻ em.

- Công tác xã hội với trẻ em được thực thi trong bối cảnh gia đình, môi trường sống toàn diện của trẻ, do đó công tác xã hội với gia đình gắn bó chặt chẽ với các vấn đề của trẻ em

* Quá trình làm việc với trẻ em cần chú ý tới công việc làm sao để hiểu biết được cảm xúc và những ước mơ của trẻ, bao gồm:

- Nhân danh trẻ em khi cần có những quyết định ảnh hưởng tới trẻ em.

- Giúp trẻ tham gia vào việc quyết định những vấn đề liên quan đến trẻ em (trẻ em từ 10 tuổi trở lên mới có những quyết định đúng đắn);

- Chuẩn bị cho trẻ em tham dự vào các cuộc họp hoặc phiên toà có liên quan đến các em.

- Hỗ trợ cho trẻ em được nói lên ý kiến của mình với ít nhất một thành viên trong gia đình.

- Giúp trẻ em và thanh thiếu niên vượt qua được những khủng hoảng hay xáo trộn.

- Hỗ trợ trẻ em ứng phó với những cảm xúc thất lạc hay mất mát người thân.

* Phương pháp làm việc với trẻ em nói chung - Trị liệu bằng vui chơi

Vui chơi được sử dụng như là một phương tiện chính để giao tiếp. Vui chơi có thể được xem như là một phương tiện trong đó đứa trẻ xử lý những chuyển đổi giữa thế giới vô thức bên trong và thực tế gia đình trường học bên ngoài

Nhân viên xã hội cần lưu ý hướng dẫn việc vui chơi đó bằng cách sử dụng những trò chơi hoặc kỹ thuật đặc biệt mang tính chuyên môn nhằm vào việc thực hiện mối quan hệ đặc biệt giữa trẻ và nhân viên xã hội. Nhân viên xã hội cần tạo ra một bầu không khí an toàn, tin tưởng mà đứa trẻ tự do bộc lộ và khám phá một số cảm xúc mà các em muốn.

- Phương pháp thương lượng

Làm việc với trẻ em lớn hơn và trẻ em đặc biệt - thanh thiếu niên đặc biệt có thể liên quan đến kỹ năng trung gian là thương lượng. Bên cạnh đó cần quan tâm đến công tác làm việc trực tiếp với thanh thiếu niên và gia đình. Đôi khi cũng phải sử dụng phương pháp thương lượng với trẻ, với gia đình trẻ. Kỹ năng trung gian và giải quyết mâu thuẫn được đưa ra như những phương pháp thường rất có hiệu quả, dẫn đến việc thiết lập lại mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ở mức độ nào đó.

- Phương pháp nối kết thương lượng và mất mát

Mất mát là đặc trưng trong cuộc sống của trẻ em khi cần đến sự giúp đỡ của nhân viên công tác xã hội. Ứng phó với những cảm nghĩ mất mát cảu đứa trẻ là một phần công việc cần đạt tới của nhân viên xã hội. Những cuộc thương lượng nhạy cảm với cha mẹ và người chăm sóc trẻ luôn đi trước công việc chia sẻ mất mát với trẻ.

2 Công tác xã hội với người khuyết tật 2.1. Giới thiệu chung

Người khuyết tật là những người do bị khiếm khuyết nào đó của cơ thể mà dẫn tới sự giảm sút đáng kể trong việc thực hiện chức năng so với những cá nhân khác.

Theo Điều 1, Pháp lệnh về người tàn tật của Việt Nam ban hành ngày 30 tháng 07 năm 1998, người tàn tật là: “người khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau làm suy giảm khả năng lao động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn”.

Theo quan niệm quốc tế, trong đó có cả tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyết tật được khái niệm theo hai mô hình y học và xã hội.

Theo mô hình y học người khuyết tật được nhìn nhận là những người có vấn đề về thể chất và cần phải chữa trị. Theo mô hình xã hội thì người khuyết tật được đề cập đến là do kết quả của việc tổ chức xã hội dẫn đến người khuyết tật phải đối mặt với những phân biệt đối xử từ thái độ kỳ thị, thiếu tôn trọng, môi trường không hài hoà với người khuyết tật ngăn cản họ tiếp cận với các dịch vụ xã hội đến thể chế, chính sách quy định phân biệt đối xử mang tính pháp lý.

Cách nhìn nhận của CTXH đối với người khuyết tật dựa trên quan niệm được hiểu một cách tổng thể dưới cả góc độ y học và xã hội với mục tiêu để người khuyết tật hoà nhập cộng đồng và công bằng xã hội.

Ở Việt Nam hiện nay, khái niệm khuyết tật, tàn tật hay tật nguyền còn chưa được thống nhất trong nhà chuyên môn.

- Khuyết tật được phân làm nhiều loại:

+ Tật vận động

+ Tật giác quan (câm, mù, điếc,…) + Tật trí tuệ (chậm phát triển,…)

- Nguyên nhân: có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như;

+ Khuyết tật do bẩm sinh;

+ Khuyết tật do chấn thương khi sinh;

+ Khuyết tật do ngộ độc thức ăn;

+ Khuyết tật do tai nạn;

+ Khuyết tật do chiến tranh gây ra;

+ Khuyết tật do bị bệnh khác gây ra.

Do bị bệnh tật, khó khăn trong đi lại, hạn chế trong giao tiếp nên hoạt động trong lao động của họ gặp rất nhiều khó khắn. tuỳ theo từng loại tật mà họ có những khó khăn khác nhau. Mặt khác do sự thiếu hụt về thể chất như: mất hay giảm khả năng hoạt động của một số cơ quan tiếp nhận thông tin cần thiết cho hoạt động nhận thức,… đặc biệt ở những người bị khuyết tật giác quan, tật thần kinh hoạt động tư duy,… nên những người khuyết tật thường bị ức chế dẫn tới bi quan, chán nản, tự ty, hay cáu gắt, nóng nảy,… và cảm thấy nhiều khi mình là những người sống thừa trong xã hội, trong gia đình,... Họ rất cần sự trợ giúp của NVXH.

