Chương 3 THỰC TRẠNG VIỆC THỰC HIỆN
3.2.1. Những hạn chế trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở các tỉnh miền Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hiện nay
Công tác tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các tỉnh miền Bắc nước CHDCND Lào trong năm những vừa qua nhìn chung đã đạt những kết quả to lớn làm thay đổi bộ mặt đời sống xã hội của các tỉnh.
Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được đó còn có những thực trạng yếu kém bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa khai thác phát huy được tiềm năng vốn có của nhân dân các dân tộc và địa phương. Những hạn chế yếu kém đó có thể khái quát trên các lĩnh vực sau:
3.2.1.1. Hạn chế trên lĩnh vực chính trị
Các tổ chức trong hệ thống chính trị có vai trò to lớn trong việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc ở từng giai đoạn, từng địa phương. Trong thời gian qua, tuy có sự quan tâm của các cấp, các tổ chức chính trị nhưng nhìn chung vẫn còn có nhiều hạn chế cần được tiếp tục giải quyết:
Một là, đối với tổ chức Đảng và chính quyền cơ sở: Thời gian qua, các chi bộ Đảng cơ sở đã tăng cường lãnh đạo - chỉ đạo kiện toàn bộ máy tổ chức cơ sở gắn liền với thực hiện xây dựng cơ sở bản phát triển với công tác chính trị - tư tưởng. Nhưng nhận thức và sự hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng chưa sâu sắc, chưa thực hiện được đột phá về tư tưởng nhận thức; việc triển khai đường lối, các nghị quyết của Đảng thành các chủ trương, dự án, công trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đưa lại lợi ích thiết thực cho nhân dân vẫn chưa thực sự thành công, không kịp với tiến trình thực hiện, không phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của từng địa phương.
Những yếu kém đó xuất phát từ việc chưa đào tạo cán bộ tại chỗ, việc đưa cán bộ các cấp, các ngành xuống xây dựng cơ sở và phát triển nông thôn chưa thường xuyên, một số cán bộ ngại xuống cơ sở và chưa thật sự an tâm công tác. Một số cán bộ thụ động, làm việc theo chỉ định, hướng dẫn của cấp trên không quan tâm nghiên cứu thực tiễn địa phương; Một số cán bộ không dám nghĩ, dám làm, một bộ phận thoái hóa về đạo đức chính trị, không làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Ngoài ra còn có nhiều cán bộ tham ô, tham nhũng, lãng phí, hoạt động trái pháp luật, một số đảng viên ở cơ sở bản muốn ra khỏi tổ chức đảng, một bộ phận quần chúng nhân dân không muốn vào tổ chức đảng…Những hiện tượng đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo - chỉ đạo của tổ chức đảng các cấp.
Cho đến hiện nay vẫn còn có nhiều bản chưa có tổ chức chi bộ đảng độc lập, phải gộp 2 - 3 bản mới có thể thành lập một tổ chức chi bộ đảng
(riêng tỉnh Hủa Phăn 128 bản, tỉnh Xiêng Khoảng còn 86 bản, chưa có tổ chức chi bộ đảng độc lập) vì các bản này chưa đủ số lượng từ 3 đảng viên trở lên mới có thể tổ thành một tổ chức chi bộ đảng. Do nhiều bản không đủ số đảng viên để thành lập một chi bộ cơ sở ở bản, điều đó thể hiện việc xây dựng chính trị ở cơ sở chưa quan tâm đến đào tạo và kết nạp đảng viên mới nên không đủ điều kiện để thành lập chi bộ.
Hai là, đối với Mặt trận Lào Xây dựng đất nước: Thời gian qua Mặt trận Lào Xây dựng đất nước đã thực hiện tốt vai trò lớn trong việc hội tụ nhân dân các dân tộc vào một khối đại đoàn kết và tiếp thu những ý kiến của người dân về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng nhìn chung, vẫn còn có nhiều nơi, mặt trận của nhiều bản vẫn làm lỏng lẻo, chỉ giải quyết những công việc có liên quan đến vẫn đề tôn giáo, tín ngưỡng; chưa tập trung vào nhiệm vụ quy tụ nhân dân, tiếp thu ý kiến của người dân và khuyến khích nhân dân tham gia đóng góp vật chất và sức lực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ba là, đối với Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ: thanh niên và phụ nữ là các bộ phận đông đảo ở cơ sở và là một lực lượng quan trọng, đóng vai trò lớn vào mọi công việc chung của bản, địa phương. Thời gian qua, thanh niên và phụ nữ của các bản đã có nhiều đóng góp lớn vào việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mình và thực hiện khẩu hiệu thi đua của mình. Nhưng nhìn chung, theo tổng kết của các bản, đơn vị vẫn còn có một số thành viên ít tham gia những công việc chung của đoàn, không muốn đóng đoàn phí, muốn ra khỏi đoàn. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đoàn, có những nơi không có thành viên gương mẫu để đề nghị kết nạp vào đảng.
