CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN
1.2. Các khái niệm cơ bản
1.2.3. Bồi dưỡng và quản lý bồi dưỡng
Có nhiều quan niệm khác nhau về bồi dưỡng:
Theo quan niệm của UNESCO "Bồi dưỡng với ý nghĩa là nâng cao nghề nghiệp, quá trình này chỉ diễn ra khi cá nhân và tổ chức có nhu cầu nâng
cao kiến thức hoặc kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu lao động nghề nghiệp".
Theo Từ điển Tiếng Việt: "Bồi dưỡng là làm cho tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất". [84]
Bồi dưỡng có thể coi là quá trình cập nhật kiến thức, kỹ năng vận dụng kiến thức để bù đắp kiến thức còn thiếu hoặc đã lạc hậu so với nhu cầu phát triển của xã hội, thường được xác định bằng chứng chỉ. Do đó bồi dưỡng có những yếu tố cơ bản là:
- Bổ sung kiến thức, kỹ năng, phương pháp để từ đó nâng cao trình độ trong lĩnh vực chuyên môn qua hình thức học tập đào tạo nào đó.
- Bồi dưỡng có mục đích, mục tiêu, nội dung, chương trình và phương thức thực hiện cụ thể.
- Đối tượng được bồi dưỡng phải có một trình độ chuyên môn nhất định, cần được bồi dưỡng thêm về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, tin học, ngoại ngữ...để đáp ứng sự nghiệp giáo dục phục vụ CNH, HĐH đất nước.
- Mục đích bồi dưỡng là nhằm nâng cao phẩm chất, chuyên môn để người lao động có cơ hội củng cố, mở mang hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo để đạt được hiệu quả công việc đang làm.
Chúng tôi hiểu bồi dưỡng là hình thức và giai đoạn giáo dục bổ sung sau đào tạo chính qui có chức năng làm mới và nâng cao chất lượng của học vấn và kĩ năng đã có, cập nhật những cái mới để đạt yêu cầu hay chuẩn nhất định, mở rộng học vấn và kĩ năng sang những lĩnh vực khác qua các hoạt động huấn luyện, học tập, tự học do tổ chức hoặc cá nhân tiến hành.
Bồi dưỡng không có gì khác hơn dạy và học, tự học, đào tạo và tự đào tạo, tức là những hình thức của giáo dục. Đối với nhà giáo, hoạt động bồi dưỡng nhằm tạo điều kiện cho người nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có cơ hội củng cố và mở rộng một cách có hệ thống những tri thức, kĩ năng
chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm hoặc quản lý giáo dục sẵn có để lao động nghề nghiệp một cách có hiệu quả hơn.
1.2.3.2. Nghề nghiệp
Theo Từ điển Tiếng Việt [84] định nghĩa: “Nghề là công việc chuyên làm, theo sự phân công lao động của xã hội”.
Chúng tôi hiểu Nghề là dạng lao động xã hội có tính chuyên biệt gắn liền với học vấn và kĩ năng nhất định (có thể được đào tạo chính thức hoặc không) còn Nghiệp là công việc (sự nghiệp) mà cá nhân dựa vào đó để sinh nhai và tồn tại như một thành viên xã hội, và Nghề nghiệp là khái niệm gộp hai nghĩa này chỉ dạng lao động chuyên biệt cho phép con người sinh nhai và tồn tại với vị thế xã hội nhất định.
Nghề nghiệp nào cũng hàm chứa trong nó một hệ thống giá trị, kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề, truyền thống nghề, hiệu quả do nghề mang lại.
Nghề là cơ sở giúp cho con người có “nghiệp” - việc làm, sự nghiệp. Cũng có thể nói nghề nghiệp là một dạng lao động đòi hỏi con người phải có một quá trình đào tạo chuyên biệt để có những kiến thức chuyên môn, kỹ năng, kỹ xảo nhất định.
1.2.3.3. Bồi dưỡng nghề nghiệp
Theo Từ điển Giáo dục học (2001) thì “Bồi dưỡng nghề nghiệp là trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, nhằm mục đích nâng cao và hoàn thiện năng lực hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể”. Ví dụ: bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng lý luận… Chủ thể bồi dưỡng đã được đào tạo để có trình độ chuyên môn nhất định.
Trong luận văn khái niệm bồi dưỡng nghề nghiệp được hiểu là dạng bồi dưỡng sau đào tạo nghề và tập trung vào phát triển tay nghề (năng lực nghề) một cách chuyên biệt. Như vậy đối với nhà giáo thì bồi dưỡng nghề nghiệp có sau đào tạo GV và tập trung vào tay nghề daỵ học, không bao hàm
những loại hình bồi dưỡng chính trị, luật, chính sách, công nghệ hay ngoại ngữ.
1.2.3.4. Quản lý hoạt động bồi dưỡng nghề nghiệp
Quản lý hoạt động bồi dưỡng nghề nghiệp là quản lý hoạt động giáo dục diễn ra trong môi trường bồi dưỡng nghề nghiệp dưới những hình thức tập huấn, huấn luyện, hội thảo, học tập của học viên. Hoạt động giáo dục ở đây là bồi dưỡng, mục tiêu giáo dục là phát triển nghề nghiệp, nội dung giáo dục là học vấn và kĩ năng nghề nghiệp, phương pháp giáo dục là sự kết hợp các phương pháp dạy học, kĩ năng học tập và các biện pháp tổ chức những hoạt động học tập, thực hành, trải nghiệm khác nhau của học viên.
Xét một cách trực quan thì quản lý bồi dưỡng cũng là quản lý dạy học, chỉ khác ở chỗ đây là dạy học trong khuôn khổ môi trường và điều kiện bồi dưỡng nghề nghiệp nhất định, có những qui định cụ thể về không gian, thời hạn, mục tiêu, qui mô và phương thức tổ chức.