Từ phân tích các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài. Tác giả rút được khái niệm dân tộc được sử dụng theo 2 nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, dân tộc là cộng đồng chính trị - xã hội, hay cộng đồng cư dân của một nước (Nation), theo nghĩa hẹp, dân tộc là cộng đồng mang tính tộc người, hay thành phần dân tộc (Ethnie). Mỗi một hình thức cộng đồng đều có những đặc trưng cơ bản nhất định.
* Dân tộc với tư cách là cộng đồng chính trị - xã hội (Nation): Là cộng đồng dân tộc của một quốc gia hình thành, tồn tại và phát triển dựa trên những đặc trưng cơ bản được chỉ đạo với một nhà nước thống nhất, có ngôn ngữ giao tiếp chung, có chung một lãnh thổ thống nhất, có phương thức kinh tế chung và có một nền văn hóa tâm lý chung. (ví dụ: dân tộc Lào, dân tộc Việt Nam, dân tộc Căm pu chia, dân tộc Thái Lan…)
- Là cộng đồng người được chỉ đạo với một nhà nước thống nhất: cộng đồng chính trị - xã hội chỉ trở thành dân tộc khi có một Nhà nước thống nhất quản lý, chỉ đạo thông qua việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật.
- Có ngôn ngữ giao tiếp chung (quốc ngữ): trong một quốc gia đa tộc người, cộng đồng dân tộc - quốc gia sẽ tự chọn cho mình một ngôn ngữ làm công cụ giao tiếp chung (quốc ngữ). Ngôn ngữ chung này phải bao gồm cả hai yếu tố - ngôn ngữ nói (tiếng nói) và ngôn ngữ viết (chữ viết).
- Có lãnh thổ chung thống nhất: dân tộc được hình thành và phát triển khi lãnh thổ được thống nhất, không còn hiện tượng cát cứ, chia cắt. Lãnh thổ của dân tộc quốc gia là toàn bộ vùng đất, vùng trời, vùng biển và thềm lục địa của quốc gia được pháp luật quốc gia và công pháp quốc tế ghi nhận.
- Có phương thức kinh tế chung: mặc dù giữa các tộc người còn có sự chênh lệch về trình độ phát triển, nhưng trong tổng thể cộng đồng dân tộc quốc gia sẽ có chung một phương thức kinh tế thống nhất, tạo ra quan hệ giao lưu kinh tế, thúc đẩy kinh tế dân tộc phát triển.
- Có tâm lý, văn hoá chung
Sự thống nhất về ngôn ngữ giao tiếp, lãnh thổ và kinh tế đã tạo nên sự thống nhất trong tâm lý, văn hoá của cộng đồng dân tộc, quốc gia. Văn hoá thống nhất không bài trừ tính đa dạng, phong phú của văn hoá các tộc người.
Ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đó là nền văn hoá Lào thống nhất trong đa dạng văn hoá các tộc người.
* Dân tộc với tư cách là cộng đồng tộc người: Dân tộc - tộc người (Ethnie) được xem là cộng đồng người ổn định hình thành trong quá trình lịch sử của xã hội có chung ngôn ngữ tộc người, có chung những đặc điểm văn hoá tộc người và có chung ý thức tự giác tộc người. Thực chất đó là các tộc người (hay các thành phần dân tộc). Ở CHDCND Lào, theo cách gọi thông thường có 49 dân tộc. Ví dụ: Dân tộc Lào, dân tộc Thái, dân tộc Mông, dân tộc Kưm Mụ…
- Có chung ngôn ngữ tộc người: ngôn ngữ tộc người là tiếng mẹ đẻ của cư dân các tộc người. Do lịch sử phát triển các tộc người không giống nhau, có tộc người có cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, có tộc người chỉ tồn tại ngôn ngữ nói. Tiêu chí chủ yếu để xác định ngôn ngữ tộc người ở Lào hiện nay là tiếng nói của cư dân các tộc người. Ngôn ngữ tộc người là phương tiện giao tiếp giữa các thành viên trong cùng tộc người.
