Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN
1.1. Cơ sở lí luận
1.1.3 Đặc trưng của VBVH - ngữ liệu bồi dưỡng năng lực CTVH cho HS Tiểu học
VBVH có 4 đặc trưng, đó là: Tính nhân văn, tính chủ quan, tính biểu trưng, hình trượng độc đáo và tính nghệ thuật ngôn từ.
1.1.3.1. Tính nhân văn
Tính nhân văn thể hiện ở việc nội dung VBVH chủ yếu nói về con người, tư tưởng tình cảm của con người. Dù tác giả miêu tả hiện tượng nào của cuộc sống đi nữa, một cái cây, một cánh rừng, một ngọn núi, một dòng sông… thì điều mà tác giả muốn tìm hiểu, điều mà làm cho họ phải ngạc nhiên, xúc động và muốn nói lên để người khác cùng quan tâm, ngạc nhiên, xúc động như mình, không phải là bản thân cái hiện tượng đó mà là mối liên hệ giữa chúng với con người, ý nghĩa cuộc sống, con người mà những hiện tượng đó thể hiện, cách nhìn, sự rung động của con người trước những hiện tượng cụ thể và trước cuộc sống. Như vậy, đích cuối cùng của dạy CTVH không chỉ là cho thấy bài văn ghi chép hiện thực gì mà trước hết phải cho thấy bài văn là kết quả của một hoạt động tự nhận thức, nơi bộc lộ thái độ của tác giả trước hiện thực. Nhiều GV, do không nắm chắc được đặc trưng này, đã
dạy CTVH như dạy một bài khoa học thường thức. Những cỏ cây, hoa lá, rừng núi... trong bài văn được học, phân tích rất kĩ càng, nhưng nhân vật, con người, lòng yêu cỏ cây, vạn vật thì lại không được đề cập tới.
Chẳng hạn, học bài “Cây dừa”, cô giáo phân tích kĩ càng thân dừa thế nào, dùng làm gì, lá dừa, quả dừa ra sao…thậm chí cô còn giới thiệu vỏ quả dừa khô có thể làm đồ mĩ nghệ xuất khẩu… mà cô không thấy được sự gắn bó của cây dừa với tuổi thơ, hình ảnh thân thuộc, thanh bình – một góc của làng quê Việt Nam đồng thời mở ra trí tưởng tượng bay cao, bay xa của tác giả, hình ảnh quê hương thể hiện trong sự yêu quí cây dừa. Khi dạy bài: “Hành trình của bầy ong” (TV5 – TẬP 1), cô giáo chốt lại ý của bài: “Bài thơ cho chúng ta thấy những con ong rất chăm chỉ, chịu khó làm ra mật thơm ngon, bổ dưỡng để phục vụ con người”. Còn cái điều cần cảm thụ ở đây mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc là những suy nghĩ của tác giả về cuộc đời lao động cần cù, lặng lẽ, có ích của con người hay những lao động sáng tạo không mệt mỏi của con người vì mục tiêu chung thì cô giáo lại không đề cập tới.
1.1.3.2. Tính chủ quan của VBVH
Tính chủ quan thể hiện ở chỗ tác phẩm là nơi tác giả bày tỏ thái độ chủ quan của mình, nói lên ước mơ, khát vọng của mình về thế giới, về cuộc sống.
Tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của nhà văn, nhà thơ, là sự sáng tạo, là thông điệp mà tác giả gửi đến bạn đọc. Không nắm được đặc điểm “chủ quan” trong phản ánh, nhiều khi GV mắc phải sai lầm đáng tiếc trong dạy CTVH, không làm cho HS hiểu được đằng sau một văn bản, đằng sau những từ ngữ là một con người cụ thể. Họ đem đến cho HS một văn bản hoàn toàn trừu tượng, hoàn toàn đã được khách quan hoá, tách ra khỏi tác giả - người sáng tạo ra nó. Vì thế, đã không giải thích được nhiều điều và cũng không làm rõ được những nội dung thông tin liên cá nhân của văn bản. Ví dụ, khi dạy bài
“Cây gạo”, có HS đã không đồng ý với với câu “Cây gạo làm tiêu cho những
con đò cập bến và những đứa con về thăm quê mẹ” thì GV lúng túng không biết giải thích thế nào vì bản thân cũng không nghĩ đến chuyện chính nhà văn Vũ Tú Nam chứ không phải ai khác đã chọn cây gạo, bởi không phải chỉ vì cây gạo đẹp, mà quan trọng hơn, cây gạo đã gắn thân thiết với quê hương của ông, cây gạo đã trở thành một mảnh hồn quê đối với ông.
Không thấy tính chủ quan, không hiểu rằng nhà văn đã nhìn thế giới theo lợi ích riêng của mình, có GV đã mắc phải sai lầm khi dạy bài: “Sầu riêng” (TV4 – tập 2). Để diễn tả “Sầu riêng thơm cái mùi thơm của mít chín quyện với hương bưởi”, cô giáo đã đưa đến lớp một quả sầu riêng (chỉ có miền Nam mới có) để các em HS miền Bắc chưa một lần trông thấy và thưởng thức sầu riêng được biết mùi thơm của nó. Tất nhiên, với những HS lần đầu tiên thấy quả sầu riêng thì mùi trực quan mà quả sầu riêng mang lại không hề giống chút nào với cách diễn tả chủ quan, mê hồn của nhà văn Mai Văn Tạo về mùi thơm quyến rũ đến kì lạ của sầu riêng – cái mùi kết tinh biết bao hương thơm hấp dẫn của đất trời, mùi say nồng của mít chín và mùi thoảng nhẹ, dịu dàng của hương cau, hương bưởi.
