CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ CẤU TRÚC PHỤ THUỘC GIỮA CÁC THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VÀ ỨNG DỤNG TRONG ĐO LƯỜNG RỦI RO
1.4. Tổng quan các nghiên cứu liên quan đến Việt Nam
1.4.2. Tổng quan các nghiên cứu về cấu trúc phụ thuộc giữa thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối Việt Nam
Các nghiên cứu về cấu trúc phụ thuộc giữa các TTTC nội địa đã được nghiên cứu cho một số nước trên thế giới, chủ yếu tại các nước phát triển, vấn đề này tại các nước đang phát triển, các nước mới nổi còn nhiều khoảng trống có thể thực hiện. Các nghiên cứu về vấn đề này tại Việt Nam mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu mối quan hệ giữa các TTTC trong nước bằng phương pháp nghiên cứu lý thuyết hoặc sử dụng hệ số tương quan tuyến tính, hoặc mới bắt đầu áp dụng nghiên cứu cấu trúc phụ thuộc bằng phương pháp copula nhưng chưa có hệ thống. Có thể nhắc đến một số nghiên cứu như Nguyệt và Thảo (2013), Nguyễn và Quyết (2013), Hoa và Hường (2014), Lộc (2014), Yến và Sơn (2014), Nga (2014), Thơ và Lam (2015). Một số phương pháp đã được các nghiên cứu trước sử dụng như kiểm định đồng tích hợp theo phương pháp kiểm định nghiệm đơn vị phần dư Engle Granger trong Nguyệt và Thảo (2013) khi sử dụng dữ liệu theo tháng về Cung tiền, Lạm phát, Hoạt động kinh tế thực, Lãi suất, Tỷ giá hối đoái, Giá dầu, từ tháng 7/2000 đến tháng 9/2011. Từ đó, các tác giả cho rằng tỷ giá hối đoái có tương quan âm với TTCK (-): khi tỷ giá tăng (VND mất giá) 100 đồng/USD thì chỉ số VN-Index sụt giảm 16,672 điểm. Một phương pháp khác là sử dụng mô hình tự hồi quy dạng vectơ (VAR) cũng được Nguyễn và Quyết (2013) vận dụng với dữ liệu theo tháng từ tháng 10/2007 đến tháng 10/2012 tại TP.HCM về tỷ giá USD, lãi suất thị trường liên ngân hàng, chỉ số giá cổ phiếu. Kết quả cho thấy biến giá cổ phiếu có mối liên hệ với lãi suất và tỷ giá. Sự biến động tỷ giá hối đoái sẽ tạo ra các cú sốc tiêu cực đến giá cổ phiếu. Cũng sử dụng mô hình tự hồi quy dạng vectơ (VAR) cùng với mô hình phương sai thay đổi có điều kiện tự hồi quy tổng quát hóa (GARCH) đa biến, Thơ và Lam (2015) phân tích dữ liệu về chỉ số VNIndex và tỷ giá hiệu lực thực theo tháng từ tháng 07 năm 2000 đến tháng 12 năm 2013. Các tác giả thu được kết quả rằng không có mối quan hệ cân bằng dài hạn ổn định giữa tỷ giá hiệu lực thực VND và giá chứng khoán. Lan tỏa trong giá trị trung bình giữa TTNH và TTCK cũng không được tìm thấy trong giai đoạn nghiên cứu. Ngoài ra, bài nghiên cứu xem xét hiệu ứng lan tỏa bất ổn chéo giữa TTNH và TTCK sử dụng thống kê tỷ lệ hợp lý tối đa. Tồn tại hiệu ứng lan tỏa bất ổn hai chiều giữa hai thị trường, chỉ ra rằng những thay đổi ngoài kỳ vọng trong quá khứ trên TTCK có tác động lớn đến những bất ổn trong tương lai trên TTNH và ngược lại. Tương tự mô hình VAR, mô hình hiệu chỉnh sai số dạng vectơ (VECM) được sử dụng trong Yến và Sơn (2014) để phân tích dữ liệu theo tháng về lạm phát, lãi suất, tỷ giá, cung tiền và chỉ số VNIndex từ tháng 01/2007 đến tháng 12/2012. Các tác giả tìm thấy tỷ giá có tương quan cùng chiều với
TTCK. Bên cạnh đó, Hoa và Hường (2014) nghiên cứu chỉ số đóng cửa hàng tháng của TTCK định danh bằng đồng tiền địa phương và tỷ giá hối đoái cho năm quốc gia mới nổi là Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia và Mexico trong giai đoạn từ tháng 1 năm 2005 đến tháng 12 năm 2013 bằng mô hình EGARCH chuyển đổi Markov. Kết quả nhận được là hệ số ước lượng của sự thay đổi tỷ giá hối đoái mang giá trị âm và có ý nghĩa thống kê với tất cả các thị trường, điều đó đưa đến kết luận rằng những biến động trên thị trường ngoại hối sẽ làm giảm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán. Một cú sốc dương trong thị trường ngoại hối gần như dẫn lợi nhuận chứng khoán đến trạng thái bất ổn với giá trị thấp. Đó là xu hướng chung của tất cả các thị trường, tuy nhiên ở mỗi thị trường có tốc độ chuyển đổi trạng thái khác nhau. Xác suất chuyển đổi trạng thái của TTCK phụ thuộc vào mức độ thay đổi của tỷ giá hối đoái nhanh hay chậm. Cung cấp bằng chứng về hiệu ứng lan tỏa biến động giữa TTNH và TTCK cho tất cả các thị trường trừ Malaysia. Các kết luận trên đã đáp ứng mục tiêu nghiên cứu của bài và phần nào khẳng định thêm rằng mối liên kết động giữa tỷ giá hối đoái và biến động TTCK có khác nhau giữa các quốc gia khác nhau về về vị trí địa lý, đặc điểm khu vực, đặc điểm quốc gia, đặc điểm chính trị và các chính sách kinh tế vĩ mô giữa các thị trường. Hay theo phương pháp truyền thống là sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính đa biến, Lộc (2014) phân tích chuỗi giá, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của 20 cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, lãi suất cho vay, tỷ giá USD/VND, giá vàng và chỉ số giá tiêu dùng theo thời gian với tần suất theo quý trong giai đoạn từ 31/12/2006 đến 31/12/2012. Phương pháp này cũng giúp chỉ ra rằng tỷ giá USD/VND có tương quan cùng chiều với sự thay đổi giá của các cổ phiếu.
