Mô tả số liệu

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Kinh tế: Nghiên cứu cấu trúc phụ thuộc giữa các thị trường tài chính và ứng dụng trong đo lường rủi ro trên thị trường tài chính Việt Nam (Trang 111 - 114)

CHƯƠNG 4. ĐO LƯỜNG RỦI RO TRÊN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM

4.2. Đo lường rủi ro trên thị trường chứng khoán Việt Nam và thế giới thời kỳ

4.2.1. Mô tả số liệu

Số liệu về các chuỗi lợi suất chỉ số chứng khoán Việt Nam và một số quốc gia tương tự như ở Chương 3, bao gồm chỉ số TTCK Việt Nam (VNindex) và một số một số TTCK thế giới trong giai đoạn từ sau khủng hoảng, từ 14/10/2009 đến 19/6/2014, gồm 1165 quan sát. Các chỉ số TTCK thế giới được nghiên cứu là Pháp (CAC40), Anh (FTSE100), Hồng Kông (Hangseng), Indonesia (JCI), Singapore (STI), Hàn Quốc (Kospi), Đài Loan (Taiex), Thượng Hải (SSE) và Mỹ (gồm 3 chỉ số S&P500, Dowjones và Nasdaq).

Ý tưởng của phần này như sau: Trong Chương 3, ở thời kỳ sau khủng hoảng, chúng ta đã xác định được Copula tốt nhất để mô tả cấu trúc phụ thuộc giữa TTCK Việt Nam và mỗi TTCK thế giới (xem Bảng 3.14 Chương 3). Trong Chương 4, chúng ta giả định tạo một danh mục gồm 2 chỉ số là Vnindex và một chỉ số TTCK quốc tế.

Với hàm ý rằng, nhà đầu tư quyết định đầu tư trên 2 thị trường, còn vấn đề đầu tư cụ

thể vào tài sản nào trên từng thị trường sẽ được nghiên cứu sau, có thể là hình thức đầu tư vào các quỹ chỉ số. Phương án “đầu tư theo chỉ số” đã khá phổ biến ở các TTCK nước ngoài, tuy nhiên còn khá mới trên TTCK Việt Nam. Trong thời gian gần đây, một số công ty, sàn vàng tại Việt Nam đã triển khai sản phẩm giao dịch chỉ số theo VN-Index đến các nhà đầu tư. “Đầu tư theo chỉ số” là việc nhà đầu tư mua chứng chỉ của một quỹ đầu tư, mà DMĐT của quỹ này bao gồm một phần hoặc toàn bộ chứng khoán cấu thành nên một chỉ số trên thị trường theo tỉ lệ vốn hóa thị trường thích hợp sao cho mức chênh lệch giữa tỉ suất sinh lợi của danh mục và tỉ suất sinh lợi của chỉ số thị trường tiến đến 0. Một quỹ đầu tư cung cấp chứng chỉ như vậy gọi là quỹ chỉ số (index fund). Về cơ sở lý luận, Hoàng Đình Tuấn (2010a) đã khẳng định “danh mục của các danh mục đầu tư cũng sẽ là danh mục” (trang 40), do đó việc đo lường các rủi ro của các DMĐT chỉ số ở Chương 4 này là thực hiện được.

Đầu tư theo chỉ số có một số lợi thế như:

Thứ nhất, dễ sử dụng. Ưu điểm lớn nhất của đầu tư chỉ số là nó không yêu cầu bất kì sự hiện diện nào của các nhà đầu tư trong giao dịch. Tất cả những gì nhà đầu tư phải làm là chọn chỉ số mà mình muốn đầu tư và sau đó ban quản lý quỹ sẽ thực hiện toàn bộ phần còn lại. Lợi nhuận mà nhà đầu tư nhận được sẽ chính là hiệu suất và chỉ số đó đã có được trong thời gian đầu tư đó. Các quỹ chỉ số phổ biến nhất trên thế giới là S&P 500, DowJones và Nasdaq.

Thứ hai, chi phí thấp. Vì công việc quản lý của các quỹ chỉ số không quá phức tạp nên chi phí nhà đầu tư phải chi trả cho các nhà quản lý quỹ sẽ thấp hơn hẳn so với các loại quỹ tương hỗ thông thường. Những quỹ năng động có lợi nhuận cao hơn nhưng bù vào đó là mức phí cao cũng những rủi ro song hành.

Thứ ba, hiệu quả cao hơn. Các quỹ chỉ số có hiệu suất trong lịch sử tốt hơn các quỹ năng động khác. Họ tự hào rằng mình mang lại lợi nhuận cao hơn trong khi chi phí đầu tư cũng như lệ phí tham gia của nhà đầu tư đều thấp. Quỹ chỉ số mang lại lợi nhuận cao nhờ việc đa dạng hóa DMĐT ở một mức chi phí thấp cho các nhà đầu tư.

