Khái niệm chính sách dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Lào

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Lịch sử: Thực hiện chính sách dân tộc ở các tỉnh miền Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hiện nay (Trang 39 - 54)

2.1.2.1. Khái niệm chính sách dân tộc

Chính sách dân tộc là hệ thống các quan điểm, chủ trương, giải pháp giải quyết các quan hệ tộc người của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh - quốc phòng các vùng DTTS và miền núi. Đối tượng tác động trực tiếp của chính sách dân tộc là các dân tộc, các vùng DTTS. Chính sách dân tộc là bộ phận gắn bó trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước Lào, có vai trò to lớn trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chính sách dân tộc là phương tiện để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác dân tộc được đề ra trong các thời kỳ cách mạng. Thông qua chính sách dân tộc mà các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước mới trở thành sức mạnh vật chất, tác động đến đời sống của đồng bào các dân tộc; thúc đẩy sự phát triển của các các dân tộc, các địa phương và quốc gia. Chỉ có thông qua chính sách dân tộc thì các nhiệm vụ của công tác dân tộc về kinh tế, văn hóa, xã hội, đào tạo cán bộ, an ninh - quốc phòng vùng DTTS... mới đi vào cuộc sống, mới đến được với các dân tộc, làm cho các dân tộc cảm nhận và thấy được quan điểm, đường lối, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân các dân tộc, thông qua thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách đã đề ra.

Nội dung bao trùm, mang tính nguyên tắc của chính sách dân tộc ở Lào hiện nay là: thực hiện bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc, mọi dân tộc đều có quyền bảo tôn, phát triển phong tục tập quán và văn hóa tốt đẹp của dân tộc và của cộng đồng dân tộc Lào. Chỉ có thực hiện đồng bộ các nội dung mang tính nguyên tắc vừa nêu thì cộng đồng dân tộc Lào mới có thể tiến hành thắng lợi sự nghiệp đưa đất nước thoát khỏi tình trạng đói nghèo, chuẩn bị tiền đề cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ đất nước theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Chính sách dân tộc có các nội dung cụ thể phản ánh các yêu cầu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội và an ninh - quốc phòng.

Về chính trị: Chính sách dân tộc góp phần nâng cao tính tích cực chính trị của công dân; nâng cao nhận thức của cán bộ và đồng bào các DTTS về tầm quan trọng của vấn đề dân tộc, đoàn kết các dân tộc, thống nhất với mục tiêu chung là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Dân giàu hạnh phúc, nước phồn vinh hùng mạnh, xã hội đoàn kết hài hòa, công bằng, dân chủ, văn minh [110, tr.16].

Về kinh tế: Thực hiện các nội dung kinh tế thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết ở các vùng DTTS, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế nhiều thành phần ở các vùng này, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống, thu nhập giữa cư dân các tộc người, các vùng, miền. Thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng.

Về văn hoá - xã hội: Giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các tộc người, góp phần xây dựng nền văn hoá thống nhất những điểm chung là đoàn kết, yêu nước, thống nhất đất nước nhưng tôn trọng và bảo tồn sự đa dạng bản sắc văn hoá tộc người; nâng cao trình độ văn hoá, xây dựng môi trường, thiết chế văn hoá phù hợp với điều kiện của các tộc người; thực hiện bình đẳng về văn hoá giữa các dân tộc; đồng thời, mở rộng giao lưu văn hoá với các quốc gia trên thế giới và khu vực.

Nhiều vấn đề xã hội, công bằng, bình đẳng xã hội giữa cư dân các dân tộc phải được giải quyết trong nội dung xã hội của chính sách dân tộc. Để thúc đẩy sự phát triển về mặt xã hội, giải quyết các quan hệ tộc người, cần thiết phải xử lý mối quan hệ giữa kế thừa những giá trị tích cực trong thiết chế xã hội truyền thống và các quan hệ xã hội của các DTTS trong quá trình xây dựng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội ở các vùng DTTS.

