Chương II: CÁC BIỆN PHÁP TRIÊN KHAI ĐÀO TẠO NGHỀ MAY THỜI TRANG TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG THEO CHUẨN ĐẦU RA
2.2. CÁC BIỆN PHÁP TRIÊN KHAI ĐÀO TẠO NGHỀ MAY THỜI TRANG TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG THEO CHUẨN ĐẦU RA
2.2.1. Biện pháp 1: Thiết kế chuẩn đầu ra của nghề May thời trang trình độ cao đẳng
2.2.1.1. Mục đích của biện pháp
Công việc đầu tiên của thiết kế ĐT nghề May thời trang trình độ cao đẳng theo CĐR là thiết kế CĐR của nghề. Thiết kế CĐR nghề là khẳng định những
tiêu chuẩn/tiêu chí mà SV cần phải đạt được để có thể hành nghề ngay sau khi tốt nghiệp. Từ đó cả nhà trường, người dạy, người học và các bên liên quan phải nổ lực tìm biện pháp tổ chức đào tạo đạt chuẩn đầu ra.
2.2.1.2. Nội dung của biện pháp
Thiết kế CĐR của nghề May thời trang được thực hiện bằng cách vận dụng quy trình chung xây dựng CĐR của một nghề đã trình bày ở chương I.
Bước 1: Phân tích các văn bản pháp lý, các tài liệu tham khảo làm cơ sở cho việc thiết kế CĐR của nghề. Các văn bản pháp lý cần nghiên cứu thực hiện là:
1. Các văn bản pháp lý của các cơ quan quản lý Nhà nước; các Bộ, ngành:
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chỉ rõ:“Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Trên cơ sở mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo, cần xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, môn học, chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo.
Coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở giáo dục và đào tạo; là căn cứ giám sát, đánh giá chất lượng giáo dục, đào tạo. Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề ...”. [1]
Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 tại Điều 4, khoản 2, mục c nêu rõ: “Đào tạo trình độ cao đẳng để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ
thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc”; và tại Điều 34, khoản 2 cũng chỉ rõ:
“Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách
nhiệm tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp”. [44]
Ngoài ra, tác giả cũng đã nghiên cứu nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý ngành, quản lý quá trình đào tạo, quy chế, quy định, nội dung chương trình, thể thức trình bày chương trình đào tạo nghề trình độ cao đẳng trong các văn bản dưới đây:
- Quyết định số 14/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 24/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc ban hành Quy chế thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp trong dạy nghề hệ chính quy [8],
- Quyết định số 51/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 05/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc ban hành Điều lệ mẫu trường cao đẳng nghề [9],
- Quyết định số 58/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 09/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc ban hành về chương trình khung trung cấp nghề, chương trình khung cao đẳng nghề [10],
- Thông tư số 17/2010/TT-BLĐTBXH ngày 04/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc ban hành bảng danh mục nghề đào tạo trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề [11],
- Thông tư số 38/2011/TT- BLĐTBXH ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành chương trình khung trình độ trung cấp nghề, chương trình khung trình độ cao đẳng nghề cho nghề “May thời trang” [12].
2. Cơ sở thực tiễn:
- Đặc điểm của lao động nghề May thời trang trình bày ở mục 2.1.
- Chương trình đào tạo nghề May thời trang trình độ cao đẳng nghề hiện hành tại Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex TP. Hồ Chí Minh gồm:
• Mục tiêu đào tạo nghề May thời trang,
• Chương trình đào tạo nghề May thời trang.
Việc phân tích các tài liệu trên giúp xác định được các kiến thức, kỹ năng chung (cũng thường gọi là kiến thức đại cương hay kiến thức cơ bản); Các kiến thức, kỹ năng chuyên ngành; Các kỹ năng mềm; Các thái độ và khả năng cần đào tạo cho SV.
Bước 2: Xây dựng khung CĐR nghề May thời trang
Căn cứ vào kết quả phân tích ở bước 1, tác giả mạnh dạn đề xuất khung chuẩn đầu ra sơ bộ và dự thảo chuẩn đầu ra nghề May thời trang trình độ cao đẳng (Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015 gọi chung là trình độ cao đẳng) với một số điểm mới như sau:
- Nhấn mạnh mục tiêu phẩm chất và năng lực trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo để người học sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay với yêu cầu nghề nghiệp; có trách nhiệm với hoạt động nghề nghiệp, với cộng đồng, xã hội.
