CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.4. Phương pháp nghiên cứu
3.4.2. Nghiên cứu định tính
3.4.2.1. Nghiên cứu định tính – Điều chỉnh mô hình nghiên cứu đề xuất
Như đã trình bày, do hiện nay các nhân tố bên trong đơn vị tác động đến minh bạch TTKT của đơn vị công trên thế giới nói chung được xác định một cách đơn lẻ, chưa có mô hình nghiên cứu nào tập hợp đầy đủ các nhân tố bên trong đơn vị. Còn đối với Việt Nam hướng nghiên cứu này vẫn còn rất khan hiếm. Trong khi đó, đặc điểm hoạt động của đơn vị SNCL tại Việt Nam có nhiều đặc điểm đặc thù. Do đó, sau khi thực hiện tổng quan cơ sở lý thuyết kết hợp với phân tích đặc điểm đặc thù của đơn vị SNCL tại Việt Nam để nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến minh bạch TTKT của các đơn vị này cần thiết phải thực hiện thu thập ý kiến chuyên gia để đảm bảo có những nhận đúng về các nhân tố tác động thực sự. Trên cơ sở này, tác giả kết hợp cơ sở lý thuyết với kết quả nghiên cứu định tính để điều chỉnh, bổ sung mô hình nghiên cứu. Mục đích chính của bước nghiên cứu này là để trả lời cho ba câu hỏi: (1) Các nhân tố tác động quan trọng có được nhận diện trong mô hình đề xuất không?; (2) Mối quan hệ giữa các nhân tố trong mô hình có phù hợp không?; và (3) Chiều tác động giữa các nhân tố có phù hợp không?
v Đối tượng thu thập dữ liệu và mẫu nghiên cứu
Mục tiêu chính của việc bước nghiên cứu này là xác nhận các nhân tố ảnh hưởng đến minh bạch TTKT nên đối tượng phỏng vấn phải là những người có kiến thức chuyên sâu, am hiểu về kế toán khu vực công để có thể tối đa hóa sự hiểu biết về các vấn đề nghiên cứu (Bavik, 2016).
Xu (2003) và Xu và cộng sự (2003) khi nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng TTKT dựa trên nghiên cứu của Strong và cộng sự (1997), Wang (1998) xác định 05 đối tượng chuyên gia tham gia các tình huống nghiên cứu gồm: người tạo lập thông tin (kế toán trưởng,
kế toán viên, giám đốc tài chính); người thiết kế, phát triển, và vận hành HTTTKT (quản lý IT); người sử dụng thông tin (ban quản lý cấp cao, người sử dụng thông tin khác có liên quan);
người quản lý dữ liệu; và người giám sát chất lượng TTKT (kiểm toán nội bộ). Dựa trên cơ sở này, tác giả sẽ mời ban quản lý cấp cao của đơn vị (trưởng, phó đơn vị), kế toán trưởng, kế toán viên đang làm việc tại các đơn vị SNCL để thu thập ý kiến chuyên gia. Lý do nghiên cứu này chỉ lựa chọn một số đối tượng chuyên gia vì các dự án nghiên cứu chỉ cần thực hiện với một nhóm nhỏ các đối tượng nghiên cứu, việc chọn mẫu nghiên cứu định tính được xác định chọn mẫu lý thuyết - các phần tử của mẫu chỉ cần thỏa mãn một số đặc tính của đám đông nghiên cứu (Coyne, 1997).
Các đối tượng tham gia phỏng vấn sâu đang công tác tại trường đại học, trường tiểu học, trung tâm cấp cứu, tổ chức nghề nghiệp, trung tâm văn hóa, bệnh viện. Việc lựa chọn các chuyên gia đang công tác tại các đơn vị SNCL hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm thu thập tối đa sự hiểu biết về vấn đề nghiên cứu cũng như xác định xem mô hình đề xuất có thể áp dụng trên nhiều loại tổ chức và ngành nghề khác nhau hay không (Onwuegbuzie và Leech, 2007; Nguyen, 2014). Cũng nói thêm rằng, việc lựa chọn mẫu có đến 2 đối tượng hoạt động trong ngành giáo dục là do ngành giáo dục chiếm tỷ lệ trên 60% trong tổng số các ngành và 02 trường học được lựa chọn này có quy mô hoạt động rất khác nhau. Trường tiểu học hoạt động chủ yếu do NSNN cấp còn trường đại học đã tự chủ hoàn toàn.
