Tư cách đạo đức nghề nghiệp của nhân viên công tác xã hội

Một phần của tài liệu Giáo án Nhập môn công tác xã hội (Trang 76 - 81)

IV. QUAN ĐIỂM GIÁ TRỊ, NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG VÀ QUY ĐIỀU ĐẠO ĐỨC CỦA CÔNG TÁC XÃ HỘI

3. Quy điều đạo đức của công tác xã hội

3.2 Các quy điều đạo đức trong công tác xã hội

3.2.2 Tư cách đạo đức nghề nghiệp của nhân viên công tác xã hội

Việc bảo vệ, tôn vinh danh dự, uy tín nghề nghiệp là bổn phận của mỗi thành viên khi nằm trong hoặc tham gia vào hệ thống ngàn nghề, lĩnh vực đó. Khi đã ý thức rõ ràng về nghề nghiệp thì mỗi con người sẽ nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và cống hiến tối đa cho sự nghiệp mà mình đã theo đuổi. Bất kỳ một nghề nghiệp nào, trước khi muốn người khác tôn trọng đánh giá đúng thì bản thân người làm nghề phải tự tôn trọng, đánh giá đúng về mình.

Nghề nghiệp CTXH có đối tượng tác nghiệp là con người (một hay một tập hợp người), đòi hỏi rất cao về giá trị nhân văn, chiều sâu tình cảm và trí tuệ, lòng nhiệt huyết và kỹ năng, đòi hỏi rất cao về danh dự nghề nghiệp.

- Nhân viên CTXH phải có phẩm chất, năng lực, kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc được đảm nhận và phải thực sự có lòng yêu nghề.

- Luôn có ý thức học tập, rèn luyện để nâng cao về trình độ chuyên môn, cụ thể là: kiến thức, thái độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành nghề.

- Có ý thức và tinh thần phục vụ cao trong công việc và với mọi đối tượng tác nghiệp.

- Liêm khiết, chí công vô tư, không lạm dụng quyền hạn và vị trí của mình để lợi dụng người khác, lợi dụng những đối tượng thân chủ nhằm thoả mãn nhu cầu riêng tư.

- Năng động, sáng tạo trong công việc và trong sự nghiệp phát triển ngành nghề CTXH.

- Nhân viên CTXH phải có trách nhiệm hợp tác với các trường CTXH để hỗ trợ sinh viên chuyên ngành CTXH thực tập và để cập nhật kiến thức.

b. Đối với thân chủ

Thân chủ/khách hàng là mối quan tâm hàng đầu của CTXH. Đó là trách nhiệm, là điều kiện tồn tại của nhân viên CTXH. Trách nhiệm của nhân viên CTXH, trước hết là bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của thân chủ. Do đó trong quá trình

tác nghiệp, trợ giúp thân chủ, nhân viên CTXH phải luôn xác định, quán triệt và nêu cao tinh thần tận tâm phục vụ. Niềm vui, sự thoả mãn của thân chủ khi nhu cầu được đáp ứng, vấn đề của họ được giải quyết là mục tiêu đồng thời là tiêu chuẩn đánh giá sự thành công của hoạt động CTXH. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với đối tượng trợ giúp, nhân viên CTXH không phải là người mang đến và ban phát lợi ích, không làm thay cho đối tượng, trong những trường hợp cụ thể cần có sự cân nhắc giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa quyền lợi của thân chủ với khuôn khổ quy định của cơ quan, tổ chức CTXH.

- Phát huy tối đa quyền tự quyết của thân chủ:

Sự thành công cao nhất và hiệu quả thực sự của hoạt động trợ giúp là phát huy tối đa khả năng của đối tượng tham gia, tự giải quyết vấn đề của họ. Vì vậy trong hoạt động trợ giúp của mình, nhân viên CTXH phải luôn hướng tới việc đạt đến và nâng cao năng lực tự giúp của thân chủ, đặc biệt là việc đưa ra các giải pháp hoặc lựa chọn quyết định hành động phù hợp. Để thực hiện được điều đó, nhân viên CTXH cần tạo cơ hội và điều kiện tốt nhất cho thân chủ tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề, trao quyền, tôn trọng và chấp nhận quyết định của thân chủ. Nhân viên CTXH không được làm cho thân chủ phụ thuộc vào mình.

- Đảm bảo sự riêng tư và bí mật cho thân chủ:

Đối tượng trợ giúp của CTXH là những người (cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng) yếu thế, thiệt thòi, có vấn đề xã hội hoặc trong gia đoạn khủng hoảng,…Họ có thể có những vấn đề tế nhị, riêng tư cần được giữ bí mật, nhân viên CTXH cần tôn trọng và bảo vệ sự bí mật, riêng tư ấy và không lợi dụng hoàn cảnh của thân chủ để ép buộc, khống chế hay tư lợi về mình (tình cảm hoặc kinh tế).

