CHƯƠNG 4. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CỦA TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN VẬN TẢI DẦU KHÍ ĐẾN NĂM 2025
4.5. Điều kiện và kiến nghị
4.5.1. Điều kiện cần để thực hiện chiến lược Về cơ chế, chính sách:
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của PV Trans trong thời gian tới, đặc biệt là trên thị trường nội địa thì Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cơ chế bảo hộ không cho các tàu treo cờ nước ngoài vận chuyển trong nội địa Việt Nam.
Về thị trường:
Để thực hiện thành công chiến lược phát triển cho PV Trans giai đoạn 2016- 2025 đã đề xuất thì về phía khách hàng cần phải đảm bảo được những yếu tố sau:
Một là, phải đảm bảo PVTrans luôn là đầu mối vận chuyển duy nhất cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất kể cả sau khi mở rộng.
Hai là, phải duy trì và phát triển hợp tác vận tải nguyên liệu hiện nay của PV Trans với các khách hàng: Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1, Vũng Áng 1 và Thái Bình 2.
Ba là, phải đảm bảo cho PVTrans vận chuyển ít nhất 30% nguyên liệu dầu thô đầu vào và 50% sản phẩm dầu khí, hóa chất đầu ra cho Tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và Nhà máy lọc dầu số 3; ít nhất 50% hóa chất, LPG đầu vào và sản phẩm đầu ra cho Tổ hợp hóa dầu miền Nam.
Về tài chính:
Nhu cầu đầu tư phát triển đội tàu của PV Trans nhằm phục vụ cho việc thực thi chiến lược phát triển TCT trong giai đoạn 2016-2025 là rất lớn. Do đó, Tập đoàn PVN, các TCT D phải đảm bảo bảo lãnh và cung cấp đầy đủ nguồn tài chính cần thiết cho TCT.
4.5.2. Một số kiến nghị
Để thực hiện thành công chiến lược phát triển đến năm 2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần tiếp tục quan tâm và hỗ trợ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, Tập đoàn PVN hỗ trợ những đề xuất của PVTrans như trình bày nêu trên, trong đó ủng hộ mạnh mẽ PV Trans là đầu mối vận chuyển cho các nhà máy lọc hóa dầu, nhà máy điện than... do Tập đoàn đầu tư. Trước mắt, giới thiệu và hỗ trợ PVTrans làm việc với chủ đầu tư dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu miền Nam... để vận chuyển nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra cho các nhà máy này.
Thứ hai, ủng hộ PV Trans đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh của đội tàu, trong đó kết hợp giữa đầu tư mua và đóng tàu để vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư và trẻ hóa đội tàu đồng thời tạo công ăn việc làm cho các đơn vị đóng tàu trong ngành/trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn.
Thứ ba, cho phép chủ trương việc mua lại một số Công ty vận tải Việt Nam để tăng năng lực đội tàu và phù hợp với định hướng phát triển của PVTrans, đảm bảo hiệu quả.
Thứ tư, Tập đoàn giao cho PV Trans cung cấp dịch vụ vận chuyển các sản phẩm hàng hoá do các nhà máy của các đơn vị trong Tập đoàn sản xuất và trang thiết bị công trình cho các dự án Tập đoàn làm chủ đầu tư;
Thứ năm, để đáp ứng được các mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài, PV Trans cần thực hiện một chương trình đầu tư lớn, do đó Tập đoàn tiếp tục bão lãnh vay cho PV Trans đối với các dự án đầu tư lớn.
Kết luận chương 4
Chương 4 là chương thực hiện mục đích nghiên cứu sau cùng của luận án.
Cụ thể:
Thứ nhất, xác định rõ sứ mệnh, tầm nhìn chiến lược và các mục tiêu phát triển của PV Trans giai đoạn 2016-2025.
Thứ hai, luận án đề xuất các định hướng chiến lược phát triển lớn từ phân tích SWOT, những định hướng chiến lược phát triển này được đánh giá thông qua ma trận QSPM để tìm ra phương án chiến lược phát triển tối ưu cho PV Trans.
Thứ ba, làm rõ các nội dung cơ bản trong phương án chiến lược phát triển đã được lựa chọn; đồng thời, luận án đề xuất một số giải pháp thực thi chiến lược và kiến nghị điều kiện nhằm thực hiện thành công các giải pháp này. Những giải pháp và kiến nghị được đề xuất có thể được thực hiện ngay, cũng có thể chưa đủ điều kiện thực hiện, nhưng về mặt dài hạn thì cần phải quyết liệt thực hiện đồng bộ để đảm bảo chiến lược phát triển của PV Trans được triển khai thành công nhất.
KẾT LUẬN
Một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển, mọi sự điều hành đều phải xuất phát từ định hướng và tầm nhìn chiến lược phát triển của Ban lãnh đạo doanh nghiệp đó. Điều đó có nghĩa là việc xây dựng chiến lược phát triển là việc làm có ý nghĩa tiên quyết trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
PV Trans là một doanh nghiệp lớn mạnh ở cả quy mô lao động, quy mô cung cấp dịch vụ vận tải, và quy mô kinh tế vì vậy tất yếu PV Trans phải xây dựng cho mình một chiến lược phát triển hiệu quả và các bước điều chỉnh chiến lược phù hợp nhằm đảm bảo khả năng phản ứng tốt với những biến động của môi trường kinh doanh ngành vận tải biển.
