1.2. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN
1.2.1. Một số khái niệm công cụ
1.2.1.1. Chuẩn đầu ra
Khái niệm intended learning outcomes/expected learning outcomes/student outcomes, theo tiếng Anh, là năng lực dự kiến/mong đợi người học làm được sau khi hoàn tất một buổi học, một môn học, một khóa học, một chương trình đào tạo. Khái niệm này được sử dụng chính thức lần đầu dưới thuật ngữ CĐR trong văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo. [53]
Hiện nay có nhiều cách phát biểu về khái niệm CĐR:
- “Chuẩn đầu ra là quy định về nội dung kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu khác đối với từng trình độ, ngành ĐT”. [5]
- Hoặc phát biểu theo cách khác của Bộ GD&ĐT là: “Chuẩn đầu ra là sự khẳng định HS làm được gì và kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi mà HS phải đạt được khi tốt nghiệp ở một ngành ĐT hoặc ở một chương trình ĐT”.
[6]
- Các tác giả Lê Đức Ngọc, Trần Hữu Hoan cho rằng: “Chuẩn đầu ra của một chương trình GDĐT là nội hàm chất lượng tối thiểu của người tốt nghiệp chương trình đó, là những chỉ số về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng, tính cách, hành vi và khả năng, năng lực hay tổng quát hơn là các “kỹ năng cứng” và
“kỹ năng mềm” của sản phẩm ĐT mà người học có được sau khi kết thúc chương trình GDĐT trong nhà trường”. [39]
- Tác giả Trần Văn Hòe cho rằng: “Chuẩn đầu ra là một cách tiếp cận đào tạo khoa học mà các quyết định về chương trình ĐT đều được dẫn dắt bởi kết quả SV sẽ thể hiện khi kết thúc một học phần hay một chương trình ĐT. Khi triển khai ĐT theo CĐR, sản phẩm cuối cùng được quyết định bởi cả quá trình ĐT và cách thức đánh giá trong suốt quá trình ĐT”. [28, tr.12]
- Theo tác giả Đào Việt Hà: “Chuẩn đầu ra là những qui định về mục tiêu cụ thể của một chương trình hoặc các học phần/mô đun một cách chi tiết nhằm mô tả những nội dung kiến thức chuyên môn; kỹ năng tư duy, kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; thái độ học tập, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; những công việc mà người học có thể
đảm nhận sau khi hoàn thành chương trình hoặc các học phần/mô đun cùng các yêu cầu đặc thù khác đối với từng trình độ, ngành nghề ĐT. Chuẩn đầu ra được rà soát điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hàng năm nhằm đảm bảo cam kết của cơ sở ĐT với yêu cầu của xã hội, của người sử dụng lao động". [25, tr.5]
- Tác giả Trần Khánh Đức phát biểu: “Chuẩn đầu ra của một chương trình đào tạo là hệ thống những chuẩn mực về đào tạo và kết quả của quá trình đào tạo (output và outcomes) được định hướng theo chuẩn nghề nghiệp hoặc việc làm trong đó thể hiện những yêu cầu, đòi hỏi khách quan của xã hội và hoạt động lao động nghề nghiệp về các mặt tư cách, đạo đức xã hội-công dân;
phẩm chất và năng lực nghề nghiệp mà người tốt nghiệp cần có để thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ, công việc theo chức danh trong thực tiễn lao động nghề nghiệp”. [67]
- Theo các tác giả của dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN (Bộ GD
& ĐT) quan niệm chuẩn đầu ra trình độ đại học khối ngành sư phạm đào tạo
GV THPT là: Chuẩn đầu ra là hệ thống các yêu cầu cơ bản về phẩm chất đạo đức và năng lực giáo dục mà SV đạt được khi kết thúc khóa đào tạo để có thể
thực hiện được các nhiệm vụ, chức năng của người giáo viên THPT ở mức đạt yêu cầu tối thiểu. [7, tr.15]
- Hiệp hội các thư viện Luật của Mỹ (American Association of Law Libraries) cho rằng: Chuẩn đầu ra (learning outcomes) là những tuyên bố định rõ những học viên sẽ biết hoặc có thể làm được khi kết thúc một hoạt động học tập. Chuẩn đầu ra thường được thể hiện như kiến thức, kỹ năng, thái độ.
