2.1.3.1. Khái niệm thực hiện chính sách dân tộc
Thực hiện chính sách dân tộc là quá trình đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn, đến với người dân nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Là những hoạt động theo sự phân công và phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, của các đơn vị tổ chức liên quan và các đối tượng hưởng thụ chính sách. Đây là quá trình chính quyền các cấp, cơ quan chức năng, nhân dân các dân tộc thuộc đối tượng chính sách căn cứ vào mục tiêu, nội dung, nguồn lực, thời gian của chính sách tiến hành phân công những đầu việc cho các tổ chức, cá nhân chủ trì hoặc phối hợp triển khai thực hiện đúng đắn, kịp thời.
Thực hiện chính sách dân tộc hướng tới sự phát triển bền vững về kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, khắc phục tình trạng lạc hậu, chậm phát triển của các DTTS, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ, đảm bảo những điều kiện cơ bản về lương thực, nhà ở, nước sinh hoạt, học hành và chăm sóc sức khỏe, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng và các dân tộc.
Vì vậy, thực hiện chính sách dân tộc cần tập trung vào mục tiêu phát triển con người, đảm bảo quyền con người các dân thiểu số về kinh tế - xã hội, thực hiện quyền tiếp cận và tham gia của cộng đồng trong việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên của mình.
Thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Lào ở các tỉnh miền Bắc nhằm khai thác mọi tiềm năng thế mạnh của các dân tộc, các vùng địa phương để phục vụ đời sống nhân dân các dân tộc, thực hiện từng bước khắc phục khoảng cách chênh lệch giữa các địa phương, giữa các dân tộc để đạt mục tiêu dân giàu hạnh phúc, nước phồn vinh hùng mạnh, xã hội đoàn kết hài hòa, công bằng, dân chủ, văn minh; hướng tới mục tiêu cuối cùng của chính sách dân tộc là bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của các dân tộc.
Thực hiện chính sách dân tộc là quá trình hiện thực hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về vấn đề dân tộc và mối quan hệ dân tộc;
đồng thời, triển khai nội dung của các chủ trương, chính sách, các chương trình cụ thể liên quan đến các mặt của đời sống xã hội ở khu vực DTTS.
Khâu tổ chức thực hiện có vai trò quan trọng. Các nhà hoạch định và thực thi chính sách phải chú ý tính đặc thù, các điều kiện cần thiết để chuyển tải, tác động đến đối tượng hưởng thụ và thông qua đó biến các nội dung của các văn bản chính sách thành hiện thực phát triển kinh tế - xã hội sinh động trong cuộc sống. Thông qua quy trình trên, nội dung công tác dân tộc trở thành hiện thực trong cuộc sống với nhiều vấn đề và mối quan hệ tác động qua lại để kiểm chứng và không ngừng hoàn thiện.
Hoàn thiện chính sách dân tộc là những nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng, chính quyền các cấp, các ngành có liên quan nói chung, và của các cơ quan chuyên trách vấn đề dân tộc nói riêng, trong đó thực hiện chính sách dân tộc có vai trò quyết định trong việc giải quyết vấn đề dân tộc, mối quan hệ dân tộc. Đây chính là việc tổ chức, triển khai đưa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống, đến với người hưởng lợi. Quá trình thực hiện chính sách không chỉ một chiều là hiện thực hóa tư tưởng, chính sách mà còn có tác dụng kiểm chứng chính sách qua thực tiễn cuộc sống, phát hiện những bất hợp lý để điều chỉnh, hoàn thiện chính sách. Có thể chương trình, dự án, chính sách đúng đắn, nhưng tổ chức thực hiện chính sách không tốt thì hiệu quả của chính sách sẽ không cao.
Tóm lại, thực hiện chính sách dân tộc là quá trình đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn, đến với người dân nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Là quá trình cơ quan chức năng, triển khai các nội dung chính sách dân tộc được đề ra, được cụ thể hóa thành chính sách trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng, nhằm hướng tới đối tượng hưởng thụ chính sách.
2.1.3.2. Mục tiêu thực hiện chính sách dân tộc
Một là, góp phần giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp, kết hợp hài hòa giữa lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào thực hiện chính sách dân tộc dựa trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết hài hòa, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, nhằm giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đồng thời, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.
Hai là, phát triển toàn diện mọi mặt đời sống xã hội ở khu vực DTTS, khai thác mọi tiềm năng đất nước, địa phương và các dân tộc, phục vụ nhân dân cải thiện nâng cao đời sống đồng bào các DTTS thoát khỏi nghèo đói, bệnh tật, lạc hậu.
Ba là, khắc phục, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các tộc người không chỉ giữa các tộc người thiểu số với người đa số, mà còn giữa các DTTS với nhau; làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, làm cho đồng bào DTTS được hưởng ngày càng đầy đủ hơn những quyền lợi về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Bốn là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa các dân tộc ở nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, tăng cường sức mạnh đoàn kết của cộng đồng các dân tộc để đẩy mạnh CNH, HĐH vùng DTTS và miền núi nói riêng, đất nước Lào nói chung.
