CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN
1.2. Các công trình nghiên cứu ở trong nước
1.2.1. Các nghiên cứu liên quan đến khái niệm, vai trò, phân loại chiến lược
Thứ nhất, GS.TS Phan Huy Đường trong cuốn sách “Quản lý công” do Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (2014, Tái bản: 2016) khi nghiên cứu về quản lý chiến lược trong một tổ chức đã xác định 3 bộ phận quan trọng nhất cấu thành một chiến lược gồm: Thứ nhất là hệ thống quan điểm cơ bản của chiến lược; Thứ hai là hệ thống mục tiêu chiến lược; Thứ ba là hệ thống các giải pháp chiến lược. Theo đó [3]
Hệ thống quan điểm cơ bản của chiến lược là việc xác định các quan điểm chủ đạo có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra bước ngoặt của con đường phát triển. Các quan điểm này vừa có ý nghĩa chỉ đạo xây dựng chiến lược, vừa là tư tưởng và “linh hồn” của chiến lược mà trong từng phần nội dung của chiến lược phải thể hiện và quán triệt. Hệ thống quan điểm thể hiện những nét khái quát đặc trưng nhất và có tính nguyên tắc về mô hình phát triển của tổ chức.
Hệ thống mục tiêu chiến lược là các mục tiêu gắn liền với việc giải quyết các vấn đề cơ bản của tổ chức, những mốc mới mà tổ chức cần phải đạt tới trên con đường phát triển. Những mục tiêu tổng quát bao trùm của chiến lược phải chứa đựng nhiều mục tiêu cụ thể.
Hệ thống các giải pháp chiến lược là việc thể hiện sự hướng dẫn về cách thức thực hiện các mục tiêu đề ra, chúng bao gồm các chính sách và biện pháp về cơ cấu và cơ chế vận hành của tổ chức, các giải pháp về khai thác huy động bổ sung và sử dụng hợp lý các nguồn lực phát triền. Các giải pháp chính là sự thể hiện tính đột phá của chiến lược.
Thứ hai, PGS.TS Lê Thế Giới (2012), trong “Giới thiệu về quản trị chiến lược và tuyên bố sứ mệnh” Nhà xuất bản Đại học Đà Nẵng, đã có sự so sánh giữa chiến lược trong lĩnh vực quân sự và lĩnh vực kinh tế. Theo đó: [4]
Trong quân sự, chiến lược dùng để chỉ kỹ năng quản trị để khai thác các lực
lượng để đè bẹp đối phương và tạo dựng hệ thống thống trị toàn cục. Luận điểm cơ bản của chiến lược là một bên đối phương có thể đè bẹp đối thủ - thậm chí là đối thủ mạnh hơn, đông hơn - nếu họ có thể dẫn dắt thế trận và đưa đối thủ vào trận địa thuận lợi cho việc triển khai các khả năng của mình. Trong bối cảnh cạnh tranh, thuật ngữ “trận địa” của chiến lược quân sự, có thể hiểu như là môi trường trong đó diễn ra hoạt động cạnh tranh.
Chiến lược của một tổ chức, cũng tương tự như chiến lược quân sự ở chỗ nó hướng đến việc đạt được sự phù hợp giữa các năng lực tạo sự khác biệt và môi trường bên ngoài mà tổ chức tham gia cạnh tranh. Tuy nhiên, so với chiến lược quân sự, chiến luợc trong lĩnh vực kinh doanh phức tạp hơn. Không giống như các xung đột quân sự, cạnh tranh trong kinh doanh không phải lúc nào cũng gây ra kết cục có kẻ thắng người thua. Sự ganh đua trong ngành đôi khi có cơ hội để họ cải thiện các sức mạnh và kỹ năng của mình như những mầm mống cạnh tranh. Giá trị của các năng lực tạo sự khác biệt đem đến lợi thế cạnh tranh cho tổ chức có thể giảm theo thời gian bởi sự thay đổi môi trường.
1.2.1.2. Các nghiên cứu về vai trò của chiến lược
Thứ nhất, PGS.TS Ngô Kim Thanh (2012) trong “Quản trị chiến lược” (Tài liệu dành cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa) đã nhấn mạnh vai trò của chiến lược phát triển đối với doanh nghiệp:
Chiến lược đóng vai trò định hướng hoạt động trong dài hạn của doanh nghiệp và là cơ sở vững chắc cho việc triển khai các hoạt động tác nghiệp.
Chiến lược giúp cho doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng các cơ hội kinh doanh, đồng thời có biện pháp chủ động đối phó với những nguy cơ và mối đe dọa trên thương trường.
