Chương II: CÁC BIỆN PHÁP TRIÊN KHAI ĐÀO TẠO NGHỀ MAY THỜI TRANG TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG THEO CHUẨN ĐẦU RA
2.1. ĐẶC ĐIỂM CỦA LAO ĐỘNG NGHỀ MAY THỜI TRANG
2.1.1. Giới thiệu chung về nghề May thời trang
Từ xa xưa, con người khi mới sinh ra đã cần đến áo quần và nhu cầu đó
không thể thiếu được trong suốt cuộc đời bên cạnh "cái ăn" để sống, để tồn tại và phát triển. Áo quần vừa có công dụng để che thân, bảo vệ sức khỏe, vừa làm tăng vẻ đẹp, nét thẩm mỹ cá nhân....Chính vì thế, nhu cầu may mặc đã trở
thành bức thiết và yêu cầu ngày càng cao, càng đa dạng về mẫu mã cũng như chất lượng tiêu dùng...Nghề May được hình thành từ đó và phát triển mạnh theo thời gian.
Trước kia khi chưa phát minh ra máy may, sản xuất hàng may mặc không phát triển được vì chỉ bó hẹp trong phạm vi may đo và may bằng tay, năng suất lao động không cao, sản xuất còn mang tính thủ công. Đến giữa thế kỉ 18, máy may được phát minh và dần dần được hoàn thiện, rồi việc hàng loạt máy chuyên dùng được sáng chế đã thúc đẩy ngành công nghiệp may ra đời và phát triển mạnh mẽ.
Công nghiệp sản xuất hàng may mặc nước ta ra đời từ sau cách mạng tháng tám, đầu tiên chủ yếu là các xưởng quân trang may quần áo bộ đội, rồi dần dần là các xí nghiệp may nội thương, xí nghiệp may xuất khẩu của trung ương và địa phương, những hợp tác xã may mặc đã ra đời và phát triển. Từ đó
ngành may mặc xuất khẩu của nước ta ngày càng khẳng định vị trí của mình trên thị trường quốc tế. Ngoài mặt hàng truyền thống là áo sơ mi, quần âu, còn có nhiều loại khác như: đầm, váy, quần jean, áo thun, veston, jacket, v.v… cho các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, Nga, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc…
Hiện nay, nghề may đang chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất, đời sống và trong nền kinh tế quốc dân. Nghề này có nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm may mặc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong nước cũng như xuất khẩu.
Các sản phẩm may mặc là hàng tiêu dùng mà giá trị sử dụng của chúng được xác định bằng việc thỏa mãn những yêu cầu của từng cá nhân. Áo quần phải thể hiện tính thẩm mĩ, làm tôn vẻ đẹp của con người; phải hợp vệ sinh, đảm bảo cho cơ thể hoạt động bình thường và duy trỉ khả năng làm việc trong các điều kiện khác nhau của môi trường; phải bền và tiện dụng; đảm bảo tính dân tộc của trang phục.
Tùy mục đích sử dụng và điều kiện kinh tế xã hội mà mức độ của mỗi yêu cầu trên có khác nhau:
- Xã hội càng phát triển, đời sống càng được nâng lên thì nhu cầu may mặc càng lớn về số lượng, tăng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu về thẩm mĩ và thời trang.
- Mặc đẹp vừa là nhu cầu của mỗi người vừa là sự cần thiết để tô điểm cho cuộc sống thêm sinh động, đồng thời thể hiện trình độ văn minh, văn hóa của một dân tộc.
Tên gọi nghề “May thời trang” thay cho tên gọi nghề “May” cũng xuất phát từ ý nghĩa đó.
Áo quần và hàng may mặc nói chung được tổ chức sản xuất theo hai hệ thống: hệ thống may đo và hệ thống may sẵn.