Mục tiêu cuối cùng của việc thực hiện chính sách dân tộc nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS, thực hiện bình đẳng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, khắc phục dần khoảng cách giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi, giữa nông thôn miền núi và nông thôn đồng bằng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH nông thôn của tỉnh nói riêng, sự nghiệp phát triển của tỉnh nói chung.
2.1.3.3. Nội dung thực hiện chính sách dân tộc
Thứ nhất, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc phải được triển khai theo sự phân công và phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, của các đơn vị tổ chức liên quan và các đối tượng hưởng thụ chính sách. Trong đó, vai trò cán bộ cơ sở là rất quan trọng.
Thứ hai, tổ chức triển khai cung cấp các nguồn lực, cơ sở vật chất giúp cho các vùng, các hộ gia đình có thêm điều kiện thuận lợi về tư liệu, tài nguyên như: đất đai, giao thông, điện, hạ tầng dịch vụ sản xuất, thị trường, thương mại phục vụ cho sản xuất và các mục đích sử dụng khác. Sự trợ giúp này có vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, tuyên truyền, giáo dục để người dân nâng cao dân trí, nhận thức, có thêm những kiến thức, thông tin, kinh nghiệm cần thiết về khoa học, công nghệ, thương mại dịch vụ và những cải tiến phục vụ cho sản xuất cũng như các hoạt động đời sống hàng ngày.
Thứ tư, chính sách dân tộc phải giải quyết các vấn đề cụ thể như: trợ giúp người nghèo, phụ nữ, trẻ gái về cơ hội tiếp cận nguồn lực, trợ cấp rủi ro, thiên tai, hỗ trợ người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục miễn phí và giảm chi phí.
Chính sách dân tộc mang tính toàn diện, vì vậy, nội dung thực hiện chính sách dân tộc được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội:
Một là, thực hiện chính sách dân tộc trên lĩnh vực chính trị, đó là thực hiện chủ trương các dân tộc bình đẳng, đoàn kết hài hòa, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Thực hiện chính sách dân tộc trên lĩnh vực chính trị, trước hết là thực hiện quyền bình đẳng về chính trị giữa các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Lào. Quyền bình đẳng về chính trị giữa các dân tộc, đó là quyền bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, trước hết quyền tham chính của các dân tộc trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp. Đó là bình đẳng
về quyền làm chủ đất nước, là phát huy quyền làm chủ của các dân tộc trong xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội các cấp. Quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc bao gồm quyền làm chủ thông qua đại diện và quyền làm chủ trực tiếp, kết hợp với tự quản ở cơ sở. Đảm bảo ngày càng có nhiều người DTTS được bầu vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở nhằm thực hiện đảm bảo quyền làm chủ cho người lao động.
Xây dựng hệ thống chính trị ở vùng DTTS vững mạnh. Chính quyền ở vùng DTTS có vị trí rất quan trọng và có tính chất đặc thù, một mặt, vừa phải thực hiện nhiệm vụ quản lý địa phương theo Hiến pháp, pháp luật, chấp hành các văn bản nhà nước cấp trên, bảo đảm sự thống nhất của Đảng, đồng thời, phát huy quyền chủ động, sáng tạo của địa phương, nhất là trong việc thực hiện chính sách dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện quyền làm chủ, quyền tham chính của nhân dân vùng DTTS.
Hai là, thực hiện chính sách dân tộc trên lĩnh vực kinh tế, đó là thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, địa phương, từng bước khắc phục dần chênh lệch khá lớn về tốc độ phát triển kinh tế giữa vùng, miền, giữa DTTS với dân tộc đa số và giữa các DTTS với nhau. Nội dung của chính sách phát triển kinh tế vùng DTTS, trước hết là thực hiện chính sách phát triển lực lượng sản xuất để từng bước xây dựng quan hệ sản xuất, từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới; chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở khu vực DTTS; chính sách phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; chính sách ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống tạo điều kiện để các DTTS phát huy tiềm năng và các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hàng hóa; chính sách phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân... phù hợp
với các địa bàn, địa phương và những đặc điểm canh tác, sản xuất của các tộc người. Phát triển kinh tế vùng DTTS gắn với nhiệm vụ cụ thể trong điều chỉnh quan hệ sản xuất, đổi mới quản lý, giải phóng các nguồn năng lực sản xuất ở vùng DTTS.
Thực hiện nội dung chính sách dân tộc trên lĩnh vực kinh tế đòi hỏi phải thực hiện chính sách định canh, định cư, thực hiện chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc để phát triển sản xuất, ổn định, và nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS.
Thực hiện nội dung này cần tập trung vào việc xây dựng cơ sở vật chất và tạo môi trường thuận lợi trong hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hóa của nhân dân các dân tộc nhằm cải thiện đời sống của người dân.