- Có chung những đặc điểm văn hoá tộc người: cư dân các tộc người ngoài những giá trị chung của văn hoá dân tộc - quốc gia, đều lưu giữ những
giá trị, bản sắc văn hoá của từng tộc người. Trong điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế, văn hoá, các tộc người đã tiếp thu, cải biến các giá trị văn hoá của nhau. Văn hoá vật chất đã có nhiều thay đổi theo hướng tăng lên những giá trị tương đồng, giảm đi những giá trị khác biệt. Tuy nhiên trong văn hoá tinh thần (phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo...) của các tộc người còn lưu giữ lâu dài những giá trị văn hoá tộc người.
- Có chung ý thức tự giác tộc người: cư dân các cộng đồng tộc người đều có chung ý thức, tình cảm hướng về cội nguồn tổ tiên mình, đều có chung ý thức về tên tự gọi của tộc người mình, tạo nên ý thức tự giác tộc người. Đây là đặc trưng quan trọng nhất khi xác định các tộc danh (các thành phần dân tộc) trong các quốc gia đa tộc trên thế giới cũng như ở từng quốc gia.
Ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, việc nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển và phần loại dân tộc mới được thực hiện rõ hơn từ Đại hội lần thứ V của Đảng NDCM Lào năm 1991 đến nay. Quá trình nghiên cứu tìm hiểu về các dân tộc đã được tổng kết và đưa vào Quốc hội thông qua vào năm 2008. Từ đó định nghĩa về dân tộc ở CHDCND Lào được khẳng định rõ.
Theo cuốn sách 49 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Lào của Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Lào cho rằng: "dân tộc là cộng đồng người có một ngôn ngữ, có nguồn gốc lịch sử hình thành, có chung một nền văn hóa - xã hội, tin rằng có chung một nguồn gốc" [122, tr.09].
2.1.1.2. Đặc điểm của dân tộc ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào là một quốc gia đa dân tộc, theo Nghị quyết số 213/QH , của Quốc hội Lào ra ngày 24 tháng 09 năm 2008, bao gồm 49 dân tộc anh em [121, tr.4] (xem phụ lục 2). Sự hình thành cộng đồng các dân tộc Lào từ lâu đời trên cơ sở quy tụ, hòa hợp những dân tộc bản địa với các dân tộc từ nơi khác đến cùng chung sống trên một vùng lãnh thổ vững chắc trải qua nhiều thế hệ. Vì vậy, sự hình thành và phát triển của dân tộc Lào có những đặc điểm riêng, không hoàn toàn giống như quá trình hình thành và
phát triển của các dân tộc ở phương Tây. Do nhiều yếu tố đặc thù, các dân tộc Lào đã có mặt từ sớm qua nhiều thế hệ trên mạnh đất nước này. Sự hình thành và phát triển dân tộc Lào gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước.
Trong lịch sử, cộng đồng các dân tộc Lào, buổi ban đầu được tập trung xây dựng, cư trú, sinh sống ở dãy núi Trường Sơn. Qua rèn luyện, thử thách trong quá trình dựng nước và giữ nước, cộng đồng các dân tộc Lào ngày càng lớn mạnh, gắn bó bền chặt hơn. Tính thống nhất, xu thế đoàn kết, hòa hợp dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc. Dân tộc Lào đã hình thành và đã trở thành một quốc gia dân tộc thống nhất ngay trong chế độ phong kiến, đến thế kỷ XIV, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Vua Phạ Ngừm, đã hội tụ được các dân tộc và khai sáng thành lập đất nước Lạn Xảng (Vương quốc Triệu Voi).
Các dân tộc Lào vừa mang những yếu tố chung của các dân tộc trên thế giới, vừa có những đặc điểm đặc thù:
Một là: các dân tộc Lào có truyền thống đoàn kết trong quá trình dựng nước và giữ nước [122, tr.06].