Chuẩn đầu ra xuất phát từ việc đánh giá các nhu cầu nhằm xác định khoảng cách giữa điều kiện hiện có và tình trạng mong muốn. Tình trạng mong muốn đó là: kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để đáp ứng nhu cầu. Chuẩn đầu ra là cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo. [65]
- Tuyên bố Bologna về không gian giáo dục đại học châu Âu (Tiến trình Bologna) quan niệm rằng: “Chuẩn đầu ra thể hiện những gì SV nên biết, hiểu và có năng lực thực hiện trên cơ sở trình độ văn bằng yêu cầu”. [66]
- Trong ABET Acereditation Policy and Procedure manual đã nêu: “Chuẩn đầu ra là quy định về nội dung kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có
thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu khác đối với từng trình độ, ngành ĐT”. [64]
- Theo Edward Crawley, Johan Malmqist, Soren Ostlund, Doris Bodeur (Rethinking engineering Education: The CDIO Approach) (Hồ Tấn Nhựt, Đoàn Thị Minh Trinh biên dịch) thì “Chuẩn đầu ra của SV trong một chương trình ĐT cần phản ánh được quan điểm của tất cả các nhóm liên quan: SV, doanh nghiệp, GV và xã hội”. Khi soạn thảo CĐR của một chương trình ĐT là phải trả lời được hai câu hỏi trọng tâm:
+ Sinh viên kỹ thuật nên đạt được các kiến thức, kỹ năng, thái độ toàn diện nào khi rời khỏi trường đại học và đạt được ở trình độ năng lực nào?
+ Làm thế nào để chúng ta có thể làm tốt hơn trong việc đảm bảo cho sinh viên đạt được những kỹ năng ấy? [23, tr.10,18]
Tuy diễn đạt trong tất cả các khái niệm về CĐR nói trên có vẻ khác nhau nhưng nội dung cơ bản về bản chất và ý nghĩa của các khái niệm đều giống nhau. Đó là, CĐR là những gì người học sẽ biết, hiểu và làm được sau khi kết thúc một chương trình ĐT (có thể là một môn học, một học phần, một khóa học); là cam kết của nhà trường với xã hội về năng lực và phẩm chất mà người học đạt được khi tốt nghiệp. Vậy khái niệm CĐR có thể hiểu như sau:
Chuẩn đầu ra là sự khẳng định những điều mà người học sẽ biết, hiểu, thực hiện được (những năng lực dự kiến) sau khi kết thúc một chương trình đào tạo (có thể là một môn học, một học phần, một khóa học), cụ thể là những kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề nghiệp; khả năng nhận thức và giải quyết những vấn đề kỹ thuật – công nghệ của một ngành nghề ở một trình độ nhất định theo chương trình ĐT; phẩm chất, thái độ mà người học đạt được về lòng yêu nghề, sự cống hiến và khả năng phát triển nghề nghiệp. Đồng thời phản ánh sự cam kết của nhà trường đối với xã hội về chất lượng đào tạo.
Giữa CĐR và chuẩn nghề nghiệp có sự khác nhau. Chuẩn nghề nghiệp thường mô tả năng lực ở trình độ kỹ năng, kỹ xảo; tức là các mức độ thành thạo khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp. Còn chuẩn đầu ra mô tả cấu trúc của năng lực nghề nghiệp ban đầu, tối thiểu bao gồm cả kiến thức và kỹ năng nghề; ngoài ra, chuẩn đầu ra còn thể hiện phẩm chất thái độ mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp. CĐR khác với chuẩn nghề nghiệp chủ yếu ở mức độ trải nghiệm và thông thạo nghề nghiệp. CĐR là tuyên bố mô tả yêu cầu người
học biết, nghĩ và làm được vào lúc tốt nghiệp. Họ chỉ đạt được chuẩn nghề nghiệp đầy đủ sau vài năm trải nghiệm nghề nghiệp.
Có 3 cách thức thực hiện hay 3 cấp độ CĐR:
- CĐR cấp trường hay chuẩn tốt nghiệp
CĐR cấp trường hay chuẩn tốt nghiệp là tuyên bố về năng lực chung cần có của SV khi tốt nghiệp một trường đại học, cao đẳng.