Về an ninh - quốc phòng: Vùng đồng bào DTTS là các vùng có vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng (đây là các vùng rừng - núi, biên giới, cửa khẩu thông thương). Vì vậy, trong chính sách dân tộc phải bảo đảm nội dung an ninh - quốc phòng ở các vùng DTTS, góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng của đất nước trong điều kiện xây dựng và bảo vệ đất nước.

Do vậy, trong công tác dân tộc, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách có ý nghĩa quyết định đến sự thành công, quyết định đến kết quả mục tiêu, nhiệm vụ mà công tác dân tộc đề ra trong các giai đoạn cách mạng. Chính sách an ninh - quốc phòng có tầm quan trọng lớn đối với sự tồn tại và phát triển của các dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng, đổi mới đất nước có ý nghĩa quan trọng đến thành tựu chung của cách mạng và thành tựu riêng của công tác dân tộc.

Lịch sử đã chứng minh, giai cấp thống trị trong mỗi thời đại lịch sử đều đưa ra những phương thức giải quyết vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc theo quan điểm, ý thức hệ của giai cấp mình. Các phương thức giải quyết thường được gọi là chính sách dân tộc. Như vậy, chính sách dân tộc thể hiện ý chí của giai cấp thống trị xã hội, nắm quyền lãnh đạo và quản lý xã hội trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Mục đích của chính sách đó nhằm điều chỉnh các mối quan hệ dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc trong một quốc gia theo quan điểm của giai cấp thống trị tại quốc gia đó, chính sách dân tộc cũng là cơ sở đề giải quyết mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc trong khu vực và quốc tế.

Chính sách dân tộc tác động đến các dân tộc và mối quan hệ giữa các dân tộc là nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng ở các vùng của các dân tộc, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc, xây dựng mối quan hệ giữa các dân tộc một cách tốt đẹp. Chính vì vậy, trong thực tế, các nội dung, nhiệm vụ chính sách dân tộc xen kẽ với nội dung, nhiệm vụ của hệ thống

chính sách kinh tế, xã hội. Trong nhận thức, không thể tách biệt, cô lập tuyệt đối chính sách dân tộc thành một chính sách riêng rẽ mà phải thấy nó là một bộ phận hữu cơ trong hệ thống chính sách của Đảng. Một mặt, chính sách dân tộc chịu sự tác động của chính sách kinh tế, xã hội; mặt khác chính sách dân tộc luôn tác động trở lại đối với các chính sách kinh tế, xã hội. Chính sách dân tộc chỉ có thể được thực hiện đúng đắn, có hiệu quả thông qua quá trình thực hiện chính sách kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể và đặc điểm của từng vùng, từng dân tộc. Vì, các dân tộc là những thành viên trong cộng đồng dân tộc Lào, nếu chính sách dân tộc được thực hiện có hiệu quả sẽ tác động tích cực đến việc thực hiện hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh toàn quốc.

Chính sách dân tộc chú ý đầy đủ đến những đặc điểm tự nhiên, lịch sử, xã hội, phong tục tập quán, văn hóa của các dân tộc; tôn trọng lợi ích, nguyện vọng của các dân tộc. Từ đó, khai thác, phát huy mọi tiềm năng thế mạnh, vai trò chủ động, sáng tạo và nội lực của địa phương, của các dân tộc.

Như vậy, chính sách dân tộc là một bộ phận hữu cơ trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính sách dân tộc thể hiện quan điểm chính trị của Đảng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc. Chính sách dân tộc được thực hiện thông qua quá trình thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Tóm lại: Chính sách dân tộc là một bộ phận của hệ thống chính sách quốc gia, là một vấn đề mang tính chiến lược, có tính tổng hợp các quan điểm, nguyên tắc, giải pháp, nhiệm vụ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của các dân tộc. Mục tiêu, nội dung chính sách dân tộc hướng tới đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của các dân tộc.

2.1.2.2. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Lào

Đảng NDCM Lào từ ngày thành lập vào ngày 22 tháng 03 năm 1955 cho đến nay, luôn coi trọng vấn đề dân tộc và đề ra chủ trương, đường lối,

chính sách, nhiệm vụ đúng đắn về vấn đề dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể của đất nước Lào.

Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc, Đảng và Nhà nước Lào đã dựa vào các nguyên tắc cơ bản về chính sách dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin: "các dân tộc hoàn toàn bìn đẳng, các dân tộc được quyền tự quyết, liền hiệp công nhân tất cả các dân tộc lại; đó là cương lĩnh dân tộc mà chủ nghĩa Mác và kinh nghiệm nước Nga đã dạy cho công nhân" [29, tr.375].

Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Lào mang tính toàn diện, tổng hợp tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của các dân tộc và quan hệ dân tộc trong cộng đồng dân tộc quốc gia; trong đó, phát triển kinh tế là nền tảng để phát triển các lĩnh vực khác của đời sống đồng bào các dân tộc. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Lào là sự vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Cay Sỏn Phôm Vị Hản vào hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh cụ thể của đất nước và các dân tộc ở CHDCND Lào, thể hiện rõ trên quan điểm: "vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn lâu dài. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết hài hòa, giúp đõ lẫn nhau giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới" [109, tr.14].

Việc xây dựng chính sách dân tộc ở Lào cũng đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc: "Chúng ta tranh được tự độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no mặc đủ" [30, tr152]. Vì vậy, Hồ Chí Minh khẳng định: "Chúng ta phải làm sao thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành.

Cái mục đích chúng ta đi đến là ở đó, đi đến để dân ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp vào tự do độc lập" [30, tr152]. Đảng NDCM Lào ngay từ đầu đã thực hiện nhất quán những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng Cay Sỏn Phôm Vị Hản về vấn đề dân tộc. Các văn kiện của Đảng đã ban đến quyền bình đẳng dân tộc, đoàn kết dân tộc, thể hiện rõ tư tưởng của Cay Sỏn Phôm Vị Hản và được xác định trong Văn kiện Đại hội lần thứ I của Đảng (năm 1955) ghi rõ: "Các dân tộc đều được bình

đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc" [101, tr.28].

Đại hội Đại biểu Đảng NDCM Lào lần thứ V năm 1991 diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến đổi phức tạp. Văn kiện Đại hội khẳng định: "Hiện nay, quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước Lào đang trong giai đoạn tiếp tục xây dựng và củng cố nền dân chủ nhân dân, xây dựng những yếu tố từng bước đi lên CNXH" [105, tr.14]. Đảng chủ trương

"Tăng cường đoàn kết thống nhất toàn dân trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân - nông dân và tầng lớp trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào"

[105, tr.15]. Văn kiện Đại hội một lần nữa khẳng định lại vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc: "Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Các dân tộc có truyền thống đoàn kết trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, với mục tiêu xây dựng một cộng đồng dân tộc Lào thống nhất" [105, tr.19].

Để tạo cơ sở pháp lý khẳng định mối quan tâm của Đảng và Nhà nước Lào, Hiến pháp nước CHDCND Lào (sửa đổi bổ sung năm 2015) ghi rõ: Điều 2: " Nhà nước CHDCND Lào là Nhà nước dân chủ nhân dân. Mọi quyền hạn là của dân, do dân và vì lợi ích của dân gồm có các tầng lớp trong xã hội do công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức là chủ chốt" [117, tr.03]. Để đảm bảo việc thực hiện chính sách dân tộc, Điều 3 Hiến pháp ghi rõ: "Quyền làm chủ đất nước của nhân dân các dân tộc được thực hiện và đảm bảo bằng hoạt động của hệ thống chính trị do Đảng NDCM Lào lãnh đạo" [117, tr.03].

Điều 8 của Hiến pháp khẳng định thêm về sự bình đẳng và đoàn kết dân tộc:

Nhà nước thực hiện chính sách đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc, mọi dân tộc đều có quyền bảo tồn và phát triển văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc và cộng cộng đồng dân tộc Lào;

cấm mọi hành động chia rẽ và hành vi chia rẽ dân tộc. Nhà nước

thực hiện mọi biện pháp để phát triển và nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc [117, tr.8].

Thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi, đặc biệt quan tâm vùng gặp nhiều khó khăn, vùng trước đây là căn cứ cách mạng và kháng chiến. Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi một cách phù hợp. Tích cực thực hiện chính sách ưu tiên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS; động viên, phát huy vai trò của người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng NDCM Lào năm 2016, đã khẳng định rằng: "Tăng cường đoàn kết dân tộc, tầng lớp và tôn giáo dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào là truyền thống tốt đẹp, là sức mạnh thắng lợi và là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp giành độc lập dân tộc, bảo vệ và phát triển đất nước cũng như sự ổn định chính trị và sự tồn tại của đất nước theo con đường tiến lên mục tiêu chủ nghĩa xã hội" [110, tr.16].

Để đảm bảo cho việc thực hiện chính sách dân tộc có hiệu quả, Đảng NDCM Lào đã có Nghị định số 03 năm 2004 của Trung ương Đảng NDCM Lào về việc xây dựng chính trị cơ sở; lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các chỉ thị quan trọng như: Chỉ thị số 09/BCT, của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về việc xây dựng Bản và cụm Bản phát triển tháng 6 năm 2004; Chỉ thị số 04/BBT của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc giáo dục và tăng cường sự đoàn kết giữa nhân dân các dân tộc Lào, tháng 7 năm 2007; Chỉ thị bổ sung số 13/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Bản và cụm Bản phát triển, tháng 6 năm 2008; Chỉ thị số 14/BBT của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức thực hiện công tác xây dựng cơ sở, tháng 10 năm 2009;

Chỉ thị số 01/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng tỉnh thành đơn vị chiến lược, huyện thành đơn vị kế hoạch ngân sách và bản thành đơn vị tổ chức thực hiện (gọi tắt là chương trình 3 xây), tháng 12 năm 2010.

Những nội dung chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Lào được tập trung thông qua các điểm quan trọng sau:

Một là, nội dung chính sách dân tộc trên lĩnh vực chính trị

Trên lĩnh vực chính trị, chính sách dân tộc tập trung vào rất nhiều nội dung, trong đó, nội dung cơ bản là tạo điều kiện để thực hiện bình đẳng về chính trị giữa các dân tộc. Thực hiện nội dung chính sách dân tộc trên lĩnh vực này là triển khai các đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Lào trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chủ yếu tập trung vào việc củng cố và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở vùng DTTS, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển cán bộ và thực hiện phát triển đảng viên vùng dân tộc, khắc phục tình trạng cơ sở không có tổ chức chính trị.

Thực hiện nội dung này ở CHDCND Lào nói chung và ở các tỉnh miền Bắc nước Lào nói riêng đã thực hiện theo Chỉ thị bổ sung số 13/TTg năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Bản và cụm Bản phát triển.

Chỉ thị số 14/BBT năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức thực hiện công tác xây dựng chính trị cơ sở. Chỉ thị số 01/TTg, năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng tỉnh thành đơn vị chiến lược, huyện thành đơn vị kế hoạch ngân sách và Bản thành đơn vị tổ chức thực hiện (gọi là chương trình 3 xây). Chỉ thị số 03/BCT, năm 2011 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về việc xây dựng Bản thành đơn vị phát triển, xây dựng bản lớn thành thị trấn ở nông thôn.

Nội dung trên lĩnh vực chính trị của các chỉ thị trên được tập trung vào việc nâng cao giáo dục ý thức chính trị, tư tưởng; củng cố, nâng cao vai trò hệ thống chính trị ở cơ sở trong lãnh đạo, quản lý, thực hiện trách nhiệm vụ của mình nhằm phát huy tốt tiềm năng thế mạnh của người dân các dân tộc ở từng địa phương.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Lịch sử: Thực hiện chính sách dân tộc ở các tỉnh miền Bắc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hiện nay (Trang 39 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)