CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CẤU TRÚC PHỤ THUỘC GIỮA CÁC THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH
3.1. Nghiên cứu cấu trúc phụ thuộc giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và một số thị trường chứng khoán thế giới
3.1.4. So sánh và bình luận về kết quả thực nghiệm
Đối với phương pháp copula, việc lựa chọn các copula tốt nhất cho từng cặp lợi suất chứng khoán thể hiện việc lựa chọn mô hình tốt nhất để mô tả cấu trúc phụ thuộc giữa các cặp lợi suất. Việc đo lường hệ số phụ thuộc đuôi trên và đuôi dưới của từng cặp lợi suất thể hiện mức độ phụ thuộc cực trị giữa các thị trường, tương ứng, thể hiện khả năng hai thị trường cùng bùng nổ hoặc cùng sụp đổ. Việc phân chia các giai đoạn nghiên cứu để đo lường mức độ và mô tả cấu trúc phụ thuộc được chính xác hơn vì khi có khủng hoảng tài chính xảy ra thì thường gây ra hiện tượng thay đổi cấu trúc (structure change), ngoài ra kết quả thực nghiệm có được giúp thể hiện một hình thái của cấu trúc phụ thuộc là hiệu ứng lan tỏa.
Cụ thể, kết quả thực nghiệm trên thể hiện rằng, tồn tại hiệu ứng lan tỏa từ tất cả các thị trường phát triển và mới nổi lên TTCK Việt Nam ở các mức độ khác nhau. Điều đó thể hiện ở việc hệ số phụ thuộc đuôi giữa các thị trường tăng lên một cách đáng kể khi có khủng hoảng. Các hệ số phụ thuộc đuôi này được tính nhờ copula tốt nhất trong từng giai đoạn với mỗi cặp lợi suất chứng khoán. Trong đó hiệu ứng nhanh và mạnh nhất là từ thị trường Mỹ sau đó là từ các thị trường lớn mạnh như Pháp, Anh, Nhật Bản, và các thị trường Hồng Kông, Inđônêsia, Hàn Quốc và Đài Loan. Kết quả về khẳng định vai trò chủ đạo của thị trường Mỹ với các thị trường mới nổi ở châu Á cũng đã được chỉ ra trong Masil and Masil (1999), Climent and Meneu (2003). Trong kết quả của Chang và c.s (2010) với số liệu chứng khoán của Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Singapo và Trung Quốc cho thấy TTCK Việt Nam chịu tác động của thị trường Singapo. Trong luận án này, khi cập nhật dữ liệu chứng khoán từ 2004 đến 2014 thì kết quả cho thấy hiệu ứng lan tỏa từ thị trường Singapo nhưng ở mức độ yếu.
Đối với phương pháp hồi quy phân vị, chúng ta nhận thấy có cấu trúc phụ thuộc giữa TTCK Việt Nam và TTCK Mỹ, Nhật Bản. Đây là kết quả phù hợp với thực tiễn và nhiều nghiên cứu khác, vì đây là những thị trường lớn mạnh của các cường quốc hàng đầu thế giới, chi phối nền kinh tế của nhiều quốc gia. Sau khi Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC 14 (2006), Mỹ đã dành cho Việt Nam quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (11/2006). Năm 2006, Việt Nam cũng gia nhập WTO. Và 2006 chính là năm bắt đầu cho giai đoạn bùng nổ của TTCK Việt Nam như trong phần tổng quan về TTCK Việt Nam được trình bày ở Chương 1. Điều này thể hiện rõ trong sự thay đổi cả về mức độ và cấu trúc phụ thuộc của TTCK Việt Nam với TTCK Mỹ ở trên. Còn Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong số các quốc gia có dự án đầu tư
tại Việt Nam, Nhật Bản đứng thứ 3 về số vốn đăng ký nhưng đứng đầu về kim ngạch đầu tư đã đi vào thực hiện. Nhật Bản còn là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam.
Nghiên cứu cũng tìm thấy cấu trúc phụ thuộc của TTCK Việt Nam với TTCK Anh, Pháp, Úc, là các TTCK lâu đời và lớn mạnh phương Tây. Điều này thể hiện sự chuyển biến tích cực và cho thấy sự mở rộng hội nhập và vươn xa của TTCK Việt Nam tới các TTCK đó. Ngoài ra, TTCK Việt Nam cũng có cấu trúc phụ thuộc với TTCK Inđônêxia, một quốc gia trong khu vực ASEAN. Kết quả này cũng phù hợp với thực tế hợp tác Kinh tế - Thương mại - Đầu tư giữa Việt Nam và Inđônêxia ngày càng tăng. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng tốt, đạt hơn 4,6 tỷ USD năm 2012, hướng tới mục tiêu 5 tỷ USD hoặc cao hơn nữa trước năm 2015.
Những kết quả về sự phụ thuộc này của TTCK Việt Nam với một số quốc gia trên phù hợp với thực tiễn rằng tính chất, quy mô và mức độ hội nhập của TTCK Việt Nam với TTCK thế giới và khu vực đã và đang có nhiều thay đổi thực sự đáng kể. Đặc biệt, sau khi trở thành thành viên của WTO, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ và đúng lộ trình cam kết trong lĩnh vực tài chính nói chung và trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán nói riêng. Thành tựu quan trọng mà TTCK Việt Nam đạt được chính là sự gia tăng đáng kể của dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường trong nước. Sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư chứng khoán, các tập đoàn tài chính lớn sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa TTCK Việt Nam, tăng cường mức độ phụ thuộc của TTCK Việt Nam với TTCK thế giới. Nghiên cứu này hướng tới những phân tích định lượng với mục đích đóng góp nguồn tham khảo tin cậy cho các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư.