Chiến lược góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tăng cường vị thế của doanh nghiệp đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Chiến lược phát triển của tổ chức sẽ tạo ra các căn cứ vững chắc cho việc đề ra cách quyết định phù hợp với sự biến động của thị trường.
Thứ hai, trong các giáo trình của các trường đại học kinh tế nước ta như: Đại học Kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng... đều cho rằng:
Chiến lược đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Trong thực tế có rất nhiều công ty nhờ có chiến lược phát triển đúng đắn mà đạt được nhiều thành công, vượt qua đối thủ cạnh tranh và tạo vị thế cho mình trên thương trường.
Chiến lược giúp doanh nghiệp linh hoạt và chủ động để thích ứng với những biến động của thị trường, đồng thời còn đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển theo đúng hướng.
Chiến lược giúp doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội cũng như các nguy cơ đối với sự phát triển nguồn lực của doanh nghiệp, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực, phát huy sức mạnh của doanh nghiệp.
Chiến lược tạo ra một quỹ đạo hoạt động cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp liên kết được các cá nhân với các lợi ích khác cùng hướng tới một mục đích phát triển doanh nghiệp.
Chiến lược là công cụ cạnh tranh có hiệu quả của doanh nghiệp. Trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế hiện nay đã tạo nên sự ảnh hưởng và phụ thuộc qua lại lẫn nhau giữa các doanh nghiệp. Chính quá trình đó đã tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trên thị trường.
1.2.1.3. Các nghiên cứu về phân loại chiến lược
Thứ nhất, theo PGS.TS Ngô Kim Thanh (2012), trong “Giáo trình quản trị chiến lược” Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân thì tuỳ theo các tiêu thức phân loại khác nhau mà có các loại chiến lược khác nhau. [17]
- Căn cứ vào tính thực tiễn của chiến lược có thể phân thành:
Chiến lược dự kiến, đó là sự kết hợp tổng thể của các mục tiêu, các chính sách và kế hoạch hành động nhằm vươn tới mục tiêu dự kiến của doanh nghiệp.
Chiến lược hiện thực, là chiến lược dự kiến được điều chỉnh cho phù hợp với các yếu tố của môi trường diễn ra trên thực tế khi tổ chức thực hiện.
- Căn cứ vào cấp làm chiến lược có thể phân thành:
Chiến lược cấp doanh nghiệp, là chiến lược tổng thể nhằm định hướng hoạt động của doanh nghiệp và cách thức phân bổ nguồn lực để đạt mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Chiến lược cấp đơn vị là chiến lược cấp nhỏ hơn chiến lược tổng thể của doanh nghiệp, nhằm xây dựng lợi thế và cách thức thực hiện mục tiêu của đơn vị.
Chiến lược cấp chức năng, là những chiến lược liên quan đến các hoạt động riêng biệt của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho chiến lược phát triển chung của cấp doanh nghiệp và cấp đơn vị.
Thứ hai, GS.TSKH Vũ Huy Từ (2012), trong “Quản lý chiến lược kinh doanh” cũng đã chỉ rõ các tiêu chí trong phân loại chiến lược. [20]
Theo phân cấp quản lý doanh nghiệp có thể phân thành: Chiến lược kinh doanh cấp công ty (đề cập đến ngành kinh doanh); Chiến lược kinh doanh của các
bộ phận chức năng của đơn vị trực thuộc công ty (cụ thể hóa chiến lược công ty).
Theo phạm vi tác động của Chiến lược kinh doanh có thể phân thành: Chiến lược chung (tổng quát) - đề cập những vấn đề lâu dài, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp; Chiến lược các yếu tố, các bộ phận hợp thành.
Theo cách tiếp cận thị trường, có thể phân chiến lược thành 4 nhóm như sau:
Nhóm 1: Chiến lược các nhân tố then chốt nhằm tập trung nguồn lực quan trọng cho kinh doanh; Nhóm 2: Chiến lược lợi thế so sánh: so sánh những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp với đối thủ, phát huy lợi thế, khắc phục điểm yếu của doanh nghiệp; Nhóm 3: Chiến lược sáng tạo tiến công: dựa vào những khám phá, những bí quyết về công nghệ về phương thức kinh doanh để phát huy lợi thế về kinh tế - kỹ thuật; Nhóm 4: Chiến lược khai thác các mức độ tự do: nhằm khai thác mọi tiềm năng của doanh nghiệp.