Dân tộc Lào là một dân tộc có lịch sử lâu đời gắn với quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tuy các dân tộc có sự khác biệt về tộc danh, văn hóa và lối sống, nhưng trong một quá trình cố kết để chống ngoại xâm và khắc phục thiên tai, các dân tộc đều nhận thấy mình là con cháu của vùng đất này, cùng chung một số phận, biết dựa vào nhau, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Trải qua thực tiễn đấu tranh dựng nước và giữ nước trong các thời kỳ lịch sử, nhân dân Lào các dân tộc đã tạo nên truyền thống tốt đẹp của mình như: chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết đấu tranh bất khuất và tinh thần cần cù sáng tạo trong lao động thể hiện qua các thời kỳ lịch sử:
Lịch sử dân tộc Lào ngày nay, mà trước kia là Vương quốc Lạn Xảng có nhiều thăng trầm do bị ảnh hưởng từ các tiểu bang của Lào. Ngay từ khi
bắt đầu thành lập nên vương triều của mình, cũng là sự mâu thuẫn, xung đột vũ trang để đi đến thống nhất quốc gia. "Sự ra đời của Vương quốc Lạn Xảng là một quá trình chinh phục các tiểu quốc lân cận của một vị anh hùng vua Phả Ngừm" [64, tr.3].
Vào thế kỷ XI - XIII, trong các thung lũng của con sông Mê kông chảy qua miền Bắc nước Lào đã hình thành nên những tiểu quốc như
"Mường Xinh, Mường Xay, Mường Hun…tại miền trung, lưu sông Mê Kông có một số tiểu quốc lớn hơn như Mường Xoa, Mường Khăm kớt, Bát Xắc…,đa số các tiểu quốc này đều bị lệ thuộc vào vương quốc Căm pu chia ở phía Nam" [113, tr.12].
Trước khi tập hợp lập thành Vương quốc Lạn Xảng, nhân dân các dân tộc đã có truyền thống đoàn kết chặt chẽ giúp đỡ nhau trong sản xuất, chống thú dữ bảo vệ cộng đồng, các gia đình cố kết giúp đỡ lẫn nhau trong lễ cưới hỏi, các lễ hội theo phong tục tập quán, xây nhà cửa và công việc chăn nuôi.
Năm 1353, sau những ngày tháng lãnh đạo nhân dân Lạn Xảng chiến đấu anh dũng Phả Ngừm thống nhất đất nước và lên ngôi vua ở Xiềng đông - Xiềng thong (hiện nay là Luông Pha Bang). Đây là kết quả của một quá trình đấu tranh quyết liệt để chống lại tình trạng phân chia đất nước và sự lệ thuộc ngoại bang [113, tr.14].
"Vương quốc Lạn Xảng được thành lập, dưới sự lãnh đạo của vua Phạ Ngừm là giai đoạn hùng mạnh, nhân dân các dân tộc Lào có sự đoàn kết gắn bó chặt chẽ với nhau bảo vệ đất nước, đấu tranh chống sự xâm lược của phong kiến Siam (Thái Lan) và phong kiến Myanmar [64, tr.3], đồng thời phát triển kinh tế, tổ chức sản xuất, duy trì cuộc sống và phát triển văn hóa.
Có thể nói, thời kỳ này là điểm khởi đầu thành lập của quốc gia - dân tộc Lào.
Cuối thế kỷ XVII, nhân dân các dân tộc Lào bị các thế lực bên ngoài lợi dụng tư tưởng kỳ thị để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và tạo ra sự nghi kỵ trong từng dân tộc. Điều đó, làm cho sức mạnh và quyền lực vương quốc Lạn Xảng bị phân tán, cuối cùng trở thành thuộc địa của phong kiến nước ngoài.