Thực tế cho thấy, Ban lãnh đạo PV Trans luôn có quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển của TCT. Tuy nhiên, PV Trans hiện nay mới chỉ xây dựng chiến lược phát triển cho trung hạn (giai đoạn 05 năm) mà chưa có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Bên cạnh đó, mặc dù các chiến lược phát triển mà PV Trans xây dựng luôn thể hiện tính hiệu quả, giúp TCT vượt qua những khó khăn của điều kiện môi trường kinh doanh, vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh để đứng vững trên thị trường ngành vận tải biển Việt Nam, nhưng trong quá trình triển khai các chiến lược phát triển, TCT gặp phải khá nhiều những khó khăn và khả năng điều chỉnh, thích nghi với những biến động của TCT còn yếu. Nguyên nhân được xác định là do tính linh hoạt của các chiến lược phát triển được TCT xây dựng được đánh giá là thấp.
Luận án “Nghiên cứu chiến lược phát triển của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí đến năm 2025” được tiến hành nghiên cứu với mục đích sau cùng là xây dựng chiến lược phát triển cho TCT PV Trans với tầm nhìn dài hạn; đồng thời, đề xuất những giải pháp cụ thể, có cơ sở khoa học nhằm giúp PV Trans có thể thực hiện thành công chiến lược phát triển đã đề xuất, từ đó, giúp PV Trans đẩy nhanh tốc độ phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững; đồng thời, giúp PV Trans thực hiện tốt sứ mệnh hoạt động của mình.
Qua quá trình nghiên cứu, luận án đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:
Thứ nhất, luận án đã khái quát hóa các vấn đề về chiến lược phát triển của doanh nghiệp, xây dựng khung lý luận cho nghiên cứu về xây dựng chiến lược phát triển cho một tổng công ty dựa trên những kiến thức thực tế đã được công nhận trong các công trình nghiên cứu khoa học có liên quan cả ở trong và ngoài nước.
Trong đó, luận án đi sâu vào làm rõ: quy trình xây dựng chiến lược phát triển cho
tổng công ty; làm rõ các công cụ phục vụ cho quá trình xây dựng chiến lược phát triển cho tổng công ty. Có thể khẳng định rằng, nội dung lý luận mà luận án đã xây dựng là sự kế thừa có chọn lọc và phát triển của NCS.
Thứ hai, luận án vẽ bức tranh tổng thể về môi trường kinh doanh của PV Trans (bao gồm: môi trường vĩ mô, môi trường ngành) cũng như môi trường nội bộ với nguyên tắc đảm bảo tính thời sự, logic và khoa học. Trong quá trình phân tích, đánh giá, luận án đặc biệt quan tâm đến sự so sánh giữa PV Trans với các đối thủ cạnh tranh trong mỗi lĩnh vực kinh doanh; tham khảo ý kiến của 56 cán bộ lãnh đạo, quản lý TCT để có được cái nhìn đánh giá chính xác và khách quan nhất. Kết quả đạt được đó là luận án đã xác định được: thời cơ mở ra, thách thức phải đối mặt, điểm mạnh, điểm yếu của PV Trans, đó chính là những căn cứ đặc biệt quan trọng cho việc xây dựng và lựa chọn chiến lược phát triển tối ưu cho PV Trans giai đoạn 2016-2025.
Thứ ba, luận án sử dụng ma trận SWOT để xây dựng các định hướng chiến lược từ những kết quả phân tích môi trường đã ghi nhận được; sử dụng ma trận QSPM để đánh giá định lượng và lựa chọn chiến lược phát triển tối ưu cho PV Trans trong giai đoạn 2016-2025.
Thứ tư, luận án đã tiến hành đề xuất nội dung bản chiến lược phát triển cụ thể cho PV Trans giai đoạn 2016-2025; đồng thời, đưa ra một số giải pháp chủ yếu, một số kiến nghị nhằm thực hiện chiến lược phát triển mà luận án đã đề xuất. Hy vọng rằng, những kết quả đạt được của luận án sẽ là một khuyến nghị đáng lưu tâm cho Ban lãnh đạo PV Trans trong quản trị doanh nghiệp giai đoạn tới.
Trong quá trình thực hiện luận án, mặc dù NCS đã cố gắng tỉ mỉ sàng lọc, lựa chọn, xử lý thông tin phục vụ cho việc phân tích, đánh giá. Tuy nhiên, do năng lực nghiên cứu của bản thân NCS còn hạn chế, cũng như hạn chế về nguồn lực nghiên cứu, do đó, thiếu sót trong luận án là khó có thể tránh khỏi. Chính vì vậy, NCS rất mong muốn nhận được những nhận xét, góp ý quý báu của thầy, cô giáo, các chuyên gia, đồng nghiệp,... để bản luận án có thể được hoàn thiện hơn.
Luận án được hoàn thành dưới sự giúp đỡ lớn lao từ phía giáo viên hướng dẫn, anh chị em đồng nghiệp và gia đình, bạn bè. NCS một lần nữa bày tỏ sự cảm ơn chân thành!
Trân trọng!
CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ
1. Nguyễn Ngọc Anh (2013), “Tầm nhìn của Tập đoàn Dầu khí Việt nam đến năm 2025 về vận tải dầu và khí hoá lỏng”, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất với chủ đề “Quản lý kinh tế trong hoạt động khoáng sản”, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, tr.161.
2. Nguyễn Ngọc Anh (2016), “Xây dựng chiến lược phát triển của Tổng Công ty nhà nước” , Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Số cuối tháng 5/2016, tr.25.
3. Nguyễn Ngọc Anh (2016), “Phân tích căn cứ xây dựng chiến lược phát triển từ môi trường nội bộ của Tổng Công ty cổ phần Vận tải dầu khí”, Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Kỳ 2 tháng 6/2016, tr.46.