Điền kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và truyền thống lịch sử - văn hóa

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Khoa học giáo dục: Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến năm 2015 (Trang 35 - 44)

Chương 2 QUÁ TRÌNH ĐẢNG BỘ TỈNH HƯNG YÊN LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG

2.1.2. Điền kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và truyền thống lịch sử - văn hóa

* Điều kiện tự nhiên

Hưng Yên là tỉnh nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hưng Yên nằm trong tọa độ 20°36’ và 21 vĩ

độ Bắc,105°53’ và 106°15’ kinh độ Đông. Phía Bắc liền kề với Thủ đô Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương, phía Tây gíap tỉnh Hà Tây và Hà Nam. Đây là một vùng đất phù sa màu mỡ, đậm nét truyền thống văn hoá và lịch sử lâu đời. Hưng Yên là một tỉnh nông nghiệp, một miền quê mang những nét đặc trưng của nông thôn Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Với: “Tổng diện tích đất tự nhiên là 923,093km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 68,74%, đất chuyên dùng chiếm 16,67%, đất ở chiếm 7,91%, đất chưa sử dụng và sông suối chiếm 6,68%” [164, tr.40].

Bên cạnh đó, Hưng Yên còn có mỏ than nâu (thuộc bể than vùng đồng bằng sông Hồng) trữ lượng lớn nhất (hơn 30 tỷ tấn) chưa được khai thác, là tiềm năng lớn cho ngành công nghiệp than, phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.

Cũng như các tỉnh khác thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Hưng Yên chịu ảnh hưởng sâu sắc của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, nhiều nắng và có mùa Đông lạnh, hàng năm có hai mùa rõ rệt. Hưng Yên cũng là tỉnh có mạng lưới sông ngòi khá dày đặc, với ba hệ thống sông lớn chảy qua: Sông Đuống, sông Hồng, sông Luộc - những đường sông chính của Hưng Yên.

Ngoài ra, còn có hệ thống sông nội địa như: sông Cửu An, sông Kẻ Sặt, sông Hoan Ái, sông Nghĩa Trụ, sông Điện Biên, sông Kim Sơn... thuận lợi không chỉ cho sản xuất nông nghiệp mà còn cho sự phát triển công nghiệp, sinh hoạt và giao thông đường thuỷ.

Những yếu tố tự nhiên thuận lợi của tỉnh Hưng Yên, là tiềm năng quan trọng để phát huy vai trò của Hội LHPN tỉnh trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân trong tỉnh, trong đó có các tầng lớp phụ nữ.

* Điều kiện kinh tế - xã hội

Để đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, tháng 1 năm 1997, tỉnh Hưng Yên chính thức được tái lập sau 29 năm hợp

nhất với tỉnh Hải Dương. Khi tái lập tỉnh, Hưng Yên vẫn là tỉnh thuần nông, công nghiệp hầu như không có gì đáng kể, kết cấu hạ tầng yếu kém, thiết bị công nghệ lạc hậu, nhận thức của người dân về phát triển kinh tế còn hạn chế.

Năm 1997, nguồn nhân lực của tỉnh Hưng Yên khá dồi dào “dân số 1.075.517 người” [69, tr.296], trong đó, số người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 50%. Tỷ lệ lao động có trình độ của Hưng Yên thấp, bởi sau khi tái lập tỉnh, đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ ở lại tỉnh công tác ít. Hiện nay, số lao động chưa có việc làm còn nhiều đã trở thành sức ép lớn đối với Hưng Yên trong vấn đề giải quyết việc làm. Ngoài nghề chính là trồng trọt, người dân còn nuôi trồng thuỷ sản trồng dâu, nuôi tằm, làm các nghề thủ công và nghề truyền thống khác. Về thành phần dân tộc, ở Hưng Yên hầu hết là người Kinh, số đông theo đạo Phật, một số ít theo đạo Thiên Chúa, phân bố rải rác không tập trung.

Sau khi tái lập, Hưng Yên cùng cả nước tập trung xây dựng phát triển kinh tế. Với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cùng với chính sách cởi mở thông thoáng, tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư nước ngoài, tình hình kinh tế - xã hội Hưng Yên sau những năm đầu tái lập đã có nhiều khởi sắc, đổi thay từng ngày, được đánh giá là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế tương đối nhanh. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH.

