Chương 6 MỘT SỐ TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO DÂN TỘC Ở VIỆT NAM
2. Giáo lí cơ bản của đạo Hoà Hảo
Giáo lí đạo Hoà Hảo được thể hiện trong “Sấm giảng thi văn” gồm những bài sấm kệ do ông Huỳnh Phú Sổ soạn ra, có 6 phần:
1. Sấm khuyên người đời tu niệm.
2. Kệ dân của người khùng.
3. Sấm giảng 4. Giác mê tâm kệ 5. Khuyến thiện
6. Những điều sơ học cần thiết của kẻ tu hiền
Có thể nói, giáo lí của đạo Hoà hảo là sự cải tiến theo hướng đơn giản hoá giáo lý của Phật giáo, là sự tiếp thu và nâng cao tư tưởng của giáo phái Bửu sơn kì hương do Phật thần Tây An – Đoàn Minh Huyên khởi xướng.
Nội dung giáo lí có 2 phần: Học Phật và Tu nhân
* Phần Học Phật chủ yếu dựa vào giáo lí Phật giáo nhưng được giảm lược đi nhiều và có sửa đôi chút.
Hoà Hảo cho rằng, có 3 pháp môn chính để học Phật là ác pháp, chân pháp và thiện pháp.
- Ác pháp: là các pháp là trở ngại cho thiện pháp, làm ô nhiễm thân tâm, gây nên tội lỗi khiến cho con người vương mãi trong vòng luân hồi sinh tử.
Trong ác pháp có:
+ Tam nghiệp:
- Thân nghiệp gây ra sát sinh, trộm cắp, tà dâm.
- Khẩu nghiệp gây ra nói dối, nói hai mặt, nói điều ác, nói khoác.
- Ý nghiệp gây tham lam, giận dữ, si mê.
+ Thất tình: gồm 4 trạng thái tình cảm: mừng, giận, buồn, yêu, ghét, muốn, sợ.
+ Lục dục: 6 điều ham muốn là: danh vị, tài, lợi, sắc đẹp, hư vọng, tật đế. Ở đây ta thấy lục dục của Hoà Hảo mang tính xã hội, còn lục dục của phật giáo (sắc đẹp, âm thanh, hương, vị, xúc, thức) mang tính cá nhân.
+ Ngũ uẩn: thâm, sân, si, nhân, ngã. Là 5 thứ tạo cho con người đần độn, ngu si, tối tăm cản trở đến chỗ siêu thoát. Là nguyên nhân tạo nên sự khổ, tạo sự luaân hồi.
+ Tứ đồ đường: là bốn bức tường làm cho con người ta sa ngã, nhốt chặt trong tăm tối, tội lỗi. Đó là : tửu, sắc, tài, khí.
- Chân pháp: là các pháp phá tan những mê hoặc, tối tăm để bừng sáng về trí tuệ, giác ngộ về chân lí. Thuộc về chân pháp có:
+ Tứ diệu đế: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.
+ Thập nhị nhân duyên.
+ Ngũ trược: là 5 thứ nhơ bẩn làm ô nhiễm thân tâm, mải say đắm trong cõi trần ai, truỵ lạc, gồm: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược.
Nếu con người hiểu được nguồn gốc sự khổ, nguyên nhân của luân hồi sinh tử, thấy cõi trần cũng như cuộc đời con người ô trược (nhơ bẩn) thì không say đắm, chấp ngã, nhanh chóng tìm phương cách tu hành để thoát khỏi cuộc đời ô trược.
- Thiện pháp: là các pháp để gây thiện duyên, sửa trị thân tâm cho thanh sạch.
Thiện pháp gồm có:
+ Bát chính đạo: là tám con đường tu hành chân chính, nếu ai theo sẽ diệt trừ được các ác pháp do thân, khẩu, ý tao ra, gồm:
Chính kiến chính nghiệp, chính mạng: diệt trừ ác pháp về thân.
Chính ngữ: diệt trừ ác pháp về khẩu.
Chính tư duy, chính tinh tiến, chính định, chính niệm: diệt trừ ác pháp về ý.
