Chương 3 ĐẢNG BỘ TỈNH HƯNG YÊN LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
3.2.1. Chỉ đạo xây dựng tổ chức Hội, đội ngũ cán bộ và phát triển hội viên
3.2.1.1. Công tác xây dựng tổ chức Hội và phát triển hội viên
Để nâng cao chất lượng tổ chức Hội, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tổ chức huyện, thành ủy nắm tình hình đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện. Hàng năm, các cấp Hội thực hiện việc quy hoạch cán bộ Hội theo sự chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp,
trình Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp phê duyệt, cán bộ trong diện quy hoạch được cấp ủy các cấp quan tâm chọn, cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và chú trọng công tác phát triển hội viên.
Nhằm nâng cao chất lượng tổ chức Hội, Đại hội đại biểu phụ nữ Tỉnh lần thứ XIV (2011) khẳng định:
Công tác củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và được chỉ đạo theo hướng tập trung đầu tư cho cơ sở, nhất là những cơ sở khó khăn, xa trung tâm, chăm lo lợi ích thiết thực của phụ nữ; đa dạng hóa các hình thức thu hút các đối tượng phụ nữ vào tổ chức Hội [107, tr.10].
Với chủ trương đó, đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu công tác “Trong 5 năm (2006-211), các cấp Hội đã phối hợp với Trường Nguyễn Văn Linh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố tổ chức 114 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho 7.862 lượt cán bộ cơ sở”; số lượng hội viên tăng lên đáng kể “Trong nhiệm kỳ, toàn Tỉnh đã kết nạp mới 25.407 hội viên, nâng tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt Hội lên 83,4% (tăng 7,8% so với đầu nhiệm kỳ (75,6% năm 2006), chỉ tiêu Đại hội là tăng 2,8%”), trong đó có 89,2% hội viên thường xuyên sinh hoạt” [107, tr.11].
Kết quả, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11/TW (2007), chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở được nâng lên, 100% cơ sở xây dựng được hội viên nòng cốt. Đến năm 2012, tổng số hội viên toàn Tỉnh là 247.528, đạt trên 83,5%, tăng 4,2% so với năm 2007; 161/161 cơ sở Hội xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội; có 3.297 chi tổ hội tăng 82% so với năm 2007 [171, tr.6].
Thực hiện Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở giai đoạn 2013-2017", Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 22 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho 1.760 Ủy viên
Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, tổ trưởng tổ phụ nữ; phối hợp tổ chức 01 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội 1 tháng cho 100 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ trong quy hoạch chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN cơ sở. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã phối hợp với Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố tổ chức được chức 127 lớp nghiệp vụ công tác Hội cho 11.087 lượt cán bộ Hội cấp huyện, thành phố và chủ chốt cơ sở [119, tr.9].
Công tác củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và tiếp tục chỉ đạo hướng mạnh các hoạt động về chi, tổ phụ nữ, quan tâm đến triển khai có hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích thiết thực của hội viên, phụ nữ, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với phụ nữ.
Chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở được nâng lên, 100% cơ sở xây dựng được hội viên nòng cốt; đến năm 2015, tổng số hội viên là 260.253 tăng 34.818 so với năm 2007, tăng 12.724 so với năm 2012.
Trên cơ sở chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác vận động quần chúng nói chung, công tác lãnh đạo hoạt động của Hội LHPN nói riêng, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên luôn chú trọng xây dựng tổ chức Hội; phát triển hội viên; đồng thời, nắm chắc tình hình phụ nữ, những vấn đề đặt ra đối với công tác phụ nữ tại địa phương, tiếp tục xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
3.2.1.2. Công tác xây dựng bộ máy, đội ngũ cán bộ Hội
Với mục tiêu xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội thực sự có năng lực để hướng dẫn, tổ chức phong trào phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh ủy luôn tạo mọi điều kiện để các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 42-NQ/TW(2004) của Bộ Chính trị Về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU (2005) Về công tác quy hoạch cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết chủ trương:
Những đồng chí dưới 45 tuổi đưa vào quy hoạch phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành hệ chính quy và cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung. Quy hoạch cần có ba độ tuổi để đảm bảo trẻ hóa đội ngũ, với yêu cầu về độ tuổi trung bình khóa sau phải thấp hơn khóa trước, cơ cấu cấp ủy tỉnh 35 tuổi trở xuống 5-10%, 36-50 tuổi đạt 60%; cấp ủy huyện, thành phố dưới 35 tuổi từ 10-15%, 36-45 tuổi đạt 70%; cấp cơ sở, tuổi bình quân trẻ hơn cấp huyện, cơ cấu nữ ở cả ba cấp đạt từ 15% trở lên [163, tr.3].