- Nhân viên CTXH phải hành sự công việc trong tình thương, sự thấu cảm và chăm sóc thân chủ.

c. Đối với đồng nghiệp

- Tôn trọng, bình đẳng với đồng nghiệp: CTXH là một nghề nghiệp đòi hỏi sự tương tác rất cao giữa các đồng nghiệp và giữa NVCTXH với đối tượng trợ giúp. Sự tương tác giữa các đồng nghiệp chỉ có thể sâu sắc và đạt hiệu quả cao khi nó dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng, bình dẳng, tin tưởng, chia sẻ, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.

- Đoàn kết, tương tác, bổ trợ cho nhau trong quá trình làm việc: Trong quá trình hoạt động chuyên môn sẽ có xu hướng khác nhau khi giải quyết một vấn đề, trường hợp nào đó. Những xu hướng đó là đồng thuận, mâu thuẫn hoặc đối lập với nhau và đó là điều tất yếu trong công việc. Do đặc trưng nghề nghiệp và quy định về tôn chỉ, mục đích, giá trị của ngành CTXH – cải thiện hoàn cảnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường khả năng giải quyết vấn đề, mang lại sự an sinh bền vững cho con người – đối tượng của sự trợ giúp, nên tương tác với đồng nghiệp vì sứ mệnh chung vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nguyên tắc hành động của nhân viên CTXH. Sự chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ là bảo vệ uy tín, danh dự của ngành và của mỗi thành viên. Vì vậy, trong những trường hợp cụ thể, nhân viên CTXH cần thiết phải quan tâm đến đối tượng của đồng nghiệp, đôi khi chuyển giao đối tượng cho nhau và cùng có những trách nhiệm liên đới khi giải quyết vấn đề để tiếp cận và thực hiện phương pháp trợ giúp tích cực.

d. Đối với xã hội

- Đảm bảo lợi ích chung của xã hội: hoà hợp giữa các lợi ích (lợi ích xã hội, lợi ích nghề nghiệp, lợi ích cơ quan làm việc, lợi ích thân chủ,…)

Mỗi nhân viên CTXH là một công dân của xã hội, vì vậy phải luôn ý thức làm tròn bổn phận, nghĩa vụ của người công dân đối với xã hội, đối với tổ quốc.

Đó là các quyền lợi và nghĩa vụ học tập, lao động, chấp hành pháp luật, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức, sáng tạo và thụ hưởng giá trị vật chất, giá trị tinh thần, xây dựng và bảo vệ đất nước,…Với tư cách là người làm CTXH, nhân viên CTXH còn có trách nhiệm thể hiện năng lực nghề nghiệp đó là tăng cường lợi ích chung của toàn xã hội, trước hết là lợi ích của những người yếu thê, thiệt thòi, rủi ro trong xã hội. Vì sự an sinh của toàn xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, phồn thịnh mà ở đó tất cả mọi người đều có thể đạt được và sống một cuộc sống tốt đẹp nhất, trong các hoạt động của mình nhân viên xã hội cần thể hiện mẫu mực về sự công tâm, minh bạch, tranh đấu, bảo vệ và duy trì lợi ích chính đáng trong mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân, cộng đồng và của toàn xã hội. Nhân viên CTXH phải thực sự là niềm tin, là chỗ dựa tin cậy của những người yếu thế, thiệt thòi, của người rủi ro bất hạnh, của những cộng đồng

kém phát triển ần sự trợ giúp và cao hơn là niềm tin tưởng của toàn xã hội trong việc giải quyết các vấn đề xã hội.

- Biết phát huy những nguồn lực của xã hội và của cộng đồng:

Những người làm CTXH giỏi phải là những người biết nhìn nhận và phát hiện đúng những nguồn lực của cộng đồng, xã hội và biết khai thác hợp lý, có hiệu quả những tiềm năng ấy vào trong quá trình giải quyết các vấn đề cho thân chủ. Làm được điều đó không chỉ giúp cho tiến trình CTXH diễn ra một cách thuận lợi, hiệu quả mà còn góp phần khẳng định trách nhiệm làm CTXH không phải chỉ của riêng từng cá nhân, của nhân viên CTXH mà còn là trách nhiệm chung của toàn cộng đồng, của toàn xã hội nhằm đảm bảo cho một sự phát triển bền vững.

Tiểu kết: Quy điều đạo đức ngành CTXH được xây dựng trên nền tảng lý thuyết, nguyên tắc và giá trị chung của CTXH, tuy nhiên ở mỗi quốc gia, tuỳ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể hoặc bản sắc văn hoá, tính chất nền kinh tế và chế độ chính trị, quy điều đạo đức có những sự khác biệt nhất định.

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG II

1. Phân tích nền tảng triết lý của CTXH và rút ra nhận xét của bản thân về quan niệm nhìn nhận con người theo cách tiếp cận của CTXH.

2. Phân tích các lý thuyết tiếp cận cơ bản trong CTXH.

3. Trình bày cách lý thuyết nhu cầu của Maslow và nêu ứng dụng của lý thuyết này trong CTXH.

4. Phân tích lý thuyết hệ thống – sinh thái và ứng dụng vào phân tích một trường hợp cụ thể.

5. Phân tích các giá trị và nguyên tắc nghề CTXH.

6. Trình bày các quy điều đạo đức trong CTXH.

CHƯƠNG III

Một phần của tài liệu Giáo án Nhập môn công tác xã hội (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w