Chương 2 QUÁ TRÌNH ĐẢNG BỘ TỈNH HƯNG YÊN LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG
2.2.2. Đảng bộ tỉnh chỉ đạo hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
Các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở nhận thức rõ vấn đề thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tiến bộ là mục tiêu quan trọng của cách mạng, có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển của đất nước. Do đó, việc quan tâm, chăm sóc, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ và Hội LHPN tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo sát với tình hình thực tiễn. Căn cứ Chỉ thị số 646/TTg, ngày 7-1-1994 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ, ngành, địa phương, ngày 15-11- 2001, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ra Quyết định số 2609/QĐ-UB về việc kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Hưng Yên. Ngày 03-12-2002, Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên ra Thông báo số 261/TB-TU Về Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Hưng Yên đến năm 2005. Tiếp đó, ngày 20-10-2003, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 58/2003/QĐ - UB v/v ban hành Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Hưng Yên đến năm 2005. Quyết định chỉ rõ bốn mục tiêu:
Một là, thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục.
Hai là, thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Ba là, nâng cao vai trò, vị trí và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo.
Bốn là, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Để Hội LHPN tỉnh hoạt động hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới, ngoài sự lãnh đạo sát sao, trực tiếp của Tỉnh ủy, sự phối hợp giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng đóng vai trò quan trọng. Đảng bộ Tỉnh chỉ đạo nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với Hội LHPN, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, phối hợp cùng với các cấp Hội hoàn thiện bộ máy tổ chức Hội và đổi mới hoạt động. Để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, Đảng bộ tỉnh vận dụng linh hoạt các phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thứ nhất, thông qua biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục
Năm đầu mới tái lập Tỉnh (1997), công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, pháp luật, cho phụ nữ ở một số cơ sở Hội chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng tuyên tuyền chưa cao, năng lực của một số cán bộ Hội còn hạn chế, chưa sáng tạo, nhạy bén trong tổ chức các hoạt động ở cơ sở; một số cơ sở Hội còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động, thiếu những giải pháp cụ thể. Hiệu quả công tác giám sát thực hiện luật pháp, chính sách chưa cao; chất lượng công tác kiểm tra thực hiện nghị quyết của một số cơ sở Hội còn thấp.
Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, Đảng bộ Tỉnh chú trọng chỉ đạo các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy như: Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận vận dụng nhiều biện pháp tuyên truyền sâu rộng những chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch về công tác vận động phụ nữ mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong những năm từ năm 1997 đến năm 2005 đến đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng trong tỉnh. “trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện, hội phụ nữ coi trọng công tác kết hợp với các ngành chức năng, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ báo cáo viên” [77, tr.8], “Các cấp hội chủ động thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, các Ban, ngành đoàn thể giám sát việc thực thi chính sách, Pháp luật liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em” [83, tr.12]; từ đó, “Chủ động thúc đẩy sự phối hợp giữa các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ với chính quyền,
nhằm thực hiện có hiệu quả việc tham gia quản lý Nhà nước theo tinh thần Nghị định 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ” [94, tr.18].
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ giữ vai trò nòng cốt trong việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, hướng dẫn, đôn đốc việc quán triệt, tuyên truyền nội dung các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Tỉnh ủy liên quan đến công tác vận động quần chúng, vận động phụ nữ; đồng thời, tăng cường chỉ đạo tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những đóng góp, cống hiến của Hội Phụ nữ vào thành tích chung của tỉnh.
Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng bộ Tỉnh, công tác tuyên tuyền của Hội LHPN đã có những kết quả rõ rệt:
Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã coi công tác tuyên truyền, giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu… Các cấp đã đa dạng hình thức tuyên truyền như: tổ chức mít tinh, học tập, tọa đàm, gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ, tuyên truyền trên Đài, báo, truyền hình. Năm 1998 tỉnh hội phụ nữ đã ký hợp đồng với Đài truyền hình tỉnh mở chuyên mục phụ nữ vào tối thứ 5 tuần đầu của tháng để tuyên truyền kịp thời những hoạt động của Hội [79, tr.2].
Trong công tác tuyên truyền giáo dục, Hội LHPN tỉnh rất chú trọng triển khai nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Đến năm 2001 “Hội thường xuyên bám sát sự định hướng, chỉ đạo công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh đều được tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ” [84, tr.2].
Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIII (2006) nhấn mạnh
“Công tác tuyên truyền giáo dục cần được tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Tăng cường thông tin, tọa đàm, hội thảo. Nâng cao chất lượng sinh hoạt câu lạc bộ nữ, câu lạc bộ chuyên đề” [94, tr.18].
Để thực hiện được những mục tiêu trên, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, các ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán
bộ đảng viên về công tác nữ, xây dựng cán bộ Hội và tạo cơ chế hoạt động cho Hội LHPN.