Cuối thế kỷ XVIII, Lào bị thực dân Pháp xâm lược. "Trước tình hình đó, truyền thống dân tộc lại lần nữa được phát huy tạo thành sức mạnh to lớn trong phong trào chống kẻ thù ngoại xâm. Tiêu biểu là phong trào đấu tranh của các lãnh tụ Phò Kà Đuột, Ông Kẹo, Ông Côm Mạ Đam, Chậu Phạ Pặt Chay… nhằm giành độc lập dân tộc [64, tr.3].
Đến giữa thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào, truyền thống đoàn kết dân tộc đã được củng cố trở thành khối đại đoàn kết dân tộc trong đại gia đình dân tộc Lào. "Truyền thống đoàn kết dân tộc được thống nhất trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng có hệ tư tưởng soi đường là chủ nghĩa Mác - Lênin đã khơi dạy sức mạnh và tinh thần cách mạng của các dân tộc nhằm cùng nhau đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước" [64, tr.4].
Do yêu cầu của cuộc đấu tranh nhằm chinh phục thiên nhiên, phát triển nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, đòi hỏi các cư dân phải cố kết với nhau.
Các dân tộc Lào từ trước đến nay phần lớn sống bằng nghề làm nương rẫy, trồng lúa nước và luôn chịu sự chi phối của thiên nhiên. Vì thế, con người phải sớm cố kết lại để khắc phục thiên tai. Công cuộc chinh phục thiên nhiên, phát triển nông nghiệp đòi hỏi các thành viên trong cộng đồng sớm quần tụ lại trong bản, làng để tồn tại và phát triển. Nhiều làng, tập hợp lại trong một cộng đồng lớn hơn là nước, quốc gia với cơ cấu nhà nước trung ương tập quyền có khả năng xây dựng và quản lý các công trình thủy lợi, trị thủy lớn phục vụ sản xuất, đời sống.
Nhân dân các dân tộc qua thực tế cuộc sống hiểu rất rõ là cần phải đoàn kết để đấu tranh với mọi lực lượng thù địch giữ vững quyền làm chủ của mình. Sự thống nhất đoàn kết cùng làm chủ đã đem lại những lợi ích thiết thực cho mỗi dân tộc cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Hai là: Các dân tộc sống xen kẽ với nhau, không có lãnh thổ riêng và xu hướng xen kẽ giữa các dân tộc ngày càng tăng
Quá trình hình thành và phát triển của dân tộc luôn chịu ảnh hưởng bởi những biến động lịch sử; luôn phải đấu tranh chống lại nạn ngoại xâm, khiến
cho nhiều dân tộc không còn giữ được nguyên vẹn thiết chế xã hội ban đầu.
Các dân tộc ở các tỉnh miền Bắc nước Lào, ở vùng cao, vùng núi Trường Sơn, hầu như đều bị phân tán, cư trú xen kẽ trong các tổ chức buôn, làng, bản. Tuy nhiên, quan hệ dân tộc, bản sắc dân tộc vẫn khá bền vững, đậm nét và sâu sắc.
Địa bàn cư trú xen kẽ giữa các dân tộc không chỉ dừng ở cấp tỉnh mà xuống đến tận bản. Tình trạng bản chỉ thuần một dân tộc cư trú rất ít. Có những địa phương, có những dân tộc tuy cư trú xen kẽ nhưng vẫn còn giữ được tính chất tập trung theo vùng, nhưng cũng có những dân tộc cư trú xen kẽ và hoàn toàn phân tán [124, tr.46].
