CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.3. Giả thuyết nghiên cứu và mô hình nghiên cứu
3.3.1. Khái niệm và giả thuyết nghiên cứu
Trên cơ sở nhận diện các nhân tố bên trong ảnh hưởng đến minh bạch TTKT (mục 2.4), phần này tập trung làm rõ các khái niệm và phân tích chi tiết sự ảnh hưởng của từng nhân tố bên trong đơn vị đến minh bạch TTKT để đưa ra các giả thuyết nghiên cứu.
(1) Sự hỗ trợ của nhà lãnh đạo
Theo lý thuyết đại diện, lý thuyết thông tin bất cân xứng, lý thuyết tín hiệu các nhà quản lý công có quyền quyết định việc sử dụng NSNN để cung cấp dịch vụ công cho xã hội nhưng họ lại không có lợi ích tương tự như người trực tiếp hưởng các dịch vụ công. Để giảm thiểu mâu thuẫn về lợi ích giữa người chủ và người đại diện, nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm chứng minh họ đã hành động đúng trách nhiệm (Fama và Jensen, 1983; Jensen và Meckling, 1976;
Fama, 1980). Trên nền tảng của lý thuyết tín hiệu, BCKT là một công cụ hữu ích để thông báo về các hành động của các nhà lãnh đạo công đến các đối tượng có liên quan (Mack và Ryan, 2006; Peters, 2007). Trên nền tảng lý thuyết minh bạch, các nhà lãnh đạo công được khuyến khích công bố TTKT minh bạch và tự nguyện như là một cơ chế để các đối tượng có liên quan có thể giám sát hành động của họ (Rodríguez Bolívar và cộng sự, 2013).
Nhà lãnh đạo là một khái niệm rộng và được định nghĩa cụ thể tùy theo từng hướng tiếp cận khác nhau. Theo lý thuyết HTTTKT, lý thuyết ngẫu nhiên, lý thuyết thể chế, nhà lãnh đạo có tác động đáng kể đến việc thực hiện và phát triển HTTTKT của đơn vị và kết quả này cũng được khẳng định trong nhiều nghiên cứu trước (ví dụ: Hussein và cộng sự, 2005; Laudon và Laudon, 2005; McLeod và Schell, 2007, Salehi và Abdipour, 2011). Theo hướng nghiên cứu này, khái niệm nhà lãnh đạo được các nhà nghiên cứu tiếp cận tập trung vào sự hỗ trợ của nhà lãnh đạo để có thể cung cấp được TTKT minh bạch (ví dụ Komala 2012, Ingbaria và Al, 1997;
Lerwongsatien và Wongpinunwatana, 2003; Senyal và Abdul Rahman, 2003; Ken Huang, 2008; Hussein và cộng sự, 2005; Thong và cộng sự, 2008; Thong và Yap, 1995). Sự hỗ trợ
được thể hiện qua sự tham gia của nhà lãnh đạo vào quá trình xây dựng các chiến lược và tổ chức thực hiện HTTTKT (Jarvenpaa và Ives, 1991; Igbaria và cộng sự 1996, Komala, 2012).
Ngoài ra, để tổ chức thực hiện HTTTKT cần phải đầu tư nguồn lực lớn và mức độ ảnh hưởng trên phạm vi toàn đơn vị (Yap, 1989), nên cần phải có sự xét duyệt, đồng ý, và hỗ trợ của nhà lãnh đạo để đảm bảo đủ nguồn nhân lực và tài chính cần thiết triển khai HTTTKT. Sự hỗ trợ của nhà lãnh đạo là một trong những nhân tố quan trọng quyết định mức độ thành công khi phát triển và tổ chức thực hiện HTTTKT (Komala, 2012).