Theo Evangelista và Hau (2009) những chuyên gia chỉ cần có ít nhất 2 năm kinh nghiệm, tuy nhiên để đảm bảo họ có kiến thức đầy đủ về các vấn đề nghiên cứu, tác giả đã lựa chọn đối tượng phỏng vấn có từ 05 năm kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức hiện tại. Phạm vi nghiên cứu thực hiện tại TP.HCM và Bình Dương. Lý do của việc chọn mẫu ở hai khu vực này nhằm khắc phục các hạn chế về ngân sách và thời gian, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện. Tiếp cận các chuyên gia dựa vào khả năng có thể tiếp cận và sự sẵn sàng tham gia vào nghiên cứu của các chuyên gia. Cỡ mẫu trong nghiên cứu định tính được xác định theo phương pháp điểm bão hòa (Nguyễn Đình Thọ, 2012), tuy nhiên cỡ mẫu lý tưởng nên nằm trong phạm vi từ 6 - 12 theo đề xuất của Carter và Henderson (2005), Guest, Bunce và Johnson (2006). Vì vậy nghiên cứu này lựa chọn cỡ mẫu cho các cuộc phỏng vấn sâu là 06 và số lượng mẫu này đã đạt đến điểm bão hoà. Danh sách chuyên gia tham gia nghiên cứu định tính - điều chỉnh mô hình nghiên cứu trình bày ở phụ lục 4 trang 21PL.
v Phương pháp thu thập dữ liệu
Trong nghiên cứu định tính có 03 công cụ thông dụng để thu thập dữ liệu gồm: thảo luận tay đôi (in-depth interviews), thảo luận nhóm (focus group), và quan sát (observations) (Nguyễn Đình Thọ, 2012). Vì mục tiêu nghiên cứu là nghiên cứu các nhân tố bên trong đơn vị ảnh hưởng
đến minh bạch TTKT nên thảo luận sâu sẽ giúp nhận diện được các nhân tố tác động và khám phá được lý do vì sao lại có những lựa chọn đó theo cảm nhận của các đối tượng nghiên cứu nên phương pháp thảo luận sẽ phù hợp hơn so với phương pháp quan sát. Hai phương pháp thảo luận tay đôi và thảo luận nhóm đều được sử dụng trong nghiên cứu này.
Bốn cuộc phỏng vấn sâu được tổ chức với 06 chuyên gia, trong đó có 01 thảo luận nhóm và 03 thảo luận tay đôi. Phương pháp thảo luận nhóm mang lại nhiều ưu điểm trong quá trình thu thập dữ liệu vì thông qua thảo luận nhóm giúp kích thích đào sâu nhiều dữ liệu. Tuy nhiên, do:
(1) vị trí xã hội và nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu nên việc mời họ tham gia thảo luận nhóm rất khó (Krueger và Casey, 2009; Morgan, 1988); (2) kỹ thuật thảo luận nhóm tốn kém thời gian và chi phí hơn so với thảo luận tay đôi (Adams và Cox, 2008) nên với sự nỗ lực tối đa tác giả chỉ có thể thực hiện được 01 cuộc thảo luận nhóm.