- Nhấn mạnh khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo là giúp người học có khả năng thích ứng với sự phát triển bùng nổ về khoa học kinh tế, kỹ thuật, công nghệ trong thời đại ngày nay và tương lai; tạo điều kiện cho người học nâng cao năng lực hoạt động nghề nghiệp lâu dài.
- Các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn chương trình đào tạo, không còn bị ràng buộc vào chương trình khung nữa. Vì vậy, trong dự thảo chuẩn đầu ra tác giả đã đề xuất nhiều nội dung mới nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tế sản xuất.
Cấu trúc và các thành phần của khung CĐR được mô tả như hình 1.2.
Dự thảo khung CĐR sơ bộ nghề May thời trang trình độ cao đẳng được trình bày ở phụ lục V-A.
Bước 3: Khảo sát thực tiễn hoạt động nghề May thời trang tại các cơ sở sử dụng lao động được đào tạo.
Phương pháp khảo sát thực tiễn này là sự kết hợp nhiều hình thức, phương pháp điều tra như: quan sát và ghi lại thông tin về các hoạt động của người lao động, điều tra, phỏng vấn…các công nhân lành nghề, các cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, các chuyên gia trong ngành may… Mục đích của việc khảo sát này là thu nhận thông tin chi tiết, cụ thể về các công việc cụ thể của người lao động, các yêu cầu về trình độ, mức độ kỹ năng hành nghề của họ.
Bước 4: Dự thảo CĐR nghề May thời trang dựa trên kết quả thu được từ bước 2 và bước 3.
Kết quả, tác giả đã thiết kế được dự thảo CĐR nghề May thời trang trình độ cao đẳng được trình bày ở phụ lục V-B.
Bước 5: Xin ý kiến chuyên gia
Để xin ý kiến chuyên gia, tác giả đã gởi tới mỗi chuyên gia một bản dự thảo CĐR kèm theo phiếu xin ý kiến (Phụ lục III). Các chuyên gia cần xin ý kiến là những người đã và đang làm việc trong nghề May thời trang (cả lĩnh vực ĐT và lĩnh vực hành nghề May thời trang) gồm: các cán bộ quản lý, GV của các trường có ĐT nghề May thời trang, cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp làm việc trong nghề May thời trang, các SV đã tốt nghiệp và đang hành nghề;
các chuyên gia về lĩnh vực giáo dục, đào tạo của các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng (xem mục 3.2.1).
Bước 6: Trên cơ sở phân tích ý kiến chuyên gia, tác giả tiến hành điều chỉnh, sửa chữa bản dự thảo CĐR nghề May thời trang nói trên. (bảng 2.1)
Bảng 2.1. Các nội dung điều chỉnh, sửa chữa CĐR 2.1.1. Vẽ kỹ thuật:
- Mô tả được các tiêu chuẩn trình bày bản vẽ kỹ thuật;
- Trình bày được các phép chiếu;
- Trình bày và thực hiện được bản vẽ các loại đường may, mặt cắt các cụm chi tiết của sản phẩm may và sản phẩm may bằng phần mềm corel draw.
2.1.7. Phương pháp thiết kế quần áo:
- Trình bày đặc trưng, kích thước, hình dáng kết cấu của quần áo;
- Xác định đúng vị trí đo và phương pháp lấy số đo để thiết kế quần áo;
- Trình bày được phương pháp thiết kế mẫu cơ sở của quần áo;
- Trình bày được phương pháp thiết kế các kiểu quần âu, sơ mi, váy, áo khoác ngoài.
2.2.1. Thiết kế trang phục:
- Thiết kế được mẫu cơ sở của quần áo;
- Thiết kế được các bộ phận cơ bản của các kiểu quần âu, sơ mi, váy, áo khoác ngoài;
- Thiết kế được các kiểu quần âu, sơ mi, váy, áo khoác ngoài;
- Sử dụng được các phần mềm tin học trong thiết kế sản phẩm may.
2.2.2. Cắt, may các kiểu quần âu, sơ mi, váy và áo khoác ngoài:
- May được các đường may cơ bản;
- May được các bộ phận chủ yếu của các kiểu quần âu, sơ mi, váy và áo khoác ngoài;
- Lắp ráp hoàn chỉnh các kiểu quần âu, sơ mi, váy và áo khoác ngoài;
- Cắt, may hoàn chỉnh các kiểu quần âu, sơmi, váy và áo khoác ngoài.