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo là người hiểu rõ nhất về hoạt động của đơn vị (Thong và cộng sự, 1995), biết rõ những TTKT nào cần cho quá trình ra quyết định của đơn vị (Ismail, 2009), và quyết định thông tin nào sẽ cung cấp cho các đối tượng bên ngoài vì họ có khả năng chi phối việc lựa chọn các thông tin sẽ công bố. Trên cơ sở đó, nhà lãnh đạo sẽ biết được sự cần thiết của việc xây dựng một HTTTKT phù hợp với chiến lược và mục tiêu hoạt động của đơn vị mình (Javenpa và Ives, 1991). Khi nhà lãnh đạo có sự am hiểu về HTTTKT (như kiến thức về kế toán, quản lý, cơ sở dữ liệu, và ứng dụng CNTT), họ sẽ có cách thức tổ chức, điều hành phù hợp để hệ thống hoạt động hiệu quả (Laudon và Laudon, 2005; Ismail, 2007). Đồng thời, nhà quản lý cấp cao cũng sẽ là người trực tiếp tham gia vào việc ban hành các chính sách liên quan đến hệ thống kiểm soát nội bộ trong HTTTKT nhằm đảm bảo TTKT đạt chất lượng, nếu nhà quản lý có sự hiểu biết về kế toán thì các chính sách ban hành sẽ khả thi hơn (Đậu Thị Kim Thoa và cộng sự, 2015).
Để thực hiện tốt vai trò của quản lý một đơn vị, nhà quản lý không chỉ đơn thuần thực hiện công việc quản lý mà còn phải là một nhà quản lý uy tín (Hoffman và Frost, 2006; Simpson, 2007). Khi hành vi của nhà quản lý quá khác so với mong đợi của nhân viên, hậu quả không mong muốn có thể xảy ra và làm suy yếu hiệu quả làm việc của các cá nhân trong đơn vị đó (Subramaniam và cộng sự, 2010). Marques (2010) chỉ ra một số đặc điểm cần hội tụ trong một nhà quản lý ngày nay như đạo đức, liêm chính, trung thực và tin tưởng, có tầm nhìn, tôn trọng, niềm đam mê, cam kết, chính trực, sự tha thứ, lòng dũng cảm, tình yêu, truyền cảm hứng, và chấp nhận thay đổi. Danh tiếng của các nhà lãnh đạo cũng ảnh hưởng rất lớn đến mức độ trách nhiệm giải trình về các quyết định và hành động của họ (Hall và cộng sự, 2004). Do đó, để đạt được minh bạch trong tổ chức khu vực công, Aziz và cộng sự (2015) đã chỉ ra rằng cần tập trung phát triển các đặc điểm của nhà lãnh đạo phải đạt được.
Nghiên cứu của Ismail (2009) cũng khẳng định nhà quản lý cấp cao tác động đáng kể đến chất lượng HTTTKT thể hiện qua: Mức độ hỗ trợ của nhà quản lý; Khuyến khích sự tham gia và phát triển thái độ tích cực của nhân viên đối với việc sử dụng HTTTKT; Đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện HTTTKT; và trình độ hiểu biết về HTTTKT và kế toán.
Với đặc thù của đơn vị SNCL tại Việt Nam, thủ trưởng đơn vị chính là nhà lãnh đạo, là người có quyền quyết định và chịu trách nhiệm cao nhất các vấn đề liên quan hoạt động của đơn vị. Quyền và trách nhiệm của nhà lãnh đạo đơn vị được quy định khá rõ trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Cụ thể, Luật kế toán số 88/2015/QH13, điều 50 quy định “thủ trưởng đơn vị có quyền và chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán; tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác kế toán ở đơn vị theo quy định, chịu trách nhiệm trực tiếp về hậu quả của những sai phạm do mà mình gây ra, chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai phạm do người khác gây ra nhưng thuộc trách nhiệm quản lý của mình; và tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị”. “Thủ trưởng đơn vị công còn phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách theo dự toán được giao, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách” (Luật NSNN, 2015, điều 61). Điều 54 của Luật phòng, chống tham nhũng cũng quy định: “người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách”.
Qua phân tích các nghiên cứu lẫn thực tiễn cho thấy vai trò quan trọng của nhà lãnh đạo đối với minh bạch TTKT của đơn vị SNCL. Từ đó, giả thuyết thứ nhất được đặt ra:
H1: Sự hỗ trợ của nhà lãnh đạo có tác động tích cực đến minh bạch TTKT của đơn vị SNCL tại Việt Nam.