Nhận thức được những yếu kém, hạn chế của các tổ chức chính trị, Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng NDCM Lào năm 2016 đã khẳng định: "Ý thức chính trị, đạo đức cách mạng, lối làm việc, tinh thần phục vụ nhân dân và
tập thể của không ít đảng viên, công nhân viên đã bị suy thoái; bệnh quan liêu, xa dân, lợi dụng chức vụ để tìm kiếm lợi ích cá nhân, tham nhũng vẫn còn diễn ra khá phổ biến và chưa được giải quyết triệt để" [110, tr.28]. Những khuyết điểm, yếu kém đó là một vấn đề lớn, tác động đến vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng NDCM Lào trong giai đoạn hiện nay.
3.2.1.2. Hạn chế trên lĩnh vực kinh tế
Nhìn chung, kinh tế ở miền núi và các vùng DTTS còn chậm phát triển, nhiều nơi còn lúng túng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập quán canh tác còn lạc hậu. Chất lượng sản phẩm thấp, tiêu thụ khó khăn. Tình trạng du canh, du cư, di cư tự do còn diễn ra phổ biến, phức tạp. Một số hộ gia đình còn thiếu đất sản xuất, kết cấu hạ tầng ở nhiều nơi còn thấp kém. Kinh tế nông - lâm nghiệp chuyển biến chậm, thể hiện ở tỷ lệ của "nông nghiệp trong GDP trong từng giai đoạn còn cao, chiếm 23%, trong khi đó người phụ thuộc vào sản xuất ngành nông nghiệp lại chiếm tỷ lệ hơn 70% dân số" [120, tr.35];
chính sách lâm nghiệp chưa thực sự bảo đảm cho nhân dân sống và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Nhờ có đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp với số vốn đầu tư lớn của Nhà nước và các tổ chức quốc tế đã làm cho cơ sở hạ tầng miền Bắc nước CHDCND Lào có bước cải thiện mới tốt hơn trước. Nhưng nhìn chung, vẫn còn nhiều yếu kém, các dự án có vốn đầu tư lớn đa số tập trung ở thành thị, các thị xã tỉnh và các thị trấn của huyện. Các vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS chưa được tập trung đầu tư, nhất là về đường giao thông, còn nhiều tuyến đường chưa được trải nhựa và chỉ đi lại được một mùa "năm 2011 đường ô tô đi lại được hai mùa có 62% của chiều dài tuyến đường, năm 2015 tăng lên 73% của chiều dài tuyến đường đi tới các bản" [120, tr.34] và Mạng lưới điện tới các bản để người dân được sử dụng điện "năm 2011 chiếm 55,48% của bản toàn miền Bắc và đến năm 2015 tăng lên chiếm 78,32% của bản toàn
miền Bắc" [120, tr.34], điều đó cho thấy rõ hiện nay, ở miền Bắc nước Lào vẫn còn có 21,68% bản mà người dân chưa được sử dụng điện, trong đó ở các tỉnh cũng khác nhau như: "bản chưa có điện lưới cho dân được sử dụng ở tỉnh Phổng Xa Ly còn 25%, tỉnh Hủa Phăn còn 24%, tỉnh Luông Nặm Tha còn 23%, tỉnh Ụ Đôm Xay còn 22%, tỉnh Xiêng Khoảng còn 19%, tỉnh Xay Nha Bu Ly còn 18%, tỉnh Bo Kẹo còn 18% và tỉnh Luông Pha Bang còn 16%"
[120, tr.36 - 37], hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất của nhân dân các dân tộc ở nông thôn, miền núi, vùng, vùng sâu xa chưa được nâng cấp mở rộng còn khoảng 72% diện tích ruộng không có nước tới phục vụ cho hai vụ sản xuất. Sự yếu kém của cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn là một trong những nguyên nhân cản trở quá trình phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa của nhân dân các dân tộc trên địa phương này.
Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm, quá trình phát triển kinh tế thị trường cũng còn nhiều hạn chế, những yếu tố thị trường chưa được tạo lập, còn mang tính tự phát, không ổn định, sản phẩm tạo ra không có người mua. Như vậy quá trình phát triển kinh tế thị trường ở các vùng khó khăn, miền núi vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức, sản phẩm nông sản làm ra không có người mua, việc đưa sản xuất nông nghiệp trở thành sản xuất hàng hóa là một điều còn khó khăn.
Nông - lâm nghiệp có vai trò và đóng góp lớn chiếm tỷ lệ khá cao trong thu nhập quốc nội, nhưng việc đưa sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa vẫn còn lẻ tẻ, chưa gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ. Chính sách và giải pháp khuyến khích nông dân sản xuất hàng hóa chưa được triển khai và cụ thể hóa, nhất là, chính sách trợ cấp vốn, thu mua sản phẩm, chưa quy hoạch được sản xuất những sản phẩm theo tiềm năng thế mạnh của từng địa phương.
Cán bộ khuyến nông - lâm có năng lực lãnh đạo, quản lý và có chuyên môn ở cơ sở còn thiếu, một cụm bản chỉ có 1 - 2 người làm công tác khuyến
nông, không có tập huấn cho người dân canh tác chăn nuôi, phải tự tìm hiểu cách canh tác, chăn nuôi. Lao động đa số ở lĩnh vực nông nghiệp nhưng trình độ chuyên môn nghề nghiệp thấp. Các dịch vụ nông - lâm nghiệp còn thiếu nhất là về phun thuốc trừ sâu, tiêm thuốc chống lây dịch cúm gia cầm.
Những hạn chế việc thực hiện chính sách dân tộc ở các tỉnh miền Bắc nước CHDCND Lào trong những năm qua được thể hiện rõ thông qua một số điểm chủ yếu như sau:
Một là, về giải quyết đất sản xuất
Các tỉnh đã triển khai thực hiện quy hoạch cấp đất sản xuất và giao khoán rừng cho hộ nông dân, hầu hết diện tích đất sản xuất được cấp cho nông dân, cho các hộ gia đình sử dụng vào việc sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện còn nhiều hộ gia đình trong tình trạng thiếu đất sản xuất nhất là đất trồng lúa, vì tại các địa phương không còn quỹ đất để phân bổ, mở rộng giải quyết phân đất sản xuất cho các hộ gia đình ở vùng cao, hộ gia đình định cư mới có đất phục vụ vào việc sản xuất. Bên cạnh đó, một số diện tích đất được cấp để sản xuất lại kém mầu mỡ, thiếu nước tưới, còn hơn 70% diện tích ruộng chưa có hệ thống thủy lợi cung cấp nước sản xuất 2 vụ, một số ít lẫn sỏi, đá, hay bị hạn hán, nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp bình quân chỉ từ 4 - 4,2 tấn/ha [123, tr.18].
Mặc dù, các tỉnh đã quan tâm đầu tư khá nhiều vào xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm giúp đồng bào thuận lợi việc sản xuất, thâm canh tăng vụ, nhưng do trình độ canh tác lạc hậu, thói quen trồng cấy một vụ/năm, cho nên mới chỉ khoảng 12,8% diện tích ruộng được khai thác trồng lúa 2 vụ; vì vậy, đời sống của nhân dân các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và kinh tế hộ gia đình còn chậm phát triển.
Các tỉnh đã có chương trình vận động những hộ gia đình đồng bào các dân tộc có đất sản xuất không được bỏ hoang đất, không được tự ý bán đất, cho thuê hoặc sang nhượng đất trái phép nhất là ở các thị trấn. Nhưng trên
thực tế, nhân dân còn bỏ hoang quỹ đất sản xuất đã được cấp, còn xảy ra khá phổ biến tất cả các tỉnh tình trạng bán đất, cho thuê đất trái phép, sử dụng đất sai mục đích và hàng năm còn có nhiều vụ khiếu kiện về vấn đề đất đai.