- CĐR cấp chương trình là khái niệm đã phân tích ở trên.
- CĐR cấp môn học là năng lực dự kiến người học làm được sau khi hoàn tất một môn học mà trước đó họ không thể thực hiện được, để chứng tỏ về kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng hay năng lực của người học. [23, tr.22-28]
Có 3 cách thực hiện chuẩn tốt nghiệp tùy từng trường hợp nhưng thông thường thì chuẩn tốt nghiệp được thiết lập trong CĐR cấp chương trình đào tạo. CĐR cấp môn học được thực hiện trong quá trình dạy học mỗi môn học.
Thực hiện các CĐR cấp môn học góp phần thực hiện CĐR cấp chương trình đào tạo.
1.2.1.2. Đào tạo theo chuẩn đầu ra
Đào tạo theo CĐR là quá trình đào tạo “bám theo” CĐR, huy động mọi nguồn lực, biện pháp để dạy học và kiểm tra, đánh giá theo CĐR, với ý tưởng là đảm bảo sự tham gia dân chủ của các bên liên quan: SV, doanh nghiệp (các cơ sở sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo), xã hội và các GV, cán bộ của cơ sở đào tạo. Tư tưởng này xuất phát từ quan điểm có tính triết lý: ĐT nghề nghiệp xuất phát từ thực tiễn hoạt động nghề nghiệp để phục vụ cho phát triển nghề nghiệp. Điều này nói lên mục tiêu của ĐT nghề nghiệp là đáp ứng đúng yêu cầu của con người và xã hội. Điều này cũng có nghĩa là ĐT nghề nghiệp và thực tiễn nghề nghiệp phát triển song hành đồng bộ, trong đó ĐT nghề nghiệp được phát triển theo sự phát triển của thực tiễn nghề nghiệp.
Điểm xuất phát của việc thiết kế và phát triển quá trình ĐT này là văn bản tuyên bố CĐR – đó là các năng lực, các khả năng mà SV cần phải có sau khi kết thúc khóa học. Vì vậy CĐR là thành tố chính, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng ĐT và chi phối tất cả các thành tố còn lại của quá trình ĐT này.
CĐR là yếu tố động, phát triển đồng bộ với thực tiễn nghề nghiệp và vì vậy nó điều khiển quá trình dạy học theo tư tưởng này đồng bộ với sự thay đổi của thực tiễn nghề nghiệp. CĐR phản ánh được quan điểm của các bên liên quan vì khi thiết kế CĐR có sự tham gia dân chủ của các bên này.
Doanh nghiệp là bên liên quan chủ yếu, là khách hàng sau cùng, là nơi sử dụng SV được đào tạo ra. Do đó, họ phải được thông tin đầy đủ về quá trình đào tạo, nhất là về những gì SV đạt được, làm được sau khi kết thúc khóa đào tạo. Họ phải được hỏi ý kiến và được khuyến khích tham gia vào việc hoạch định những hoạt động đào tạo như xây dựng CĐR, chương trình ĐT, đánh giá SV…
Sinh viên là khách hàng đầu tiên, họ đầu tư để được hưởng dịch vụ đào tạo.
Vì vậy họ phải được biết họ sẽ đạt được những gì (về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp) sau khóa đào tạo? Họ có khả năng làm được những công việc gì của nghề được đào tạo? và tất cả những thông tin cần thiết khác của khóa đào tạo.
Đội ngũ cán bộ của trường tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào công tác đào tạo cũng phải được biết về những yêu cầu của sản phẩm SV được đào tạo, các tiêu chuẩn về chất lượng đào tạo mà họ tham gia tạo ra. Đồng thời họ phải được thông tin đầy đủ về khóa đào tạo cũng như được tham gia một cách dân chủ vào việc hoạch định và thực hiện các hoạt động đào tạo.
Xã hội là bên vừa có vai trò kiểm định, giám sát, vừa nêu ra những yêu cầu đối với GD nghề nghiệp như yêu cầu đối với trình độ văn bằng, hay về sự phát triển bền vững và lâu dài.