Nhờ vậy, công tác tuyên truyền của Hội ngày càng phong phú, giúp cho việc phối hợp hợp với các cơ quan liên ngành tuyên truyền một cách thuyết phục, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Thứ hai, thông qua công tác kiểm tra, giám sát
Trong quá trình chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện, Đảng bộ tỉnh chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện những mô hình tốt, những kinh nghiệm hay; đồng thời, kịp thời uốn nắn, điều chỉnh, chỉ đạo khắc phục những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót trong tổ chức thực hiện.
Từ năm 1997 đến năm 2005, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, mỗi cấp ủy Đảng trong tỉnh đều xây dựng quy chế, quy định về mối quan hệ, lề lối làm việc giữa Ban Thường vụ, cấp ủy đối với Đảng Đoàn, Ban Thường vụ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội nói chung, Hội LHPN nói riêng. Qua các cuộc giao ban định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm, cấp ủy kịp thời nắm bắt và định hướng chỉ đạo đối với hoạt động của tổ chức Hội LHPN trong xây dựng phát triển tổ chức và đổi mới hoạt động của Hội.
Ngay sau khi tái lập Tỉnh (1997), Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIV(11-1997) chỉ rõ “tiếp tục kiện toàn bộ máy các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh các cơ chế quản lý, chính sách Pháp luật của Nhà nước trong các ngành, các cấp, trong các đơn vị kinh tế, trong nhân dân” [159, tr.4].
Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng bộ Tỉnh, Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Hưng Yên lần thứ XI (1997) khẳng định: “So với những nhiệm kỳ trước, công tác nghiên cứu, kiểm tra bước đầu đã có chuyển biến” [77, tr.13]. Từ đó, Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Hưng Yên lần thứ XII (2001) rút ra bài học kinh nghiệm:
“Trong từng thời gian, xác định việc trọng tâm để tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời” [83, tr.18].
Thông qua sự chỉ đạo của Đảng bộ Tỉnh, Hội LHPN tỉnh Hưng Yên đã thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra giám sát. Chương trình công tác năm 1999 của Hội LHPN tỉnh Hưng Yên tập trung vào những nội dung:
Phối hợp với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tiến hành kiểm tra định kỳ việc thực hiện chương trình hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Phối hợp với Liên đoàn Lao động cùng cấp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với lao động nữ trong các khu vực kinh tế, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ việc thực hiện Nghị quyết và điều lệ ở các cấp hội [80, tr.7].
Đặc biệt, năm 2004, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ đã tiến hành các cuộc kiểm tra:
Kết quả kiểm tra cho thấy, các sở, ngành, đơn vị huyện, thị, đã tích cực triển khai Kế hoạch hành động, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ đã có bước chuyển biến tích cực: Nhận thức của các cấp lãnh đạo về vai trò của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ đã rõ rệt hơn, đã có sự quan tâm đầu tư về nguồn lực cho việc thực hiện Kế hoạch hành động, ở một số ngành thực hiện tốt lồng ghép các chỉ tiêu của Kế hoạch hành động vào chương trình hoạt động của đơn vị [24, tr.5].
Như vậy, trong chỉ đạo thực tiễn, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên rất chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, nhờ đó, trong quá trình thực hiện của các cấp hội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; từ đó, có cơ sở thực tiễn đưa ra những chủ trương mới phù hợp, cho giai đoạn tiếp theo.
Thứ ba, chỉ đạo tổng kết quá trình thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác phụ nữ và công tác Hội
Thông qua Báo cáo từ các đoàn kiểm tra, đã cung cấp cho Đảng bộ Tỉnh những cơ sở để đánh giá kết quả quá trình quán triệt, triển khai thực hiện
nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác vận động phụ nữ và công tác cán bộ nữ trên địa bàn Tỉnh. Đó cũng là dữ liệu để Đảng bộ nghiên cứu, kịp thời điều chỉnh, xây dựng những nội dung chỉ đạo thực hiện nghị quyết và chỉ thị hiệu quả và sát hợp hơn nữa.
Thực hiện “Chương trình nghiên cứu và kiểm tra, giám sát”, công tác của Hội phụ nữ được đưa vào nội dung chỉ đạo của cấp ủy; đề xuất kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với phụ nữ, trẻ em. Hội phụ nữ thường xuyên theo dõi việc thực hiện nghị quyết của Đảng về những vấn đề có liên quan đến công tác phụ nữ, phát hiện và đề xuất kịp thời với lãnh đạo và các ngành chức năng, giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em [87, tr.294].
