Chương 3. THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM
3.5. Đánh giá kết quả thực nghiệm
Nhìn vào 3 bảng cũng như so sánh từ các biểu đồ trên, ta có thể rút ra nhận xét: Kết quả học tập của HS ở các lớp TN cao hơn hẳn so với các lớp ĐC, thể hiện ở chỗ:
- Kết quả đánh giá tổng loại CHT và HT ở lớp TN thấp hơn so với lớp ĐC (cả lớp 4 và lớp 5).
- Số HS đạt loại HTT và HTXS ở lớp TN cao hơn so với lớp ĐC (cả lớp 4 và lớp 5).
Kết quả đó chứng minh rằng những biện pháp dạy học tôi đưa ra có hiệu quả.
Số lượng HS hiểu nội dung cũng như nghệ thuật của bài đọc được nâng cao rõ rệt, HS biết nhấn mạnh khi đọc các từ gợi tả, gợi cảm, các từ chìa khoá trong bài, biết thể hiện sự rung động của bản thân thông qua giọng đọc diễn cảm. Đặc biệt là bài viết phần bộc lộ cảm thụ của HS, nhiều đoạn viết khá hay thể hiện được cảm xúc của bản thân, sử dụng ngôn từ, hình ảnh gợi cảm, diễn đạt rõ ràng, trong sáng.
Kết luận chương 3
Với những biện pháp tích cực cùng hệ thống bài tập đa dạng, phong phú mà chúng tôi đề xuất đã giúp HS nhanh chóng hiểu được nội dung cũng như nghệ thuật của bài đọc một cách dễ dàng. Việc làm quen với những biện pháp đó giúp cho GV có thói quen quan tâm đến vấn đề bồi dưỡng năng lực CTVH cho HS và kích thích HS vào các hoạt động học tập, giúp các em hiểu bài nhanh, sâu sắc và cảm thụ tốt nội dung bài.
Thông qua việc HS giải quyết các bài tập, giúp các em hiểu được nội dung bài, tìm ra cách đọc bài phù hợp và thể hiện những rung động, cảm xúc qua
giọng đọc, bài viết. Các em không còn cảm thấy khó khăn khi tìm ý của đoạn, của bài, tìm các từ chìa khoá của bài. Các em tìm ra cách đọc của bài và đọc bài một cách chủ động, tự tin, không còn e dè, ngại ngùng như trước đây. Các em cũng quen dần với cách làm việc chủ động, dựa vào kinh nghiệm, hiểu biết và năng lực của bản thân để chủ động tự mình sẽ cảm thụ ý hay, hình ảnh đẹp trong văn bản mà HS thích, đồng thời cũng biết chối bỏ những gì HS không thích.
Với các thao tác được tiến hành liên tục trong các tiết học, HS được rèn luyện có hiệu quả các kĩ năng: Đọc hiểu, đọc diễn cảm và bộc lộ cảm xúc qua bài viết, chúng tôi thấy hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn chương cho HS được thể hiện rõ rệt.
Với hệ thống bài tập đưa ra trong từng bài học cụ thể đã tạo điều kiện thuận lợi và thu hút HS vào bài học. HS tích cực, độc lập, tự giác cao.
Những biện pháp dạy học mà chúng tôi đưa vào thực nghiệm là có tính khả thi cao. Dựa vào các biện pháp này và hệ thống bài tập, giờ dạy của GV thực hiện nhẹ nhàng hơn mà hiệu quả cao hơn.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1. Kết quả nghiên cứu và những đóng góp của đề tài
Đối chiếu với mục đích, nội dung nghiên cứu của đề tài đã trình bày ở phần mở đầu, công trình khoa học này về cơ bản đã hoàn thành việc nghiên cứu những vấn đề sau:
1.1. Xác định được cơ sở lí luận của vấn đề CTVH và con đường bồi dưỡng năng lực CTVH cho HS Tiểu học. Trong đó đã làm rõ các vấn đề về CTVH, đặc điểm của hoạt động CTVH nói chung và CTVH lứa tuổi Tiểu học nói riêng, khái niệm về năng lực, năng lực CTVH, mục tiêu của việc bồi dưỡng năng lực CTVH lứa tuổi Tiểu học thông qua phân môn Tập đọc; đồng thời cũng xác định rõ tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc bồi dưỡng năng lực CTVH cho HS lớp 4, lớp 5.