- Hệ thống may đo:
May đo là hình thức sản xuất hàng may mặc, mà trong đó một người thợ may hoặc một nhóm người thợ may phải tiến hành đo trên cơ thể của một người khách cụ thể để có thông số kích thước mới có thể thiết kế quần áo cho người khách đó. Sau đó, kiểm tra lại vải của khách đem đến, người thợ may
sẽ tiến hành cắt may hoàn chỉnh sản phẩm, ủi và gấp xếp sản phẩm, giao hàng cho khách.
Như vậy, đặc điểm cơ bản của may đo là: người thợ may tiến hành sản xuất một sản phẩm may mặc một cách khép kín từ khâu nhận vải, thiết kế, may, ủi hoàn chỉnh sản phẩm trên cơ sở phải đo người khách cụ thể. Muốn sản xuất sản phẩm thứ hai, người thợ may phải tiến hành lại từ đầu. Vì vậy, sản xuất còn đơn giản, chưa có sự phân công lao động, cho nên năng suất lao động thấp, giá gia công cao.
- Hệ thống may sẵn :
May sẵn là hình thức sản xuất hàng may mặc sẵn. May với số lượng lớn sản phẩm cho người tiêu dùng không quen biết. Cơ sở kỹ thuật để thiết kế không còn là số đo của khách hàng cụ thể mà là bảng thông số kích thước theo từng cỡ số của từng mã hàng.
Như vậy, đặc điểm cơ bản của may sẵn là nhiều người có tay nghề khác nhau cùng tham gia sản xuất một mã hàng với số lượng lớn, có nhiều cỡ vóc, nhiều màu sắc được chuyên môn hóa cao thành một dây chuyền sản xuất với các thiết bị hiện đại. Nhưng sản phẩm làm ra phải đồng nhất về chất lượng.
Việc sản xuất hàng may mặc sẵn theo phương pháp công nghiệp là phân công từng tập thể người làm một việc chuyên và có tính chất dây chuyền.
Đặc biệt, trong công đoạn may lại được may theo dây chuyền, được chuyên môn hóa cao cho từng người theo từng công đoạn may với các thiết bị
chuyên dụng, hiện đại. Ðặc điểm của hệ thống sản xuất này là có năng suất cao, sử dụng hợp lí và tiết kiệm được các loại nguyên liệu, do đó giá thành hạ, đồng thời cung cấp cho xã hội một lượng lớn các sản phẩm may mặc. Các sản phẩm may mặc được sản xuất theo "cỡ số" rất tiện lợi cho người tiêu dùng có
thể sử dụng được ngay nhưng có nhược điểm là không bảo đảm kích
thước vừa, đẹp theo ý của từng người, nhất là đối với những người có khuyết tật về vóc dáng.
Hiện nay, do nhu cầu may mặc ngày càng tăng nên may đo thủ công và may mặc sẵn đều phát triển ở khắp mọi miền của đất nước. Tuy nhiên, nội dung nghiên cứu của đề tài tập trung chủ yếu vào hình thức may sẵn vì: May sẵn thực hiện sản xuất trên qui mô công nghiệp (may công nghiệp), nhu cầu lao động lớn và như thế nhu cầu đào tạo cũng lớn theo.
2.1.2. Đặc điểm của lao động nghề May thời trang.
2.1.2.1. Lao động nghề May thời trang sử dụng nhiều lao động giản đơn Nghề May thời trang sử dụng nhiều lao động giản đơn, phát huy được lợi thế của những nước có nguồn lao động dồi dào với giá nhân công rẻ. Đặc biệt, ngành may công nghiệp đòi hỏi vốn đầu tư ít nhưng tỉ lệ lãi khá cao. Chính vì vậy, sản xuất hàng may mặc thường phát triển mạnh và có hiệu quả rất lớn đối với các nước đang phát triển và đang ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá. Khi một nước trở thành nước công nghiệp phát triển có trình độ công nghệ cao, giá lao động cao, sức cạnh tranh trong sản xuất hàng may mặc giảm thì họ lại vươn tới những ngành công nghiệp có hàm lượng kĩ thuật cao hơn, tốn ít lao động và mang lại lợi nhuận cao; may công nghiệp lại phát huy vai trò ở các nước khác kém phát triển hơn. Lịch sử phát triển của ngành may công nghiệp thế giới cũng là lịch sử chuyển dịch từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển hơn do có sự chuyển dịch về lợi thế so sánh. Như vậy, không có nghĩa là sản xuất hàng may mặc không còn tồn tại ở các nước phát triển mà thực tế ngành này đã tiến đến giai đoạn cao hơn, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
2.1.2.2. Lao động nghề May thời trang tuân thủ tuyệt đối theo mẫu chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm
Đặc thù lao động ngành May công nghiệp là thực hiện các sản phẩm may mặc theo đúng mẫu chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm. Vì vậy, đòi hỏi người lao động may đúng theo mẫu là chính, thao tác càng thành thạo (các kỹ
năng cơ bản chủ yếu) càng tốt. Khi đó thời gian thực hiện bước công việc/sản phẩm sẽ được rút ngắn, đồng nghĩa năng suất lao động tăng.
