Nhóm công trình nghiên cứu về Hưng Yên và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Khoa học giáo dục: Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến năm 2015 (Trang 25 - 28)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.1.3. Nhóm công trình nghiên cứu về Hưng Yên và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Hưng Yên là mảnh đất giàu giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, được nhiều học giả nghiên cứu dưới các góc độ khác nhau:

Những công trình nghiên cứu chung về mảnh đất, con người Hưng Yên, gồm:

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, tập I (1929 -1954) [2]; tập II (1954 - 1975) [3]; tập III (1975 -2000) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên [4].

Đây là công trình nghiên cứu công phu về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên từ khi còn là những tổ chức tiền thân đến khi chính thức thành lập tháng 7 năm 1941 và quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương đến năm 2000. Suốt chặng đường dài lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên luôn coi trọng vai trò, vị trí của phụ nữ và luôn quan tâm lãnh đạo tổ chức Hội LHPN và các phong trào phụ nữ tỉnh. Qua đó, huy động được sự đóng góp to lớn, của mọi tầng lớp phụ nữ tỉnh Hưng Yên vào sự nghiệp cách mạng chung, nhất là thời kỳ đổi mới.

Cuốn sách Hưng Yên vùng phù sa văn hóa của Nguyễn Phúc Lai [123], giới thiệu khái quát những đặc điểm nổi bật văn hóa địa phương, bao gồm: Văn hóa nghệ thuật dân gian, di tích lịch sử, lễ hội, danh nhân tiêu biểu, nghề truyền thống, làng cổ, đặc sản văn hóa ẩm thực...giúp người đọc có góc nhìn sâu sắc hơn về đặc trưng văn hóa của vùng đất văn hiến Hưng Yên.

Cuốn sách Di tích lịch sử - văn hóa Hưng Yên của Bảo tàng Hưng Yên [25]. Nội dung cuốn sách tập trung giới thiệu về vùng đất thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến. Đó là những truyền thuyết đã đi vào huyền thoại với 158 đi tích và cụm di tích lịch sử - văn hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận ở 10 huyện, thị trong tỉnh, kèm theo một số hình ảnh tiêu biểu của các di tích để minh họa, giúp cho độc giả hiểu biết sâu sắc hơn về mảnh đất con người xứ nhãn.

Cuốn sách Phố Hiến của Nguyễn Khắc Hào, Nguyễn Đình Nhã [48], đã tái hiện một cách hệ thống diện mạo lịch sử vùng đất và con người, điều kiện tự nhiên và dân cư, từ quá trình phát triển nội, ngoại thương xưa đến kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Phố Hiến còn lại đến ngày nay.

Cuốn sách Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên sau 14 năm tái lập (1997-2010) của Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên [29]; và cuốn Kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên sau 15 năm tái lập (1997-2011) của Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên [30], đã đi sâu phân tích, đánh giá, nêu bật kết quả đạt được và phân tích của những kết quả về phát triển kinh tế Hưng Yên; cung cấp những số liệu thống kê về kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.

Đặc biệt, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh, người học trò suất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Hưng Yên trang trọng tổ chức Hội thảo cấp Quốc gia với chủ đề: Đồng chí Nguyễn Văn Linh với Cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên của Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Hưng Yên [23]. Kỷ yếu Hội thảo khoa học đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đống chí Nguyễn Văn Linh đối với cách mạng Việt Nam; những tình cảm sâu nặng của đồng chí với quê hương Hưng Yên; đồng thời, tuyên truyền truyền thống yêu nước và phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của người cộng sản cho cán bộ, đảng viên, và thế hệ trẻ;

cổ vũ động viên, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới CNH, HĐH đất nước.

Dưới các góc độ khác nhau, những công trình khoa học trên đã nêu bật truyền thống lịch sử, văn hóa và quá trình Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên đấu tranh chống đế quốc, phong kiến và xây dựng CNXH. Qua đó, làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh.

Những công trình khoa học nghiên cứu về công tác vận động phụ nữ và hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hưng Yên

Tiêu biểu là công trình khoa học Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Hưng Yên (1930 - 2000) do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hưng Yên [87]. Công trình đã phản ánh được những sự kiện quan trọng, những phong trào phụ nữ điển hình và những đóng góp to lớn của phụ nữ Tỉnh đối với quê hương Hưng Yên; đồng thời, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của tổ chức Hội và phong trào phụ nữ tỉnh Hưng Yên, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và 25 năm xây dựng CNXH.

Cuốn Nữ du kích Hoàng Ngân của Kinh Lịch [124] và cuốn sách Chuyện kể về phong trào nữ du kích Hoàng Ngân của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hưng Yên [27], đã giới thiệu những tấm gương nữ du kích trong kháng chiến chống Pháp anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, góp phần tô đậm thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ tỉnh Hưng Yên nói riêng. Bên cạnh đó, công trình khoa học trên cũng nêu bật tấm gương của các nữ anh hùng, đã chiến đấu, hy sinh anh dũng như: chị Bùi Thị Cúc, Trần Thị Khang, Trần Thị Tý, Vũ Thị Xoang...

Cuốn Hoa xứ nhãn của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hưng Yên, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hưng Yên [116]. Cuốn sách tuyển chọn những tác phẩm có nội dung khích lệ những cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ trong Tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ phụ nữ Hưng Yên nói riêng, và phụ nữ Việt Nam nói chung; rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước để xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Những công trình khoa học trên tập trung phân tích vai trò của Hội LHPN tỉnh và các tầng lớp phụ nữ qua các thời kỳ lịch sử, bước đầu chỉ ra phương thức lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh đối với phong trào phụ nữ; cung cấp tư liệu và cách tiếp cận trong nghiên cứu tổ chức Hội và phong trào phụ nữ tỉnh Hưng Yên những năm đổi mới.

1.2. NỘI DUNG NHỮNG CÔNG TRÌNH KHOA HỌC LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ĐÃ GIẢI QUYẾT VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LUẬN ÁN TẬP TRUNG NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Khoa học giáo dục: Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến năm 2015 (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(203 trang)