Việc tổng kết quá trình thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, về công tác phụ nữ và công tác Hội được tiến hành thường xuyên:
Do có sự chăm lo của Đảng đối với phong trào phụ nữ, hoạt động của các cấp Hội phụ nữ, đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ nữ: Trung ương Đảng có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về công tác phụ nữ như: Nghị quyết số 8B Về công tác vận động quần chúng; Nghị quyết số 04 của Bộ Chính trị về Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới, Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện Tỉnh ủy tăng cường kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc tổ chức, tập hợp lực lượng to lớn của phụ nữ tham gia các phong trào hành động cách mạng. Chỉ đạo các cấp ủy quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội và phong trào phụ nữ hoạt động có hiệu quả tốt hơn [87, tr.299].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành quán triệt, triển khai thực hiện tốt
bình đẳng giới, phấn đấu vì sự tiến bộ của phụ nữ; đảm bảo quyền lợi chính đáng của phụ nữ; cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ, nữ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH; tạo điều kiện để phụ nữ phát huy vai trò nòng cốt xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở đơn vị, địa phương, cơ sở; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang; xây dựng, củng cố tổ chức Hội LHPN các cấp trong tỉnh thực sự vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ.
2.2.2.2. Chỉ đạo xây dựng tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ và phát triển hội viên
Từ năm 1997 đến năm 2005, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên chỉ đạo Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh tích cực ổn định tình hình tư tưởng cán bộ, từng bước bổ sung đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở. Việc Đảng bộ tỉnh quan tâm thích đáng đến công tác kiện toàn tổ chức, cán bộ của các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh nói chung, Hội LHPN tỉnh nói riêng trong thời gian đầu tách tỉnh là một điều kiện cần thiết và quan trọng, tạo đà cho quá trình ổn định và từng bước kiện toàn, xây dựng tổ chức Hội và lãnh đạo hoạt động của Hội LHPN tỉnh trong những năm 1997-2005.
Ngay sau khi tái lập Hội LHPN tỉnh Hưng Yên, Đảng bộ tỉnh chỉ đạo Hội LHPN tỉnh nhanh chóng ổn định tình hình, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội phụ nữ - là đoàn thể chính trị đầu tiên của tỉnh tổ chức Đại hội ngay sau khi tái lập tỉnh. Tháng 4-1997, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Hưng Yên lần thứ XI được khai mạc trọng thể tại Thị xã Hưng Yên. “Đại hội kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ nhiệm kỳ 1992-1997; đề ra phương hướng, nhiệm vụ của phong trào phụ nữ và công tác Hội nhiệm kỳ 1997-2001 và bầu Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh gồm 25 ủy
viên, đồng chí Doãn Thị Thanh Hoa được bầu làm Chủ tịch Hội” [87, tr.282- 283]. Như vậy, ngoài việc đề ra những nhiệm vụ, phương hướng của phong trào phụ nữ và công tác Hội, Đại hội cũng kiện toàn bộ máy tổ chức Hội, bầu ra BCH mới lãnh đạo Hội LHPN tỉnh.
Cùng với sự kiện toàn về tổ chức, Hội LHPN tỉnh cũng chú trọng công tác phát triển hội viên, Đại hội nêu rõ: “5 năm qua đã phát triển 23.352 hội viên, đưa tổng số hội viên trong toàn tỉnh từ 222.518 hội viên năm 1992 lên 245.870 hội viên năm 1997” [77, tr.11];
Công tác tổ chức và cán bộ của Hội phụ nữ đã có những chuyển biến tích cực, tổ chức Hội được củng cố và phát triển, đội ngũ cán bộ Hội trưởng thành.
Song công tác tổ chức cán bộ còn nhiều hạn chế so với yêu cầu đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Hội trong giai đoạn mới.
Đề cập đến kết quả công tác Hội, Đại hội chỉ rõ:
Về vấn đề quy hoạch cán bộ: Thực hiện chỉ đạo chung của Tỉnh ủy về công tác quy hoach các cấp các ngành, các cấp huyện thị, cơ sở đã thực hiện xong, Ban tổ chức đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu tiêu chuẩn cán bộ cấp tỉnh, bỏ phiếu thăm dò Ban Chấp hành phụ nữ tỉnh… Hội phối hợp với trường Chính trị tỉnh mở lớp bồi dưỡng cho 120 cán bộ cơ sở… toàn tỉnh đã kết nạp được 479 đảng viên [78, tr.8].
Chương trình công tác năm 1999 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hưng Yên được nêu cụ thể: “Các cấp hội tham gia tích cực, có hiệu quả trong việc giới thiệu nhân sự, hiệp thương, bầu cử nhằm đạt chỉ tiêu nữ Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp từ 25% trở lên. Tích cực bồi dưỡng, đề xuất giới thiệu đảng viên trẻ” [80, tr.6].
Trong nhiệm kỳ (2001-2006), chất lượng BCH các cấp được nâng lên rõ rệt, tuổi bình quân của Ủy viên BCH trẻ hơn nhiệm kỳ trước, trình độ chuyên môn lý luận chính trị cao hơn.