(2) Sự am hiểu của nhân viên kế toán
Chất lượng và giá trị của nhân viên kế toán có vai trò quyết định trong quản lý tài chính công đối với sự phát triển đất nước, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển (United Nations, 1991). Theo lý thuyết HTTTKT, lý thuyết ngẫu nhiên, lý thuyết thể chế, kế toán là đối tượng trực tiếp tham gia vào quá trình vận hành HTTTKT để tạo ra TTKT. Nếu nguồn nhân lực không đủ phẩm chất và năng lực phụ trách vị trí kế toán, kết quả chắc chắn là TTKT kém chất lượng (Okpala, 2012). Okpala (2012) khẳng định để đạt được minh bạch và trách nhiệm giải trình ở các quốc gia đang phát triển thì kế toán chuyên nghiệp là điều kiện tiên quyết.
Trong đó, để tổ chức thực hiện hệ thống kế toán thành công thì không thể thiếu vắng vai trò của kế toán trưởng (Ismail, 2007, 2009). Kế toán trưởng cũng được xem là một thành viên của ban lãnh đạo, chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tổ chức, điều hành lĩnh vực kế toán (Komala, 2012) và “hỗ trợ ban lãnh đạo trong việc lập kế hoạch và kiểm soát các hoạt động tài chính của đơn vị” (Đậu Thị Kim Thoa và cộng sự, 2015). Để thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm này, kế toán trưởng thường được nghiên cứu thông qua sự hiểu biết về chuyên môn và kinh nghiệm về kế toán, HTTTKT, và năng lực quản lý (Jarvepaa và Ives, 1991; Ang và cộng sự, 2001; Mcleod và Shell, 2007; Laudon và Laudon, 2005; Noor Azizi, 2009, Komala, 2012). Khi kế toán trưởng
hội tụ các tiêu chuẩn này sẽ có quan điểm tích cực, có xu hướng tiên phong, và tham gia phát triển HTTTKT kết hợp với CNTT để có thể cung cấp TTKT tốt nhất theo các yêu cầu sử dụng (Jarvenpaa và Ives, 1991). Dựa trên các nghiên cứu này cho thấy khái niệm về kế toán trưởng được đề cập theo hướng sự am hiểu của kế toán trưởng.
Đối tượng không kém phần quan trọng trong tổ chức, thực hiện HTTTKT là kế toán viên.
Tương tự như kế toán trưởng, khái niệm về kế toán viên cũng được thể hiện qua sự am hiểu của kế toán viên về kiến thức chuyên môn của kế toán viên (Anderson và cộng sự, 1995; Ahire và cộng sự, 1996; Black và Porter, 1996). Bởi vì họ chịu trách nhiệm chính trong việc thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu, và lập các BCKT, do đó sự am hiểu về chuyên môn kế toán là yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi kế toán viên (Nguyễn Bích Liên, 2012). Các sai sót trong quá trình thực hiện công tác kế toán sẽ giảm đáng kể khi kế toán viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đặc biệt là khi thực hiện các bút toán kế toán ước tính phụ thuộc vào sự xét đoán của kế toán. Ngày nay vai trò của kế toán không chỉ dừng lại ở việc ghi chép và lập BCKT mà tập trung vào việc phân tích dữ liệu hỗ trợ nhà lãnh đạo đơn vị ra các quyết định có liên quan.
Đầu tư thích hợp cho nhân viên kế toán qua đào tạo, huấn luyện, cập nhật kiến thức là một trong những cách thức nâng cao chất lượng TTKT. Việc thiếu đào tạo và cập nhật kiến thức sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến chất lượng thông tin (Anderson và cộng sự, 1995; Ahire và cộng sự, 1996; Black và Porter, 1996). Đơn vị với những chính sách phát triển nhân lực hợp lý sẽ giúp nâng cao sự hợp tác, lòng trung thành, và sự thỏa mãn của nhân viên.
