Quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và xây dựng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Khoa học giáo dục: Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến năm 2015 (Trang 31 - 35)

Chương 2 QUÁ TRÌNH ĐẢNG BỘ TỈNH HƯNG YÊN LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG

2.1.1. Quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và xây dựng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Xuất phát từ thực tiễn lịch sử dân tộc, được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, với những quan điểm tiến bộ về vai trò của phụ nữ, ngay từ khi mới thành lập và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ, gắn sự nghiệp đó với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh có những luận điểm thể hiện tầm nhìn chiến lược khi đặt vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam, nữ trong tương quan phát triển của xã hội mới, của CNXH. Người khẳng định “Nói phụ nữ là nói phần nửa của xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng Chủ nghĩa xã hội chỉ có một nửa” [130, tr.523]. “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được”, “Phụ nữ là một lực lượng xã hội rộng lớn, đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia” và “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công” [127, tr.219]. Vì vậy, “Muốn thâu phục cho được hết các phần tử phụ nữ thì ngoài sự cộng tác trong phụ nữ công nông ra, Đảng lại cần phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ “phụ nữ hiệp hội”, mục đích chính là mưu quyền lợi cho phụ nữ, làm cho phụ nữ được triệt để giải phóng”

[142, tr.21], và Người khẳng định “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” [129, tr.432].

Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo luôn vận dụng tư tưởng của Người về vấn đề giải phóng phụ nữ, nam nữ bình quyền trong từng thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Có thể khẳng định, chính những quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của phụ nữ trong lịch sử là yếu tố cơ bản để một đoàn thể cách mạng của phụ nữ Việt Nam sớm được thành lập.

Theo đó, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng tháng 10-1930 đã thông qua một nội dung riêng trong Nghị quyết về công tác vận động phụ nữ và chủ trương thành lập Phụ nữ Hiệp hội [40, tr.188-191].

Ngày 20-10-1930, Phụ nữ Hiệp hội - tổ chức tiền thân của Hội LHPN Việt Nam được thành lập với mục đích tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng phụ nữ theo đường lối của Đảng. Ngày 20-10-1946, Hội LHPN Việt Nam chính thức được thành lập. Từ khi thành lập, qua các thời kỳ cách mạng dan tộc dân chủ, Hội LHPN Việt Nam luôn thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia và đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đều chỉ rõ vai trò đại diện của Hội LHPN Việt Nam: “...là một tổ chức quần chúng cách mạng của Đảng, có truyền thống đoàn kết và giác ngộ chính trị cho các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đồng thời đấu tranh để thực hiện nam nữ bình đẳng, giải phóng phụ nữ” [36, tr.5].

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng đặc biệt chú trọng công tác vận động, tập hợp các tổ chức quần chúng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu một bước đổi mới quan trọng về sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực. Đề cập vị trí, vai trò của phụ nữ, Đại hội khẳng định:

Phụ nữ nói chung và lao động nữ nói riêng có những đặc điểm cần chú ý. Để phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng, cần làm cho đường lối vận động phụ nữ của Đảng được thấu

suốt trong cả hệ thống chuyên chính vô sản, được cụ thể hóa thành chính sách, luật pháp... Tạo điều kiện cho phụ nữ kết hợp được nghĩa vụ công dân với chức năng làm mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc [41, tr.450].

Đại hội chỉ rõ: Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng, hướng mạnh về cơ sở, thu hút đông đảo nhân dân vào các phong trào cách mạng… Thực hiện dân chủ XHCN, tôn trọng và đảm bảo quyền công dân; chống tệ quan liêu cửa quyền, ức hiếp quần chúng trong bộ máy lãnh đạo quản lý các cấp. Thực hiện có nền nếp khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; tất cả vì dân và do dân. Động viên và tổ chức quần chúng tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tham gia vào các hoạt động cải cách.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng, khóa VI ra Nghị quyết số 8B-NQ/TW Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, trong đó nhấn mạnh: Các đoàn thể ở cơ sở: ... Coi trọng việc tập hợp quần chúng bằng những hình thức linh hoạt, hoạt động theo những nội dung thích hợp. Đảng cần hướng dẫn sự đổi mới nội dung hoạt động của các đoàn thể và tổ chức quần chúng vào việc đoàn kết đoàn viên, hội viên cùng chăm lo lợi ích thiết thực của mình và góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước, xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng.