Nông nghiệp nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ trọng giữa chăn nuôi và trồng trọt ngày càng cân đối. Người nông dân bước đầu quan tâm đến sản xuất hàng hoá, đảm bảo an ninh lương thực. Công nghiệp dịch vụ có bước phát triển khá. Công nghiệp địa phương tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn đạt được những thành tích đáng khích lệ. Một số ngành hàng tiếp tục được củng cố phát triển, lựa chọn mặt hàng ưu tiên và có lợi thế để đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Khối công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, do số dự án đi vào hoạt động tăng lên, sản phẩm được thị trường chấp nhận và có xu thế phát triển tốt. Từ điểm xuất phát

thấp với nhiều khó khăn, thử thách khi mới tái lập, Hưng Yên đã nỗ lực vươn lên, hoàn thành tương đối toàn diện những nhiệm vụ mục tiêu chủ yếu đề ra.

Về kinh tế: Năm đầu tái lập tỉnh (1997), một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. “Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 14,4% so với năm 1996 (kế hoạch đề ra trên 10%).

Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ: 52% - 20% - 28%, thu nhập bình quân đầu người 205USD” [159, tr.4].

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và tinh thần quyết tâm của nhân dân trong tỉnh, đến năm 2005, “nền kinh tế tiếp tục phát triển nhanh, khá toàn diện và vững trắc, GDP năm sau cao hơn năm trước, bình quân tăng 12,28%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đến năm 2005: Nông nghiệp 30,5%; Công nghiệp, xây dựng 38%; Dịch vụ 31,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 550 USD” [4, tr.373].

Về văn hóa - xã hội: Năm 1997, cơ sở vật chất của ngành giáo dục vẫn còn nghèo nàn, mạng lưới giáo dục đào tạo không đồng bộ, đội ngũ giáo viên còn thiếu, mất cân đối, chưa đồng bộ. Phần lớn các bệnh viện xây dựng từ những năm trước tuy được sửa chữa, nâng cấp, xây dựng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tuy được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức song cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong tỉnh.

Đến năm 2005, công tác giáo dục - đào tạo, xây dựng nền tảng cho mọi công dân phát triển toàn diện nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp CNH, HĐH. Coi trọng cả quy mô, chất lượng và hiệu quả ở mọi cấp học, ngành học. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thu hút đầu tư của cả cộng đồng, các chương trình quốc gia, ngoài nước cho giáo dục đào tạo. Cơ sở y tế các tuyến được đầu tư cải tạo và tăng cường trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề và y đức của đội ngũ thầy thuốc.

Những điều kiện kinh tế - xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống của nhân dân trong tỉnh, đồng thời cũng là nhân tố quan trọng tác động đến hoạt động của Hội LHPN tỉnh.

* Truyền thống lịch sử, văn hóa

Hưng Yên mảnh đất có truyền thống văn hiến, nhất là về cử nghiệp và thi thư, đã sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các nhà văn hoá lớn. Trong 845 năm nho học, “Hưng Yên có 214 vị đỗ đại khoa còn lưu danh ở bia Văn Miếu (thôn Xích Đằng, phường Nam Sơn thị xã Hưng Yên). Hưng Yên là tỉnh đứng thứ 4 trong cả nước về cử nghiệp” [164, tr.58]. Trong suốt quá trình đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, vùng đất Hưng Yên thời nào, lĩnh vực nào cũng có những nhân tài mà sử sách còn ghi như. Từ thủa bình minh lịch sử của dân tộc, bước phát triển của thời đại Hùng Vương từ Chử Đồng Tử - Tiên Dung - Một thiên tình sử đẹp nhất trong kho tàng văn học Việt Nam, nói lên tiếng nói tự do yêu đương và bình đẳng nam nữ. Trong lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, đất Hưng Yên đã sản sinh ra những nhân vật tài ba, lỗi lạc trên các lĩnh vực mà sử sách còn ghi, dân ta ca tụng: Tài năng về Quân sự có Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Hoàng Hoa Thám… Văn tài lỗi lạc có Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Thị Điểm… Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… Về Y học có danh Y Lê Hữu Trác. Khoa học có Nguyễn Công Tiễu, Phạm Huy Thông… Sân khấu Chèo có Nguyễn Đình Nghị, Hoa Tâm… Mỹ thuật có Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Âm nhạc có Mai Văm Chung… Thế kỷ XX, trên lĩnh vực hoạt động chính trị chống đế quốc, phong kiến, giành độc lập dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hưng Yên cũng là quê hương của nhiều cán bộ cách mạng tiền bối, nhiều nhà chính trị có tên tuổi như Tô Hiệu, Nguyễn Bình…cùng bao tấm gương chiến đấu hi sinh khác đã góp phần tô đẹp cho truyền thống quê hương, làm rạng danh Tổ quốc. Đặc biệt, người con ưu tú của quê hương - đồng chí Nguyễn Văn Linh, một trong những người góp phần kiến tạo đường lối đổi mới; Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu của thời kỳ đổi mới đất nước (1986-1991).