Hai là, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Do trình độ canh tác còn thấp, khả năng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn thấp, khả năng giao lưu kinh tế còn hạn chế nên việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi rất chậm, chưa xuất hiện những mô hình trang trại chăn nuôi, sử dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Diện tích đất sản xuất được chủ động tưới tiêu còn ít, đa số phụ thuộc vào thời tiết, mưa tự nhiên, nhiều nơi thời tiết khô hạn, ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất, năng suất các loại cây trồng thấp. Mặc dù đã tiến hành cải tiến, ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhưng hiệu quả thâm canh vẫn chưa cao, ở nhiều nơi sản xuất vẫn còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.
Đối với việc chăn nuôi, thì ở nhiều nơi, vẫn còn nhiều hộ gia đình chưa chú trọng đến việc định hình phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương. Cụ thể, chăn nuôi còn mang tính chất tự phát truyền thống, chăn thả trong tự nhiên, không có tiêm thuốc phòng dịch bệnh, nên hiệu quả kinh tế còn thấp, không đáp ứng yêu cầu của thị trường và phục vụ cải thiện đời sống của nhân dân; "năm 2011 bình quân 340 kg thóc/người/năm đến năm 2015 là 520 kg thóc/người/năm. Tương tự, tính bình quân mỗi người được 32 kg thịt/năm trong năm 2011 và năm 2015 là 48 kg thịt/năm" [123, tr.29].
Ba là, về công tác khuyến nông, khuyến lâm, trong thời gian qua, hoạt động khuyến nông, khuyến lâm ở các tỉnh chưa được phổ biến sâu rộng và thường xuyên cho nhân dân. Một phần do đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm ở cơ sở còn thiếu và yếu, một cụm bản chỉ có 1-2 người, vừa chưa đủ khả năng, năng lực tập trung chỉ đạo hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; công tác lâm nghiệp chủ yếu là giữ gìn và bảo vệ rừng, chưa có chương trình chính sách cụ thể để phổ biến cho nhân dân chủ động tích cực
tham gia trồng rừng và hưởng lợi từ rừng; một phần do tập quán sản xuất cũ chậm được thay đổi, nhất là nhân dân các dân tộc ở vùng nông thôn, vùng sâu xa, sản xuất dựa vào tự nhiên, nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các vùng này còn nhiều hạn chế, thiếu hiệu quả như tỉnh Hủa Phăn, Phổng Xa Ly chỉ sản xuất trồng lúa được một vụ.
Bốn là, về công tác quản lý, bảo vệ rừng
Công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm tổ chức thực hiện và đầu tư khá nhiều và là một trong những dự án lớn của Đảng và Nhà nước. Gần đây, thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm xuất khẩu mọi loại gỗ ra nước ngoài thì tình trạng chặt phá rừng đã giảm bớt. Trong thời gian qua các cấp, các tỉnh đã chú trọng công tác quần chúng bảo vệ rừng, tái sinh rừng và trồng rừng. Nhưng, việc quản lý, bảo vệ rừng ở nhiều tỉnh, nhiều địa phương chưa tốt, tình trạng chiếm đất rừng, nạn phá rừng làm nương rẫy, chặt cây rừng làm than còn khá phổ biến. Theo tổng hợp số liệu từ báo cáo của các tỉnh thì hàng năm ở miền Bắc, phát hiện có trên 200 ha rừng bị chặt phá mới. Các vụ phá, đốt cháy rừng hàng năm vẫn còn xảy ra khá phổ biến nhưng chưa được xử lý một cách triệt để, nhiều nhất là ở tỉnh Hủa Phăn, Luông Nặm Thà, Ụ Đôm Xay.
Việc tập huấn, hướng dẫn cách quản lý, bảo vệ rừng cho nhân dân chưa được ngành chuyên môn phổ biến sâu, kỹ, thường xuyên, nhất là về việc giữ nguyên rừng và trồng tái tạo rừng bị chặt phá. Sự kém hiểu biết của người dân đã dẫn đến việc chặt phá hay đốt rừng, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân người dân, sự mất rừng tự nhiên lại làm cho nguồn nước bị cạn kiệt, không còn nước tưới tiêu, phải chờ đến mùa mưa mới có nước, ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi, sản xuất lúa gạo, rau quả...
Năm là, về việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
Tuy có sự quan tâm đầu tư rất nhiều kinh phí vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong những năm qua nhất là những năm gần đây, nhưng nhìn