Thực hiện chủ trương đó, đến tháng 7 năm 2006, đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội có sự phát triển: Trong cơ quan dân cử: Nữ đại biểu Quốc hội 2/7; Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh 13/52, trong đó, cấp huyện - thị 90/327; cấp cơ sở 931/4024. Nữ tham gia cấp ủy: cấp tỉnh 6/49, cấp huyện - thị 60/389; cấp cơ sở 608/3.831. Nữ lãnh đạo các sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh: cấp trưởng có 8, cấp phó có 13. Nữ lãnh đạo chủ chốt các huyện - thị: 2 Phó Bí thư Huyện ủy, 1 Chủ tịch, 2 phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, 1 phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân.
Cấp cơ sở: 8 Bí thư, 12 phó Bí thư, 2 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, 6 phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, 8 Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, 11 phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân. Để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, Hội LHPN tỉnh phối hợp mở các lớp nghiệp vụ phụ vận cho 62.432 lượt cán bộ Hội từ chi, tổ trưởng trở lên, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ được bồi dưỡng nghiệp vụ, có 95 cán bộ chủ chốt và cán bộ nguồn của Hội phụ nữ cơ sở được học lớp trung cấp phụ vận lý luận 2,5 năm [11, tr.5].
Để chủ động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ được đào tạo chính quy, sau đại học, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; căn cứ vào Nghị quyết số 11-NQ/TW(2007) của Bộ Chính trị Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Thường vụ tỉnh ủy (khóa XVI), đã xây dựng Kế hoạch số 44-KH/TU (2007) và Chương trình hành động số 11-CTr/TU (2007) Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Đồng thời, ban hành Đề án số 01-ĐA/TU (2009) Về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, chỉ đạo các cấp ủy đảng có trách nhiệm lãnh đạo, xây dựng, quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong quy hoạch tổng thể ở từng địa phương, đơn vị. Định kỳ, hàng năm, Tỉnh ủy chỉ đạo Ban tổ chức Tỉnh ủy và các cấp ủy tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Do vậy, công tác quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ của Tỉnh đã cơ bản đảm bảo sự chuyển biến liên tục giữa các thế hệ; cơ cấu; độ tuổi cán bộ được trẻ hóa. Tỉ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được nâng lên.
Đánh giá về kết quả xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, Nghị quyết Đại hội phụ nữ Tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ (2006 - 2011) khẳng định:
Công tác quy hoạch, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp được nâng lên một bước mới. Đảng, đoàn Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, đổi mới công tác cán bộ;
cấp tỉnh và huyện, thành phố, xây dựng quy hoạch cán bộ theo hướng dẫn của cấp ủy cùng cấp đảm bảo dân chủ, đúng quy trình và đạy chất lượng. Đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với nhiều giải pháp: Chủ động xây dựng kế hoạch, khai thác nguồn kinh phí, phối hợp với Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện - thành phố tổ chức bồi dưỡng, đào tạo kiến thức lý luận chính trị, quản lý Nhà nước cho cán bộ Hội [102, tr.8].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh, các ban, ngành chức năng đã tham mưu về kiện toàn bộ máy, tổ chức, đội ngũ cán bộ của Hội. Ban tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ đã tích cực phối hợp với các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh xây dựng tổ
chức, bộ máy và cán bộ của Hội LHPN 3 cấp trong Tỉnh theo hướng tinh gọn, chuyên sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, khắc phục tình trạng chồng chéo về nhiệm vụ, giảm bớt cán bộ hành chính, tăng cường cán bộ phong trào, giảm thiểu hiện tượng hành chính hóa. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh xây dựng, trình và bảo vệ thành công trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mô hình tổ chức bộ máy mới của Hội theo sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam: Bộ máy tổ chức hoàn chỉnh gồm văn phòng, 5 ban chuyên môn và 2 trung tâm (Thành lập mới Ban Chính sách - Luật pháp và Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân). Bộ máy được kiện toàn theo hướng hoàn thiện đầy đủ, có tính chuyên môn hóa cao đã trở thành công cụ hữu ích giúp Ban Thường vụ, Hội LHPN tỉnh trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phát triển tổ chức Hội và đẩy mạnh phong trào thi đua. Với bộ máy của cấp huyện và cơ sở, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ phối hợp với Hội LHPN tỉnh trình Đề án về biên chế của Hội LHPN cấp huyện là 5; cấp xã có 1 cán bộ chuyên trách (đồng chí chủ tịch). Đồng chí Phó chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở và đội ngũ Chi hội trưởng hoạt động bán chuyên trách.
Trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ của các cấp Hội Phụ nữ, Đảng bộ tỉnh quan tâm lãnh đạo trên nhiều khía cạnh. Từ quy hoạch, đào tạo, bố trí, sắp xếp, giới thiệu cán bộ có đủ năng lực đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Hội đến việc tạo cơ chế, chính sách riêng cho cán bộ nữ, cán bộ Hội trong đào tạo, luân chuyển... Qua hai kỳ Đại hội, Hội LHPN tỉnh Hưng Yên lần thứ XIII, nhiệm kỳ (2006-2011); lần thứ XIV nhiệm kỳ (2011-2016), Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, lãnh đạo chủ chốt và cán bộ Hội Phụ nữ chuyên trách 3 cấp đều đạt và vượt chuẩn cả về trình độ văn hóa, chuyên môn và trình độ lý luận chính trị ở từng vị trí chức danh công tác theo quy định của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Hội cấp huyện và cơ sở, Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo và Trường Chính trị tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội LHPN xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo theo từng năm. Việc bồi dưỡng, tham mưu giới thiệu cán bộ, hội viên tiêu biểu để Đảng bồi dưỡng, kết nạp được các cấp Hội luôn quan tâm chú trọng. Các
cấp Hội chủ động chuẩn bị nguồn, tham mưu, giới thiệu nhân sự là nữ tham gia cấp ủy, các cơ quan dân cử và bộ máy chính quyền các cấp. Kết quả:
- Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ các cấp:
+ Nhiệm kỳ 2010-2015 (tăng ở cả 3 cấp so với nhiệm kỳ 2005 - 2010):
Cấp tỉnh 7/55=12,7% (tăng 0,5%); Cấp huyện, thành phố và đơn vị 71/444=16%
(tăng 0,6%), cấp cơ sở 793/4.450 = 17,8% (tăng 2%) [119, tr.9].
+ Nữ đại biểu Quốc hội khoá XIII: 3/7 đạt 42,86% (tăng so với khoá XII là 14,26%). Khóa XIV là 3/7 đại biểu đạt 42,86% bằng nhiệm kỳ trước [119, tr.10].
- Đại biểu nữ trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh Nhiệm kỳ 2011-2016: 12/53 = 22,6%
- Nữ đại biểu HĐND cấp huyện thành phố Nhiệm kỳ 2011-2016: 101/332 = 30,4%
- Nữ đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn:
Nhiệm kỳ 2011-2016: 973/4.112 = 23,66
So với chỉ tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cả 3 cấp đều không đạt (dưới 35%) [119, tr.10].
- Công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ Hội các cấp:
+ Cấp tỉnh: Có 15 cán bộ Hội được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn, 3 cán bộ luân chuyển sang cơ quan khác.
+ Cấp huyện, thành phố: Có 46 cán bộ Hội được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn, 18 cán bộ Hội luân chuyển sang cơ quan khác, trong đó có 8 chị được giữ chức cao hơn.
Việc bồi dưỡng, tham mưu giới thiệu cán bộ, hội viên tiêu biểu để Đảng bồi dưỡng, kết nạp được các cấp Hội luôn quan tâm chú trọng. Trong 10 năm đã có 9.186 phụ nữ/16.407 người được kết nạp Đảng [119, tr.10].
Qua hai nhiệm kỳ, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội được quan tâm đúng mức, số lượng hội viên tăng vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra, điều đó chứng tỏ công tác Hội ngày càng phát triển, thu hút được nhiều hội viên tin tưởng vào tổ chức và tích cực tham gia hoạt động Hội; đội ngũ cán bộ Hội nghiệp vụ ngày càng được nâng lên.
Để đáp ứng nhu cầu thời kỳ mới, Hội LHPN tỉnh xây dựng Đề án “Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở giai đoạn 2013 - 2017”, trình Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt. Kết quả: “Năm 2013 đã tổ chức 18 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho 1.440 cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở gồm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở và chi tô phụ nữ, kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước. Phối hợp tổ chức 12 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác Hội cho 1.406 cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở” [110, tr.8].
Sau khi Đề án được phê duyệt, thực hiện Thông báo số 1043-TB/TU, ngày 25-12-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở giai đoạn 2013 - 2017”, với mục tiêu xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội thật sự có năng lực để hướng dẫn tổ chức phong trào phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Tỉnh ủy đã tạo điều kiện để các cấp Hội trong tỉnh củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kì mới.
Trên cơ sở đó, Hội LHPN tỉnh Hưng Yên không ngừng kiện toàn tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ Hội, tuyển dụng những cán bộ thực sự tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao đảm bảo những phẩm chất, năng lực công tác của người cán bộ Hội trong thời kỳ mới. Nhờ vậy, Hội LHPN tỉnh Hưng Yên đã có những điều kiện cơ bản, quan trọng để tăng cường xây dựng tổ chức Hội và nâng cao chất lượng hoạt động những năm 2005-2015.