2.1.2.3. Lao động nghề May thời trang mang tính chuyên môn hóa, khả
năng hợp tác và làm việc nhóm cao
Lao động ngành May công nghiệp được tổ chức sản xuất chủ yếu trên các dây chuyền may, mỗi người thực hiện một bước công việc, nên đòi hỏi tính chuyên môn hóa, khả năng hợp tác và làm việc nhóm cao. Ngoài ra, các bước công việc lại có mối liên quan với nhau, làm xong bước công việc trước rồi mới làm được bước công việc sau. Vì vậy, tất cả các bước công việc phải đồng bộ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
2.1.2.4. Lao động nghề May thời trang phải chịu được áp lực về thời gian giao hàng
Khi buôn bán các sản phẩm may mặc cần chú trọng đến yếu tố thời vụ.
Phải căn cứ vào chu kỳ thay đổi của thời tiết trong năm ở từng khu vực thị
trường mà cung cấp hàng hoá cho phù hợp. Điều này liên quan đến vấn đề thời hạn giao hàng, nếu như không muốn bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu thì hơn bao giờ hết, hàng dệt may cần được giao đúng thời hạn để cung cấp hàng hóa kịp thời vụ.
2.1.2.5. Lao động nghề May thời trang phải quan tâm tránh các “bệnh nghề nghiệp”
Do đặc thù của ngành, người lao động ngành May công nghiệp thường phải ngồi nhiều tại một vị trí và phải tập trung thị lực cao độ trong suốt cả ngày
làm việc, nên dễ dẫn đến các bệnh nghề nghiệp như: đau lưng, vẹo cột sống, giảm thị lực... Vì vậy, nên chú ý đến đặc thù của ngành để giáo dục ý thức cho người lao động cần có những biện pháp giảm thiểu các bệnh nghề nghiệp nêu trên.
Nhận xét:
Nghề May thời trang vừa có tính kỹ thuật lại vừa có tính mỹ thuật. Lao động nghề May thời trang đòi hỏi sự thành thạo kỹ năng nghề, thực hiện đúng các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật với năng suất cao, chất lượng tốt; mặt khác, lao động nghề May công nghiệp làm việc trên dây chuyền may, vì vậy họ cần phải phối hợp với nhau một cách thuần thục mới nâng cao năng suất lao động của chuyền, điều này đòi hỏi lao động may công nghiệp phải có tính kỷ luật và tinh thần đồng đội.
Sản phẩm may mặc có tác dụng làm tăng vẻ đẹp của con người, vì vậy lao động nghề May thời trang cũng cần phải có tay nghề khéo léo và có tính thẩm mỹ cao để làm ra những sản phẩm đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Tất cả những đặc điểm nêu trên cần phải nghiên cứu đầy đủ để cụ thể hóa vào chuẩn đầu ra trong đào tạo nghề May thời trang, trên cơ sở đó mà thiết kế và phát triển chương trình đào tạo, tổ chức quá trình đào tạo phù hợp để đào tạo ra những người lao động nghề May thời trang đáp ứng yêu cầu hành nghề.