1.2. Tìm hiểu và đánh giá thực trạng việc CTVH của HS và việc bồi dưỡng năng lực CTVH của GV cho HS ở các trường Tiểu học hiện nay. Từ kết quả điều tra cho thấy: việc CTVH của HS chưa được xác định một cách đúng mức, HS còn mơ hồ, hời hợt; GV bồi dưỡng năng lực CTVH cho HS chưa có hiệu quả. Một trong các nguyên nhân chủ yếu được xác định là GV chưa tìm ra được các biện pháp hữu hiệu, chưa biết cách thu hút HS vào các hoạt động học tập, GV còn làm thay HS, giảng giải nhiều, HS ít được hoạt động nên “cái” đọng lại ở HS không đựơc là bao, dẫn đến HS ngại học và
“sợ” học cảm thụ.
1.3. Để khắc phục khó khăn của GV và HS khi dạy học bồi dưỡng năng lực CTVH, trong phạm vi luận văn này chúng tôi đưa ra hệ thống các biện pháp và bài tập cụ thể, giúp HS cảm thụ nội dung, nghệ thuật của từng bài tập đọc, giúp HS tìm ra được cách đọc và đọc diễn cảm , đồng thời làm một số bài tập về bộc lộ cảm xúc qua bài tập đọc một cách dễ dàng hơn, tạo cơ sở cho việc bồi dưỡng năng lực CTVH của HS thuận lợi và hiệu quả hơn.
Hệ thống các biện pháp và bài tập đề xuất là:
- GV giúp HS nắm các kiến thức cơ bản của tiếng Việt, hiểu được các khái niệm đơn giản có liên quan đến CTVH ở Tiểu học.
- Tăng cường rèn đọc cho HS, giúp HS tìm hiểu sâu sắc nội dung các bài Tập đọc.
- Luyện tập và củng cố vững chắc các thao tác trong CTVH cho HS.
- Khuyến khích HS rung cảm nghệ thuật trong các hoạt động dạy học Tập đọc.
- Xây dựng hệ thống các dạng bài tập: luyện đọc hiểu, luyện đọc diễn cảm, luyện tập các bài tập cảm thụ cho HS, bài tập nhận biết các biện pháp tu từ tiếng Việt.
1.4. Để kiểm tra tính hiệu quả của hệ thống các biện pháp và bài tập đã đề xuất, trong quá trình nghiên cứu, tôi đã tiến hành dạy học thử nghiệm. Kết quả dạy học thử nghiệm đã khẳng định tính đúng đắn, tính khả thi của các biện pháp và hệ thống bài tập nêu ra.
2. Những kiến nghị
Sau khi hoàn thành công trình nghiên cứu này, tôi có một số kiến nghị sau:
2.1. Tiếp tục các chuyên đề bồi dưỡng GV theo định kì để nâng cao nhận thức của GV về CTVH và việc bồi dưỡng năng lực CTVH trong dạy học môn Tiếng Việt nói chung và dạy đọc hiểu VBVH ở phân môn Tập đọc nói riêng.
2.2. Giới thiệu trên phạm vi rộng những kết quả nghiên cứu của đề tài trong thời gian hiện tại để góp phần vào việc bồi dưỡng nâng cao năng lực CTVH cho HS lớp 4, lớp 5.
2.3. Mở rộng hướng nghiên cứu của luận văn sang phạm vi bồi dưỡng năng lực CTVH cho HS thông qua các phân môn Kể chuyện, Tập làm văn và
các môn học khác. Nếu có thể luận văn sẽ tiếp tục nghiên cứu việc bồi dưỡng năng lực CTVH và dạy CTVH cho đội ngũ GV Tiểu học.
2.4. Xây dựng một hệ thống bài tập đầy đủ và cụ thể, chi tiết cho từng bài Tập đọc là Tiểu học ở lớp 4, lớp 5 theo hướng mà đề tài nghiên cứu để rèn luyện các kĩ năng, giúp HS luyện tập và củng cố vững chắc các thao tác trong CTVH.
CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN
1. Nguyễn Thanh Thủy, Về mục tiêu của việc bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học cho học sinh tiểu học – Tạp chí Giáo chức Việt Nam, số 114 (10/2016 – tr 57)