CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN THEO CHUẨN NGHỀ NGHIỆP Ở CÁC TRƯỜNG THPT TAM ĐẢO - VĨNH PHÚC
2.1. Tình hình phát triển kinh tế, xã hội và giáo dục THPT của huyện Tam Đảo - Vĩnh Phúc
2.1.1. Tình hình kinh tế - xã hội
Tam Đảo là huyện được tái lập ngày 01/01/2004, có 9 đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn) là Đại Đình, Tam Quan, Hồ Sơn, Hợp Châu, Yên Dương, Đạo Trù, Bồ Lý, Minh Quang và thị trấn Tam Đảo. Diện tích tự nhiên của huyện 23.475,95 ha; dân số trên 78.000 người, mật độ dân số trung bình là 300 người/km2, trong đó dân tộc thiểu số (Sán Dìu, Lào, Mường, Hoa, Mông, Dao, Khơ me ) chiếm trên 41,9%.
Tam Đảo có những điều kiện nhất định trong việc khai thác các tiềm năng về khoa học công nghệ, về thị trường cho các hoạt động nông, lâm sản, du lịch và các hoạt động kinh tế khác.
Huyện Tam Đảo có 110 di tích lịch sử văn hoá (27 đình, 34 đền, 35 chùa, 7 miếu, 5 di tích cách mạng và Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên với 06 di tích được xếp hạng cấp Tỉnh và 01 di tích xếp hạng Quốc gia). Trên địa bàn huyện Tam Đảo có 33 lễ hội lớn, nhỏ ở các xã, thôn được tổ chức tại các đình, đền, chùa trong huyện.
Huyện Tam Đảo có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, có thế mạnh trong phát triển du lịch và xây dựng các khu nghỉ mát cuối tuần. Ngoài ra, trong vùng còn có, các khu rừng tự nhiên, có vườn quốc gia Tam Đảo rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.
Tam Đảo là vùng đất Phật phát tích, với di tích Tây Thiên thờ Phật có nguồn gốc từ Ấn Độ, Trúc Lâm Thiền Viện mới được xây dựng... Tam Đảo có hệ thống hồ với lưu vực rộng, rừng với độ che phủ cao, diện tích lớn sẽ xây
dựng và quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm kết hợp với du lịch cộng đồng tại các làng nghề ở các xã trong Huyện tạo điều kiện cho du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng của Huyện. Nguồn nhân lực khá dồi dào, với tính đa sắc tộc cho phép huyện Tam Đảo có thể phát triển các hoạt động kinh tế, khai thác theo hướng du lịch và phát triển các nghề thủ công truyền thống tăng thu nhập cho nhân dân.
Địa hình phức tạp, chia cắt của bộ phận lãnh thổ thuộc miền núi của Huyện ảnh hưởng đến xây dựng các hệ thống hạ tầng và phát triển kinh tế.
Đội ngũ cán bộ có chất lượng không đều, không ổn định. Chất lượng lao động biểu hiện ở trình độ văn hoá và tay nghề của người lao động thấp, ý thức tổ chức kỷ luật trong lao động chưa cao ảnh hưởng lớn đến quá trình chuyển Tam Đảo sang giai đoạn khai thác du lịch ở quy mô lớn hơn, với yêu cầu chất lượng lao động cao hơn.
Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội của huyện Tam Đảo so với mặt bằng chung của tỉnh Vĩnh Phúc ở tình trạng thấp. Về cơ bản, Tam Đảo vẫn là huyện nghèo của Tỉnh. Các cơ sở kinh tế, nhất là các cơ sở của ngành du lịch đang trong quá trình cải tạo, xây dựng đòi hỏi lượng vốn đầu tư rất lớn, nguồn vốn nội lực rất hạn chế, nếu không có sự ưu tiên về cơ chế huy động vốn sẽ khó có thể thực hiện được.
Nguồn: Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội huyện Tam Đảo đến năm 2020 tầm nhìn 2030.
2.1.2. Tình hình phát triển giáo dục
Trong những năm qua, từ khi thực hiện Nghị quyết số 15/2007/NQ- HĐND ngày 04 tháng 7 năm 2007 của Hội Đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển Giáo dục - đào tạo giai đoạn 2007 - 2015 và đặc biệt sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành trung ương Đảng về "Đổi mới căn bản,
toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thi trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Tam Đảo được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý và về thiết bị giảng dạy và học tập. Hệ thống giáo dục được hình thành ở tất cả các cấp học bậc học, từ mầm non đến trung học phổ thông, với 42 đơn vị trường học (Mầm non:
15; Tiểu học: 13; THCS: 11; THPT: 02 và 01 trung tâm GDTX&dạy nghề), được phân bổ hợp lý. Số học sinh ở các bậc học duy trì ổn định, học sinh tiểu học vào lớp 6 đạt 100%, THCS vào THPT đạt 70%; chất lượng giáo dục toàn diện có tiến bộ; trật tự, kỷ cương trong nhà trường được tăng cường, số học sinh tốt nghiệp THPT đỗ vào các trường đại học tăng; giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS được coi trọng. Phương pháp dạy học có nhiều đổi mới. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, hiện có 86,3% phòng học kiên cố, 100%
trường học được kết nối Internet. Toàn huyện có 18/42 trường đạt chuẩn Quốc gia. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn gắn với cuộc vận động, khẩu hiệu của ngành. Xã hội hóa giáo dục từng bước được mở rộng và đi vào chiều sâu; Dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Có thể nói, sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã được Tam Đảo coi trọng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển Kinh tế - Xã hội của huyện trước mắt và lâu dài. Do vậy, ngoài chương trình chung của cả nước, huyện Tam Đảo và Tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp quan tâm đầu tư, lấy phát triển giáo dục làm khâu đột phá để vươn lên làm giàu.