Đào tạo theo CĐR sẽ đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu trên, nhất là yêu cầu được thông tin đầy đủ về những gì SV đạt được (kiến thức nghề nghiệp), sẽ làm được (kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm) sau khóa đào tạo trong tuyên bố công khai về CĐR của cơ sở đào tạo.
Từ phân tích ý tưởng về mô hình đào tạo trên đây, có thể mô tả khái niệm về ĐT theo CĐR như sau:
Đó là một mô hình đào tạo có sự tham gia của các bên liên quan và quá trình dạy học mà CĐR là thành tố trọng tâm, là điểm hướng tới của toàn bộ quá trình ĐT, là thành tố chi phối các thành tố còn lại của quá trình ĐT và là tiêu chí đánh giá sản phẩm ĐT. Theo mô hình này, việc thiết kế và phát triển quá trình ĐT luôn đồng bộ với sự phát triển hoạt động nghề nghiệp, coi thực tiễn nghề nghiệp là tiêu chuẩn (được phản ánh trong CĐR) đánh giá kết quả ĐT.
Để hiểu rõ hơn mô hình đào tạo này, cần thiết phải nêu một số đặc điểm cơ bản của ĐT theo CĐR.
- Trong mô hình này, CĐR là thành tố chính, là trung tâm của quá trình đào tạo, nó vừa là điểm xuất phát vừa là đích cần hướng tới khi xây dựng từng thành tố của ĐT theo CĐR. Do đó CĐR với vai trò có tính quyết định tới chất lượng đầu ra của mô hình ĐT này.
- Việc lựa chọn nội dung DH nhằm đạt được CĐR phải gắn với các tình huống thực tiễn nghề nghiệp. Trong CTĐT chỉ quy định những nội dung chính, không quy định chi tiết. Các nội dung chi tiết sẽ do GV lựa chọn phù hợp với bối cảnh dạy học và thực tiễn nghề nghiệp.
- Trong ĐT theo CĐR, người học là trung tâm của quá trình DH, được chủ động, tích cực và tự lực hoạt động chiếm lĩnh nội dung DH (kiến thức, kỹ
năng và cả phương pháp tự chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng đó), trong đó được chú trọng phát triển khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề thuộc lĩnh vực nghề nghiệp. Người dạy chủ yếu thực hiện vai trò tổ chức, hướng dẫn và giúp
đỡ người học khi cần thiết, dừng ngay sự giúp đỡ khi không còn cần nữa.
Việc lựa chọn PPDH được khuyến cáo là người học đạt được CĐR thông qua học và luyện tập, không phải thông qua dạy.
- Trong ĐT theo CĐR, việc đánh giá kết quả học phải căn cứ vào các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể quy định trong CĐR, trong đó khuyến khích đánh giá và tự đánh giá khả năng vận dụng những gì đã học được vào các tình huống thực tế.
Trong ĐT nghề, giữa ĐT theo CĐR và ĐT theo NLTH có những sự tương đồng nhưng cũng có những điểm khác nhau cơ bản.
- Sự giống nhau căn bản nhất là cả hai mô hình này đều thực hiện theo chuẩn và đều định hướng vào đầu ra (kết quả) của quá trình ĐT.
- Sự khác nhau cơ bản thể hiện ở chỗ, trong ĐT nghề theo CĐR, kết quả đầu ra là những gì mà người học đạt được (tại thời điểm tốt nghiệp) là biết, hiểu và có khả năng làm được, nghĩa là năng lực nghề nghiệp mà họ đạt được mới ở dạng tiềm năng. Nhưng chỉ sau một vài năm (tập sự) tích lũy kinh nghiệm họ sẽ đạt được chuẩn nghề nghiệp (hành nghề chính thức). Đánh giá kết quả (học tập) đầu ra dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể quy định trong CĐR. Trong khi đó, ĐT theo NLTH thực hiện theo triết lí ĐT gắn với việc làm, nghĩa là ĐT gắn với sự thực hiện thành công từng công việc cụ thể của một nghề theo các tiêu chí và chuẩn quy định. Việc đánh giá kết quả đầu ra không chỉ đánh giá các kiến thức, kỹ năng, thái độ người học đã đạt được mà đòi hỏi phải chứng minh được năng lực của mình qua thực hiện một công việc, một nhiệm vụ…cụ thể theo chuẩn quy định.