Kết quả còn chỉ ra là không có bằng chứng về sự phụ thuộc của TTCK Việt Nam và các TTCK Hồng Kông, Sing-ga-po và Thượng Hải. Việt Nam mới đặt quan hệ “đối tác chiến lược” với Sing-ga-po hai năm trở lại đây nhưng mối quan hệ đó lại không được thể hiện trong cấu trúc phụ thuộc giữa TTCK hai nước. Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ lâu đời, nhưng có thể TTCK không phải là kênh kinh tế mà Trung Quốc quan tâm đầu tư tại Việt Nam, thay vào đó là các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dệt may, bất động sản,… Một kết quả khá ngạc nhiên ở đây, đó là theo Trang thông tin điện tử đầu tư nước ngoài thuộc Bộ kế hoạch và đầu tư, Cục đầu tư nước ngoài, khi đánh giá tình hình đầu tư nước ngoài 7 tháng đầu năm 2014, đã có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 2353 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 36
tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ 2 với 3901 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 32,8 tỷ USD. Tiếp theo là các nhà đầu tư Sing-ga-po, Đài Loan và Hồng Kông. Tuy nhiên phản ánh trong kết quả nghiên cứu ở đây về TTCK lại chỉ cho thấy cấu trúc phụ thuộc giữa TTCK Việt Nam và TTCK Nhật Bản, và cấu trúc phụ thuộc yếu giữa TTCK Việt Nam với Đài Loan và Hàn Quốc, mà không tìm thấy cấu trúc phụ thuộc giữa TTCK Việt Nam với TTCK Sing-ga-po và Hồng Kông.
Từ các kết quả nghiên cứu này, có thể có một số khuyến nghị chính sách trong bối cảnh quốc tế hóa thương mại và tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài, như sau: Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có lẽ nên phát triển các chính sách hoặc khuyến khích tăng các hoạt động đầu tư chứng khoán với các TTCK mà Việt Nam ít phụ thuộc như Hồng Kông, Sing-ga-po và Thượng Hải, tăng cường hơn nữa quan hệ trên TTCK với Hàn Quốc, và cần quan tâm, theo dõi TTCK Sing-ga-po – một thị trường có đầu tư rộng rãi trong khu vực và trên thế giới. Cấu trúc phụ thuộc yếu giữa TTCK Việt Nam và TTCK Sing-ga-po hay Thượng Hải cần được xem xét nghiên cứu thêm.
Những thông tin nghiên cứu này còn hướng tới các nhà đầu tư muốn đa dạng hóa DMĐT gồm nhiều cổ phiếu trên sàn chứng khoán nhiều quốc gia. Các nhà đầu tư nên quan tâm đến tình hình TTCK các nước mạnh, các nước láng giềng, các nước có quan hệ thương mại khi quyết định đầu tư và quản lý DMĐT của mình, đồng thời có biện pháp phòng hộ rủi ro và xử lý kịp thời trước khi khủng hoảng tài chính thế giới (nếu có) đổ bộ vào thị trường trong nước.
Các kết quả ước lượng còn minh họa rằng sử dụng phương pháp hồi quy phân vị cung cấp một bức tranh chi tiết về sự phụ thuộc, làm sâu sắc hơn những hiểu biết về mối quan hệ giữa TTCK Việt Nam và thế giới, góp phần làm giàu thêm thông tin trong vấn đề này, vốn còn rất ít nghiên cứu.
Tổng kết lại, chúng ta có thể so sánh kết quả nghiên cứu cấu trúc phụ thuộc giữa các thị trường chứng khoán thế giới và TTCK Việt Nam khi sử dụng 2 phương pháp đã được sử dụng trong nghiên cứu cấu trúc phụ thuộc giữa các TTTC cho kết quả tốt, là phương pháp copula và phương pháp hồi quy phân vị, như trong Bảng 3.18 sau đây.
Bảng 3.18. Kết quả mô tả sự thay đổi cấu trúc và mức độ phụ thuộc giữa các cặp lợi suất chỉ số chứng khoán thế giới và Vnindex thời kỳ thị trường
bình ổn và khủng hoảng
Các cặp lợi suất
Phương pháp copula Phương pháp hồi quy phân vị Thay đổi
cấu trúc phụ thuộc
Thay đổi mức độ phụ
thuộc
Bằng chứng về hiệu ứng lan tỏa
Thay đổi cấu trúc phụ thuộc
Thay đổi mức độ phụ thuộc
Bằng chứng về hiệu ứng lan tỏa
ASX-VNindex Không Có Có Có Có Có
CAC40- VNindex Có Có Có Có Có Có
DOWJONES- VNindex Có Có Có Có Có Có
FTSE100- VNindex Có Có Có Có Có Có
HANGSENG- VNindex Không Có Có Không Có Có
JCI- VNindex Có Có Có Có Có Có
KOSPI- VNindex Có Có Có Không Có Có
NASDAQ- VNindex Có Có Có Có Có Có
NIKKEI225- VNindex Không Có Có Có Có Có
S&P500- VNindex Có Có Có Có Có Có
SSE- VNindex Có Có Có Không Có Có
STI-VNindex Không Có Có Có Có Có
TAIEX- VNindex Không Có Có Không Có Có
Nguồn: tác giả tổng hợp từ kết quả nghiên cứu Bảng 3.18 thể hiện một kết quả thực nghiệm khá thống nhất về hiện tượng lan tỏa từ một số TTCK thế giới đến TTCK Việt Nam khi có khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra.