Chương 4 NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM
4.2.4. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh các cấp, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng
Sinh thời Bác Hồ từng căn dặn: “Cán bộ là gốc của mọi công việc...
công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém... vì vậy phải chú trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi người có ích cho công việc chung của chúng ta” [128, tr.269, 273]. Từ khi thành lập, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, Đảng luôn xác định công tác cán bộ có tầm quan trọng đặc biệt, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, quyết định sức mạnh của Đảng, của hệ thống chính trị, quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước. Quán triệt quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể từ khi ra đời và đặc biệt từ khi tái lập tỉnh, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên luôn coi trọng công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ nữ, cán bộ Hội LHPN nói riêng nhằm đáp ứng yêu hoạt động của cả hệ thống chính trị trong tỉnh cũng như quá trình hoạt động của Hội.
Nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, hàng năm công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ luôn được quan tâm thực hiện, đảm bảo khách quan, dân chủ. Việc đánh giá, quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ được căn vào tiêu chuẩn, hiệu quả công việc, xem xét khả năng và triển vọng của cán bộ.
Trước năm 1997, đội ngũ cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên trách của Hội LHPN các cấp trong tỉnh chủ yếu trưởng thành từ phong trào phụ nữ, có lòng nhiệt tình và kinh nghiệm công tác nhưng còn hạn chế trong trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Đến khi tái lập Tỉnh, bên cạnh hạn chế về chất lượng còn rất thiếu về số lượng. Những năm gần đây, mặc dù đội ngũ cán bộ được bổ sung, trẻ hóa và đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, chịu khó học hỏi, nghiên cứu... nhưng kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo
công tác Hội và phong trào phụ nữ còn hạn chế. Xuất phát từ điều kiện, yêu cầu đó, từ năm 1997 đến năm 2015, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã chủ trương lãnh đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Hội LHPN trên một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ chuyên trách cấp tỉnh và huyện, đội ngũ Ban Chấp hành cấp cơ sở.
Đối với cán bộ Hội các cấp, trong nhiều thời kỳ cách mạng, vấn đề chính trị, tư tưởng, nhất là phẩm chất đạo đức, lối sống thường không phải là vấn đề đặt ra bức thiết vì chị em đa số đều được rèn luyện, tu dưỡng, trưởng thành trong môi trường lành mạnh của tổ chức Hội và phong trào phụ nữ. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, những vấn đề khó khăn của đời sống, các vấn đề xã hội tiêu cực, nhiều vấn đề của phụ nữ, nhất là những bất bình đẳng đối với phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội... đã và đang có nhiều tác động đến tâm tư, tình cảm, lối sống của một bộ phận phụ nữ nói chung, cán bộ Hội nói riêng. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ Hội cơ sở (nơi chỉ có đồng chí chủ tịch là công chức chuyên trách, còn lại cả Ban Chấp hành là cán bộ không chuyên trách, không có lương, không được đóng bảo hiểm xã hội), chị em tham gia công tác Hội chủ yếu bằng lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, hầu như chưa có hoặc chỉ nhận được số phụ cấp vô cùng nhỏ bé. Vì vậy, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức Đảng cơ sở, các cấp Hội phối hợp với Ban Tuyên giáo cấp ủy cùng cấp thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức lối sống cho chị em, tiếp tục khơi dậy và phát huy những truyền thống quý báu của người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ tỉnh Hưng Yên trong thời kỳ mới. Để tạo điều kiện cho Hội thực hiện công tác này, từ năm 1997 đến năm 2015, Đảng bộ tỉnh liên tục chỉ đạo các ban ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ Hội LHPN tỉnh biên soạn, xuất bản và tổ chức phát hành, giới thiệu cuốn Lịch sử phong trào Phụ nữ tỉnh Hưng Yên (1930 - 2000);
xây dựng Nhà Lưu niệm lực lượng du kích Hoàng Ngân Hưng Yên và anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Thị Khang; triển khai thực hiện Đề án “Tuyên
truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai đoạn 2010-2015” trên địa bàn Tỉnh.
Đặc biệt, gắn việc thực hiện Đề án này với việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ rèn luyện 4 phẩm chất: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.
Thứ hai, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và chuyên trách của Hội với nhiều hình thức thích hợp, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Hội trong điều kiện mới.
Căn cứ chủ trương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và cán bộ nữ của Hệ thống Chính trị toàn tỉnh; căn cứ trên những kiến nghị, đề xuất của Hội LHPN, Tỉnh ủy Hưng Yên đã thường xuyên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận và chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và chuyên trách của Hội với nhiều hình thức thích hợp. Ngay sau khi tái lập tỉnh, để kịp thời bù đắp những thiếu hụt về trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trong tỉnh, Đảng bộ đã thống nhất chủ trương chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện liên kết với nhiều trường Đại học để mở các lớp đào tạo ngay tại tỉnh, dưới hình thức học tại chức để tạo điều kiện cho nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt của tỉnh, nhất là cán bộ nữ có thể tham gia học tập nâng cao trình độ.
Đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện hóa đất nước” Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẳng định: “Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, sử dụng cán bộ nữ. Vì vậy, trong những năm qua, tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch, cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tham gia cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, ngày càng tăng; có 66 đồng chí là lãnh đạo ở các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, đơn vị tỉnh ủy quản lý; trong đó cấp trưởng: 14 đồng chí; cấp Phó trưởng ngành: 52 đồng chí” [175, tr.6].
Đối với cơ quan Hội LHPN tỉnh, đến Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XII, “cán bộ cấp tỉnh 86,6% có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học;
20% có trình độ chính trị cao cấp, cử nhân; 6,3% có trình độ trung cấp lý luận.
Cán bộ cấp huyện 45% trình độ cao đẳng, đại học; 39% cán bộ tỉnh - huyện đã học nghiệp vụ công tác Hội theo chương trình tại trường cán bộ Phụ nữ Trung ương” [83, tr.14]; Nhờ chủ trương của Đảng bộ và nỗ lực của cán bộ tỉnh, chất lượng cán bộ tham gia BCH của Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã được nâng lên đáng kể.
Riêng đối với cán bộ Hội cấp cơ sở, Đảng bộ tỉnh giao cho các Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện và Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh hàng năm đều đặn mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác và lý luận chính trị cho hàng ngàn chị em.
Thứ ba, luôn coi công tác cán bộ Hội Phụ nữ là một bộ phận quan trọng của công tác cán bộ nữ.
Tỉnh ủy đã quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nới chung và công tác cán bộ nữ nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung Đảng (khóa VIII) Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết sô số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị Về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đảng bộ tỉnh xác định: nâng cao tỉ lệ nữ tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội là một yêu cầu quan trọng để thực hiện bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện phát huy tài năng, trí tuệ và nâng cao địa vị người phụ nữ.
Nhận thức được vấn đề đó, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ nói chung, đồng thời luôn coi công tác cán bộ của Hội LHPN là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ nữ của tỉnh. Trong số học viên nữ của các khóa đào tạo trình độ lý luận chính trị (cử nhân, cao cấp, trung cấp) được tổ chức tại trường Chính trị tỉnh, có đa số là cán bộ chủ chốt của Hội LHPN cấp huyện, cán bộ trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Hội LHPN tỉnh. Trong các kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Hội đồng
nhân dân các cấp, Hội LHPN là địa chỉ tin cậy giới thiệu với Đảng đội ngũ ứng cử viên nữ có chất lượng cao. Từ năm 1997 đến năm 2015, đội ngũ cán bộ chủ chốt và chuyên trách trong các cấp Hội Phụ nữ Hưng Yên đã được xây dựng, kiện toàn cơ bản đủ về số lượng, vững vàng về phẩm chất và chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là kỹ năng trong công tác vận động phụ nữ, trở thành vốn quý, đáp ứng yêu cầu hoạt động của Hội.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao của giai đoạn mới đối với công tác Hội và tăng cường hoạt động của Hội, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh Hưng Yên trong thời gian tới cần tiếp tục chú trọng vận dụng có hiệu quả hơn nữa kinh nghiệm về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Hội LHPN đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tiểu kết chương 4
Trong quá trình lãnh đạo hoạt động của Hội LHPN tỉnh, với chủ trương, đường lối đúng đắn và qua trình chỉ đạo thực hiện sát sao, thường xuyên, kịp thời, với biện pháp rõ ràng cùng cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp...các cấp bộ Đảng bộ, chính quyền, các ban ngành, tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã tạo điều kiện để Hội LHPN hoạt động, đem lại những kết quả tích cực, góp phần thiết thực hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Tỉnh.
Trong 18 năm (1997-2015), trải qua 5 kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo hoạt động Hội LHPN tỉnh đạt được kết quả quan trọng: Vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm của Đảng trong lãnh đạo hoạt động của Hội LHPN tỉnh, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương; kịp thời chỉ đạo thường xuyên xây dựng, phát triển tổ chức Hội LHPN tỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn; tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng tổ chức Hội và hoạt động của Hội LHPN tỉnh.
Bên cạnh những ưu điểm, quá trình Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo hoạt động của Hội LHPN tỉnh vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác lãnh đạo,
tạo điều kiện, phối hợp, hỗ trợ hoạt động của Hội LHPN nói chung và công tác xây dựng tổ chức Hội, đổi mới hoạt động của Hội Phụ nữ nói riêng; công tác chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ về công tác phụ nữ, xây dựng tổ chức Hội và đổi mới hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ ở một số cấp ủy chưa đạt hiệu quả; một số cấp ủy Đảng chưa nhận thức đầy đủ quan điểm công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng;
cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Hội LHPN hoạt động của Đảng bộ và các cấp chính quyền trong tỉnh còn thiếu cụ thể, chưa sát hợp, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu mới.
Thực tiễn lãnh đạo hoạt động của Hội LHPN tỉnh đã để lại cho Đảng bộ tỉnh những kinh nghiệm thiết thực: Chủ động bám sát, vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong việc hoạch định chủ trương và chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hưng Yên; đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tạo điều kiện để các cấp Hội hoạt động; thường xuyên chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh các cấp, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn.
Những kết quả đạt được cũng như những hạn chế và kinh nghiệm qua hoạt động của Hội LHPN tỉnh trong những năm 1997-2015, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng lãnh đạo hoạt động của Hội LHPN tỉnh nói riêng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội nói chung của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, góp phần xây dựng Hội LHPN tỉnh trở thành tổ chức chính trị - xã hội ngày càng vững mạnh.