Trong các nghiên cứu về chủ đề này, đáng chú ý có luận văn thạc sĩ của Nga (2014). Luận văn này nghiên cứu sự biến đổi cùng nhau giữa TTCK và TTNH của năm quốc gia gồm Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, bằng cách mô hình hóa trực tiếp cấu trúc phụ thuộc sử dụng các hàm copula. Dữ liệu được sử dụng trong luận văn là dữ liệu theo ngày của TTCK và TTNH của năm quốc gia gồm Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam từ 28/7/2000 đến 30/09/2014. Dữ liệu nghiên cứu trong luận văn được chia thành hai thời kỳ: thời kỳ trước khủng hoảng từ 28/7/2000 đến 27/2/2007 và thời kỳ sau khủng hoảng từ 27/2/2007 đến 30/9/2014. Kết quả cho thấy rằng Copula SJC thay đổi theo thời gian (Time varying Symmetrized Joe-Clayton) là mô hình tốt để mô tả sự biến động cùng lúc giữa TTCK và TTNH đối với cặp chỉ số chứng khoán SHANGHAI và tỷ giá CNY-USD giai đoạn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, điều này có nghĩa là cặp chỉ số chứng khoán và tỷ giá
này cho thấy có sự phụ thuộc đuôi bên phải trong những tình huống thị trường biến động cực mạnh. Đối với cặp chỉ số VNINDEX và tỷ giá VND-USD giai đoạn sau khủng hoảng thì copula Gumbel là mẫu hình thể hiện sự phụ thuộc tốt nhất, tức có bằng chứng về sự phụ thuộc đuôi bên phải cao hơn, hay hai TTCK và ngoại tệ của Việt Nam sẽ có khả năng bùng nổ cùng nhau nhiều hơn. Tất cả những cặp chỉ số chứng khoán và tỷ giá còn lại phù hợp nhất với mẫu hình copula Gaussian thay đổi theo thời gian (Time varying Gaussian copula), có nghĩa là các cặp chứng khoán, tỷ giá này sẽ bùng nổ hoặc sụp đổ cùng nhau theo mẫu hình đối xứng.
Một số điểm khác của luận án này so với nghiên cứu của Nga (2014) được trình bày tóm tắt trong Bảng 1.3 dưới đây.
Bảng 1.3. So sánh ý tưởng của luận án với nghiên cứu của Nga (2014) Vấn đề Ý tưởng nghiên cứu của Nga
(2014) Ý tưởng nghiên cứu của tác giả Nội dung
nghiên cứu
- Cấu trúc phụ thuộc từng cặp giữa các chuỗi lợi suất theo ngày chỉ số TTCK mỗi quốc gia (Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Việt Nam) và lợi suất chỉ số tỷ giá theo USD của đồng tiền nước đó trong hai giai đoạn: trước khủng hoảng (từ 28/7/2000 đến 27/2/2007) và sau khủng hoảng (từ 27/2/2007 đến 30/9/2014).
- Cấu trúc phụ thuộc từng cặp giữa chuỗi lợi suất theo ngày của chỉ số TTCK VNINDEX và chuỗi lợi suất chỉ số TTNH (Đô la Úc AUD, Đô la Canada CAD, Franc Thụy Sĩ CHF, Nhân dân tệ Trung Quốc CNY, đồng tiền chung Châu Âu EUR, Bảng Anh GBP, Đô la Hồng Kông HKD, Yên Nhật JPY, Ringit Malaysia MYR, Krone Nauy NOK, Krone Thụy Điển SEK, Đô la Singapo SGD, Bạt Thái THB, Đô la Mỹ USD) giai đoạn từ 02/01/2007 đến 15/10/2015.
Phương pháp nghiên cứu
- Copula. - Copula và hồi quy phân vị từ đó so sánh kết quả thực nghiệm nhận được.
Giai đoạn và cách thức nghiên cứu
2000-2014, phân chia chuỗi số liệu để nghiên cứu từng giai đoạn trước và sau, khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng không đề cập đến hiệu ứng lan tỏa.
2007-2015, không phân chia chuỗi số liệu để nghiên cứu thời kỳ trước và sau khủng hoảng.
Nguồn: Phân tích của tác giả