Là quê hương có nhiều di tích lịch sử, đặc biệt là đền chùa, đồng thời, Hưng Yên cũng là một trong những địa danh lưu giữ, bảo tồn một số di tích, di vật được đánh giá là quý hiếm, với vẻ đẹp của thời gian và giá trị nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc...Tất cả cho chúng ta cái nhìn tinh tế trước vẻ đẹp của sự kết hợp kiến trúc truyền thống và hiện đại. “Là tỉnh có mật độ di tích dầy đặc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với 1.210 di tích văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng. Trong đó 172 di tích được nhà nước xếp hạng và 32.574 cổ vật trong các di tích. Đặc biệt là di tích Phố Hiến - trung tâm thương mại, đối ngoại sầm uất phồn hoa bậc nhất vào thế kỷ XVI, XVII” [164, tr.49].

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, có nhiều đền, chùa nổi tiếng như đền thờ Đức Tống Trân, đền thờ Đức Ngô Vương, đền Phạm Bạch Hổ, đền Đinh Điền, đền Trần, đền Phạm Ngũ Lão, đền Chử Đồng Tử… Mỗi đền, chùa là một kho tàng mỹ thuật sống động, với rất nhiều cổ vật quý hiếm. Đó là những không gian văn hoá truyền thống, hiện hữu nét đẹp văn hoá vật thể, phi vật thể hấp dẫn du khách bởi sự hài hoà cảnh trí thiên nhiên và hình khối kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc tinh vi.

Những điều kiện lịnh sử, văn hóa của Tỉnh đã làm giàu cho đời sống tinh thần của nhân dân, trong đó có phụ nữ Hưng Yên. Là một Tỉnh thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Phụ nữ vốn là người lao động. Trải qua bao thế hệ, chị em cùng với chồng con “Một nắng hai sương”, ý thức lao động, sự kiên trì, phẩm chất của người phụ nữ trở thành lẽ sống của họ, vì chồng, vì con, vì gia đình, đất nước. Thế kỷ thứ nhất có các nữ tướng Nguyệt Thai, Nguyệt Độ...; thế kỷ XI có Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (1044 - 1117) quê ở Như Quỳnh - Văn Lâm hiện nay, Bà đã hai lần thay thay chồng là Lý Thánh Tông nhiếp chính. Bà cùng Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành lãnh đạo nhân dân ta chiến thắng quân Tống xâm lược, bà là tấm gương tiêu biểu của truyền thống “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Thời Lê Lợi chống giặc Minh thế kỷ XV, Hưng Yên có bà Đào Thị Huệ quê Đào Đặng - Tiên Nữ học thông, biết rộng, hát hay múa giỏi, dung nhan, tài hoa, có công giết giặc.

Dưới chế độ cũ, phụ nữ Hưng Yên khổ cực trăm bề, luôn phải đối phó với thiên tai, địch họa... quanh năm lao động vất vả mà vẫn đói rách. Chế độ phong kiến thống trị lâu đời, lễ giáo khắc nghiệt, cùng sự đàn áp, bóc lột, của bọn đế quốc xâm lược đã trói buộc họ trong tăm tối, dốt nát. Chính vì lẽ đó, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo, giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ thoát khỏi cuộc đời nô lệ, lầm than. Chị em đã quyết tâm đi theo Đảng, cùng chồng con tham gia đấu tranh đánh đổ đế quốc, phong kiến, giành độc lập, tự do cho tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.

Sau năm 1997, với điều kiện mới của Tỉnh đã tác động trực tiếp đến đời sống phụ nữ Hưng Yên. Phát huy truyền thống, cần cù, bước vào thời kỳ mới, các tầng lớp phụ nữ trong Tỉnh đảm đang làm kinh tế gia đình, tích cực học tập nâng cao hiểu biết, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, tích cực tham gia công tác xã hội, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và truyền thống lịch sử - văn hóa đem lại một số thuận lợi, đồng thời cũng hàm chứa những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN tỉnh Hưng Yên.

* Về thuận lợi

Một là: Là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông thuận lợi đến các trung tâm lớn của đất nước là Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên có điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội, đặc biệt là phát triển các ngành thương mại, dịch vụ và tiếp thu các thành tựu khoa học - kỹ thuật, nét văn hóa của các thành phố lớn... Những điều kiện đó, tạo điều kiện cho nhân dân trong Tỉnh, trong đó có tầng lớp phụ nữ, mở mang phát triển các ngành kinh tế nhất là các nông sản hàng hóa và các sản phẩm của nghề thủ công nghiệp để cung cấp cho thị trường rộng lớn.