Nhiệm vụ của việc thực hiện nội dung kinh tế này là tập trung vào: xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhất là về đường giao thông, thủy lợi, điện, nước, trạm y tế; giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào nhân dân các dân tộc ở địa phương của các tỉnh; thực hiện công tác định canh, định cư và di dân xây dựng vùng kinh tế mới, tập hợp dân thành bản lớn nhằm ổn định cuộc sống của người dân; thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân, trọng tâm là nhân dân các dân tộc ở vùng cao, khó khăn, vùng biên giới và các bản còn thuộc chuẩn mức nghèo của các tỉnh. Nội dung chính sách kinh tế gắn liền với chính sách thị trường, tiêu thụ, chế biến nông sản để thúc đẩy quá trình chuyển biến từ nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế thị trường.
Ba là, thực hiện chính sách dân tộc trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, đó là thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến việc xây dựng nền văn hóa bản sắc dân tộc, nâng cao trình độ dân trí, tăng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho các dân tộc. Vì vậy, nội dung văn hóa trong chính sách dân tộc liên quan đến một số chính sách cụ thể như: chính sách bảo tồn, phát huy những
giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của các DTTS, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Lào; chính sách phát triển ngôn ngữ của các dân tộc; chính sách phát triển văn hóa, giáo dục vùng DTTS;
chính sách xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở vùng DTTS; chính sách xây dựng các thiết chế văn hóa, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cổ động, thể dục, thể thao; chính sách nâng cao mức hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật cho đồng bào DTTS; đưa nhu cầu văn hóa mới tới cho đồng bào được hưởng thụ ngày càng nhiều, làm cho các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và bảo vệ lẫn nhau.
Thực hiện các chính sách văn hóa - xã hội đối với đồng bào các dân tộc DTTS như chính sách xóa đói, giảm nghèo; chính sách tạo việc làm, giải quyết vấn đề công bằng xã hội; chính sách bảo trợ xã hội, chính sách thực hiện kế hoạch dân số; chính sách xây dựng hệ thống dịch vụ y tế, phòng chống các dịch bệnh; phòng chống các tệ nạn xã hội...
Các chính sách trên được thực hiện trong các chương trình chung của cả nước, nhưng có chú ý đến đặc điểm riêng của vùng DTTS, đặc biệt có những chính sách dành riêng cho vùng DTTS như các chính sách ưu tiên, chính sách hỗ trợ, chính sách cử tuyển trong giáo dục...
Thực hiện chính sách văn hóa - xã hội trong vùng DTTS còn liên quan đến việc quản lý và phát triển xã hội trong cộng đồng. Phát huy quyền dân chủ trực tiếp ở cơ sở bên cạnh việc củng cố chính quyền và các tổ chức, đoàn thể xã hội, việc phát huy vai trò của những người có uy tín sẽ phát huy cơ chế tự quản và tổ chức xã hội truyền thống trong đồng bào các DTTS.
Bốn là, thực hiện chính sách dân tộc trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng, là một trong những nhân tố hàng đầu nhằm xây dựng, củng cố an ninh quốc phòng của đất nước vì các DTTS phần lớn sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới..., là nơi có vị trí chiến lược quốc phòng - an ninh rất quan trọng.
Thực hiện chính sách xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, phối hợp chặt
chẽ các lực lượng trên địa bàn cư trú của đồng bào các DTTS; tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tăng cường quan hệ quân dân; thực hiện chính sách tín ngưỡng và tôn giáo ở vùng DTTS.
Thực hiện chính sách dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa cũng chính là tăng cường sức mạnh bảo vệ đất nước trong vùng đồng bào DTTS. Do đó, thực hiện tốt chính sách dân tộc trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội là tạo điều kiện ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Đánh giá những thành tựu cơ bản liên quan đến việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, Văn kiện Đại hội X của Đảng đã khẳng định: "Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, tình hình miền núi và các vùng dân tộc đã có bước chuyển biến quan trọng làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, miền núi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được cải thiện, nâng cao" [110, tr.13].
Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc đã phản ánh nội dung cơ bản, bao trùm xuyên suốt của chính sách dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Những nội dung bao trùm đó đồng thời cũng là những nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, rất cần cụ thể hóa những nội dung của chính sách dân tộc trong thực tiễn xây dựng đất nước. Theo tinh thần đó, hàng loạt các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã được thực hiện, nhằm góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc, đặc biệt là các chương trình xóa đói, giảm nghèo; chương trình phổ cập giáo dục tiểu học; chương trình y tế toàn dân,…
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách ưu tiên phát triển toàn diện vùng nông thôn miền núi, vùng các dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Cho đến nay, các chính sách dân tộc ngày càng được cụ thể hóa và đi vào cuộc sống của các dân tộc. Việc triển khai hàng loạt các chính sách dân tộc