Thêm vào đó, nhà quản lý phát huy giá trị đạo đức, cung cấp tầm nhìn rõ ràng, nhiệm vụ, và thái độ tích cực đến nhân viên của mình có thể thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các nhân viên trong khu vực công (Aziz và cộng sự, 2015). Xuất phát từ kết quả nghiên cứu của Aziz và cộng sự (2015) giúp nhận diện và đặt ra giả thuyết của 02 mối quan hệ về vai trò của nhà quản lý đối với nhân viên. Trước hết là nhà lãnh đạo đơn vị tác động đến kế toán trưởng và thứ hai là kế toán trưởng tác động đến kế toán viên vì theo Komala (2012) kế toán trưởng cũng là một thành viên của ban quản lý với phạm vi quản lý trực tiếp là bộ máy kế toán của đơn vị.
Qua những nhận định về vai trò của nhân viên kế toán đối với minh bạch TTKT ở trên, nhân tố nhân viên kế toán được tách thành 02 nhân tố thành phần đó là kế toán trưởng và kế toán viên. Kế toán trưởng và kế toán viên được tiếp cận theo hướng sự am hiểu chuyên môn. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trước cho thấy người quản lý cũng có tác động đến nhân viên của họ.
Từ đây các giả thuyết được đặt ra như sau:
H2a: Sự am hiểu của kế toán trưởng tác động tích cực đến minh bạch TTKT của đơn vị SNCL tại Việt Nam.
H2b: Sự am hiểu của kế toán viên tác động tích cực đến minh bạch TTKT của đơn vị SNCL tại Việt Nam.
H3: Sự am hiểu của nhà lãnh đạo tác động tích cực đến sự am hiểu của kế toán trưởng trong đơn vị SNCL tại Việt Nam.
H4: Sự am hiểu của kế toán trưởng tác động tích cực đến sự am hiểu của kế toán viên trong đơn vị SNCL tại Việt Nam.
(3) Cơ sở hạ tầng kế toán
Phần cứng: là các thiết bị được sử dụng để xử lý thông tin và lưu trữ dữ liệu, chẳng hạn như máy tính, máy in, máy Fax, bàn phím, màn hình máy tính. Đặc biệt, hệ thống máy tính có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp xử lý kế toán nhanh chóng và chính xác hơn, từ đó có thể cung cấp thông tin kế toán được kịp thời hơn (Đậu Thị Kim Thoa và cộng sự, 2015).
Phần mềm: Phần mềm là một bộ các chương trình được kết hợp với phần cứng để xử lý dữ liệu (Wisna, 2015). Việc ứng dụng phần mềm vào trong công tác kế toán giúp nâng cao khả năng thu thập, xử lý, lưu trữ dữ liệu hiệu quả hơn, và điều này sẽ làm cho TTKT có chất lượng hơn (Xu, 2003). Thêm vào đó, áp dụng CNTT làm gia tăng đáng kể khả năng và năng lực làm việc của kế toán trong việc xử lý thông tin (Xu, 2003). Theo Anita và cộng sự (1999) thực hiện công tác kế toán trên phần mềm có nhiều ưu điểm so với kế toán thủ công, cụ thể là: (1) Các sai sót được giảm thiểu; (2) hệ thống kế toán hoạt động hiệu quả hơn vì tránh được sự trùng lắp giữa các phần hành kế toán khác nhau do việc chia sẻ dữ liệu/ thông tin kém; (3) Tiết kiệm được chi phí vì hạn chế việc sử dụng giấy tờ trong hệ thống kế toán.
Mỗi đơn vị tùy thuộc vào năng lực tài chính, nguồn nhân lực, quy mô, đặc điểm hoạt động…sẽ tổ chức HTTTKT một cách thủ công, hay kết hợp máy tính và áp dụng PMKT ở những mức độ khác nhau (Đậu Thị Kim Thoa và cộng sự, 2015). Việc trang bị phần cứng và phần mềm phù hợp sẽ hỗ trợ HTTTKT hoạt động hiệu quả và kết quả là tạo ra TTKT chất lượng (Nicolau, 2000; Fitrios, 2016).