v Công cụ thu thập dữ liệu
Các cuộc phỏng vấn sâu với chuyên gia được thực hiện thông một bảng dàn bài thảo luận với các câu hỏi bán cấu trúc theo đề xuất của Creswell (2009). Việc sử dụng phỏng vấn bán cấu trúc khuyến khích người cung cấp thông tin thể hiện quan điểm của họ mà không bị hạn chế bởi một tập hợp các câu hỏi có giới hạn trong cuộc phỏng vấn có cấu trúc (Nguyen, 2014). Dàn bài thảo luận gồm có 03 phần: (1) Phần A – Thông tin chung: thu thập thông tin cá nhân của đối tượng phỏng vấn nhằm và gạn lọc đúng đối tượng cần nghiên cứu. phần gạn lọc đóng vai trò đặc biệt quan trọng cho thành công của nghiên cứu và đã được xác định trước khi thảo luận (MRSA, 1994); (2) Phần B – Nội dung thảo luận gồm 03 nội dung chính: (I) mục tiêu phỏng vấn – nhằm giới thiệu mục tiêu của phỏng vấn chuyên gia; (II) Cách thức phỏng vấn – trình bày cách thức phỏng vấn chuyên gia của tác giả; (III) Nội dung phỏng vấn gồm các nội dung chính là giới thiệu cho đối tượng tham gia phỏng vấn biết được mục tiêu của cuộc phỏng vấn;
các tiêu chí đo lường minh bạch TTKT của nghiên cứu này; và các câu hỏi thảo luận tập trung vào các nhân tố ảnh hưởng đến minh bạch TTKT được nhận diện từ lý thuyết. Nội dung của các câu hỏi này trước hết tập trung thảo luận các nhân tố và các mối quan hệ giữa các nhân tố được nhận diện từ lý thuyết. Trong nội dung phỏng vấn còn có các câu hỏi gợi mở nhằm gợi ý cho chuyên gia nhận diện câu trả lời cũng như giúp khẳng định lại sự ảnh hưởng này có xuất hiện tại đơn vị tương tự như nhận định của lý thuyết không. Các câu hỏi gợi mở này dựa trên các nhận định ủng hộ các nhân tố được rút ra từ tổng kết lý thuyết. Sau đó, trong quá trình thảo luận nếu xác định thêm ý kiến mới bổ sung hoặc sẽ hỏi thêm các chuyên gia còn nhân tố nào và mối quan hệ nào quan trọng trong mô hình nghiên cứu còn bỏ sót, nếu có sẽ tiếp tục thảo luận thêm các nhân tố mới đó. Trong quá trình thảo luận, thứ tự và chi tiết các câu hỏi có thể được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh. Sau khi hoàn thành bước nhận diện các nhân tố, tác
giả sẽ tiến hành thảo luận với một số chuyên gia về thang đo của các khái niệm nghiên cứu (nội dung bước điều chỉnh thang đo sẽ được trình bày cụ thể tại mục 3.4.2.2). Dàn bài thảo luận chuyên gia được trình bày tại phụ lục 05 trang 21PL.
Các cuộc thảo luận sâu được tiến hành tại địa điểm an toàn, thuận lợi cho các chuyên gia cũng như đảm bảo sự yên tĩnh và mức độ tập trung cho cuộc phỏng vấn để có thể thu thập được kết quả cao nhất như văn phòng làm việc của chuyên gia, quán cafe yên tĩnh. Các cuộc phỏng vấn được tác giả trực tiếp thực hiện với các chuyên gia. Các cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 01 giờ. Thông tin được ghi âm lại (khi được sự đồng ý của chuyên gia).
v Phân tích dữ liệu và kết quả nghiên cứu Quy trình phân tích dữ liệu
Quá trình thu thập dữ liệu và phân tích dữ liệu trong nghiên cứu định tính không tách rời nhau mà có sự tương tác qua lại với nhau (Nguyễn Đình Thọ, 2012). Quá trình phân tích dữ liệu bao gồm các bước sau:
- Dữ liệu thu thập được phân tích ngay sau mỗi cuộc phỏng vấn. Dữ liệu ghi âm được chuyển qua bản giấy, sau đó sắp xếp, phân loại, và phân tích các nội dung theo kết quả nghiên cứu lý thuyết.
- Kết quả mỗi cuộc phỏng vấn sẽ được so sánh với mô hình nghiên cứu đề xuất và kết quả của cuộc phỏng vấn sau sẽ phải so sánh với kết quả của cuộc phỏng vấn trước.
- Sau khi hoàn tất các cuộc thảo luận sẽ lập một bảng tổng hợp và đưa ra kết luận chung về những thay đổi (nếu có) của mô hình nghiên cứu đề xuất so với kết quả phỏng vấn chuyên gia. Từ đó, một mô hình nghiên cứu chính thức được thiết lập sẽ được kiểm định trong giai đoạn nghiên cứu định lượng.
Kết quả thu thập ý kiến chuyên gia điều chỉnh mô hình nghiên cứu đề xuất được trình bày trong chương 4 (mục 4.2.1).