Chương 2 QUÁ TRÌNH ĐẢNG BỘ TỈNH HƯNG YÊN LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG
2.1.3. Hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hưng Yên trước năm 1997
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới về kinh tế, nhằm phát huy tinh thần tự lực tự cường, đưa đất nước thoát khỏi khó khăn, đi lên CNXH. Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhiệm vụ chung của phong trào phụ nữ được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chỉ rõ: “Đoàn kết, tập hợp các tầng lớp phụ nữ, giáo dục, động viên chị em tích cực tham gia phong trào người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc” [87, tr.266].
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Hải Hưng (Hải Dương sáp nhập cùng tỉnh Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng từ năm 1968) và sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, trước năm 1997, phong trào phụ nữ và công tác Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có nhiều khởi sắc.
Thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, Hội vận động chị em có điều kiện giúp chị em khó khăn về giống vốn, công lao động, kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn chị em nâng cao nhận thức về làm kinh tế gia đình, sử dụng vốn có hiệu quả. Kết quả của phong trào, tăng thêm một khối lượng đáng kể về lương thực, thực phẩm, góp phần vào thắng lợi các chương trình, mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, “năm 1989 sản lượng lương thực đạt 98,5 vạn tấn, chăn nuôi tăng 15,7%, đời sống nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng được cải thiện và ổn định hơn, trình độ dân trí và đời sống tinh thần được nâng lên” [87, tr.274].
Cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo. Từ việc tương trợ giúp nhau làm kinh tế gia đình, đã nêu cao truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tăng thêm tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc, sống với nhau trong
“nghĩa xóm tình làng”, trên cơ sở đó tổ chức Hội được củng cố. Qua việc thực
hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực, đã động viên thu hút được đông đảo chị em tham gia, góp phần xây dựng phong trào phụ nữ ngày càng vững mạnh.
Cuộc vận động “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em bỏ học”. Các cấp Hội đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa tầm quan trọng của 2 cuộc vận động liên quan, gắn bó mật thiết với nhau, đáp ứng nguyện vọng của phụ nữ, trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội và thực hiện chiến lược “con người” của Đảng và Nhà nước. Nhờ hoạt động tích cực của các cấp Hội, “toàn tỉnh có 21.990 trẻ em bị suy dinh dưỡng, đã có 2.374 cháu trở lại sức khỏe bình thường. Vận động giúp đỡ vật chất được 2.419 cháu trở lại trường học trong tổng số 8.081 cháu học sinh cấp I bỏ học”
[87, tr.278].
Thực hiện công tác hậu phương quân đội, và các hoạt động văn hóa - xã hội, hội vận động chị em tích cực tham gia thực hiện công tác hậu phương quân đội, vận động phụ nữ chăm sóc bố mẹ liệt sĩ không nơi lương tựa, đỡ đầu con liệt sĩ, nuôi dưỡng thương binh nặng…Vận động chị em có đủ điều kiện tham gia dân quân tự vệ, động viên chồng, con thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự. Để thực hiện bảo vệ quyền lợi cho cho phụ nữ bằng pháp luật, Hội phụ nữ tích cực can thiệp, đề xuất với các ngành tư pháp, tuyên truyền luật pháp giúp chị em thực hiện tốt…
Trong điều kiện chuyển đổi cơ chế, tình hình xã hội có nhiều biến động, phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội phụ nữ trên địa bàn Hưng Yên còn những khó khăn và hạn chế nhiều mặt, chưa theo kịp với yêu cầu của thời kỳ mới. Một số cấp Hội tuy có chuyển biến về nhận thức nhưng hoạt động còn lúng túng, dàn trải. Năng lực, trình độ của cán bộ Hội còn chưa đáp ứng được yêu cầu, một bộ phận cán bộ Hội nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, thiếu kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, làm việc theo lối hành chính, chưa thực sự nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội, sự nghiệp bình đẳng giới; nội dung sinh hoạt chưa phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của quần chúng phụ nữ.
Điều đó thể hiện qua một số điểm hạn chế trong kết quả hoạt động của Hội Phụ nữ thuộc địa bàn Hưng Yên từ 1992 - 1996: Tỷ lệ tập hợp thu hút hội viên tham gia sinh hoạt mới đạt 65.08%, chưa tập hợp được đông đảo đối tượng nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nữ doanh nhân, phụ nữ tiểu thương. Trong chỉ đạo chưa quan tâm đúng mức đến tổng kết, kiểm tra đánh giá rút kinh nghiệm. Một số cơ sở Hội chậm đổi mới, thiếu chủ động, nội dung hoạt động chưa thiết thực, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của đông đảo phụ nữ. Đội ngũ cán bộ nữ chủ chốt các cấp giảm, trình độ năng lực đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ nữ công cơ sở nhìn chung thấp so với yêu cầu trong thời kỳ CNH, HĐH. Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, xã hội của phụ nữ còn thấp so với nam giới; diện lao động nông nghiệp hầu như không được đào tạo.
Điều kiện làm việc, đời sống sức khoẻ của lao động nữ chưa được cải thiện, thu nhập không ổn định. Trong công tác phối hợp liên ngành, mặc dù Hội có nhiều cố gắng, song ở một số việc, một số cơ sở sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Còn một bộ phận phụ nữ tự ti, thụ động, thiếu nghị lực và ý chí phấn đấu vươn lên.
2.2. CHỦ TRƯƠNG VÀ QUÁ TRÌNH ĐẢNG BỘ TỈNH HƯNG YÊN CHỈ ĐẠO HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH
2.2.1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên
Sau khi tái lập Tỉnh (1997), Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị nhanh chóng bắt tay vào sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức, ổn định tình hình tư tưởng, đẩy mạnh mọi hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Việc Đảng bộ Tỉnh quan tâm thích đáng đến công tác kiện toàn tổ chức, cán bộ của các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh nói chung, Hội LHPN tỉnh nói riêng là một điều kiện cần thiết và quan trọng, tạo đà cho quá trình ổn định và từng bước phát triển của tổ chức Hội và phong trào phụ nữ của một tỉnh mới được tái lập.
Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIV (11-1997), trên cơ sở xác định rõ những hạn chế của tỉnh mới tái lập và những yếu kém trong hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể nói riêng, Đại hội chỉ rõ: “Hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp có nơi, có lúc còn bộc lộ nhiều yếu kém. Thủ tục hành chính rườm rà, một bộ phận công chức còn sách nhiễu, phiền hà dân, bệnh quan liêu cửa quyền...” [158, tr.14], “… Sự lãnh đạo của cấp ủy, hoạt động của các đoàn thể chưa ngang tầm với sự tin cậy và đòi hỏi của cán bộ đảng viên và nhân dân của tỉnh giàu truyền thống vừa được tái lập, một số cấp ủy viên chưa sát dân và hiểu cơ sở…” [158, tr.15], Trên cơ sở phân tích sâu sắc thực trạng hoạt động của hệ thống chính trị của tỉnh, Đại hội xác định:
… Tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Các đoàn thể cần tập hợp rộng rãi đối tượng hội viên dưới nhiều hình thức tổ chức đa dạng, thực hiện tốt chức năng giáo dục, vận động quần chúng thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cụ thể, chăm lo lợi ích thiết thực cho hội viên. Mỗi đoàn thể cần có phong trào đặc trưng phù hợp, đại diện cho tầng lớp mình tham gia công việc của Nhà nước. Hướng mạnh về cơ sở để phát triển tổ chức, củng cố sinh hoạt, đào tạo cán bộ, khắc phục bệnh quan liêu hành chính trong hoạt động của các đoàn thể [158, tr.33].
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội, ngay trong năm 1997, Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Chương trình hành động, trong đó nêu rõ “…Đổi mới phương thức hoạt động của các đoàn thể quần chúng để gắn hoạt động thực tiễn cơ sở”
[159, tr.4].
Nhằm cụ thể hóa những quan điểm trên, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8B (khóa VI) năm 1990, Nghị quyết 04-NQ/TW (1993) và Chỉ thị số 37-CT/TW (khóa VII) năm 1994, Đảng bộ Tỉnh ban hành một số văn bản chỉ đạo công tác vận động phụ nữ. Sau khi Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ tỉnh Hưng Yên được kiện toàn (1998), Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW (1998) của Bộ
Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo hoạt động của các hội quần chúng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV (2000), nêu rõ giải pháp nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, tiếp tục phát triển tổ chức, kết nạp thêm hội viên, đoàn viên, không ngừng đổi mới nội dung phương thức hoạt động, công tác hướng về cơ sở, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và lợi ích thiết thực của hội viên, đoàn viên, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nước: “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”; “Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”; “Giữ gìn phát huy bản chất tryền thống bộ đội cụ Hồ”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”; “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”; “công nhân viên chức lao động thực hiện chương trình phục vụ nông nghiệp, lao động sáng tạo, thi đua 2 giỏi”... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các thành viên đã tích cực tham gia vào hoạt động chính trị xã hội. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng thực hiện quy chế dân chủ, giải quyết những vấn đề nổi cộm ở cơ sở, cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng củng cố chính quyền [160, tr.19].
