CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ CẤU TRÚC PHỤ THUỘC GIỮA CÁC THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VÀ ỨNG DỤNG TRONG ĐO LƯỜNG RỦI RO
1.5. Tổng quan về các chính sách trên thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu
1.5.1. Tổng quan về chính sách trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2004-2014
Ngày 11/7/1998, Chính phủ ban hành về chứng khoán trong Nghị định số 48/CP và TTCK chính thức khai sinh cho TTCK Việt Nam ra đời. Đồng thời, Chính phủ cũng thành lập trung tâm giao dịch chứng khoán đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg ngày 11/7/1998 và chính thức đi vào hoạt động thực hiện phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000. Ngày 08/08/2007, Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh với vốn điều lệ là 1000 tỷ đồng. Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chính thức chào đời vào ngày 8/3/2005. Và ngày 17/1/2009, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội trở thành sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Khác với Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vốn là nơi niêm yết và giao dịch chứng khoán của các công ty lớn thì Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội là sân chơi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa với vốn điều lệ từ 5 đến 30 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2004-2005: Giai đoạn này thuộc giai đoạn chập chững biết đi của TTCK Việt Nam từ 2000-2005.
Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 66/2004/NĐ-CP chuyển UBCK về Bộ Tài chính. Đây là một động thái tích cực, tạo điều kiện phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan quản lý để sớm thúc đẩy thị trường phát triển.
Trong năm 2004, Bộ Tài chính đã ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 144/2003/NĐ-CP về niêm yết cổ phiếu và trái phiếu trên TTCK tập trung; phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng; thành viên và giao dịch chứng khoán; công bố thông tin trên TTCK; quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK; quy chế thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam; hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính đối với CTCK và công ty quản lý quỹ; quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; quy chế lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận trong lĩnh vực chứng khoán.
Sau khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2003 có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 100/2004/TT-BTC hướng dẫn riêng về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực chứng khoán và có Công văn số
11924/TC-CST ngày 20/10/2004 về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức niêm yết chứng khoán lần đầu.
Bên cạnh đó, NHNN ban hành quy định về quản lý ngoại hối đối với giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài trên TTGDCK, đặc biệt là quy định về việc ngân hàng thương mại cổ phần đăng ký niêm yết và phát hành cổ phiếu ra công chúng, vừa giúp tạo hàng cho TTCK, vừa giúp các ngân hàng có điều kiện tốt hơn trong việc huy động vốn trên TTCK phục vụ hoạt động kinh doanh, đồng thời giúp hoạt động của các ngân hàng minh bạch, rõ ràng hơn.
Với những quy định mới tại Nghị định 144/2003/NĐ-CP, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 161/NĐ-CP ngày 7/9/2004 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, thay thế Nghị định số 22/2000/NĐ-CP. Kế đến là ban hành Nghị định 187/2004/NĐ-CP thay thế Nghị định 64/2002/NĐ-CP về cổ phần hóa DNNN với định hướng cổ phần hóa các công ty, tổng công ty lớn làm ăn hiệu quả, gắn với việc niêm yết trên TTCK.
Sang năm 2005, ngày 8/3/2005, sau một thời gian dài chuẩn bị, TTGDCK Hà Nội dành cho giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với cơ chế giao dịch thoả thuận đã chính thức đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 189/2005/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
Để tăng cường hàng hóa cho TTCK, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 528/QĐ-TTg ngày 14/6/2005 về việc phê duyệt danh sách các công ty cổ phần hóa thực hiện bán đấu giá cổ phần, niêm yết, đăng ký giao dịch tại các TTGDCK. Đồng thời, theo Quyết định 2592/2005/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, DNNN tiến hành cổ phần hoá thông qua cơ chế bán đấu giá cổ phần trên các TTGDCK (theo tinh thần Nghị định 187/2004/NĐ-CP về chuyển công ty nhà nước sang công ty cổ phần), sau đó làm các thủ tục cấp phép niêm yết/đăng ký giao dịch trên các TTGDCK. UBCK cũng đã ban hành Quy chế mẫu về đấu giá cổ phần tại TTGDCK để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 238/2005/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 146/2003/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 49% cổ phiếu, chứng chỉ quỹ của tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK Việt Nam (ngoại trừ tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch thuộc khối ngân hàng, tỷ lệ nắm giữ tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 30%) và tối đa 30% cổ phiếu của công ty/tổ chức chưa niêm yết. Tổ chức kinh doanh chứng
khoán nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, góp vốn liên doanh thành lập CTCK hoặc công ty quản lý quỹ liên doanh tối đa là 49% vốn điều lệ.