+ Bát nhẫn là tám điều nhẫn nhịn để vượt qua những thử thách trong xử thế và tu tập.
- Nhẫn năng: giữ cách xử thế với đời.
- Nhẫn giới: giữ nghiêm giới luật.
- Nhẫn hương lân: giữ tình làng xóm.
- Nhẫn phụ mẫu: giữ tình hiếu thảo với cha mẹ.
- Nhẫn tâm: giữ lòng an định.
- Nhẫn tính: giữ cho tính tình điềm đạm.
- Nhẫn đức: giữ cho đức độ, hoà nhã.
- Nhẫn thành: giữ thành tâm, thành tín.
Phần Học Phật của đạo Hoà Hảo cho rằng, con người ta do tam nghiệp, lục dục, ngũ uấn, ngũ trược... nên phạm các điều ác, chịu đau khổ trong vòng luân hồi sinh tử. Chỉ khi có chân pháp, hiểu được tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên thì mới diệt trừ được ác pháp và đồng thời phải tu theo bát chính đạo, chịu “bát nhẫn” thì mới có thiện pháp để thoát khỏi luân hồi sinh tử, trở thành bậc hiền nhân.
* Phần Tu nhân là “Tứ ân hiếu nghĩa”. Đó là:
- Ân tổ tiên cha mẹ: con cháu phải sống hiếu nghĩa với tổ tiên ông bà, cha mẹ, có trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa, nghe lời răn dạy, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, không làm phiền lòng cha mẹ, không làm ảnh hưởng xấu đến truyền thống gia đình, dòng họ. Nếu tổ tiên có gì sai thì phải quyết chí tu để rửa nhục.
- Ân đất nước: đất nước là nơi con người sinh ra, lớn lên, vậy phải yêu quê hương đất nước, tuỳ theo tài lực mà làm cho quê hương giàu mạnh. Có trách nhiệm bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm, không phản bội Tổ quốc, làm tay sai cho ngoại bang.
- Ân đồng bào, nhân loại: phải sống ân nghĩa cùng đồng bào mình, bởi họ đều là con Lạc, cháu Rồng, phải sống ân nghĩa với những người xung quanh đã từng chia sẻ với mình niềm vui, nỗi buồn, từng giúp đỡ, nhờ cậy lúc khó khăn.
Phải sống ân nghĩa với đồng loại, không phân biệt màu da, chủng tộc, nghèo hèn, sang giàu. Theo tinh thần “từ bi hỉ xả”, “vô ngã vị tha”, không gây thù hằn, làm hại dân tộc khác.
- Ân Tam bảo: là ghi nhớ công ơn Phật, Pháp, Tăng đã khai mở trí tuệ, cứu vớt chúng sinh khỏi vòng luân hồi khổ ải. Bổn phận mỗi người là phải tôn kính Tam bảo, tu rèn thân tâm tiến tới sự giải thoát.
Đạo Hoà Hảo chủ trương vừa học Phật, vừ tu nhân. Học Phật tạo nên đức, tu nhân tạo nên công. Có công đức mới nhanh chóng trở thành bậc hiền nhân được.
Tuy nhiên, Hoà Hảo chú trọng việc tu nhân, vì cho rằng tu hành phải dựa trên cơ sở đạo đức, trước hết là đạo làm người. Không có tu nhân thì không học Phật được, hoặc có học Phật thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. “Muốn tu thành tiên Phật, trước hết phải tu đạo làm người, đời người mà không tu thì Tiên Phật còn xa vời”.
Tóm lại, với nội dung giáo lý học Phật, Tu nhân, Hoà Hảo cho rằng có thể khắc phục những hạn chế của Phật giáo là có quá nhiều kinh sách, triết lý cao sâu, không phù hợp với căn cơ của đại đa số chúng sinh.
Với học Phật – Tu nhân, Hoà Hảo tin tưởng rằng sẽ có số người hiền có công đức trong chúng sinh để kịp về dự hội Long hoa, hưởng an lạc trong cõi thượng nguyên.