2.2. Công tác xã hội với người khuyết tật:

* Nhận định và đánh giá tình trạng chung của người khuyết tật:

Tránh những thành kiến về những dị tật khi đối diện với những người khuyết tật. Nhất là đối với những trường hợp như: bị mù, điếc, câm, bại liệt,..

Cần tìm hiểu và có những thông tin về bệnh tật, về những biểu hiện trong bệnh tật của thân chủ để từ đó có thể đánh giá được chính xác về mức độ, tình trạng và tiểu sử của tật, có những phản ứng thính giác, thị giác, khứu giác của các cá nhân mình đối với những dị tật của thân chủ (đặc biệt là trong trường hợp đến nhà thăm thân chủ).

Cần phải bày tỏ sự cảm thông, chân thành mà không thương hại đối với thân chủ. Bởi họ là những người trong cuộc sống, đôi khi đã từng bị chế giễu, chọc ghẹo, bị hắt hủi, bị bỏ rơi trong quá khứ,… nên họ rất nhạy cảm và vì vậy rất dè dặt khi tiếp xúc lần đầu với những người lạ. Khi đối xử với những người khuyết tật, cần phải có những hành vi thích ứng với từng tật của người khuyết tật một cách tế nhị. Ví dụ:

đối với những người bị khiếm thị thì nhân viên xã hội phải dùng ngôn ngữ nhiều, đối với người ngồi trên xe lăn thì phải ngồi xuống để nói chuyện cùng tầm mắt với họ,…

Lấy thông tin từ gia đình về tiểu sử của quá trình bệnh tật, mức độ của tật, quá trình phát triển của bản thân người bị khuyết tật và những trở ngại, khó khăn của họ.

Cần đánh giá tình trạng sức khoẻ, bệnh (nếu có), mức độ phát triển và các nhu cầu của người khuyết tật nhất là những nhu cầu liên quan đến dạng tật.

Khi đánh giá trường hợp và lượng định mức phục hồi chức năng cần phải nhận định khả năng sinh hoạt hàng ngày của người khuyết tật, mức độ tự túc trong sinh hoạt.

* Nhân viên xã hội làm việc với người khuyết tật:

- Tìm hiểu rõ tình trạng, nguyên nhân, triệu chứng và dự đoán về sự khuyết tật.

Tìm hiểu quá trình của sự suy yếu và những biểu hiện cụ thể của tật.

- Tìm hiểu tâm trạng của người khuyết tật để từ đó tạo cho họ cơ hội được bày tỏ nỗi niềm. Qua đó xây dựng lòng tin với thân chủ và thiết lập mối quan hệ thân thiết với thân chủ.

- Xem xét việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản, cấp thiết của người khuyết tật.

- Cung cấp dịch vụ tham vấn để người khuyết tật vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống.

- Kết nối người khuyết tật với các dịch vụ và các nguồn lực hỗ trợ trong xã hội.

- Thúc đẩy việc cải thiện môi trường giúp người khuyết tật có cơ hội hoà nhập cộng đồng.

* Nhân viên xã hội làm việc với gia đình người khuyết tật:

- Tìm hiểu tâm trạng của gia đình, giúp gia đình nhận định được tình trạng của người khuyết tật trong gia đình họ và giúp gia đình tìm đến những dịch vụ y tế, pháp luật, giải trí trong cộng đồng.

- Giúp gia đình người khuyết tật nhận định được những chuyển biến và tiến trình của bản thân người khuyết tật trong việc phục hồi chức năng.

- Giúp gia đình giải quyết những vấn đề khó khăn và nhận định được khi nào thì cần phải có thêm dịch vụ hỗ trơ từ bên ngoài.

- Giúp gia đình người khuyết tật tăng khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi cho người khuyết tật.

* Khi làm việc với gia đình người khuyết tật cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

- Phản ứng của những người thân trong gia đình đối với người khuyết tật.

- Cuộc sống gia đình của người khuyết tật cần có những thay đổi trên một số khía cạnh sau:

+ Về mối quan hệ trong gia đình + Về tình hình kinh tế của gia đình + Về thời gian rảnh rỗi

+ Về bầu không khí trong gia đình

* Vai trò của nhân viên công tác xã hội - Đối với người khuyết tật:

Hỗ trợ tức thời khi người khuyết tật gặp khó khăn.

Giúp người khuyết tật hiểu rõ và thích nghi với những khiếm khuyết của bản thân mình, tiềm năng và hạn chế của bản thân họ.

Giúp người khuyết tật có những hình ảnh tốt về bản thân mình để từ đó tự khắc phục và phát huy những tiềm năng của bản thân họ.

Giúp người khuyết tật trong việc giáo dục, chọn nghề và hỗ trợ vật chất khi họ cần.

- Bản thân nhân viên xã hội phải có những hoạt động bảo vệ, biện hộ cho người khuyết tật khi họ cần. Bên cạnh đó còn phải tham gia đề xuất các chính sách bảo vệ cho họ. Tìm các nguồn hỗ trợ trong cộng đồng để hỗ trợ và điều không kém phần quan trọng là nhân viên công tác xã hội phải tạo lập các mạng lưới câu lạc bộ, hội người khuyết tật,… để giúp họ đạt đến sự cân bằng vê trạng thái trong xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo án Nhập môn công tác xã hội (Trang 109 - 114)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w