- Giai đoạn năm 2006:
Điểm nổi bật nhất của giai đoạn này chính là sự ra đời của Luật Chứng khoán lần đầu tiên được Quốc hội thông qua. Trong quá trình thực hiện Nghị định 144/2003/NĐ-CP (trước đó là Nghị định 48/1998/NĐ-CP), phạm vi điều chỉnh của Nghị định đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa bao quát và phù hợp với điều kiện thực tế cũng như định hướng chiến lược phát triển TTCK.
Cụ thể: phạm vi điều chỉnh còn hẹp (chưa điều chỉnh việc phát hành chứng khoán ra nước ngoài), chưa điều chỉnh hoạt động giao dịch trên TTCK phi tập trung, giao dịch chứng khoán phái sinh…, do đó chưa tạo ra được môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ và ổn định để điều chỉnh mọi hoạt động trên TTCK.
Mặt khác, do chưa có Luật nên tính pháp lý của hệ thống pháp luật về TTCK chưa cao, chưa giải quyết được những khác biệt so với những văn bản pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp…
Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển đòi hỏi phải phát triển TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và yêu cầu bức thiết là phải hoàn chỉnh thể chế về chứng khoán và TTCK, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán ngày 29/6/2006, có hiệu lực từ ngày 1/1/2007.
Luật Chứng khoán ra đời góp phần hoàn chỉnh thể chế các quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật về TTCK, tạo nên một bước tiến vượt bậc trong việc nâng cao tính minh bạch của thị trường, mà quan trọng là đưa ra khái niệm về công ty đại chúng và yêu cầu các công ty đại chúng chưa niêm yết phải có nghĩa vụ công bố thông tin (nghĩa vụ này trước đó chỉ áp dụng cho các công ty niêm yết), đồng thời bổ sung nhiều quy định mới về phát hành chứng khoán, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán, quy định về nguyên tắc áp dụng điều ước quốc tế...
Các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán được gấp rút hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành kịp thời.
Cũng trong năm 2006, Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch phát triển TTCK giai đoạn 2006 - 2010, với mục tiêu cơ bản là mở rộng TTCK có tổ chức, áp dụng thông lệ tốt nhất về quản trị công ty đại chúng và các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng cao quy mô và năng lực của các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán.
- Giai đoạn năm 2007: Giai đoạn bùng nổ của TTCK.
Để hướng dẫn Luật Chứng khoán, Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, đi kèm với đó là các văn bản hướng dẫn thi hành: Thông tư hướng dẫn hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng; Thông tư hướng dẫn mua bán lại cổ phiếu và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng; Thông tư hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK; Quyết định ban hành Quy chế quản trị công ty áp dụng cho công ty niêm yết, Quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK, Quy chế tổ chức và hoạt động của công ty quản lý quỹ, Quy chế thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán.
Với mục tiêu phát triển nhanh, đồng bộ, vững chắc thị trường vốn Việt Nam, trong đó TTCK đóng vai trò chủ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 128/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020. Trên cơ sở đó, các đề án để thực thi Luật Chứng khoán đã được triển khai nghiên cứu xây dựng như: Đề án thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt;
Đề án tổ chức quản lý và giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết; Đề án phát triển ổn định và bền vững TTCK Việt Nam; Đề án chuyển đổi các TTGDCK, TTLKCK sang mô hình doanh nghiệp theo quy định tại Luật Chứng khoán.
Để từng bước chuẩn hóa tổ chức giao dịch thị trường, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 559/QĐ-TTg về chuyển TTGDCK TP. HCM thành Sở GDCK TP.