Chính tính chủ quan, đặc điểm tình cảm, cảm xúc này của tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi khi tiếp nhận văn học, HS không chỉ phải hiểu nội dung sự việc của văn bản mà còn phải nắm nội dung liên cá nhân, các nghĩa hàm ẩn, giá trị biểu hiện, chất trữ tình cũng như thái độ, tình cảm, sự đánh giá sự việc của tác giả, cái làm nên chức năng bộc lộ của văn bản. Không chú ý tới điều này, việc hướng dẫn HS đọc hiểu và cảm thụ các VBVH sẽ gặp nhiều khó khăn.
1.1.3.3 Tính biểu trưng, hình tượng, độc đáo khác thường của VBVH Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng, nó đi tìm cho mình một ngôn ngữ riêng, một cách “kí mã” riêng, khác với đời thường và khác với các nghệ thuật khác. Chính vì vậy, khi tiếp nhận văn học, HS phải tiếp nhận khác
với logíc thông thường. Đó là, năng lực biết nghe được, đọc được những gì ẩn chứa dưới những dòng chữ hay chính là năng lực giải mã nghệ thuật.
Để giải mã văn chương, phải chú trọng đến cách diễn đạt hàm ẩn, cách nói biểu trưng, tính đa nghĩa, những cách nói hướng đến gây ấn tượng khác với ngôn ngữ đời thường. Nếu chỉ tư duy theo lối thông thường, bám theo nghĩa tường minh biểu hiện trên câu chữ thì sẽ không đọc - hiểu được văn bản và như thế là không cảm thụ được văn bản. Chẳng hạn khi đọc những câu thơ trong bài thơ “Mẹ” của Bằng Việt.
“…Con xót lòng mẹ hái trái bưởi đào Con nhạt miệng có canh tôm nấu khế Khoai nướng, ngô bung ngọt lòng đến thế
Mỗi ban mai toả khói ấm trong nhà.”
Có GV và HS băn khoăn, thắc mắc: Tại sao con xót lòng mà mẹ lại cho ăn bưởi, ăn bưởi chỉ càng làm xót lòng thêm. Hay, “khoai nướng, ngô bung”
thì có gì mà “ngọt lòng”. Phải chăng, họ không thấy được rằng: những dòng thơ đứng cạnh nhau trong một khổ thơ cùng cộng hưởng nhau để nói một cách vừa hình ảnh cụ thể, vừa khái quát một điều: Người mẹ chiến sĩ lúc nào cũng sẵn sàng chăm sóc, lo lắng cho anh thương binh, sẵn sàng làm tất cả những gì khi anh cần, mẹ thương yêu, chăm sóc anh như chính con mẹ đẻ ra.
Một tình thương bình thường mà vĩ đại - tình thương của bà mẹ chiến sĩ. Đây cũng chính là điều mà GV phải giúp HS hiểu và cảm thụ được.
Hay khi đọc “Quả ngọt cuối mùa” của Nguyễn Trọng Tạo có câu: “Bề lo sương táp, bề phòng chim ăn”, có HS cho rằng như thế là không thực tế, vì chim có ăn cam đâu. Như vậy là chưa hiểu cách nói của văn chọc, đó chỉ là mượn một hình ảnh để nói cái điều cần nói ẩn chứa đằng sau các từ ngữ đó.
Người GV phải giúp các em cảm thụ được: Để gìn giữ được những quả cam cuối mùa vượt qua thời gian, dành phần cho con, cho cháu, người mẹ – người
bà phải biết bao vất vả, chống lại với bao lực lượng thù địch. Sâu sắc hơn, có thể nghĩ tới sự tàn phá của thời gian “mẹ già như trái chín cây”, chống chọi với thời gian để giữ được thảo thơm cho con, cho cháu “Bà như quả ngọt chín rồi, càng thêm tuổi tác càng tươi lòng vàng”.
1.1.3.4. Tính nghệ thuật ngôn từ của VBVH
Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Nhờ chất liệu ngôn ngữ mà chất nhân văn, tính hình tượng, tính cảm xúc và độc đáo của văn chương có những sắc thái riêng mà các nghệ thuật khác không có. Ngôn ngữ văn học phải trau chuốt, cô đọng, hàm súc, có tính biểu cảm, tính hình ảnh. Nếu không, cái nghĩa, cái lí, cái tình của văn học cũng không có ý nghĩa gì. Một tác phẩm có giá trị phải là tác phẩm kết hợp sự hài hoà của nội dung và hình thức, tình ý chứa chan mà lời lẽ phải dạt dào. Vì vậy, ngoài việc giải mã cái nghĩa, cái lí, cái tình của VBVH còn phải cho HS tiếp nhận được vẻ đẹp của ngôn từ, vẻ đẹp của cách nói văn học, khả năng phát hiện được tín hiệu nghệ thuật và cao hơn nữa là cho các em đánh giá được giá trị của các tín hiệu nghệ thuật trong việc biểu đạt nội dung. Đây là một việc làm quan trọng của dạy CTVH ở trường Tiểu học .
Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức không chỉ thể hiện trong toàn bộ văn bản mà ngay trong từng yếu tố, từng cấp độ của văn bản ở trên tất cả các bình diện: từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp. Việc tìm hiểu VBVH phải bắt đầu từ việc khám phá văn bản ngôn từ của nó. Không có chìa khoá để mở cánh cửa đi vào cấu trúc ngôn từ của tác phẩm thì chúng ta chỉ có thể đứng ngoài ngôi nhà văn chương.