Nghị quyết Đại hội chỉ rõ, phải quan tâm đến phụ nữ nghèo, cổ động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, để đời sống chị em được đảm bảo. Để thực hiện được chủ trương đó, Hội LHPN tỉnh đã giải quyết tốt nguồn vốn vay và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương. Đồng thời, “…
Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, khắc phục tình trạng hành chính hóa, quan liêu; hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác vận động quần chúng...” [160, tr.51-52].
Như vậy, trong 2 nhiệm kỳ, Đảng bộ Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sát sao Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, trong đó có Hội LHPN tỉnh.
Quan điểm đó tiếp tục được Tỉnh ủy khẳng định trong Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8B (khóa VI) năm 1990; Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân và các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về công tác dân vận, mặt trận, dân tộc và tôn giáo trong thời kỳ đổi mới.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức xã hội cần tiếp tục nắm chắc vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình để xây dựng nội dung chương trình công tác nhằm phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của từng địa phương, đơn vị. Thông qua hoạt động thực tiễn củng cố tổ chức, xây dựng con người mới, coi trọng chất lượng hiệu quả, khắc phục tệ phô trương, hình thức, không ngừng phát triển nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên và tổ chức cơ sở của đoàn của hội [161, tr.22].
Thực hiện Chỉ thị thị số 42-CT/TW (1998) của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (2005) nhấn mạnh:
... Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tổ chức, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo phương châm hướng về cơ sở, vì cơ sở, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, chống quan liêu hình thức. Từng đoàn thể cần phát động và duy trì tốt các phong trào quần chúng mang sắc thái riêng của mình vừa thiết thực với đoàn viên, hội viên, có tác dụng xây dựng tổ chức đoàn thể vững mạnh phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ... [162, tr.52].
Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động
của hệ thống chính trị, Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 43 và Kế hoạch số 51 KH/TU, chỉ rõ: “Ban Thường vụ cấp ủy cho ý kiến định hướng công tác lớn trong từng thời gian về chương trình, nội dung hoạt động hàng năm của Mặt trận Tổ quốc và cá đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy tính chủ động, sáng tạo, các hình thức tổ chức hoạt động, sự gắn bó với nhân dân, tăng cường công tác dân vận khắc phục tình trạng hành chính hóa hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” [167, tr.3]. Từ thực tiễn thực hiện chủ trương của Đảng bộ Tỉnh, Về tiếp tục đổi mới phương thứclãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, “...Các cấp ủy chính quyền, đoàn thể cán bộ, đảng viên đã nắm được mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp, để nâng cao chất lượng hoạt động của Hội phụ nữ các cấp” [168, tr.3]. Tỉnh ủy chủ trương: “...Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hệ thống chính trị của địa phương, nhằm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” [168, tr.3]
Trên cơ sở đó, Báo cáo Kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XV và kết quả thực hiện cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng trình Đại hội XVI (2005), Đảng bộ tỉnh nhấn mạnh: “... Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên...” [162, tr.76].
Như vậy, trong những những năm (1997-2005), Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã đề ra những chủ trương về công tác phụ nữ và lãnh đạo hoạt động của Hội LHPN, được thể hiện tập trung ở một số nội dung cơ bản sau:
Một là, khắc phục những hạn chế của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc lãnh đạo hoạt động của Hội LHPN và phong trào phụ nữ, trên cơ sở đó tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với tổ chức hội các cấp.
Hai là, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội phụ nữ các cấp và phong trào phụ nữ trong toàn tỉnh, góp phần huy động năng lực, trí lực của các tầng lớp phụ nữ vào sự nghiệp đổi mới.
Ba là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ phụ nữ làm nòng cốt để vận động các tầng lớp phụ nữ vào sinh hoạt trong Hội phụ nữ các cấp. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển hội viên tại các địa phương và các ngành nghề, thành phần kinh tế, theo hướng hướng về cơ sở.