HCM hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
- Giai đoạn năm 2008-2009: Giai đoạn chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong giai đoạn thăng trầm của TTCK 2008-2009, để tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 53/2009/NĐ-CP về phát hành trái phiếu quốc tế và Quyết định 55/2009/QĐ-TTg cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua 49% vốn cổ phần của công ty đại chúng (trước đây chỉ là công ty niêm yết), ngoại trừ quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc/và danh mục ngành nghề cụ thể; không hạn chế sở hữu trái phiếu. Tuy nhiên, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009 quy định, nhà đầu tư cá nhân trong nước và ngoài nước sẽ bị đánh thuế thu nhập đối với cổ tức, trái tức, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán. Năm 2008 xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến TTCK suy giảm mạnh. Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã
ban hành Thông tư 160/2009/TT-BTC nhằm hỗ trợ các cá nhân tham gia trên TTCK, cụ thể: miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1/1/2009 đến hết ngày 31/12/2009, bao gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập từ đầu tư vốn, từ chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán). Một điểm chính sách cần quan tâm trong giai đoạn này là phản ứng trước tình cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu đổ bộ vào TTTC Việt Nam trong đó có TTCK, công cụ duy nhất mà UBCK đã thực hiện là giảm biên độ giao dịch, chỉ giúp làm chậm lại quá trình “rơi” của Vnindex.
- Giai đoạn năm 2010-2011: Giai đoạn giao dịch có nhiều biến động.
Nhằm hoàn thiện khung pháp lý, thể chế chính sách cho phát triển thị trường, trong năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ; Nghị định 84/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;
Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Hàng loạt văn bản hướng dẫn đã được Bộ Tài chính ban hành như: Thông tư hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK; Quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính; Quy định mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí hoạt động chứng khoán áp dụng tại các Sở GDCK và TTLKCK; sửa đổi, bổ sung Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội.
Ngày 24/11/2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011) nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của TTCK và thực tế thi hành Luật Chứng khoán 2006; đảm bảo định hướng phát triển thị trường theo đúng mục tiêu;
đồng thời từng bước tiếp cận với quy định và thông lệ quốc tế, cũng như tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Theo đó, bổ sung nhiều quy định mới như phạm vi điều chỉnh (bổ sung áp dụng đối với cả chào bán chứng khoán riêng lẻ), các quy định liên quan đến quản trị công ty, công bố thông tin, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào mua công khai, các tổ chức kinh doanh chứng khoán…
Cũng trong năm 2010, cơ quan quản lý đã chấp thuận cho các Sở GDCK thực hiện thay đổi lớn về cơ chế giao dịch. Sở GDCK TP. HCM thực hiện rút ngắn thời
gian khớp lệnh mở cửa, kéo dài thời gian khớp lệnh liên tục và tăng thêm 15 phút cho một phiên giao dịch.
Sở GDCK Hà Nội áp dụng giao dịch trực tuyến trên thị trường giao dịch cổ phiếu niêm yết và mở rộng thời gian giao dịch từ 8h30 đến 15h, thay thế phương thức giao dịch thỏa thuận điện tử bằng phương thức khớp lệnh liên tục trên thị trường UPCoM. TTLKCK đưa vào vận hành hệ thống phần mềm lưu ký mới có khả năng giám sát chi tiết đến từng tài khoản, từ đó có thể phát hiện ngay lập tức hiện tượng bán trước khi chứng khoán về tài khoản.
Năm 2011, cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách và thể chế cho TTCK. Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Cơ quan quản lý cũng tăng cường công tác kiểm soát rủi ro đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên cơ sở áp dụng các chỉ tiêu an toàn tài chính theo Thông tư 226/2010/TT-BTC và tăng cường kiểm tra, giám sát các giao dịch trên thị trường, thanh tra các tổ chức vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 74/2011/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch chứng khoán với nhiều quy định mới thuận lợi hơn cho hoạt động giao dịch và tính thanh khoản của thị trường như: cho phép mỗi nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản; thực hiện các giao dịch ngược chiều (mua, bán) cùng một loại chứng khoán trong ngày giao dịch; cho phép giao dịch vay mua ký quỹ... Ngoài ra, để tạo khung pháp lý và chuẩn bị cho việc thành lập và quản lý quỹ mở, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 183/2011/TT-BTC.
- Giai đoạn năm 2012-2013:
Trong năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/QĐ- TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 253/QĐ-TTg phê duyệt Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp; Quyết định số 1826/QĐ- TTg phê duyệt Đề án tái cấu trúc TTCK và các doanh nghiệp bảo hiểm; Chỉ thị 08/CT- TTg về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK nhằm giúp thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, hiệu quả.
Để triển khai các quyết định trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.