Công nghệ truyền thông: là một hệ thống kết nối cho phép chia sẻ dữ liệu giữa các máy tính, chẳng hạn như Wifi, mạng Wan, Intranet … (Wisna, 2015). Hệ thống mạng, điển hình như Internet rất cần thiết và hữu ích cho việc lưu chuyển thông tin giữa các bộ phận trong một tổ chức. Khi HTTTKT có mức độ tích hợp thông tin cao hơn với các hệ thống khác trong tổ chức sẽ tạo ra được thông tin đầu ra có chất lượng hơn (Sacer và Oluic’, 2006). Krzykowski (2012) cũng khẳng định, một trong những nhân tố hỗ trợ các chính sách minh bạch đó là sự kết hợp của máy tính và Internet.
Trên nền tảng của lý thuyết thể chế và lý thuyết ngẫu nhiên, những nhân tố thuộc cơ sở hạ tầng kế toán này chính là những nội lực của đơn vị quyết định sự thay đổi trong việc tổ chức
HTTTKT của đơn vị để tạo ra TTKT chất lượng và công bố TTKT sẵn có đến các đối tượng sử dụng (Nogueira và Jorge, 2016; Xu và cộng sự, 2003; Abdallah, 2013; Rodríguez Bolívar và cộng sự, 2013).
Từ những phân tích này khẳng định mức độ đáp ứng của các thiết bị phần cứng, phần mềm và công nghệ truyền thông giữ vai trò quan trọng đối với minh bạch TTKT. Trên cơ sở đó các giả thuyết được đặt ra như sau:
H5a: Mức độ đáp ứng của thiết bị phần cứng có tác động tích cực đến minh bạch TTKT của đơn vị SNCL tại Việt Nam.
H5b: Mức độ đáp ứng của phần mềm có tác động tích cực đến minh bạch TTKT của đơn vị SNCL tại Việt Nam.
H5c: Mức độ đáp ứng của công nghệ truyền thông có tác động tích cực đến minh bạch TTKT của đơn vị SNCL tại Việt Nam.
(4) Đặc điểm văn hoá tổ chức của đơn vị
Văn hóa của một tổ chức là một trong những nhân tố chủ chốt tạo nên sự khác biệt giữa các tổ chức và mang lại lợi thế cạnh tranh cho mỗi tổ chức. Nó có sức mạnh vô hình điều khiển mọi thành viên trong tổ chức hành động cùng hướng đến mục tiêu chung (Sari, 2017). Barney (1986), Joyce và cộng sự (1982), và Lund (2003) cũng khẳng định sự hiểu biết về văn hoá tổ chức được xem là một trong những cách thức quan trọng nhất định hình hành vi của nhân viên để có thể mang lại hiệu quả cao nhất của tổ chức.
Định nghĩa về văn hoá tổ chức vẫn đang là một chủ đề được tranh luận rộng rãi hiện nay.
Các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau đã đưa ra nhiều quan điểm văn hoá tổ chức khác nhau (Schein, 1983; Panagiotis và cộng sự, 2014). Theo Sari (2017), văn hoá tổ chức thể hiện các quy chuẩn và giá trị của môi trường làm việc trong một tổ chức. Nó cũng được xem là các giả định (Assumptions) được hình thành trong một tổ chức để giải quyết các vấn đề phát sinh bên trong cũng như bên ngoài và được phổ biến đến toàn thể các thành viên trong tổ chức (Schein, 2010). Văn hóa có khi được thể hiện thông qua việc trao đổi kiến thức trong giao tiếp, hoặc đơn giản chỉ là quan sát để hình thành thái độ và hành vi của nhân viên (Nusa, 2015).
Trong khi đó, Chaffey (2011) cho rằng văn hoá tổ chức là một khái niệm bao gồm các giá trị (values), các nguyên tắc bất thành văn (unwritten rules) và các giả định (Assumptions) được chia sẻ trong tổ chức. Schermerhorn và cộng sự (2012) cũng định nghĩa tương tự, văn hoá tổ chức là hệ thống các hành động chia sẻ (actions), giá trị (values), và niềm tin (beliefs) phát triển và hướng dẫn hành vi của các thành viên trong một tổ chức. Hay nó là các giá trị (values), nguyên tắc (principles), truyền thống (traditions), và cách thức giải quyết vấn đề đã ảnh hưởng đến hành động của các thành viên tổ chức (Robbins và Coulter, 2007). Văn hoá tổ chức là các