Hai là: Là địa phương có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, với diện tích đất nông nghiệp dồi dào, hệ thống sông ngòi phong phú, tạo kiều kiện để

tăng gia sản xuất, đặc biệt là trồng lúa, các cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với đất đai trù phú, thổ nhưỡng tương đối thuận lợi, cho phép các tầng lớp nhân dân tăng cường thâm canh, tăng năng xuất cây trồng, vật nuôi, đảm bảo phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần đảm bảo đời sống vật chất cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ nữ.

Ba là: Với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, đặc biệt là tinh thần yêu quê hương, đất nước và truyền thống cần cù trong lao động sản xuất. Bước vào thời kỳ đổi mới, với đường lối và chủ trương đúng đúng đắn của Trung ương Đảng và Đảng bộ Tỉnh, các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ nữ, hăng hái sản xuất, tiếp thu các thành tựu khoa học - kỹ thuật, để phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

* Khó khăn

Thứ nhất, là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp tương đối rộng, song nhiều vùng thuộc vùng chiêm trũng, chua, phèn, gây ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa. Vì thế, so với nhiều địa phương thuộc vùng châu thổ sông Hồng năng suất lúa và cây trồng ở Hưng Yên chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống đường giao thông còn lạc hậu, gây khó khăn cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là hình thành các khu công nghiệp tập trung. Vì thế, gây cản trở cho việc chuyển đổi nghề nghiệp của nhân dân, trong đó có các tầng lớp phụ nữ.

Thứ hai, do điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, nên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp phụ nữ nông thôn còn khó khăn, vì thế họ phải tập trung lao động, sản xuất để từng bước nâng cao đời sống vật chất cho gia đình, ít có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội. Điều đó ảnh hưởng đến công tác vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia công tác Hội và các phong trào phụ nữ.

Thứ ba, đại đa số phụ nữ Hưng Yên là nông dân sống ở các vùng nông thôn, trình độ dân trí còn thấp nên khả năng tiếp thu khoa học - kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế. Điều đó ảnh hưởng đến việc nâng cao năng suất lao động, tiền lương và thu nhập cho phụ nữ. Bên cạnh đó, việc dạy nghề, đối với những ngành nghề đòi hỏi kỹ năng, chuyên môn cao đối với phụ nữ còn hạn chế nên phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận với các công việc có thu nhập cao. Vì thế, đại bộ phận phụ nữ ở Hưng Yên có thu nhập thấp, do vậy, họ phải thường xuyên bươn trải để kiếm sống. Đó là cản trở lớn trong việc tập hợp cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia các phong trào phụ nữ và các hoạt động của Hội LHPN tỉnh.

Thứ tư, với đặc thù của một tỉnh mới tái lập, công tác Hội LPHN của tỉnh cũng còn nhiều bất cập như: số Hội viên chưa ổn định “245.870 hội viên năm 1997” [77, tr.11], so với dân số Hưng Yên năm 1997 là 1.075.517 người, thì số hội viên chưa đông đảo. Xã hội chuyển từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường làm nhiều chị em mải làm kinh tế không quan tâm nhiều đến tổ chức Hội. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ Hội vẫn còn nhiều hạn chế (nhất là ở cấp cơ sở), chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội

“Cán bộ tỉnh Hội, huyện Hội thường xuyên xuống cơ sở để trực tiếp làm công tác vận động phụ nữ, đặc biệt quan tâm giúp đỡ những cơ sở khó khăn” [87, tr.298]; việc tham mưu, chỉ đạo, điều hành tổ chức hoạt động của Hội còn nhiều lúng túng. Hoạt động của Hội chưa đáp ứng kịp thời những vấn đề đặt ra với một số đối tượng phụ nữ như lao động nữ trong khu công nghiệp, khu chế xuất; nữ thanh niên; phụ nữ cao tuổi; nữ doanh nhân. Việc giám sát thực hiện luật pháp chính sách, công tác phản biện xã hội ở nhiều địa phương còn chưa hiệu quả...

Thực tế đó, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh phải đề ra những chủ trương, giải pháp cụ thể, phù hợp, khoa học trong lãnh đạo công tác phụ nữ của Tỉnh nói chung và lãnh đạo xây dựng, phát triển tổ chức hội và phong trào thi đua của Hội

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Khoa học giáo dục: Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến năm 2015 (Trang 35 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(203 trang)