Nhu cầu cư trú và sự phát triển của kinh tế - xã hội đã khiến cho nhân dân các dân tộc phải tập hợp đông đảo, cư trú xen kẽ với nhau giữa các dân tộc diễn ra ngày một nhanh chóng và ngày càng sâu đậm nổi bật. Mặc dù ở một số vùng có sự cư trú tương đối đông của một dân tộc nào đó, song không có một dân tộc nào lại cư trú riêng biệt, tập trung trên một địa bàn nhất định mà trải rộng trên nhiều vùng, nhiều đơn vị hành chính khác nhau. Do đó, trong cùng một dân tộc cũng có sự chênh lệch về kinh tế, văn hóa khác nhau, quyền lợi của họ gắn bó chủ yếu, mật thiết với địa phương và nhân dân trong vùng đang cư trú.
Quá trình phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần gắn với cơ chế thị trường hiện nay, do nhu cầu phát triển văn hóa giáo dục, do yêu cầu quốc phòng, an ninh... đã tạo cơ sở đẩy nhanh tốc độ và hình thức cư trú xen kẽ, hòa nhập giữa các dân tộc.
Ba là: Các dân tộc có sự chênh lệch về nhiều mặt kinh tế và trình độ văn hóa, tâm lý
Do sự đa dạng về dân tộc và đa dạng về điều kiện thiên nhiên, khí hậu, đất đai, các bộ phận dân cư sống ở những vùng khác nhau chịu sự tác động về nhiều mặt bởi những điều kiện khó khăn, thuận lợi khác nhau nên trình độ phát triển các mặt của các dân tộc, các vùng cũng khác nhau. Đều là các DTTS, nhưng bộ phận dân cư ở gần đường giao thông, gần thị trấn, thị xã, các tụ điểm,
trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, có điều kiện thiên nhiên thuận lợi hơn... thì bộ phận dân cư đó sẽ phát triển nhanh hơn. Ngược lại, bộ phận dân cư nào ở vùng núi cao, vùng xa xôi hẻo lánh, khí hậu, khắc nghiệt, địa thế hiểm trở, đi lại khó khăn, đất đai cằn cỗi,... thì phát triển chậm, trình độ các mặt thấp hơn. Cho nên, sự chênh lệch về các mặt giữa các dân tộc còn mang dấu ấn của sự đa dạng dân tộc và sự đa dạng của các vùng cư trú.
Quá trình xây dựng, phát triển kinh tế là cơ sở và là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề về tình trạng chênh lệch hiện nay giữa các dân tộc. Phát triển kinh tế phải được xây dựng trên cơ sở khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng dân tộc.
Mấy chục năm qua, công cuộc cải tạo và xây dựng kinh tế, xã hội, văn hóa các DTTS còn chậm, do điểm xuất phát rất thấp. Họ vừa phải ổn định đời sống, định canh định cư, cải tạo và xây dựng theo những mục tiêu kinh tế, xã hội cơ bản, vừa tổ chức sản xuất theo hướng CNH, HĐH, phát huy thế mạnh tham gia vào phân công lao động chung của cả nước, khắc phục xóa bỏ những thói quen, sự lạc hậu trì trệ, phấn đấu thực hiện nâng cao đời sống vật chất tinh thần.
Trình độ học vấn của nhân dân các DTTS tuy có những cố gắng, tiến bộ song vẫn còn ở mức thấp. Các DTTS, nhìn chung tỷ lệ mù chữ khá cao và số người có trình độ học vấn cao lại rất ít. Đặc biệt, hiện nay một số dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, số các cháu bỏ học rất nhiều; các cháu đến độ tuổi đi học không đến trường cũng còn khá phổ biến [122, tr.06].
Bốn là: Kết cấu các dân tộc của cộng đồng các dân tộc Lào anh em phong phú đa dạng, có quan hệ nguồn gốc với dân tộc ở các nước láng giềng xung quanh
Đất nước Lào là nơi tụ cư của nhiều dân tộc từ các nơi khác đến sinh sống. Có những nhóm cư dân là người bản địa đã cư trú ngay từ những ngày đầu trên mảnh đất này. Có những nhóm cư dân do điều kiện lịch sử đã di cư từ nơi khác đến và lập nghiệp từ hàng ngàn năm trước và cũng có những