Lợi nhuận sau thế cao khiến cho các quỹ đầu tư chỉ số trở thành một công cụ khá hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đầu tư theo chỉ số cũng có một số nhược điểm:

Thứ nhất, không có khả năng đánh bại thị trường. Nếu quỹ chỉ số theo đuổi những “khoảnh khắc” của thị trường như những đối tượng đầu tư khác, họ sẽ thể hiện rằng mình không có khả năng làm tốt hơn thị trường. Những quỹ đầu tư năng động có khả năng điều chỉnh danh mục của mình để tận dụng những thời điểm mà thị trường

“có song”. Thông trường, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thì các quỹ đầu tư chỉ số sẽ mang lại hiệu quả kém hơn so với các quỹ năng động.

Thứ hai, hiệu suất của quỹ phụ thuộc vào tình trạng của nền kinh tế. Quỹ chỉ số cũng có thể hoạt động kém trong nền kinh tế trì trệ. Ví dụ, nếu nhà đầu tư đầu tư vào chỉ số S&P 500 vào năm 2000, nhà đầu tư sẽ thực sự thua lỗ trong vòng một thập kỷ qua. Nếu kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm hoặc không tăng trưởng thì các quỹ chỉ số sẽ còn hoạt động kém hiệu quả hơn nữa. Như chúng ta có thể thấy, các quỹ chỉ số cũng có những điểm lợi thế cũng như bất lợi riêng. Tuy nhiên, chúng thực sự là một công cụ đầu tư tốt cho các nhà đầu tư thụ động đang tìm kiếm sự đa dạng hóa nhanh chóng, dễ dàng với mức chi phí thấp.

Một phương pháp đầu tư đã phổ biến tại phần lớn các thị trường tiên tiến trên thế giới thì xu thế tất yếu nó sẽ được áp dụng tại các thị trường mới nổi khác trong tương lai, ví dụ như tại Việt Nam. Thực tế, cũng đã có một số quỹ đầu tư chỉ số hoạt động trên TTCK Việt Nam như FTSE Vietnam Index ETF, Market Vectors Vietnam ETF (V.N.M), MSCI Frontier Markets Index, iShares MSCI Vietnam Investable Market Index Fund, ETF VFMVN30. TTCK Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển, với mức tăng trưởng hàng năm là khá cao và lớn hơn so mức tăng trưởng bình quân toàn thế giới. Chiến lược đầu tư theo chỉ số khá phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn, có mức độ chấp nhận rủi ro thấp, đặc biệt với những người mới tham gia thị trường – những người còn thiếu kiến thức và cả kinh nghiệm đầu tư hay những người không có thời gian theo sát từng diễn biến của thị trường. Do vậy, mục tiêu mà họ đặt ra là DMĐT của họ đạt được mức sinh lời cũng như độ rủi ro tương đương với mức chung của toàn thị trường.

Phương pháp đầu tư này giúp hạn chế được khá nhiều rủi ro khi “bỏ trứng vào nhiều giỏ”.

Bên cạnh đó, phương pháp này lại dễ áp dụng cũng như cắt giảm chi phí nghiên cứu, khi chỉ cần theo dõi các thông tin vĩ mô, để dự đoán xu hướng thị trường trong dài hạn mà không cần mất công sức và thời gian cho các phân tích cơ bản hay kỹ thuật đối với cổ phiếu riêng lẻ trong ngắn hạn. Do vậy, sự hình thành các quỹ đầu tư theo chỉ số sẽ mang đến cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước một sản phẩm tài chính an toàn và mức sinh lời tương đối cao. Nội dung của Chương 4 này cung cấp một công cụ trong đo lường rủi ro chỉ số, để nhà đầu tư phần nào nắm bắt được mức độ rủi ro khi lựa chọn các chỉ số, từ đó đưa ra quyết định nên lựa chọn chỉ số nào vào DMĐT chỉ số của mình.

Copula được xác định ở Chương 3 sẽ được ứng dụng trong đo lường rủi ro để trả lời các câu hỏi sau về đầu tư chỉ số:

• Nếu nhà đầu tư hay các quỹ lớn quyết định đầu tư vào TTCK Việt Nam và một TTCK quốc tế khác với tỷ lệ vốn 50:50 thì giá trị VaR và CVaR của “danh mục”

này là bao nhiêu?

• Nếu xây dựng một số “danh mục đầu tư” tối ưu trên hai thị trường với một mức lợi suất cho trước, giá trị VaR, CVaR của danh mục tối ưu đó là bao nhiêu?

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Kinh tế: Nghiên cứu cấu trúc phụ thuộc giữa các thị trường tài chính và ứng dụng trong đo lường rủi ro trên thị trường tài chính Việt Nam (Trang 111 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(263 trang)