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 8B/NQ-TW (1990), Ban Bí thư ra Chỉ thị số 62/CT-TW (1990) yêu cầu: các đoàn thể quần chúng ở cơ sở định rõ chức năng, cải tiến phương thức hoạt động, đề ra nhiệm vụ của tổ chức mình để đem lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, hội viên.

Ngày 12-7-1993, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 04-NQ/TW Về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới nêu rõ: Hội LHPN là tổ chức đại diện cho lợi ích của phụ nữ, là trung tâm tập hợp đoàn kết phụ nữ Việt Nam, hướng dẫn và vận động chị em phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, bình đẳng nam nữ, vì sự nghiệp phát triển và hạnh phúc của phụ

nữ, vì sự nghiệp đổi mới, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh [142, tr.189].

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW(1993) của Bộ Chính trị, ngày 16-5-1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 37-CT/TW(1994) Về một số vấn đề cấp bách về công tác cán bộ nữ trong tình hình mới. Chỉ thị một lần nữa thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam, trong đó, công tác cán bộ là khâu then chốt.

Sau 10 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện, đất nước đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Với những nền tảng tạo được, Đại hội VIII (1996) quyết định chuyển đất nước sang một thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.

Trước yêu cầu của tình hình mới, Đảng tiếp tục nhấn mạnh một số nhiệm vụ chủ yếu trong công tác vận động phụ nữ:

Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000; đặc biệt coi trọng việc đào tạo nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, trẻ em; quan tâm phát triển Đảng và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ở các cấp, các ngành [37, tr.112].

Những năm cuối thế kỷ XX, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp. Những mâu thuẫn cơ bản trên thế giới vẫn còn tồn tại và phát triển, có nhiều nét mới: Cách mạng Khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển với tốc độ cao, làm tăng nhanh lực lượng sản xuất, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới, quốc tế hóa nền kinh tế và đời sống xã hội.

Ở trong nước, công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước đạt được những thành quan trọng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh và ổn định; văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; quốc phòng an ninh được củng cố; quan hệ đối ngoại từng bước mở rộng. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên CNXH là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã căn bản

hoàn thành. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa ra khỏi tình trạng một nước nghèo, kém phát triển; tình hình xã hội còn nhiều tiêu cực, nhiều vấn đề xã hội chưa được giải quyết, trong đó có những vấn đề liên quan trực tiếp và ảnh hưởng tiêu cực tới phụ nữ, trẻ em và cuộc sống gia đình.

Trước tình hình đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) của Đảng tiếp tục đổi mới tư duy về công tác vận động phụ nữ, với các quan điểm, chủ trương phù hợp với tình hình mới, nhất là việc thực hiện chính sách bình đẳng giới:

Đối với phụ nữ, thực hiện tốt luật pháp, chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn, có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em;

tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc [42, tr.120].

Như vậy, bước vào thời kỳ đổi mới, trên cơ sở tình hình thực tiễn của đất nước, nhằm khơi dậy truyền thống, bản chất tốt đẹp và tiềm năng của phụ nữ Việt Nam, khích lệ các tầng lớp phụ nữ các địa phương trong cả nước tích cực đóng góp nhiều hơn nữa, trí tuệ, sức lực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, Đảng đã kịp thời đề ra những chủ trương về công tác phụ nữ và xây dựng Hội LHPN, góp phần định hướng cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, địa phương để xây dựng tổ chức Hội và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội LHPN các cấp, từng bước thúc đẩy phong trào phụ nữ cả nước phát triển, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Khoa học giáo dục: Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến năm 2015 (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(203 trang)